VnReview
Hà Nội

"Kim tự tháp" nhận thức Bloom là gì? Vì sao công cụ này sẽ giúp bạn học nhanh hơn? (Kỳ 1)?

Là sinh viên đại học, người đi làm muốn nâng cao trình độ hay đơn giản là một người thích học hỏi, bạn có biết những cách thức đúng đắn để xử lý khối lượng thông tin khổng lồ từ các bài giảng ở trường lẫn bài học trong cuộc sống? Cách đây hơn sáu mươi năm, một nhà tâm lý giáo dục người Mỹ đã công bố một thang đo các mục tiêu học tập giúp chúng ta hiểu rõ quá trình học để học nhanh hơn và tốt hơn.

Mời bạn đọc VnReview.vn đến với loạt bài hai phần về thang đo Bloom và ứng dụng của thang đo này trong học tập. Loạt bài lược dịch từ bài viết của tác giả Martin Luenendonk, đồng sáng lập Cleverism, một trang tin việc làm nổi tiếng thế giới có trụ sở tại Đức.

Học sâu nhớ lâu ở mọi nơi để việc học mỗi ngày là một niềm vui

Não có đói kiến thức giống như dạ dày đói thức ăn?

5 cách tự nhiên giúp cải thiện trí nhớ và tư duy nhận thức

10 kỹ năng "ước gì" chúng ta được dạy ở trường học ...

Phần 1: Thang đo Bloom gốc và thang đo Bloom phổ biến hiện nay

(Ảnh: More than English)

Bạn có bao giờ tự hỏi mình những điều này chưa:

Con người chúng ta đã học tập và sử dụng kiến thức để tiến bộ trong cuộc sống như thế nào?

Nền tảng cho kiến thức của chúng ta là gì? Bộ não của chúng ta sẽ trải qua những bước nào để làm được mọi thứ mà chúng ta học ở trường lẫn cuộc sống nói chung?

Cách đây 60 năm, có một nhà tâm lý giáo dục nổi tiếng người Mỹ đã làm việc với các nhà tâm lý khác để trả lời được hai câu hỏi trên. Kết quả là cuốn sách mang tên Taxonomy of Educational Objectives (Thang đo các mục tiêu giáo dục) được xuất bản với mục đích giúp các giáo viên lẫn học sinh học nhanh hơn.

Cuốn sách này là một hướng dẫn cho giáo viên biết cách quản lý quá trình học tập ở học sinh để họ vừa có thể nhớ những gì đã học vừa hiểu trọn vẹn chủ đề đang học và cả sản xuất ra sản phẩm của chính mình sau khi học.

Tất cả những điều này nghe có vẻ khó mà hình dung được, kể cả đối với tôi (tác giả Martin Luenendonk) khi tôi vào đại học. Bởi vì lúc đó tôi không biết chính xác làm cách nào để xử lý khối lượng thông tin khổng lồ được "rót" vào đầu tôi trong mỗi bài giảng để tự mình tạo ra một cái gì đó của riêng mình. Nhưng sau khi tìm hiểu thang đo Bloom, tôi nhanh chóng nắm được những việc cần làm với các thông tin mình phải ghi nhớ và biến chúng thành lợi thế của mình.

Học tập là gì?

Trước khi đi vào thang đo Bloom, đầu tiên chúng ta phải thảo luận xem học tập là gì, từ đó chúng ta có thể hiểu được cách dùng thang đo này để học nhanh hơn.

Toàn bộ kinh nghiệm của chúng ta là kết quả của việc học - khả năng nói, hiểu các khái niệm, sử dụng kiến thức khác nhau, kỹ năng và quan điểm, các vai trò xã hội của chúng ta…

(Ảnh: 21 things 4 teachers)

Theo tác giả Martin Luenendonk trên Cleverism, theo định nghĩa, học tập là một sự thay đổi đặc biệt và vĩnh viễn một cách tương đối trong nhân cách của chúng ta, có thể biểu hiện qua hành vi và là một kết quả của hoạt động trước đó.

Học tập có đặc điểm thích ứng, nghĩa là nó mở rộng "kho" hoạt động tinh vi đã có sẵn của chúng ta, những cái vượt lên trên các hành vi mặc định như bản năng và phản xạ.

Giờ đây, sau khi đã giải thích ngắn gọn học tập là gì, chúng ta có thể đào sâu vào thang đo Bloom để tìm hiểu cách thức ông ấy xem xét quá trình học tập. Đó cũng là những gì mà chúng ta có thể thay đổi trong cách học để nắm bắt kiến thức đúng đắn về thế giới.

Benjamin Bloom là ai?

Benjamin Bloom (1913-1999) là một nhà tâm lý người Mỹ có nhiều ảnh hưởng đến lý thuyết về học tập thành thạo (mastery learning) và đóng góp vào việc phân loại các mục tiêu giáo dục, như đã nêu ở phần giới thiệu.

