VnReview
Hà Nội

Kính chống giọt bắn kết hợp khẩu trang giúp tăng hiệu quả chống SARS-CoV-2

Kết hợp kính chống giọt bắn và khẩu trang đã tạo ra sự khác biệt lớn đối với những nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với các gia đình có người nhiễm SARS-CoV-2.

Một trong những thử thách lớn nhất trong dịch Covid-19 là chúng ta chưa biết cách nào để chống lại virus SARS-CoV-2. Hầu hết các nghiên cứu khoa học trên lĩnh vực kiểm soát dịch bệnh đều được thực hiện trên một dịch cúm giả định, tuy nhiên dịch cúm hoàn toàn khác so với dịch do virus corona gây ra trên nhiều khía cạnh. Ngay cả đối với những loại virus corona chúng ta đã gặp, như SARS, MERS và hai loại virus cảm lạnh khác, chúng đều có sự khác biệt với nhau.

Chúng ta không có quá nhiều dữ liệu về dịch bệnh do virus corona gây ra. Liệu chúng ta sẽ cần phải giữ khoảng cách tổi thiểu hai hay ba mét? Loại khẩu trang nào hiệu quả nhất? Chúng ta đang phải cố gắng thu thập dữ liệu về dịch bệnh này song song với việc chống lại nó. Và quá trình nghiên cứu dữ liệu cho thấy có một biện pháp tỏ ra rất hiệu quả, đó là kính chống giọt bắn.

Một nhân viên y tế tại Ấn Độ sử dụng khẩu trang kết hợp kính chống giọt bắn (Ảnh: Enlarge)

Nghiên cứu được thực hiện tại Ấn Độ khi chương trình y tế công cộng được triển khai tại nước này để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Các nhân viên y tế tại Chennai đồng ý tự nguyện cách ly để gặp gỡ các gia đình có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 và giải thích về chế độ cách ly, cách sử dụng khẩu trang cũng như các biện pháp giãn cách xã hội…

Trước khi nói về kết quả nghiên cứu, chúng tôi xin dành sự ngưỡng mộ đối với những nhân viên này. Họ đã đồng ý rời xa gia đình để sống tập trung tại một khách sạn. Họ chấp nhận bị cách ly với bạn bè và đồng nghiệp. Thức ăn được chuyển trực tiếp đến từng phòng và thậm chí xe chuyển chở họ cũng được lắp tấm chắn bằng sắt để tách biệt với lái xe. Mọi sự tiếp xúc trực tiếp của họ đều là với đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Mặc dù được yêu cầu phải mang khