VnReview
Hà Nội

WHO: Mọi người không nên lo lắng việc SARS-CoV2 lây qua thực phẩm hoặc bao bì

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đưa ra thông tin trấn an mới nhất khẳng định, chưa có bằng chứng về việc virus SARS-CoV2 có thể lây lan qua bao bì và thực phẩm.

Thông tin trấn an mới nhất của WHO được đưa ra không lâu sau khi hai thành phố của Trung Quốc cho biết, họ tìm thấy dấu vết của virus SARS-CoV2 trên cánh gà đông lạnh nhập khẩu từ Brazil và bao bì đựng tôm đông lạnh của Ecuador.

Phân tích dữ liệu trước đây về giải trình tự gien cho thấy, chủng virus gây ra đợt bùng phát mới nhất tại chợ nông sản Tân Phát Địa ở Bắc Kinh có nguồn gốc từ châu Âu. Điều này làm dấy lên suy đoán virus có thể bám trên thực phẩm đông lạnh nhập khẩu và ẩn náu trong chuỗi cung ứng vài tháng trước khi tiếp xúc với nhân viên. Hay như Đức cũng chứng kiến các đợt bùng phát ở các lò giết mổ, nơi lưu trữ và vận chuyển thịt tới các nơi tiêu thụ.

Các chuyên gia Trung Quốc cho biết, virus nói chúng có thể tồn tại khá lâu trong một dây chuyền đông lạnh. Một số loại virus được biết đến có khả năng sống tới 20 năm ở nhiệt độ môi trường dưới -20 độ C.

Tuy nhiên theo xác nhận của WHO, chưa có bằng chứng khoa học xác nhận virus SARS-CoV2 có thể lây lan qua thực phẩm và bao bì. Do đó, WHO kêu gọi mọi người không nên hoang mang trước thông tin trên.

Người đứng đầu chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan phát biểu: "Mọi người không nên sợ thực phẩm hoặc các thực phẩm đóng gói, chế biến hoặc thực phẩm giao nhanh. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy, thực phẩm hoặc chuỗi thức ăn đang tham gia vào quá trình lây lan virus. Mọi người hãy yên tâm vì thực phẩm vẫn an toàn".

Nhà dịch tễ học của WHO Maria Van Kerkhove cho biết, Trung Quốc đã xét nghiệm hàng trăm ngàn gói hàng và chỉ có "rất ít" , khoảng dưới 10 gói có dấu vết của virus SARS-CoV2.

Tuy vậy cách tốt nhất là mỗi người cần chủ động ăn chín, uống sôi và rửa tay sau khi tiếp xúc với bao bì và thực phẩm để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người.

Bộ Nông nghiệp Brazil mới đây khẳng định, họ đang tìm cách làm rõ những phát hiện của Trung Quốc. Trong khi đó, Bộ trưởng Sản xuất của Ecuador, Ivan Ontaneda cho biết, nước này vẫn duy trì các quy định nghiêm ngặt và không chịu trách nhiệm về những gì xảy ra với hàng hóa sau khi rời khỏi nước họ.

WHO kêu gọi các quốc gia đã đạt được các thỏa thuận song phương về vắc-xin không nên từ bỏ các nỗ lực đa phương. Bởi lẽ nếu chỉ tiêm chủng cho một số khu vực trên thế giới, dịch bệnh sẽ khó có thể được kiểm soát hoàn toàn trên thế giới.

Mới đây, nước Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký nhãn hiệu vắc-xin Sputnik V đầu tiên sau chưa đầy 2 tháng thử nghiệm trên người.

Quyết định phê duyệt của Nga trước đó đã làm dấy lên lo ngại của một số chuyên gia. Họ cho rằng chỉ có khoảng 10% thử nghiệm lâm sàng thành công và một số nhà khoa học lo ngại Nga có thể đang chơi đùa với sự an toàn của tất cả người dân.

Cố vấn cấp cao của WHO Bruce Aylward cho biết, WHO không có đủ thông tin để đưa ra nhận định về việc sử dụng rộng rãi vắc xin của Nga.

Bên cạnh đó ông nhấn mạnh, phần lớn dân số trên thế giới có thể nhiễm Covid-19. Do đó tất cả mọi người đều phải chủ động chống dịch và bảo vệ bản thân. Tuy nhiên hiện nay đã có tình trạng chủ quan, dỡ bỏ quá sớm các biện pháp giãn cách xã hội, dẫn tới việc bùng phát các đợt dịch mới.

Theo thống kê, thế giới đã ghi nhận 21 triệu người nhiễm Covid-19 trên toàn cầu và hơn 760 ngàn người đã tử vong.

Mai Huyền theo Reuters

Chủ đề khác