Bloom là một nhà tâm lý giáo dục theo đường lối mới, người đã mở đường cho những hiểu biết về cách chúng ta học mọi thứ, những gì diễn ra trong trí óc khi chúng ta học và cả những phương pháp mà giáo viên lẫn học sinh đều có thể sử dụng để đạt kết quả tốt hơn.

(Ảnh: Slideshare)

Làm việc với các nhà tâm lý khác như Max Englehart, Edward Furst, Walter Hill, David Krathwohl, năm 1956, Bloom đã xuất bản một cuốn sách đột phá mang tên Thang đo các mục tiêu giáo dục (Taxonomy of Educational Objectives) mà ngày nay nổi tiếng với tên gọi Thang đo Bloom (Bloom's Taxonomy).

Và đó là cách mà thang đo Bloom đã ra đời.

Tuy nhiên, vì sao phiên bản gốc lại không được dùng nhiều như phiên bản cải tiến?

Chủ yếu là vì cuốn sách của Bloom đã có 60 năm tuổi đời, và từ đó đến nay đã có nhiều nghiên cứu về đề tài giáo dục được thực hiện.

Đó là lý do vì sao các nhà tâm lý nghiên cứu đề tài này muốn áp dụng mọi thứ chúng ta học trong thang đo Bloom mà không thay đổi khái niệm ban đầu, và chúng ta nên biết ơn họ và Bloom đã trao cho chúng ta sản phẩm hoàn chỉnh này.

Thang đo Bloom cổ điển

Trong cuốn sách trên, Bloom trình bày sáu nhóm mục tiêu chính và mỗi nhóm có một mục tiêu phụ. Điều quan trọng cần nhớ là các nhóm mục tiêu chính vì các mục tiêu đi từ cụ thể đến trừu tượng.

Các nhóm mục tiêu chính sẽ được giải thích trong danh sách dưới đây:

- Kiến thức (Knowledge): Bloom muốn nói tới sự ghi nhớ các chủ đề phổ biến và đặc biệt, các phương pháp, quá trình, và sự ghi nhớ các mô hình, cấu trúc, bối cảnh.

- Lĩnh hội (Comprehension): Hiểu và sử dụng các tài liệu, ý tưởng đã học để biết rõ những gì đang nói với người khác mà không cần liên hệ chúng với các chủ đề, tài liệu khác hay sử dụng các dẫn chứng khác.

- Ứng dụng (Application): sử dụng các khái quát hóa trong những tình huống đặc biệt và cụ thể.

- Phân tích (Analysis): phân tích thông điệp thành các yếu tố then chốt để các ý tưởng, khái niệm rõ ràng hơn, dễ hiểu hơn, tường minh hơn mà không xa rời chủ đề ban đầu.

- Tổng hợp (Synthesis): thu thập các yếu tố và ý tưởng then chốt để hình thành cái tổng quát.

- Đánh giá (Evaluate): Đưa ra các đánh giá về giá trị của tài liệu, phương pháp được dùng cho một mục đích cho trước.

Thang đo Bloom cải tiến hiện nay

Thang đo Bloom mà chúng ta biết ngày nay đã được một nhóm nhà tâm lý cải tiến thành phiên bản mới hơn và công bố năm 2001. Trong phiên bản này, người ta đã tạo ra "kim tự tháp" thang đo Bloom nổi tiếng.

Bạn có thắc mắc vì sao chúng ta lại dùng phiên bản cải tiến này?

Chủ yếu là vì trong phiên bản mới, các ý tưởng ban đầu của Bloom trở nên dễ hiểu và dễ sử dụng hơn. Phiên bản mới đã trở thành một minh họa kinh điển đến mức mọi người có xu hướng nghĩ rằng đó chính là khái niệm ban đầu của Bloom!


 

Thang đo Bloom gốc năm 1956 bên cạnh phiên bản cải tiến năm 2001 (Ảnh: Azizeh Chalak)

Phiên bản mới đã soi sáng ý tưởng của Bloom về cách học nhanh hơn, dễ dàng hơn mà ngày nay được nhiểu giáo viên và giáo sư trên toàn thế giới sử dụng.

Phiên bản mới có ích cho cả học sinh lẫn giáo viên, và nếu bạn phác họa lại, bạn sẽ thấy nó không đi quá xa khỏi các ý định ban đầu của Bloom.

Phiên bản mới vẫn giữ các nhóm mục tiêu cơ bản mà Bloom đã trình bày, nhưng mở rộng thêm lý thuyết và minh họa cả 4 loại kiến thức mà chúng ta sẽ quay lại ở phần hai.

