VnReview
Hà Nội

Bí ẩn về sự mờ đi của ngôi sao lớn Betelgeuse đã có lời giải thích

Diễn biến bất thường của ngôi sao Betelgeuse đã thu hút nhiều sự quan tâm về tương lai của siêu sao đỏ khổng lồ này.

Các nhà thiên văn học đã xác định được nguyên nhân của hiện tượng mờ đi đột ngột xuất hiện vào năm ngoái và đầu năm nay của một trong những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm, một "gã khổng lồ" có tên Betelgeuse, dường như đang tiến dần đến chu kỳ lụi tàn theo một cách khá dữ dội.

Dựa trên các quan sát có được từ Kính viễn vọng không gian Hubble, các nhà khoa học tin rằng Betelgeuse đã phóng ra một đám mây vật chất khổng lồ, nóng và dày đặc vào không gian, sau đó chúng nguội đi tạo thành bức tường bụi, che chắn ánh sáng của ngôi sao và khiến cho nó có vẻ mờ hơn theo góc nhìn quan sát từ Trái đất.

Betelgeuse được xếp vào loại supergiant (siêu sao khổng lồ) đỏ, loại ngôi sao lớn nhất trong vũ trụ. Nó lớn hơn gấp 10 lần khối lượng Mặt trời của chúng ta. Nếu được đặt ở trung tâm của Hệ Mặt trời, bề mặt của nó sẽ kéo dài đến tận Sao Mộc.

Các nhà khoa học nghi ngờ Betelgeuse sẽ kết thúc vòng đời của mình khi nó sẽ sử dụng hết nhiên liệu hạt nhân và phát nổ dưới dạng một supernova (vụ nổ siêu tân tinh).

"Thành thật mà nói, chúng tôi không biết chắc Betelgeuse sẽ tiến đến supernova trong bao lâu nữa", nhà vật lý thiên văn Andrea Dupree, giám đốc Bộ phận Khoa học Hành tinh tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian cho biết. "Không nhiều khả năng nó sẽ phát nổ khi chúng ta còn đang sống. Dẫu vậy, chúng ta cũng không thể biết một ngôi sao sẽ phản ứng như thế nào vào tuần trước cũng như vào đêm trước khi nó phát nổ", Dupree nói thêm.

Trong một vụ nổ siêu tân tinh, những ngôi sao khổng lồ như Betelgeuse sẽ phun trào ra một lượng lớn các nguyên tố nặng vào không gian, bao gồm carbon, oxy, canxi và sắt, trở thành những khối vật chất cấu tạo của các thế hệ sao mới.

Betelgeuse nằm tương đối gần Hệ Mặt trời của chúng ta, cách khoảng 725 năm ánh sáng. Một năm ánh sáng là khoảng cách ánh sáng truyền đi trong một năm, vào khoảng 5.9 nghìn tỉ dặm (9.5 nghìn tỷ km).

Sự mờ đi của siêu sao đỏ khổng lồ này bắt đầu vào tháng 10 năm ngoái và đến giữa tháng 2 đã mất hơn 2/3 lượng ánh sáng chói lọi trước đó. Nó trở lại sáng chói như thường lệ vào tháng 4 năm nay nhưng có thể đã mờ đi một lần nữa, đây là điều mà các nhà khoa học đang nghiên cứu để xác nhận.

Giang Vu theo Reuters

Chủ đề khác