VnReview
Hà Nội

Nhật Bản và cuộc "nội chiến" phát minh nồi cơm điện

Nồi cơm điện, thứ chúng ta vẫn dùng hàng ngày, là kết quả của cuộc "nội chiến" giữa các ông lớn công nghệ Nhật Bản.

Nấu cơm trên bếp lửa đôi lúc là điều không mấy dễ dàng. Thêm quá nhiều nước, bạn sẽ có ngay một nồi cháo. Canh giờ không chuẩn, nồi cơm của bạn sẽ sống nhăn răng. Nhưng với nhiều người, nấu cơm đơn giản chỉ là nhấn một nút bấm. Trong một video gây sốt gần đây, hài kịch gia người Malaysia là Nigel Ng đã có những phản ứng khá thú vị trước chương trình nấu ăn của BBC, trong đó có cảnh đầu bếp nấu cơm bằng chảo thay vì dùng nồi cơm điện. "Đệ nhị Thế chiến qua rồi, ứng dụng công nghệ đi chứ!" - anh thốt lên như vậy.

Nigel rõ ràng có lý do của mình. Nồi cơm điện là một phát minh của người Nhật, giúp quá trình nấu cơm đầy chán nản trở nên dễ dàng chỉ với vài bước đơn giản: lấy gạo - đong nước - nhấn nút. Những chiếc nồi cơm điện ngày nay dường như biết mọi thứ. Miễn là bạn cho nước và gạo vào theo đúng tỉ lệ, sai sót là điều gần như bất khả thi khi mà những cỗ máy nhỏ gọn này sẽ ngừng nấu chính xác vào thời điểm cơm vừa đủ ngon để thưởng thức. Nhưng chế tạo ra một chiếc nồi cơm điện không phải là điều dễ dàng. Trên thực tế, phải trải qua hàng thập kỷ dày công nghiên cứu, một vài trong số những tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ của Nhật Bản mới hoàn thiện được sản phẩm cực kỳ hữu dụng này.

Trong hàng thế kỷ, hầu hết người Nhật nấu cơm bằng kamado, hay một loại bếp lò phía trên đặt một cái nồi nặng bằng sắt. Quy trình nấu cực kỳ khó khăn. Theo chuyên gia ẩm thực Makiko Itoh, nếu cơm theo cách này đòi hỏi người nấu phải biết cách điều biến nhiệt: tăng cao lửa cho đến khi nước và gạo sôi lên, sau đó hạ lửa xuống, rồi lại tăng lên lần nữa. "Và làm điều đó với một chiếc lò củi là rất khó khăn". Mỗi ngày, phụ nữ Nhật phải dậy từ sớm và lao động vất vả suốt nhiều giờ đồng hồ để có được một nồi cơm hoàn chỉnh.;

Bếp kamado truyền thống của người Nhật

Itoh nói rằng nồi cơm điện xuất hiện lần đầu vào năm 1923, khi Mitsubishi Electric tung ra một mẫu nồi công nghiệp đơn giản. Vào những năm 1930, quân đội Nhật đã sử dụng loại nồi đa năng trên chiến trường. Nhưng phải nhiều năm sau đó, nồi cơm điện cho gia đình mới lộ diện và vẫn còn nhiều vướng mắc cần giải quyết. "Với gạo Nhật, bạn cần đợi cho một phần tinh bột gần như chuyển hoá thành đường để cơm có vị ngọt" - Itoh nói. Những ý tưởng khác được đưa ra bao gồm nồi có vân nhám, có khả năng tách hạt, và độ cao: tất cả đều khó thực hiện, theo lời Itoh. "Không có phương thức tự động nào làm được điều đó. Và người ta thì rất, rất kén chọn về chất lượng của nồi cơm nấu ra".

