VnReview
Hà Nội

Đến giờ Mỹ vẫn không hiểu Trung Quốc sao chép súng trường M16A1 làm gì?

Khẩu CQ chưa bao giờ được cấp cho Quân đội Nhân dân Trung Hoa và cũng chưa bao giờ được xem xét một cách nghiêm túc cả.

Một số món vũ khí được sử dụng rộng rãi đến mức chúng được sản xuất ngay tại những quốc gia không hề có mối liên hệ nào. Một ví dụ điển hình là series súng trường M16. Được quân đội Mỹ sử dụng trong hơn 50 năm, súng trường M16 sau đó đã rơi vào tay những lực lượng mà ban đầu không hề sở hữu nó, như Mặt trận Giải phóng Dân tộc Miền Nam Việt Nam, quân du kích Philippines, và hiện nay là... Nhà nước Hồi giáo IS. Tuy nhiên, chỉ duy nhất một đối thủ của Mỹ quyết định chế tạo ra khẩu M16 của riêng họ: Trung Quốc, với súng trường CQ.

Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, một lượng lớn súng trường kiểu M16 đã được chuyển giao cho các đồng minh của Mỹ trên toàn cầu. Khối lượng nhẹ và tính hiệu quả chỉ dừng ở mức trung bình từng là nỗi hổ thẹn và là yếu điểm chết người của súng trường M16 nay đã được khắc phục, biến nó thành một biểu tượng cho mối quan hệ đồng minh của một quốc gia với Mỹ, giống như súng trường AK-47/M là biểu tượng cho thấy một quốc gia được hỗ trợ bởi Liên Xô vậy.

Được đưa vào sử dụng bởi Lầu Năm góc từ năm 1965, súng trường M16 là loại vũ khí hoạt động bằng khí gas, va đập trực tiếp, được thiết kế để bắn ra những viên đạn 5,56mm. Nặng chỉ 3,17kg, cùng băng đạn 20 viên, nó là loại vũ khí khá tiện dụng cho lực lượng bộ binh tham chiến trên cả chiến trường truyền thống kiểu Đệ nhị thế chiến lẫn chiến tranh chống du kích. Đạn có khối lượng nhẹ giúp việc vận chuyển số lượng lớn bằng trực thăng dễ dàng hơn, và 5,56mm cũng là kích cỡ đạn có tính sát thương "thần sầu" trước các mục tiêu cỡ con người.

Sau Chiến tranh Việt Nam, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa bắt đầu sản xuất một loạt các loại vũ khí cỡ nhỏ của Mỹ vốn được sử dụng nhiều trong cuộc chiến. Súng trường M14, súng trường M16, và súng ngắn M1911 đều nằm trong số này - phía Trung Quốc bằng cách nào đó đã thu thập được bản sao của các loại vũ khí nói trên sau khi Quân đội Nhân dân Việt Nam giành được đại thắng mùa xuân năm 1975.

Các phiên bản bán tự động của M14, M16, M1911 bắt đầu được xuất khẩu sang Mỹ vào thập niên 1980. Có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên, nhưng các bản sao súng của Trung Quốc lại trở nên nổi tiếng vì độ bền và độ an toàn. Chúng được sản xuất bởi Tập đoàn Công nghiệp Miền Bắc, hay gọi ngắn gọn là Norinco. Súng nhập khẩu từ Trung Quốc sau đó đã bị chính quyền liên bang Mỹ cấm vào năm 1994. Dù bị cấm tại Mỹ, vũ khí Trung Quốc vẫn bán đầy rẫy tại Canada.

Bản sao súng trường M16A1 của Trung Quốc - súng trường CQ - là một món vũ khí kỳ lạ. Nó được sao chép trung thành với nguyên mẫu M16A1, nhưng có nhiều điểm khác biệt rất dễ nhận thấy. Phần ốp lót tay (handguard) của khẩu CQ có gờ và trông khác biệt so với ốp lót tay bằng phẳng của M16A1. Loa che lửa (flash hider) cũng khác so với flash hider Colt nguyên bản. Báng súng (buttstock) có một phần khoét ở nửa dưới, mục đích là gì chẳng ai rõ. Và có lẽ điều gây tò mò nhất ở khẩu CQ là việc nó sử dụng thứ trông khá giống tay cầm sau (pistol grip) kiểu súng lục cổ điển.

Ngoài ra còn có một số điểm khác biệt nữa. CQ sử dụng lõi nhôm series Type 6000, nhẹ hơn nhưng yếu hơn và kháng gỉ sét kém hơn nhôm Type 7075 của M16A1. Nó cũng rẻ hơn và dễ luyện hơn. Bên trong, nòng của CQ có tỉ lệ xoắn rãnh (xoắn theo hướng từ trái sang phải) 12-inch/vòng. Rãnh xoắn được thiết kế để tạo độ xoay - và tăng tính ổn định - của một viên đạn khi nó bay ra khỏi nòng, và rãnh xoắn phải khớp với một loại đạn cụ thể. Trong trường hợp của CQ, rãnh xoắn 12-inch/vòng dành riêng cho đạn M193 55-grain cũ, chứ không phải đạn xuyên giáp SS109 62-grain hoặc các loại đạn phổ biến hơn gần đây. Dù CQ sử dụng được tất cả những loại đạn nói trên, hiệu suất đạn đạo trên đường bay sẽ bị giảm đi.

Súng CQ nguyên bản là bản sao của M16A1, và có nòng 20-inch cùng báng cố định. Súng carbine CQ-A là bản sao của súng carbine M4, với nòng 14,5-inch và báng thu gọn được. Một số phiên bản khác của CQ có nòng ngắn hơn 10-inch và đường kính nòng 7,62x39, tương thích với AK-47.

Hiện không ai biết tại sao Trung Quốc lại sản xuất súng trường CQ. Khẩu súng này chưa bao giờ được cấp cho Quân đội Nhân dân Trung Hoa và cũng chưa bao giờ được cân nhắc một cách nghiêm túc. CQ từng xuất hiện trong nhiều cuộc xung đột trên toàn cầu, bao gồm nội chiến Syria và Sudan. Ai đã mua nó, và tại sao, là một câu hỏi khác. Giống như lý do nó được tạo ra, sự phổ biến của CQ trên toàn cầu là một bí ẩn khác ẩn sau khẩu súng trường khó hiểu này.

Minh.T.T;theo NationalInterest

Chủ đề khác