VnReview
Hà Nội

"Kim tự tháp" nhận thức Bloom là gì? Vì sao công cụ này sẽ giúp bạn học nhanh hơn? (kỳ 2)

Bloom là một thang đo các mục tiêu giáo dục được sử dụng phổ biến trên thế giới gồm 6 cấp độ nhận thức: ghi nhớ, thấu hiểu, áp dụng, phân tích, đánh giá, sáng tạo. Bloom ban đầu là sản phẩm của một nhóm các nhà tâm lý giáo dục do Benjamin Bloom đứng đầu công bố năm 1956, sau đó được chỉnh sửa vào năm 2001. Thang đo Bloom có ý nghĩa gì với người học, người dạy và giúp chúng ta khắc phục các nhược điểm của cách dạy học truyền thống như thế nào?

Mời bạn đọc VnReview đến với phần hai, cũng là phần cuối của loạt bài hai phần về thang đo nhận thức Bloom:

"Kim tự tháp" nhận thức Bloom là gì? Vì sao công cụ này sẽ giúp bạn học nhanh hơn? (Kỳ 1)?

Học sâu nhớ lâu ở mọi nơi để việc học mỗi ngày là một niềm vui

5 cách tự nhiên giúp cải thiện trí nhớ và tư duy nhận thức

10 kỹ năng "ước gì" chúng ta được dạy ở trường học ...

Phần 2: Thang đo kiến thức, ứng dụng thang đo Bloom trong dạy và học

(Ảnh: St.Emlyn's)

Loạt bài tổng hợp từ Cleverism, ThoughtCo và các nguồn liên quan.

Các kỹ năng tư duy bậc thấp và cao

Theo ThoughtCo, Bloom là một khung tham chiếu được thừa nhận rộng rãi mà trong đó giáo viên sẽ dẫn dắt sinh viên đi hết quá trình học tập nhận thức. Nói cách khác, Bloom có thể được giáo viên sử dụng để tập trung vào các kỹ năng tư duy bậc cao.

Chúng ta có thể xem Bloom là một kim tự tháp từ thấp đến cao, bắt đầu từ các câu hỏi gợi nhớ kiến thức đơn giản ở đáy tháp: ghi nhớ, thấu hiểu, áp dụng. Dựa trên nền tảng đó, giáo viên sẽ giao cho học sinh các câu hỏi ngày càng khó hơn để kiểm tra mức độ hiểu biết của học sinh về một tài liệu cho sẵn.

Các câu hỏi ở đáy tháp (ghi nhớ, thấu hiểu, áp dụng) được xếp vào nhóm câu hỏi đánh giá kỹ năng tư duy bậc thấp (lower-ordered thinking skills-LOTS). Các câu hỏi ở ba cấp trên đỉnh tháp (phân tích, đánh giá, sáng tạo) được gọi là các câu hỏi tư duy bậc cao (higher-ordered thinking-HOTS) hay tư duy phê phán (critical thinking). Các câu hỏi dạng này giúp học sinh phát triển tư duy ở mọi cấp độ, cải thiện sự chú ý chi tiết, gia tăng các kỹ năng thấu hiểu và giải quyết vấn đề.

(Ảnh: IN School)

Ví dụ một số câu hỏi theo 6 cấp độ của thang đo Bloom khi dạy học sinh thực hành đọc hiểu một câu chuyện. Đây là các câu hỏi của tác giả Lesley Dodd trong cuốn Learning to think, thinking to learn (Học để nghĩ, nghĩ để học) năm 2004.

- Nhớ:

Câu chuyện xảy ra ở đâu? Câu chuyện xảy ra khi nào? Ai là nhân vật chính?

- Hiểu:

Điều gì xảy ra trong câu chuyện? Điều này có nghĩa là gì? Phần nào trong truyện miêu tả bối cảnh? Từ/cụm từ nào diễn tả điều này?

- Áp dụng:

Bạn có thể nghĩ tới một truyện khác cùng chủ đề (ví dụ cái thiện thắng cái ác, kẻ yếu người mạnh, người khôn và ngu)?

