VnReview
Hà Nội

Sáng tạo quan trọng hơn kiến thức? Những “phiên bản” khung nhận thức Bloom mới giúp bạn học tốt hơn

Được công bố lần đầu năm 1956 và cải tiến năm 2001, ngày nay Bloom rất phổ biến trong các hoạt động giáo dục như xây dựng chương trình, kiểm tra, đánh giá ở nhiều quốc gia. Dù được tin cậy và sử dụng rộng rãi trên thế giới nhưng hình ảnh kim tự tháp Bloom cũng gây ra một số ngộ nhận trong giáo dục.

"Kim tự tháp" nhận thức Bloom là gì? Vì sao công cụ này sẽ giúp bạn học nhanh hơn? (Kỳ 1)?

"Kim tự tháp" nhận thức Bloom là gì? Vì sao công cụ này sẽ giúp bạn học nhanh hơn? (Kỳ 2)?

Học sâu nhớ lâu ở mọi nơi để việc học;mỗi ngày là một niềm vui

 

5 cách tự nhiên giúp cải thiện trí nhớ và tư duy nhận thức

Bloom là một khung năng lực nhận thức trong học tập gồm 6 cấp độ: ghi nhớ (remembering), hiểu (understanding), áp dụng (applying), phân tích (analyzing), đánh giá (evaluating) và sáng tạo (creating). 

Thang đo Bloom thường bị hiểu nhầm như thế nào và các nhà giáo dục đã làm gì để khắc phục vấn đề này, giúp chúng ta hiểu đúng về quá trình học tập để học tốt hơn? Mời bạn đọc VnReview.vn theo dõi bài viết dưới đây lược dịch từ Education Week và các nguồn liên quan.

Theo tác giả Ron Berger trong một bài viết trên Education Week, từ khi được giới thiệu lần đầu vào năm 1956 và được cải tiến vào năm 2001, thang đo nhận thức Bloom gắn với hình ảnh kim tự tháp đã có ảnh hưởng tới việc giảng dạy và giáo trình.

Thang đo Bloom đầu tiên năm 1956 (Ảnh: Top Hat)

Thang đo Bloom cải tiến năm 2001 (Ảnh: Top Hat)

Vấn đề nằm ở chỗ, cả hai phiên bản Bloom đều là những hình ảnh sai lầm về việc học. Theo Ron, học tập không phải là một quá trình tuyến tính hay đi theo trình tự. Hình ảnh kim tự tháp đã tạo ra nhiều ấn tượng nhầm lẫn. Đó là, các quá trình học tập đó là những cấp bậc tách biệt với nhau. Đó là, việc thực hành một trong những kỹ năng đó một cách độc lập với các kỹ năng kia là có thể. Một ấn tượng nhầm lẫn nữa là, một số kỹ năng sẽ khó hơn và quan trọng hơn các kỹ năng khác. Những ngộ nhận này khiến chúng ta không thấy được quy trình thống nhất thật sự diễn ra trong đầu các học sinh khi họ học một điều gì đó.

Ron không có ý định nhắm tới việc đổ lỗi cho bất kỳ ai. Ông không cho rằng nhà tâm lý Benjamin và nhóm của ông hay nhóm đã đưa ra phiên bản kim tự tháp cải tiến muốn chúng ta hiểu rằng, các kỹ năng này tách biệt nhau hay có thứ hạng quan trọng khác nhau. Các nhà giáo dục thấu đáo đã dùng khung Bloom này cho những mục đích tuyệt vời-nhấn mạnh việc giáo trình và việc giảng dạy phải tập trung vào tất cả các loại kỹ năng một cách cân bằng, đối với tất cả sinh viên trong mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, kinh nghiệm của ông cho thấy, ý tưởng mà hầu hết chúng ta thấy được từ kim tự tháp Bloom là, các kỹ năng này tách biệt nhau và đi theo trình tự. Ngộ nhận này đã hạ thấp hiểu biết của giáo viên về việc dạy và học, và công việc của giáo viên với học sinh.

Quá trình học tập luôn đi từ ghi nhớ đến sáng tạo?

