VnReview
Hà Nội

Nghiên cứu cho thấy một số vật liệu làm khẩu trang gây hại hơn là giúp tránh virus SARS-CoV2

Trong một số trường hợp, các loại khăn và đồ che mặt thay thế cho khẩu trang đôi khi không thể giúp ngăn các giọt bắn chứa virus, thậm chí còn làm chúng phát tán rộng hơn.

Các nhà khoa học đến từ Đại học Duke đã sử dụng các kỹ thuật phân tích đơn giản để kiểm tra hiệu quả của các loại vải và thiết kế khẩu trang khác nhau trong việc giảm sự lây lan các giọt hô hấp trong khi nói. Kết quả từ nghiên cứu cho thấy, một số lựa chọn thay thế khẩu trang không những không giúp bảo vệ mà còn gây hại nhiều hơn.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, khẩu trang đã trở thành mặt hàng bán chạy nhất tại nhiều quốc gia và trở thành trang bị bảo vệ sức khỏe cho nhiều người. Tuy nhiên khi nguồn cung khẩu trang y tế và N95 ngày càng khan hiếm, đồng thời được ưu tiên dành cho các y bác sỹ ở tuyến đầu chống dịch, người dân ở nhiều nước bắt đầu nghĩ đến việc sử dụng các loại khẩu trang khác hoặc bất cứ thứ gì có thể dùng để che mặt khi đi ra nơi công cộng.

Nhiều cơ quan y tế trên thế giới đã khuyến cáo người dân nếu sử dụng khẩu trang tự chế cần may từ 2-3 lớp. Trong trường hợp không có khẩu trang tự chế, mọi người có thể dùng tạm các vật dụng như khăn quàng cổ vì trong bất kỳ trường hợp nào, có còn hơn không.

Tuy nhiên xoay quanh vấn đề này vẫn còn khá nhiều nghi vấn. Đó là lý do nhà khoa học Eric Westman đến từ Trường Y Đại học Duke đã thực hiện một nghiên cứu nhằm tìm ra loại khẩu trang nào an toàn và loại nào có rủi ro cao nhất.

Westman nhanh chóng nhận ra, những sản phẩm đang bán đầy rẫy trên thị trường đôi khi không trải qua bất cứ quy trình thử nghiệm và đánh giá tính hiệu quả, an toàn nào.

Anh đã tới tìm đồng nghiệp Martin Fischer, giám đốc một cơ sở chuyên về quang phổ hình ảnh để nhờ giúp đỡ. Thông các thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã phát triển một hệ thống đơn giản và rẻ tiền giúp kiểm tra mức độ hiệu quả của các loại vật liệu che mặt và tránh giọt bắn khác nhau.

Fischer cho biết: "Chúng tôi muốn phát triển một phương pháp đơn giản, chi phí thấp để chia sẻ với những người khác trong cộng đồng, khuyến khích họ thử nghiệm vật liệu chế tạo khẩu trang. Các bộ phận của thiết bị thử nghiệm có thể tiếp cận, dễ dàng lắp ráp và chúng tôi đã chứng minh tính hữu ích của nó khi chế tạo khẩu trang".

Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm một số loại khẩu trang phổ biến và các lựa chọn thay thế khẩu trang. Thử nghiệm bao gồm một tình nguyện viên đeo khẩu trang và nói lặp lại một cụm từ trong 10 giây. Trong lúc đó, thiết bị sẽ sử dụng tia laser để chiếu sáng và phát hiện bất kỳ giọt bắn nào xuyên qua khẩu trang.

Fischer khẳng định: "Chúng tôi xác nhận rằng khi mọi người nói, các hạt nhỏ sẽ bị đẩy ra ngoài, do đó virus có thể lây lan khi nói chuyện mà không cần ho hoặc hắt hơi. Chúng tôi cũng thấy một số loại khăn che mặt hiệu quả hơn nhiều so với những loại khác trong việc ngăn các giọt bắn lọt ra ngoài".

