VnReview
Hà Nội

Phần lớn người Nga cho rằng cuộc đổ bộ trên Mặt Trăng của Mỹ chỉ là trò bịp bợm

Một cuộc thăm dò mới đây đã chỉ ra, một nửa số người Nga được hỏi cho rằng, cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng của Mỹ vào năm 1969 chỉ là trò lừa bịp.

Đó là kết quả sau một cuộc khảo sát với 1,6 ngàn người trưởng thành ở Nga. Cụ thể chỉ có 31% tin rằng, các phi hành gia Mỹ thực sự đã hạ cánh lên bề mặt của Mặt Trăng cách nửa thế kỷ.

Cuộc đổ bộ lên mặt trăng của phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin đã trở thành dấu mốc quan trọng trong lịch sử nhân loại khi họ được coi là những người đầu tiên đặt chân lên bề mặt Mặt trăng.

Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh cuộc chạy đua không gian giữa Mỹ và Liên Xô cũ (Nga) thời điểm đó rất quyết liệt. Cả hai quốc gia đều cố gắng mở rộng các chương trình không gian. Trước đó Liên Xô cũ đã trở thành quốc gia đầu tiên đưa con người, cụ thể là nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin lên không gian vũ trụ vào tháng 4/1961.

Ngay sau khi cuộc đổ bộ của người Mỹ lên Mặt Trăng được loan đi khắp thế giới, Liên Xô đã phủ nhận việc họ tham gia vào cuộc chạy đua không gian với Mỹ. Họ tuyên bố không có bất kỳ chương trình Mặt Trăng nào.

Nhưng phải mất nhiều thập kỷ sau đó, Liên Xô mới xác nhận họ đã lên kế hoạch cho một cuộc đổ bộ Mặt Trăng. Năm 1989, tờ New York Times cũng có một bài viết với tiêu để "Russians Finally Admit They Lost Race to Moon", tạm dịch là "Nga cuối cùng cũng thừa nhận họ đã thua trong cuộc đua tới Mặt Trăng".

Tuy nhiên ngay cả khi Mỹ "có thể" đã đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng, vẫn còn nhiều thuyết âm mưu xoay quanh kỳ tích này.

Năm 1976, nhà văn Bill Kaysing đã xuất bản một cuốn sách nhỏ có tên "We Never Went to the Moon: America's Thillion Dollar Swindle", tạm dịch là "Chúng ta chưa bao giờ lên Mặt Trăng: Cú lừa 30 tỷ USD của nước Mỹ". Trong cuốn sách này, ông đã đưa ra các tuyên bố chống lại các bằng chứng do NASA cung cấp. Một số điểm được ông chỉ ra như lá cờ vẫy dù không có gió cũng đã được các nhà khoa học sau này sử dụng để bóc mẽ sứ mệnh Apollo 11.

Mặc dù vậy các thuyết âm mưu như vậy vẫn chưa đủ sức tác động đến quan điểm của công chúng. Năm 1999, một cuộc thăm dò của công ty tư vấn và phân tích Gallup cho thấy, khoảng 5% người Mỹ tin rằng, sự kiện năm 1969 chỉ là trò lừa bịp.

Hơn 20 năm sau, một cuộc thăm dò khác của C-SPAN và Ipsos cho thấy, con số này vẫn khá ổn định khi chỉ có 6% người tin rằng, mọi thứ chỉ là dàn dựng. Đặc biệt niềm tin ở những người trẻ tuổi cao hơn so với những người trên 50 tuổi.

Ở Nga, sự ủng hộ cho thuyết âm mưu này cao hơn nhiều. Năm 2018, Dmitry Rogozin, người đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos được hỏi liệu nước Nga có kế hoạch đưa các phi hành gia đáp lên Mặt Trăng hay không. Đáp lại ông nói vui rằng, họ sẽ phải kiểm tra xem liệu đã có ai hạ cánh lên Mặt Trăng hay chưa. Ông nói: "Chúng tôi đã đặt mục tiêu bay lên đó để kiểm tra xem liệu đã có ai lên đó hay chưa".

Cuộc thăm dò mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu ý kiến ​​công chúng Nga (VCIOM) tiết lộ, niềm tin vào thuyết âm mưu đang có xu hướng giảm dần. Vào năm 2018, 57% tin rằng màn đổ bộ của tàu Apollo 11 là trò bịp bợm.

Ngoài các cuộc thăm dò liên quan đến cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng đầu tiên của người Mỹ, VCIOM còn hỏi người dân Nga về các thuyết âm mưu khác như sự an toàn của vắc-xin, liệu Trái Đất có phải hình phẳng hay liệu người ngoài hành tinh đã từng đến Trái Đất hay chưa.

Mai Huyền;theo Newsweek

Chủ đề khác