Trong quá khứ, nhiều nhà giáo dục đã nêu ra một vấn đề của thang đo Bloom mà gần đây được nhà giáo Doug Lemov nhắc lại. Lemov lo ngại về việc hình ảnh kim tự tháp đặt các kỹ năng kiến thức/ghi nhớ ở đáy tháp. Do đó, chúng bị xem là cấp bậc kém quan trọng nhất, là quá trình "bậc thấp" (lower-level) cần tránh né nhiều nhất có thể để trao cho các học sinh nhiều kỹ năng "bậc cao" (higher-level) hơn.

Mặc dù ai đó có thể xem đáy kim tự tháp là nền tảng của nó (như ý định của Bloom), không có cấp bậc nào ở trên có thể xảy ra nếu không có cơ sở kiến thức vững chắc. Lemov tranh luận, đây lại không phải là cách hiểu vấn đề của hầu hết giáo viên. Khung Bloom đã góp phần gây nên xu hướng diễn ra trên toàn nước Mỹ là xu hướng hạ thấp giá trị tầm quan trọng của kiến thức cơ bản, một vấn đề nghiêm trọng. Lemov và nhiều người khác đồng tình với quan điểm này cho rằng, các học sinh thu nhập thấp có ít cơ hội tiếp cận các nguồn kiến thức hơn sẽ thiệt thòi rất nhiều do khoảng trống kiến thức mà các trường học đem lại.

Doug Lemov là một giáo viên Mỹ, tác giả quyển sách bán chạy trên toàn thế giới Teach Like a champion (Dạy học như một nhà vô địch). Ông hiện là giám đốc điều hành Uncommon Schools, một tổ chức phi lợi nhuận quản lý 42 trường bán công ở Mỹ.

Đồng ý với Lemov về tất cả những điểm trên, Ron cho là, kiến thức là quan trọng. Có nhiều tình huống học tập mà kiến thức/sự ghi nhớ mới là kỹ năng quan trọng nhất. Ví dụ, ông không muốn đi hái nấm với những người có trí nhớ kém về các loại nấm đốc và nấm ăn được. Học sinh cũng không thể phân tích hay đánh giá bất kỳ điều gì nếu các em không biết các sự kiện và dẫn chứng. Và ông cũng đồng ý là, khoảng trống kiến thức-thật ra là khoảng trống cơ hội-đối với học sinh thu nhập thấp là một vấn đề nghiêm trọng, nói một cách công bằng.

Dù vậy, Ron cũng đồng tình với nhiều nhà giáo dục ở phía đối lập đang thúc đẩy để các kỹ năng khác cao hơn ghi nhớ trở thành một phần lớn hơn trong việc giảng dạy, đặc biệt là với các học sinh thu nhập thấp. Các nhà giáo dục này cũng được thúc đẩy bởi sự công bằng. Cũng như ông, họ đã quan sát vô số lớp học, đặc biệt là các lớp ở những cộng đồng thu nhập thấp, nơi mà hầu như mọi câu hỏi đều là những câu hỏi "trí nhớ", nơi học sinh hiếm khi được yêu cầu phân tích hay tổng hợp, và là nơi mà các tờ bài tập điền vào các sự kiện (fill-in-the-facts) vẫn thống trị việc giảng dạy.

Theo ông, với các giáo viên, điều cốt lõi không phải là quá trình nhận thức nào nên được chọn là trọng tâm của bài học, hay làm cách nào để đi lên cấp cao hơn của kim tự tháp. Mọi phần của khung Bloom đều quan trọng. Thay cho những điều đó, các giáo viên nên nỗ lực cho sự cân bằng và thống nhất.

Ron còn đặt ra một vấn đề khác mà theo ông là gốc rễ của mọi vấn đề của thang Bloom. Đó là, thang đo Bloom không thể hiện đúng cách mà chúng ta học mọi thứ. Chúng ta không bắt đầu học bằng cách nhớ bài rồi hiểu bài, rồi vận dụng, và đi lên kim tự tháp theo trình tự diễn ra khi năng lực của chúng ta gia tăng. Thay vào đó, chúng ta dành nhiều thời gian để phát triển hiểu biết bằng cách áp dụng kiến thức và sáng tạo mọi thứ.