- Phân tích:

Bạn có thể lý giải vì sao? Bạn có đồng ý với ý kiến của tác giả?

- Đánh giá:

Điều gì khiến câu chuyện thành công? Bạn bảo vệ ý kiến của mình bằng những dẫn chứng nào?

- Sáng tạo:

Bạn có thể nghĩ tới một kết thúc khác?

Thang đo kiến thức

Thang đo Bloom cải tiến được công bố trong cuốn Taxonomy for learning, teaching and assessing: A revision of Bloom's Taxonomy of Educational Objectives (Thang đo cho học tập, giảng dạy và đánh giá: Xem xét lại thang đo các mục tiêu giáo dục của Bloom) xuất bản năm 2000. Trong cuốn sách này, ngoài thang đo Bloom cải tiến thì các tác giả Anderson, Krathwohl và Airasian cũng trình bày một thang đo quan trọng gắn liền với nó là thang đo kiến thức (knowledge taxonomy).

Thang đo kiến thức được dùng để biểu diễn các loại kiến thức khác nhau mà một học sinh có thể có và cũng là một công cụ định hướng cho giáo viên để họ biết nên kỳ vọng điều gì khi họ tiếp xúc với các học sinh có một số môn học chậm hơn những người khác nhưng hoàn hảo trong các môn học khác.

Thang đo kiến thức theo nhóm Bloom và Anderson gồm 4 loại kiến thức theo chiều hướng từ cụ thể đến trừu tượng:;

- Kiến thức thực tế (factual knowledge) - Loại kiến ​​thức này dựa trên kiến ​​thức về thuật ngữ, các chi tiết và yếu tố cụ thể.

- Kiến thức khái niệm (conceptual knowledge) - Kiến ​​thức về các bảng phân loại và danh mục, các nguyên tắc, khái quát hóa và các lý thuyết, các mô hình và cấu trúc.

- Kiến thức quá trình (procedural knowledge) - Đó là kiến ​​thức về các kỹ năng và thuật toán theo chủ đề cụ thể, các kỹ thuật, phương pháp và tiêu chí xác định việc áp dụng các quy trình phù hợp.

- Kiến thức siêu nhận thức (metacognitive knowledge) - bao gồm kiến ​​thức chiến lược, kiến ​​thức về các nhiệm vụ nhận thức (kiến thức bối cảnh và điều kiện phù hợp) và kiến ​​thức về bản thân.

Minh họa bốn loại kiến thức (Ảnh: International Institute of Islamic Thought)

Điều thực sự tuyệt vời về thang đo kiến ​​thức này là, bằng cách kết hợp các loại kiến ​​thức với các cấp độ kiến ​​thức từ phân loại của Bloom, bạn sẽ có được một bức tranh chân thật về cách kết nối hai phân loại này, và chúng cũng giúp bạn giải thích các quá trình và hoạt động liên kết với một mục tiêu nhất định trong giáo dục.

Ví dụ: nếu bạn kết hợp ghi nhớ với kiến ​​thức về thủ tục, bạn sẽ nhớ lại cách thực hiện hồi sức tim phổi. Hoặc nếu bạn kết hợp sự thấu hiểu với kiến ​​thức thực tế, bạn sẽ tóm tắt được các đặc điểm của sản phẩm mới (ảnh dưới).

Mô hình kết hợp hai thang đo bốn loại kiến thức và sáu cấp độ nhận thức của Bloom (Ảnh: Iowa State University)

Điều này khá hữu ích khi giáo viên muốn lập kế hoạch chương trình giảng dạy, kể cả khi kế hoạch của bạn là giao cho các nhóm học sinh làm dự án. Vì vậy, hãy ghi nhớ điều này nếu bạn là một giáo viên đang đọc bài này.

Hồi sức tim phổi (CPR) là kỹ thuật cứu sinh để phục hồi lượng máu giàu oxy lên não trong những tình huống cấp cứu người bị đau tim, điện giật, đuối nước mà nạn nhân ngừng thở hoặc tim ngừng đập.

Thang đo Bloom được dùng để làm gì?

