VnReview
Hà Nội

Vaccine Covid-19 đầu tiên thế giới của Nga có đủ an toàn?

Tổng thống Nga Putin vừa thông báo chính thức cấp phép sử dụng vaccine chống virus corona từ ngày thứ ba (11/8). Đây được cho là loại vaccine "đầu tiên trên thế giới" tuy nhiên độ an toàn và hiệu quả của loại vaccine này vẫn còn nhiều nghi ngờ.

Trên đài truyền hình quốc gia Nga, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố "Một loại vaccine chống lại virus corona đầu tiên trên thế giới đã được đăng ký vào sáng hôm nay. Tôi biết rằng nó hoạt động hiệu quả và tạo ra hệ miễn dịch ổn định".

Putin còn cho biết thêm rằng con gái của ông cũng đã được tiêm vaccine này. Sau khi tiêm con gái Putin có sốt nhẹ, nhưng "bây giờ đã khỏe".

Loại vaccine mới có tên Sputnik-V được phát triển bởi Viện Gamaleya tại Moscow, vaccine này được đặt tên theo vệ tinh đầu tiên của Liên Xô được phóng vào vũ trụ năm 1957. Hiện loại vaccine này chưa được thử nghiệm ở giai đoạn 3, là giai đoạn thử nghiệm trên hàng nghìn người.

Trong bối cảnh hiện nay, tuyên bố của Putin đã khích lệ toàn cầu dù vẫn có nhiều ý kiến cho rằng Nga đã rút ngắn quy trình phát triển vaccine mới.

Những ý kiến đối lập cho rằng việc phát triển vaccine phải chịu áp lực chính trị từ điện Kremlin và nó được cho là để tạo dựng hình ảnh Nga như một lực lượng khoa học toàn cầu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo về vaccine mới hôm 11/8 (Ảnh: CNN)

Đến nay, Nga vẫn chưa công bố bất cứ dữ liệu khoa học nào về quá trình thử nghiệm vaccine mới. Vì vậy CNN vẫn chưa thể khẳng định độ an toàn và hiệu quả của vaccine này.

Dù vậy, Nga cho biết đã có ít nhất 20 nước và một số công ty Mỹ đã ngỏ ý mua loại vaccine này.

Người đứng đầu Quỹ đầu tư RDIF, quỹ cấp vốn nghiên cứu vaccine, Kirill Dmitriev cho biết họ đã nhận được vốn đầu tư từ những quốc gia khác để sản xuất hơn 1 tỉ liều vaccine mới.

"Chúng tôi đã nhận được sự quan tâm lớn từ các nước trong việc phát triển vaccine. Hơn nữa, chúng tôi cũng nhận được đơn đặt hàng từ 20 nước với hơn 1 tỉ liều vaccine", Diltriev cho biết.

"Cùng với những đối tác nước ngoài, chúng tôi chuẩn bị sản xuất hơn 500 triệu liều vaccine mỗi năm tại 5 nước và sẽ tiếp tục tăng năng suất cao hơn nữa. Đến nay, các nước tại Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Á đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến vaccine mới và chúng tôi đang hoàn tất một số hợp đồng mua bán vaccine".

Dmitriev cho biết giai đoạn thử nghiệm 3 cho vaccine mới sẽ được tiến hành tại Nga và một số nước khác, bắt đầu từ thứ 4 (12/8).

"Chúng tôi đã đạt những thỏa thuận liên quan việc thử nghiệm vaccine mới của Viện Gamaleya với các đối tác ở nước ngoài, gồm UAE, Ả Rập Saudi và nhiều quốc gia khác", ông cho biết.

Lo ngại về độ an toàn

Vaccine Sputnik-V do Viện Gamaleya sản xuất gồm hai thành phần (Ảnh: CNN)

Tháng 4 vừa qua, Nga đã thông qua một luật mới cho phép bỏ qua yêu cầu bắt buộc tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 trước khi cấp phép. Đạo luật mới này cho phép các nhà nghiên cứu rút ngắn quá trình phát triển vaccine.

Các chuyên gia đã bày tỏ quan ngại đối với Nga về vấn đề rút ngắn quy trình này.

"Hiện những thông tin liên quan vaccine của Nga vẫn chưa rõ ràng", Michael Head, nghiên cứu viên cao cấp về sức khỏe toàn cầu tại Đại học Southampton (Anh), cho biết.

"Điều quan trọng là khi bất kỳ loại vaccine nào được công bố rộng rãi cần phải có những thông tin rõ ràng về mức độ hiệu quả cũng như tác dụng phụ nếu có. Và đến nay, vaccine của Nga không có bất cứ thông tin nào về những vấn đề trên. Do đó, cộng đồng y tế toàn cầu cần phải xem xét kỹ lưỡng".

Danny Altman, giáo sư ngành miễn dịch học tại ĐH Hoàng gia London cho biết ông quan ngại về việc tung ra vaccine trước khi được kiểm nghiệm đầy đủ.

Altmann cho biết "Những tiêu chí cần thiết được đề ra rất cao và chúng phải thỏa mãn đầy đủ sau khi tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3, rồi mới được cấp phép. Thiệt hại từ việc sử dụng một loại vaccine không an toàn và kém hiệu quả sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề. Tôi hi vọng các tiêu chí của vaccine đã được đáp ứng đủ. Tất cả chúng ta đều trong chờ vào nó".

Nga phủ nhận toàn bộ những lo ngại về độ an toàn của vaccine.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nga, Mikhail Murashko cho biết "Theo kết quả nghiên cứu, vaccine thể hiện độ an toàn và hiệu quả cao. Tất cả tình nguyện viên đều phát triển lượng kháng thể cao đối với Covid-19 và không ai gặp phải biến chứng nghiêm trọng từ việc tiêm chủng".

Những thử nghiệm khác vẫn đang được tiến hành

Nga chỉ là một trong nhiều nước tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19. Dịch bệnh này đã lây nhiễm cho hơn 20 triệu người và có hớn 730 nghìn người chết trên khắp thế giới.

Công ty công nghệ sinh học BIOCAD của Nga cũng đang tiến hành nghiên cứu một loại vaccine riêng (Ảnh: CNN)

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện đang có 25 loại vaccine khác đang trong giai đoạn đánh giá lâm sàng và 139 loại khác ở giai đoạn đánh giá tiền lâm sàng.

Hiện Mỹ cũng có 2 loại vaccine đang được tiến hành thử nghiệm ở giai đoạn 3. Một loại do Đại học Oxford và AstraZeneca phối hợp nghiên cứu phát triển và loại còn lại do công ty công nghệ sinh học Moderna và Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ nghiên cứu.

Tháng 6, chính phủ Trung Quốc cũng đã cấp phép sử dụng thử nghiệm vaccine virus corona trong quân đội nước này. Loại vaccine này có tên Ad5-nCoV được đồng phát triển bởi Viện Công nghệ Sinh học Bắc Kinh (thuộc Học viện Y khoa Quân đội) và công ty CanSino Biologics.

Các báo cáo kết quả nghiên cứu Ad5-nCoV được đăng tải trên tạp chí y khoa Lancet nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các chuyên gia.

Đầu tháng này, Nga cũng phủ nhận các cáo buộc nước này thực hiện các vụ gián điệp trên không gian mạng nhằm vào các viện nghiên cứu của Mỹ, Canada và Anh để đánh cắp bí mật phát triển vaccine.

Minh Bảo (Theo CNN)

Chủ đề khác