Không ngạc nhiên khi khẩu trang N95 đạt hiệu quả cao nhất khi giúp giảm tối đa số giọt bắn ra ngoài. Tiếp đó là khẩu trang y tế. Điều đáng nói là hầu hết khẩu trang dùng vải cotton tự chế được thử nghiệm đều mang lại kết quả khá tốt. Nhưng nó không thể ngăn chặn được các giọt bắn hiệu quả bằng khẩu trang y tế.

Không phải tất cả khẩu trang hoặc các loại vải, khăn che mặt đều có tác dụng như nhau

Như vậy là quan điểm "che vùng mặt bằng bất cứ thứ gì có trong tay còn hơn không" là chính xác nhưng chưa đủ. Cần phải chú ý rằng, không phải mọi loại khẩu trang đều đem lại hiệu quả hạn chế giọt bắn như nhau.

Ví dụ vải dệt kim và khăn bandanas gần như giảm được rất ít giọt bắn từ miệng. Đặc biệt kết quả từ việc thử nghiệm loại khẩu trang gắn trên cổ khiến các nhà nghiên cứu cảm thấy kinh ngạc.

Westman cho biết, quan niệm đã nói ở trên không đúng với kết quả thử nghiệm trên loại khăn lông cừu che miệng. Anh cho biết, số lượng các giọt bắn xuyên qua lớp vải của khăn tương đương với số giọt bắn được tìm thấy trong các thử nghiệm trên người không đeo khẩu trang.

Khăn lông cừu che miệng gần như không có hiệu quả trong việc giảm các giọt bắn trong khi nói

Nhà nghiên cứu phán đoán: "Chúng tôi cho rằng, lông cừu, vải dệt phá vỡ những giọt lớn thành nhiều hạt nhỏ. Chúng có xu hướng bay lượn lâu hơn trong không khí và dễ dàng bay đi hơn".

Do đó nghiên cứu nhấn mạnh rằng, việc đeo loại khăn này này để bảo vệ chống khỏi Covid-19 dường như phản tác dụng, thậm chí còn tăng nguy cơ lây truyền so với việc không đeo khẩu trang.

Tuy vậy đây mới chỉ là giả thuyết vì chưa có nghiên cứu chứng minh việc dùng khăn lông cừu để che miệng có thể làm tăng khả năng lây lan virus. Thay vào đó, nghiên cứu này chỉ ra rằng không phải bất cứ thứ gì dùng để che miệng cũng là an toàn.

Điều quan trọng là nghiên cứu về sự lan truyền của các giọt bắn này chỉ tìm hiểu cơ chế thoát ra khỏi vật dụng che miệng trong khi nói. Vì vậy nghiên cứu này chưa thể dùng để đưa ra kết luận cuối cùng về khả năng lây truyền virus nếu mọi người có trót dùng chúng để bảo vệ.

Một hạn chế của nghiên cứu này là không thể dùng thiết bị để phát hiện các sol khí nhỏ nhất phát ra từ miệng trong khi nói. Bởi lẽ thiết bị sử dụng camera smartphone làm thiết bị ghi hình nên khó có thể phát hiện được các sol khí nhỏ. Trong khi đó, các nhà khoa học vẫn chưa rõ liệu sol khí có phải là một dạng lây nhiễm virus hay không và kỹ thuật mới này chỉ giúp cung cấp dữ liệu về hiệu quả của các vật dụng che mặt.

Fischer nhấn mạnh sẽ cần phải nghiên cứu nhiều hơn nữa để biết loại khẩu trang nào tối ưu hơn trong chống virus. Trước mắt ông hy vọng, phương pháp đơn giản của nhóm nghiên cứu sẽ được các nhà sản xuất khẩu trang chú ý đến để phục vụ thử nghiệm tính hiệu quả của các sản phẩm đang phát triển.

Nghiên cứu trên đã được công bố trên tạp chí Science Advances mới đây.

Thử nghiệm đánh giá hiệu quả ngăn giọt bắn của các vật liệu chế tạo khẩu trang hoặc dùng để che miệng khinói

Mai Huyền

Chủ đề khác