Bây giờ, hãy tập trung vào những điểm chính trong thang đo Bloom cải tiến.

1. Ghi nhớ (Remembering)

Ghi nhớ là đáy của kim tự tháp và là cái Bloom nhắc đến khi nói về kiến thức.

Cấp độ này minh họa cách chúng ta nhớ các ý tưởng, hình dạng, tài liệu, cấu trúc... then chốt và những cái nào là các quá trình được thực hiện trong trí óc của chúng ta khi chúng ta cố gắng nhớ tất cả những điều đó.

Có một số động từ được dùng để miêu tả ý nghĩa của mỗi cấp độ trong góc độ thang đo Bloom (theo nghĩa đen của từ) và chúng ta sẽ làm điều này trong mỗi nhóm mục tiêu.

Ghi nhớ có nghĩa là: sao chép (copy), định nghĩa (define), tìm ra (find), xác định (locate), trích dẫn (quote), lắng nghe (listen), lặp lại (repeat), khôi phục lại (retrieve), phác thảo (outline), làm nổi bật (highlight), nhớ (memorize), kết nối (network), tìm tòi nghiên cứu (search), xác định (identify), chọn lựa (select), sắp xếp theo bảng (tabulate), tạo bảng sao (duplicate), tìm cái phù hợp (match), đánh dấu (bookmark) và chèn ký tự đặc biệt đầu dòng (bullet point).

Biết được điều này, nếu là một giáo viên, bạn cần giúp học sinh học tất cả những thủ thuật trên để các em có cách ghi nhớ đề tài bạn trình bày tốt hơn, và đó cũng là nhiệm vụ của học sinh: cố gắng áp dụng những phương pháp này trong việc học của mình để nắm bắt được kiến thức chính xác về đề tài cần học.

Thang đo Bloom cải tiến và các động từ ở từng cấp độ học tập (Ảnh: Rawia Inaim)

2. Hiểu (Understanding)

Cấp độ thứ hai của kim tự tháp là thấu hiểu (understanding), tương tự như khái niệm lĩnh hội (comprehension) của Bloom.

Cấp độ này giải thích cách mà học sinh có thể nắm bắt kiến thức đã học và thật sự hiểu được toàn bộ đề tài, đầu tiên là phải nhớ được đề tài đang học là gì, tiếp đến là các yếu tố then chốt nào đã tạo ra nó.

Hiểu có nghĩa là: chú giải (annotate), liên tưởng (associate), gắn nhãn ghi chú (tag), tóm tắt (summarize), liên hệ (relate), phân loại (categorize), diễn tả theo cách khác (paraphrase), dự đoán (predict), so sánh (compare), đối chiếu (contrast), bình luận (comment), viết nhật ký (journal), diễn giải (interprete), nhóm lại (group), suy luận (infer), ước lượng (estimate), mở rộng (extend); thu thập (gather), cho ví dụ (exemplify) và diễn tả (express).

Nhiệm vụ của giáo viên là cố gắng giải thích một khái niệm mới cho học sinh bằng cách đưa ra các ví dụ và đào sâu vào ý nghĩa thật sự của khái niệm trước khi đi tới cách dùng thực tiễn của nó. Thiếu định nghĩa về khái niệm, học sinh sẽ có khuynh hướng sử dụng các từ đã học mà không hiểu rõ nội hàm thật sự của khái niệm đó.

3. Áp dụng (Applying)

Áp dụng là cấp độ thứ ba của thang đo Bloom mới, có cùng ý nghĩa với khái niệm ban đầu của Bloom là học sinh cần áp dụng kiến thức của mình vào những tình huống thực tế để diễn tả được kiến thức về đề tài.

Các động từ có ý nghĩa áp dụng: diễn tả, biểu lộ (act out), nói rõ ràng (articulate), tái hiện (re-enact), lựa chọn (choose), xác định (determine), trình bày (display), xét đoán, đánh giá (judge), thực hành (execute), khảo sát (examine), thực hiện (implement), mô tả khái quát (sketch), thử nghiệm (experiment), tìm ra cách làm (hack), phỏng vấn (interview), vẽ (paint), chuẩn bị (prepare), chơi (play), kết hợp (integrate), thuyết trình (present), vẽ sơ đồ (chart).

4. Phân tích (Analyzing)

Một lần nữa, cấp độ phân tích trong thang đo Bloom mới cũng giống như khái niệm ban đầu của Bloom nhưng có một định nghĩa rộng hơn.

Về cơ bản, nó có nghĩa là học sinh cần có khả năng phân tích và hiểu được ý nghĩa thật sự của các khái niệm liên quan trong đề tài với sự giúp đỡ hoặc không có sự giúp đỡ của giáo viên.