Trên thực tế, có một công ty rất nổi tiếng ở Nhật đã "vấp ngã" vì tạo ra loại nồi nấu cơm quá tệ. Vào năm 1945, trong khi nước Nhật lúc bấy giờ đang tái thiết sau chiến tranh, một kỹ sư tên Masaru Ibuka đã mở một cửa hiệu radio, chọn trụ sở đầu tiên của mình là một phòng chuyển mạch điện thoại bị bỏ hoang ở một cửa hàng tạp hoá vắng bóng người. Năm tiếp đó, Ibuka đã viết ra những từ mà sau này đã trở thành biểu tượng của công ty được chúng ta biết đến với tên gọi Sony từ năm 1958 trở đi: "Mục tiêu của tập đoàn: tạo nên một nơi làm việc lý tửng, tự do, năng động, tràn ngập niềm vui".

Dù tương lai sáng lạn, nhưng các kỹ sư của Ibuka vẫn là những người đang sống tại Nhật Bản thời hậu chiến. Lương họ nhận được khi sửa chữa radio thường bao gồm cả gạo thô. Điều đó dẫn đến phát minh đầu tiên của công ty đang lên này. Thay vì tạo ra một chiếc radio bóng bẩy, họ lại giới thiệu nồi cơm điện. Một sản phẩm vừa khéo léo, lại vừa thô sơ: những chiếc chậu gỗ xấu xí gắn thêm dây sợi đốt bằng nhôm.

Đó là một ý tưởng hay vào thời đó. Hầu hết các loại nhiên liệu vẫn khá đắt đỏ, nhưng điện thì ngược lại. Ibuka đã mua cả núi chậu gỗ để biến chúng thành nồi cơm điện, và một người bạn của ông thì cung cấp gạo mua từ chợ đen để phục vụ quá trình thử nghiệm.

Nhưng theo Ibuka, những thiết bị "khó tính" này sẽ không hoạt động hiệu quả trừ khi gạo có chất lượng tốt đồng đều. Gạo Iffy hấp thụ nước không đều, khiến đôi lúc cơm bị vón cục và khô, hoặc nhão và nát. "Tôi nhớ mình từng ngồi đó, trên tầng 3 của Shirokiya ngày qua ngày, nuốt đống cơm không thể ăn được" - Ibuka nhớ lại. Những chiếc chậu gỗ xếp thành chồng trong nhà kho khiến Ibuka tuyệt vọng với suy nghĩ không bao giờ làm ra được một thiết bị hoạt động tốt, và ông quay về với việc sửa radio. Dù Sony không bao giờ chế tạo nồi cơm điện lần nữa, bảo tàng của họ ở Shinagawa vẫn đang lưu giữ nguyên mẫu nồi cơm làm từ chậu gỗ nói trên.

Trong khi thiết bị của Sony chỉ xuất hiện chớp nhoáng trong lịch sử của nồi cơm điện, những tên tuổi lớn khác trên lĩnh vực điện tử Nhật Bản vẫn kiên trì theo đuổi ý tưởng này. Nhiều hãng từng tung ra những mẫu nồi cơm sử dụng điện nhưng đều phải được liên tục giám sát. Nói cách khác, chúng không phải nồi cơm tự động.

Cho đến khi một nhân viên bán hàng của Toshiba biến điều đó thành hiện thực. Trong những năm đầu thập niên 1950, Shogo Yamada đã đi khắp nước Nhật để quảng bá cho máy giặt điện tử của Toshiba. Trên đường đi, anh đã tham khảo những bà nội trợ về công việc mà họ cho là cực nhọc nhất. Câu trả lời, hẳn bạn cũng biết, là phải nấu cơm 3 lần mỗi ngày, mà tại một số khu vực tại Nhật Bản vẫn thực hiện bằng kamado. Khi một nhà sản xuất máy nước nóng tên Yoshitada Minami đến tìm anh để xin việc, Yamada đã chuyển giao dự án này cho Minami. Và bởi nấu cơm là việc của phụ nữ, Minami lại chuyển phần lớn công đoạn nghiên cứu cho vợ mình là Fumiko.