Chúng tôi đã trình bày những điều cơ bản về thang đo Bloom. Giờ là lúc xem xét cách áp dụng nó vào việc học của bạn nếu bạn là học sinh và chương trình bài học nếu bạn là giáo viên để đạt kết quả tốt hơn.

Vấn đề không nằm ở chỗ đạt được các thứ hạng tốt mà quan trọng hơn là giúp học sinh học nhanh hơn và dễ dàng hơn nhiều việc đơn thuần nhồi nhét thông tin vào não chúng.

Điều quan trọng là giáo viên phải đưa ra các mục tiêu để học sinh hoàn thành khi chúng học bài mới mỗi hai tuần hoặc ít nhất là như thế, từ đó học sinh sẽ liên tục tham gia vào chủ đề, ngăn chúng khỏi quên các khái niệm quan trọng.

Thang đo Bloom có ​​thể được dùng để:

- Tạo các đánh giá - nó có thể được sử dụng để viết báo cáo về kiến ​​thức của học sinh để xem chúng đã tiến bộ như thế nào trong việc hiểu và học một môn học nào đó.

- Soạn giáo án (hay kế hoạch bài học, lesson plan) - giáo viên cũng có thể sử dụng thang đo Bloom để biên soạn giáo án sẽ dạy theo trình tự các bước nhằm giới thiệu cho học sinh các khái niệm cơ bản và sau đó trình bày cho các em các ví dụ trừu tượng.

- Đánh giá các bài tập - giáo viên cần biết cách trình bày các bài tập mà học sinh phải hoàn thành và giao cho các em các nhiệm vụ phức tạp để xem xét cấp độ kiến​​ thức hiện tại của chúng.

- Thiết kế chương trình giảng dạy (curriculum design) – thang đo Bloom cũng có thể được sử dụng để thiết kế một bản đồ chương trình giảng dạy cho cả học sinh và giáo viên để biết cách tổ chức các bài học cùng với trình tự giới thiệu các khái niệm, cái nào trước và sau.

- Học tập theo dự án (project-based learning) - thang đo Bloom cũng là một cách hay để giao cho học sinh các dự án và sử dụng tất cả những động từ mà chúng tôi mô tả ở phần 1. Chúng sẽ là hướng dẫn cho học sinh khi các em hoàn thành dự án. Ví dụ, là giáo viên, bạn có thể giao cho một hoặc một nhóm học sinh làm khảo sát về một chủ đề nhất định và yêu cầu các em hoàn thành dự án bằng các phương pháp từ thang đo Bloom.

- Tự đánh giá - thang đo Bloom cũng có ích cho học sinh để xem mình đang đứng ở đâu trong một chủ đề nhất định. Với các em, điều quan trọng là hiểu những gì mình có thể làm để đạt kết quả tốt hơn.

Học tập vui vẻ và dễ dàng

Bây giờ chúng tôi (tác giả Martin Luenendonk trên Cleverism) sẽ dùng thang đo Bloom để soi sáng vào chính bản thân việc học. Chúng tôi ghét phải nói điều này với bạn, nhưng rõ ràng không phải tất cả học sinh đều thích học và tìm thấy niềm vui trong việc học.

Có một số học sinh thực sự ghét bất cứ điều gì có liên quan đến trường học hoặc đại học hoặc bất kỳ loại suy nghĩ khó khăn nào.

Tuy nhiên, đây là nơi mà thang đo Bloom được đặt đúng chỗ vì nó sẽ phân tích quá trình học thành các nhóm mà chúng ta đã thảo luận trong phần 1, và chắc chắn thang đo sẽ tạo cho những học sinh nói trên một số động lực để cố gắng nhiều hơn và làm hết sức mình.

Bên cạnh đó, học tập sẽ vui vẻ khi bạn tìm ra nội dung một môn học nào đó bao gồm những gì, và khi bạn thực hiện được tất cả các cấp độ kiến ​​thức của kim tự tháp Bloom thì bất kỳ học sinh nào cũng sẽ thấy môn học dễ dàng hơn trước đây, ít nhất là như thế.

