VnReview
Hà Nội

Lượng khí nhà kính giảm do Covid-19 không giúp gì nhiều trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Dù lượng phát thải khí nhà kính đã giảm mạnh do khí tác động của các lệnh phong tỏa vì dịch Covid-19 nhưng nó vẫn không thể đủ để ngăn nguy cơ biến đổi khí hậu trước mắt.

Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế cho biết, lượng khí thải nhà kính sụt giảm mạnh mẽ trong thời gian qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 là chưa đủ để "làm chậm" quá trình biến đổi khí hậu nếu không có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ nhiên liệu hóa thạch sang các dạng năng lượng khác xanh hơn.

Lượng phát thải khí nhà kính từ hoạt động đốt dầu, than, và khí đột có thể giảm tới 8% trong năm 2020 này do lệnh phong tỏa của nhiều nước nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên các chuyên gia môi trường cảnh báo, lượng khí thải giảm trong thời gian phong tỏa vừa qua gần như vô nghĩa.

Sử dụng dữ liệu nguồn mở, nhóm nghiên cứu đã tính toán mức độ thay đổi của 10 loại khí nhà kính và chất ô nhiễm không khí khác nhau ở hơn 120 quốc gia từ tháng 2 đến tháng 6.

Họ phát hiện thấy, các loại khí thải nguy hiểm như CO2 và NO2 đã giảm từ 10-30% trong giai đoạn này. Nhưng do sự thay đổi lượng khí thải này chỉ mang tính tạm thời nên dù lượng khí thải có giảm xuống này cũng không đủ tác động và thay đổi được khí hậu.

Ngay cả khi giả định rằng, các hạn chế cách ly xã hội vẫn sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2021, nhóm nghiên cứu vẫn đưa ra một kết luận đanh thép rằng, nó chỉ giúp giảm 0,01 độ C so với mức nhiệt độ trung bình toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên vào năm 2030.

Piers Forster, đồng tác giả nghiên cứu và là giám đốc Trung tâm Khí hậu quốc tế Priestley tại Đại học Leeds của Anh cho biết: "Phong tỏa cho thấy chúng ta có thể thay đổi và thay đổi nhanh chóng nhưng nó cũng thể hiện những giới hạn của việc thay đổi hành vi. Nếu không có thay đổi cơ bản về cấu trúc, chúng ta sẽ không thể thực hiện được điều này".

Mọi thứ về cơ bản sẽ không thay đổi nếu chúng ta không cắt giảm khí thải nhà kính một cách đều đặn

Năm 2015, thế giới đã ký Thỏa thuận khí hậu Paris và đặt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 2 độ C vào cuối thế kỷ này so với thời tiền công nghiệp. Mục tiêu chính của thỏa thuận là đảm bảo tất cả các quốc gia tuân thủ yêu cầu cắt giảm khí thải mạnh mẽ.

Trong đó thỏa thuận Paris đặt mục tiêu an toàn là ngưỡng 1,5 độ C. Nhưng theo Liên Hợp Quốc, để duy trì nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới ngưỡng 1,5 độ C, lượng phát thải toàn cầu phải giảm 7,6% hàng năm trong thập kỷ này. Con số này gần tương đương với lượng khí thải dự kiến ​​giảm trong năm nay.

Nhưng theo đà phục hồi kinh tế sau đợt suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử loài người thời gian tới, Forster cho rằng, mục tiêu này gần như rất khó đạt được.

Forster chia sẻ: "Nếu tôi trung thực một cách tàn nhẫn, thế giới sẽ không thể cắt giảm được lượng CO2 với tốc độ cần thiết để ngăn nguy cơ nhiệt độ có thể chạm ngưỡng 1,5 độ C".

Đồng tác giả Corinne Le Quere từ Đại học East Anglia cho biết: "Sự sụt giảm lượng khí thải trong thời kỳ COVID-19 chỉ là tạm thời và do đó nó sẽ không giúp làm chậm biến đổi khí hậu. Nhưng các phản ứng của chính phủ có thể là bước ngoặt nếu họ tập trung vào các biện pháp phục hồi kinh tế xanh, tránh các tác động nghiêm trọng tới biến đổi khí hậu".

Các nhà khoa học đã đã mô hình hóa các phương án phục hồi sau phong tỏa mà họ tin rằng, đó là cơ hội duy nhất để thay đổi cấu trúc nền kinh tế toàn cầu.

Cụ thể phương án được đưa ra cho các nhà hoạch định chính sách, đó là giảm thiểu ô nhiễm giao thông bằng cách ưu tiên giao thông công cộng, tăng làn đường dành cho xe đạp.

Nhóm tác giả tin rằng, các biện pháp kích thích "kinh tế xanh" sử dụng khoảng 1,2% GDP dành cho các công nghệ hạn chế CO2 sẽ giúp giảm lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với các biện pháp phục hồi kinh tế bằng nhiên liệu hóa thạch.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climate Change mới đây.

Tiến Thanh theo AFP

Chủ đề khác