Theo Helen Macnaughtan, tác giả cuốn sách "Building up Steam as Consumers: Women, Rice Cookers and the Consumption of Everyday Household Goods in Japan", việc phát minh ra nồi cơm điện không được ưu tiên bởi các giám sát viên của Yamada tại Toshiba quá rụt rè khi thấy Mitsubishi và Matsushita (sau này đổi tên thành Panasonic) thất bại trong việc chế tạo nồi cơm tự động. Họ còn tin rằng bất kỳ người phụ nữ nào tìm cách để không phải bỏ ra thời gian, nỗ lực, và giấc ngủ cần thiết cho việc chuẩn bị một nồi cơm hoàn hảo đều đáng được xếp vào nhóm "những người vợ thất bại". Itoh nói thêm rằng "tất cả những người đưa ra quyết định đều là những người đàn ông hiếm khi, nếu không muốn nói là không hề, bước vào nhà bếp".

Mẫu nồi cơm điện National ở Bảo tàng Smithsonian

Minami có kiến thức về cơ khí, nhưng Fumiko mới là người có kỹ năng về nấu cơm. Không chỉ vậy, cô còn làm điều đó mỗi ngày bằng một chiếc lò kamado truyền thống để nuôi 6 đứa con của mình. Để có thêm thời gian, Minami đã vay ngân hàng với ngôi nhà là vật thế chấp, còn Fumiko nghiên cứu về các loại nồi cơm điện hiện có trên thị trường. Thông thường, khi nước trong nồi cơm đã hoàn toàn được hấp thụ hết hoặc bay hơi hoàn toàn, nhiệt độ của nồi sẽ tăng lên nhanh chóng (bởi nhiệt độ của nước ở dạng lỏng không thể vượt quá 100 độ C, nhưng nhiệt độ của cơm thì chắc chắn có thể). Yếu tố bí mật ở đây chính là một công tắc cấu thành từ 2 mẩu kim loại khác nhau, được Toshiba cung cấp cho Yamada, có chức năng tắt nồi cơm bằng cách uốn cong một khi nhiệt độ trong nồi vượt quá 100 độ C.

Fumiko đã thử nghiệm các nguyên mẫu nồi mới không biết mệt mỏi. Cô nấu cơm trên mái nhà, dưới ánh năng mặt trời, và ngoài hiên nhà trong những buổi sáng lạnh giá. Giữ không để nồi toả nhiệt ra ngoài là một thách thức lớn, cho đến khi Yamada nhớ ra rằng tại Hokkaido, nơi mùa đông rất khắc nghiệt, người ta bao bọc nồi cơm rất kỹ. Sản phẩm cuối cùng của họ là một nồi cơm điện với hai chiếc nồi ghép lại, một chiếc nằm bên trong chiếc kia, và được bao phủ bởi 3 lớp sắt. Nồi cơm điện tự động của Toshiba cuối cùng cũng sẵn sàng ra mắt thị trường.

Món đồ này có giá rất cao, khiến các bà nội trợ tỏ ra ngần ngại khi mua về - theo Macnaughtan. Nhưng khi Yamada, một lần nữa rong ruổi khắp Nhật Bản, trình diễn khả năng của chiếc nồi không chỉ cho ra cơm ngon, mà còn nấu được takikomi gohan, một món cơm cầu kỳ với nước sốt đậu nành mà những chiếc nồi khác thường làm cháy, mọi người đều bị thuyết phục. Chỉ trong một năm, Toshiba đã sản xuất được 200.000 nồi cơm điện mỗi tháng.