Khi người lớn bắt đầu học một cái gì đó mới, ví dụ như tiếng Tây Ban Nha, thiền định (meditation), phần mềm Adobe Photoshop, hay nghề mộc, chắc chắn là chúng ta phải học các dữ kiện và ghi nhớ mọi thứ. Nhưng chúng ta cũng nhanh chóng nhận ra rằng, chúng ta có rất ít hiểu biết cho tới khi chúng ta thật sự cố gắng nói, đọc, hay viết tiếng Tây Ban Nha, thực hành thiền, chỉnh sửa hình ảnh hay đóng một cái kệ. Nói cách khác, chúng ta phải áp dụng và sáng tạo để thấu hiểu. Quá trình sáng tạo là khi chúng ta xây dựng được hiểu biết sâu sắc.

(Ảnh: Shutterstock)

Điều này cũng tương tự với các học sinh của Ron.

Chúng ta có thể "dạy" học sinh viết một bài luận thuyết phục bằng cách yêu cầu chúng nhớ một số phần của một bài luận qua một bài giảng hay một bài giải thích. Chúng ta có thể giả định rằng, rồi chúng sẽ hiểu kỹ năng này. Nhưng theo ông, các em sẽ không có hiểu biết thật sự về cách viết một bài luận cho tới khi chúng áp dụng kiến thức của mình và tự mình tạo ra một bài luận. Ngoài ra, chúng cần phân tích và đánh giá bản thảo đầu tiên của bài luận của chúng, của các bạn cùng lớp, để xây dựng hiểu biết về các đặc trưng của thể loại đó, để chúng có thể sửa chữa và cải tiến. Quá trình lặp lại luân chuyển thống nhất này mới là cách người học phát triển hiểu biết.

Ron hiểu rằng, không có bộ khung nào phù hợp với cuộc sống thực. Các bộ khung tạo ra các nhóm nhân tạo để giúp chúng ta tổ chức suy nghĩ của mình, và các nhóm đó hiếm khi là cách duy nhất để tích lũy thông tin hoặc tách rời nhau trong thực hành. Dù sao thì, các bộ khung vẫn có thể hữu ích. Ai đó có thể tranh luận rằng, là một chiếc khung, thang đo Bloom có lợi hơn có hại vì nó nhắc nhở chúng ta tập trung vào các kỹ năng trên ở học sinh.

Tuy vậy, qua nhiều năm làm việc với hàng ngàn giáo viên, Ron tin rằng, thang đo Bloom có hại hơn có lợi.

Bloom khuyến khích chúng ta tổ chức việc giảng dạy trong lớp học ngược với cách chúng ta học. Nếu chúng ta đồng ý rằng sự thấu hiểu thường được xây dựng qua sự áp dụng và sáng tạo, chúng ta cần tạo ra cơ hội cho học sinh có nhiều thời gian sáng tạo mọi thứ và phân tích những sáng tạo đó, Khi các em sáng tạo và phân tích, các em sẽ phát triển kiến thức và sự thấu hiểu. Các em có thể bắt đầu sáng tạo mọi thứ ngay khi bắt đầu học. Chúng có thể sử dụng trí óc và đôi tay của mình trong quá trình sáng tạo một cách tích cực và thường xuyên phân tích sự thấu hiểu theo cá nhân lẫn theo nhóm.

Khi Ron còn là một giáo viên trong lớp học và học sinh của ông thành công một cách khác thường, mọi người thường hỏi ông điều gì đã làm cho lớp học của ông khác biệt. Có một sự khác biệt cơ bản: học sinh của ông dành nhiều thời gian trong ngày để làm ra mọi thứ chứ không ngồi im và lắng nghe. Những thứ chúng làm có thể là các dự án liên môn, có tính hợp tác, dài hạn, mà cũng có thể là các nhiệm vụ ngắn hạn trong từng môn cụ thể-các bài viết hoặc các mô hình toán học. Trong cả hai trường hợp, học sinh đều làm việc để xây dựng sự thấu hiểu (cùng lúc với việc ghi nhớ, đánh giá và tổng hợp) thông qua việc sáng tạo mọi thứ.