Bạn hãy hình dung cấp độ này giống như việc giáo viên hạ cánh khỏi bánh xe đào tạo, để học sinh hình dung mọi thứ bằng suy nghĩ của mình mà không có sự can thiệp của giáo viên, nhưng như thường lệ, công việc của giáo viên vẫn là dẫn dắt học sinh đi đúng đường.

Các động từ có ý nghĩa phân tích: tính toán (calculate), phân loại (categorize), chia nhỏ ra (break down), nghiền ngẫm (mash), vẽ sơ đồ tư duy (mind-map), tổ chức (organize), đánh giá (appraise), quảng cáo (advertise), phân chia (divide), phân biệt (distinguish), minh họa (illustrate), tạo cấu trúc (structure), đặt câu hỏi (question), kết hợp (integrate), quy cho (attribute), ước tính (estimate), giải thích (explain).

Phân tích là cấp độ quan trọng nhất của thang đo vì hai lý do:

Đây là viên gạch nền tảng của toàn bộ quá trình học hỏi và là sự suy nghĩ bằng cái đầu của bạn.

Kiến thức mà bạn biết tốt đến mức nào nếu bạn chỉ học nó từ một nguồn nào đó, không chịu dừng lại và suy nghĩ liệu nó có thật sự đúng hay không?

5. Đánh giá (Evaluating)

Chúng ta biết rằng đánh giá là nhóm cuối cùng trong khái niệm của Bloom, nhưng trong phiên bản cải tiến, đánh giá là cấp độ thứ năm của kiến thức và điều này có lý do của nó.

Cấp độ cuối trong ý tưởng ban đầu của Bloom là giải thích - các quá trình diễn ra trong trí óc của chúng ta khi trí óc bắt gặp các thông tin mới và cách trí óc sử dụng thông tin.

Nhưng phiên bản Bloom cải tiến có thêm một nhóm mục tiêu mới mà chúng tôi sẽ giải thích ở mục tiếp theo. Lúc này, hãy xem đánh giá có nghĩa là gì.

Các động từ ở cấp độ đánh giá: tranh luận (argue), xác nhận (validate), kiểm tra (test), đánh giá (assess), phê bình (criticize), bình luận (comment), tranh cãi (debate), bảo vệ (defend), phát hiện (detect), thử nghiệm (experiment), xếp hạng (grade), đặt giả thuyết (hypothesize), đo lường (measure), điều chỉnh (moderate), đăng tải (post), dự báo (predict), xếp hạng (rate), phản ánh (reflect), xem lại (review), viết bài bình luận trên báo (editorialize).

Ngược lại với phân tích, đánh giá là một công cụ mạnh mẽ được dùng để phân biệt các thành phần nào của đề tài đang học quan trọng và cần hiểu rõ hơn các phần khác. Điều này giúp học sinh hiểu rõ hơn cách xử lý lượng thông tin khổng lồ và cách truy xuất thông tin mà họ cần.

6. Sáng tạo (Creating)

Cấp độ thứ sáu và cũng là cấp độ cuối cùng của việc học. Cấp độ này không có trong ý tưởng của Bloom nhưng thang đo Bloom cải tiến đã đưa ra bằng chứng đột phá là, kiến thức đã học được thể hiện tốt nhất bằng sự sáng tạo một tác phẩm tự làm, ví dụ như một bài luận, bài viết, hay luận văn tiến sĩ.

Sáng tạo có nghĩa là: viết blog (blog), xây dựng (build), làm cho sống động (animate), đáp ứng (adapt), cộng tác (collaborate), sáng tác (compose), định hướng (direct), sáng chế (devise), thu âm (podcast), viết (write), quay phim (film), lập trình (program), giả lập (simulate), đóng vai (role-play), giải quyết (solve), phối hợp (mix), làm cho dễ dàng (facilitate), tìm ra cách (manage), đàm phán (negotiate), lãnh đạo (lead).

Đây có thể là câu trả lời cho thắc mắc thường gặp nhất của các học sinh - vì sao chúng ta cần phải làm các bài thi viết?

Bởi vì, khi bạn không xem một bài thi là một phương pháp tra tấn mà là một cách thức để bạn, là một học sinh, viết ra một câu trả lời sáng tạo cho những câu hỏi trong bài thi hay một phương pháp thậm chí chưa từng gặp trước đây trong môn học cũng theo cách thức đó, chúng tôi chắc chắn là, bạn sẽ tự hào rằng, mình đã tiến bộ nhiều như thế nào.

Thang đo Bloom có ích gì cho việc giảng dạy của giáo viên, việc học của học sinh và giúp chúng ta giải quyết vấn đề của học tập nói chung ngày hôm nay như thế nào? Những câu hỏi này sẽ được giải đáp trong phần 2, mời bạn đọc đón xem.;

Linh Trần theo Cleverism

Chủ đề khác