Konosuke Matsushita và những sản phẩm gia dụng của công ty ông, hãy để ý chiếc nồi cơm điện hình hộp ở rìa trái

Thành công của Toshiba, theo lời giáo sư ngành marketing Kazuo Usui, đã làm nổ ra một cuộc chiến sản xuất nồi cơm điện. Năm tiếp theo đó, Matsushita Electric (nổi tiếng hơn với tên gọi Panasonic) nhảy vào cuộc chơi. Các nhân viên của công ty này đều lo sợ khi thấy Toshiba đã đánh bại họ để ra mắt sản phẩm trước, bởi từ lâu, Matsushita đã nổi tiếng về những sản phẩm điện gia dụng. "Chính vì vậy, điều đó được xem là một nỗi hổ thẹn khi mà một món đồ gia dụng tiện nghi như nồi cơm điện lại đến từ Toshiba, một nhà sản xuất nổi tiếng về máy móc công nghiệp" - Yoshiko Nakano, tác giả cuốn sách "Where There Are Asians, There Are Rice Cookers: How ‘National' Went Global Via Hong Kong", viết. Chủ tịch của Matsushita, Konosuke Matsushita, thậm chí đã mắng nhiếc thậm tệ một nhân viên, đến nỗi sau này khi nghĩ lại, ông lo sợ họ sẽ tự tử!

Người nhân viên này tên Tatsunosuke Sakamoto, một người đam mê nồi cơm điện. Giấc mơ của anh, theo Nakano, là hình thành nên một thị trường quốc tế dành riêng cho những cỗ máy nấu cơm này. Toshiba đã đặt ra một mục tiêu rõ ràng cho anh phấn đấu vượt qua. Matsushita cần phải làm ra được một nồi cơm điện chỉ gồm một nồi, tức sử dụng ít kim loại hơn và từ đó có giá rẻ hơn. Matsushita đã tung ra mẫu nồi cơm điện EC-36 với lõi nồi đơn vào năm 1956. Năm 1959, Sakamoto, nay là giám đốc mảng nồi cơm điện của công ty, hợp tác với William Mong, nhà phân phối sản phẩm của Matsushita ở Hong Kong. Bằng cách tinh chỉnh nồi cơm cho phù hợp với người tiêu dùng Hong Kong, Matsushita đã biết được cách làm nồi cơm điện tương thích với khẩu vị quốc tế và mang nó "đến châu Á, Trung Đông, và những người châu Á tha hương trên khắp thế giới" - theo Nakano.

Bảo tàng Smithsonian hiện lưu giữ một mẫu nồi cơm điện của Matsushita trong bộ sưu tập, một món đồ điện gia dụng của hãng National chỉ một nút bấm với chức năng giữ ấm. Rayna Green, thẩm định viên tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hoa Kỳ, đã sử dụng nồi cơm điện trong suốt 30 năm sau khi cha cô và người vợ gốc Trung Quốc của ông mua về từ chuyến du lịch đến Singapore vào đầu những năm 1970. Theo Smithsonian thì trong khoảng thời gian đó, nồi cơm điện "đã nhanh chóng được sử dụng rộng rãi bởi các cộng đồng xưa cũ có truyền thống ăn cơm ở Nam Carolina và Louisiana, và những người Mỹ tân thời ngày càng hứng thú với những món ẩm thực lạ và việc bếp núc". Có thể nói, đây chính là giấc mơ của Sakamoto thành hiện thực.

Tại Nhật Bản, hơn 50% hộ gia đình có nồi cơm điện trong những năm đầu tiên khi nó được phát minh ra. "Nó đã hoàn toàn cách mạng hoá công việc của phụ nữ" - Itoh nói. "Nó là một trong những món đồ gia dụng chính mà mọi phụ nữ và mọi hộ gia đình đều muốn". Những đoạn quảng cáo về chiếc nồi cơm điện đầu tiên của Toshiba đã liên tục nhấn mạnh rằng sản phẩm sẽ giúp giải phóng phụ nữ khỏi việc "phải đứng và ngồi xổm trước kamada, liên tục theo dõi nồi cơm của họ" - Macnaughtan viết. Nhưng dù rằng nó giúp phụ nữ tránh xa được kamado, nồi cơm điện không hẳn là một thắng lợi lớn trong công cuộc giải phóng phụ nữ. Đúng là nó đã cho phụ nữ thêm thời gian để tham gia lực lượng lao động, ít nhất là theo hình thức bán thời gian, nhưng Macnaughtan kết luận rằng nó cũng mang đến cho họ thêm nhiều thời gian để...tập trung vào những công việc khác trong gia đình.