(Ảnh: Engage Education)

Ron Berger là giám đốc học thuật EL Education, một mạng lưới phi lợi nhuận về cải tiến trường học ở Mỹ. Sống ở Amherst bang Massachusetts, Ron còn là một diễn giả, tác giả 6 đầu sách về giáo dục với 25 năm kinh nghiệm dạy học ở trường công.

Những "phiên bản" đồ họa Bloom mới

Theo nhà báo Phillip Preville trên trang tin Top Hat, trên thực tế, cấu trúc theo cấp bậc cũng chính là lời phê bình phổ biến nhất về thang đo Bloom ở cả những người ủng hộ nó,

Nhiều người đã cố gắng sửa đổi cách biểu diễn đồ họa của thang đo Bloom. Một phiên bản đồ họa sửa đổi thể hiện thang đo Bloom như một bông hoa tròn gồm 6 cánh, một phiên bản khác thì như một loạt các vòng tròn đồng tâm.

 

Một ý tưởng đồ họa mới xem thang đo Bloom là bông hoa 6 cánh (Ảnh: Top Hat)

Một trong những phiên bản sửa đổi phổ biến nhất thể hiện các cấp bậc học tập của Bloom như các bánh răng móc nối vào nhau. Trong phiên bản này, cấp bậc cao nhất, Sáng tạo (Create), là bánh xe lớn nhất nằm ở giữa, còn các bánh xe còn lại kết nối với nó.

Một phiên bản Bloom là các bánh răng móc nối vào nhau với bánh xe Sáng tạo (Create) ở giữa (Ảnh: Top Hat)

Một phiên bản Bloom khác cũng khá phổ biến là minh họa Bloom của Trung tâm dạy và học Bok Center thuộc đại học Harvard (Bok Center for Teaching and Learning). Phiên bản Bloom này là một cái nêm rộng làm nổi bật hơn giá trị của các cấp sáng tạo, đánh giá và phân tích.

Phiên bản minh họa Bloom hình cái nêm của Trung tâm dạy và học Bok Center đại học Harvard (Ảnh: Rawia Inaim)

Theo trung tâm Bok, cho dù hình dạng chính xác hay các thuật ngữ chính xác của thang đo Bloom là gì thì tất cả phiên bản Bloom đều là những công cụ khám phá mạnh mẽ giúp giáo viên phân tích các mục tiêu học tập và thiết kế bài tập.

Dù hình dạng của thang đo Bloom là kim tự tháp thì điều đó cũng không có nghĩa là những cấp bậc ở đỉnh tháp quan trọng hơn đáy tháp, hay những cấp ở đáy sẽ lớn hơn ở đỉnh. Hai vấn đề quan trọng là: Các kỹ năng và hành động ở cấp cao yêu cầu sự tham gia và thậm chí là thành thạo các kỹ năng ở cấp thấp.

Học tập là sáng tạo

Kết lại bài viết của mình, nhà giáo dục Ron Berger cho rằng, dù các học sinh của chúng ta theo đuổi lựa chọn cuộc sống hay nghề nghiệp nào thì nhiều em sẽ sớm tìm thấy mình trong những tình huống mà chúng cần sáng tạo (ví dụ các website, sơ đồ thiết kế, mạch điện, kế hoạch kinh doanh, báo cáo công việc, chiến dịch cộng đồng…). Phần nhiều sự học của chúng sẽ diễn ra khi chúng sáng tạo những cái trên, trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, tạo mẫu, phê bình và sửa đổi. Những gì chúng biết thông qua quá trình này sẽ đưa chúng quay lại với sách vở hoặc các nguồn lực khác, hay khuyến khích chúng kết nối với đồng nghiệp để học được những thông tin mới. Việc học trong cuộc sống có tính năng động, tổng hợp và liên hệ qua lại, đồng thời liên quan sâu sắc với sự sáng tạo. Việc học chưa bao giờ là một kim tự tháp bất động.

Linh Trần tổng hợp

Chủ đề khác