Một cái hay là thang đo Bloom có ​​thể được sử dụng cho bất kỳ môn học nào, từ học một ngôn ngữ mới, học lịch sử cho đến cả tìm hiểu khoa học tên lửa.

Minh họa thang đo Bloom, các kỹ năng nhận thức trong việc học ngoại ngữ (Ảnh: Pinterest)

Thang đo có thể được thực hiện theo cách mà học sinh có được niềm vui học tập trong thực tế.

Có được niềm vui trong học tập là điều thật sự quan trọng bởi vì chúng ta liên kết kiến ​​thức với cảm xúc, nghĩa là nếu một chủ đề có thể khơi dậy niềm vui thì chúng ta sẽ hiểu các khái niệm của nó tốt hơn và sẽ thích học nó.

Ví dụ, tôi ghét học tiếng Đức và nói thật thì tôi vẫn ghét nó nhưng khi tôi nghe về phân loại Bloom, tôi nhận ra những gì tôi cần làm để học tiếng Đức tốt hơn và tôi không thể chối bỏ rằng Bloom đã thực sự có ích cho tôi.

Vấn đề của việc học hôm nay và thang đo Bloom sẽ khắc phục nó như thế nào?

Như bạn thấy đấy, chúng ta cần hiểu rằng, giáo dục truyền thống buộc học sinh phải học các môn được giáo viên trình bày mà không có bất kỳ suy nghĩ nỗ lực nào về lý do tại sao chúng phải học những môn học đó, chưa nói đến việc cho phép chúng suy nghĩ ra ngoài khuôn khổ (think outside the box).

Sự thay đổi nhờ thang đo Bloom là mối liên hệ tổng thể giữa giáo viên và học sinh của mình, bởi vì nhờ sử dụng thang đo, cả hai đều có thể theo dõi tiến trình mà học sinh đang thực hiện và thang đo cũng cung cấp cho giáo viên các công cụ thiết yếu để hiểu được học sinh đang đứng ở cấp độ nào khi nói tới hiểu biết về môn học đó.

Người ta thường than thở là, ngay cả một sinh viên có bằng đại học cũng không có vẻ nắm bắt được kiến ​​thức mà anh ta học được ở trường đại học. Và vì lý do đó, thang đo Bloom nên được sử dụng ở mọi trường học và trường đại học.

Dưới đây là một clip vui nhộn minh họa các mức độ tư duy trong thang đo Bloom được thể hiện trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng Toy Story (Câu chuyện đồ chơi):

Clip vui về thang đo Bloom trong phim hoạt hình Toy Story

Chúng tôi biết rằng mọi người đều có phương pháp học tập riêng, nhưng vấn đề không nằm ở chỗ đó mà là việc chúng ta nên dùng thang Bloom để hiểu những gì mình biết và không biết về một chủ đề nhất định, và dĩ nhiên là cả những cách thức lưu giữ lại hầu hết kiến ​​thức để hiểu tất cả các khái niệm của chủ đề đó một cách trọn vẹn.

Bằng cách sử dụng thang đo, bạn không chỉ học nhanh hơn mà còn biết rằng, cách kiến ​​thức được xử lý trong não sẽ giúp bạn hiểu các khái niệm nhanh hơn, tiết kiệm thời gian hơn mỗi khi nhớ lại những gì bạn đã biết.

Lời cuối

Chúng tôi hy vọng rằng bài viết này hữu ích cho cả giáo viên và học sinh muốn có năng suất cao hơn và học nhanh hơn bằng cách không làm cho việc học khó hơn cần thiết và cũng để tiến tới giai đoạn phát triển mà học sinh có thể hiểu được cả các khái niệm phức tạp một cách dễ dàng.

Đã đến lúc các giáo viên ghi chép và thực hiện thang đo này khi họ lên kế hoạch chương trình giảng dạy. Điều này sẽ có ích không chỉ cho giáo viên (bởi vì giáo viên sẽ tiết kiệm thời gian phải lên kế hoạch hàng năm) mà còn có ích cho cả học sinh bởi vì các em sẽ thấy thứ hạng của mình tốt hơn ngay trước mắt mình.

Linh Trần (Tổng hợp)

Chủ đề khác