Nồi cơm điện ngày nay là mặt hàng không hề thiếu tại các siêu thị ở Nhật Bản

Ngày nay, Itoh nói rằng sự đa dạng về mẫu mã của nồi cơm điện là điều "gây hoang mang cực độ". Một số mẫu thậm chí còn sở hữu những tính năng độc đáo không ai có. "Cũng như đối với bất kỳ món đồ điện tử nào khác, nhiều người muốn có những mẫu nồi cơm điện mới nhất, hiện đại nhất, giúp cơm của họ thậm chí còn ngon hơn nữa" - cô nói, chỉ ra một số mẫu nồi cơm điện sang trọng từ các nhãn hiệu nhỏ lẻ như Vermicular và Balmuda. Theo Itoh, một lượng lớn nồi cơm điện dành cho gia đình sử dụng công nghệ để tái hiện lại hương vị của món cơm nấu bằng kamado ngày xưa, vốn vẫn đang được sử dụng rộng rãi tại các nhà hàng truyền thống. Toshiba cũng tham gia cuộc chơi này. Một trong những mẫu nồi cơm điện của họ, một thiết bị lịch lãm hình hộp từng nhận giải thưởng về thiết kế năm 2016, có khả năng "giả lập cách nấu của kamado, một loại lò sử dụng nhiên liệu từ gỗ hoặc than ngày xưa" - công ty quảng cáo.

Itoh cho biết, chỉ có những mẫu nồi cơm điện sử dụng phương thức tạo nhiệt thông qua cảm ứng từ được phát minh từ những năm 1980 mới "tạo ra được nhiệt độ cao như lò dùng nhiên liệu gỗ". Nhưng với những ai không hào hứng với hương vị của kamado, thì những nồi cơm điện đơn giản nhất, giá rẻ nhất, có lẽ là lựa chọn tốt nhất. Không có vi chip hay màn hình cảm ứng, chúng vẫn hoạt động mà chỉ cần một nút bấm và có thiết kế với khả năng ngừng nấu một khi nhiệt độ bên trong vượt quá 100 độ C.

Bản thân Itoh không cần đến nồi cơm điện: cô có thể nấu cơm trên bếp lò. "Tôi đã nấu kiểu đó hàng trăm lần và biết phải làm gì" - cô nói. Kể từ trận động đất vào tháng 3/2011 ở Nhật Bản, với tình trạng mất điện triền miên, Itoh cho biết ngày càng nhiều người tìm cách ít dựa dẫm vào công nghệ hơn, thay vào đó tự dùng đến kỹ năng của chính mình, và một số thậm chí còn thực hành ngâm dưa muối và tự trồng rau nữa.

Số lượng người hiện đang học cách nấu cơm không cần nồi tự động là khá nhỏ, nhưng đáng kể - cô nói. "Mẹ tôi đã quay lại cách nấu này. Dì tôi cũng vậy. Tôi không tự trồng rau, nhưng tôi tự nấu cơm". Nhưng chẳng có gì phải xấu hổ khi dùng nồi cơm điện cả, bởi dù là những mẫu nồi đơn giản nhất, chúng vẫn là một giải pháp nhanh gọn giúp chúng ta hoàn thành một công việc không mấy dễ dàng. Điều đáng xấu hổ là việc lười vo gạo trước khi nấu. Đừng quên vo gạo bạn nhé!

Minh.T.T (theo AtlasObscura)

Chủ đề khác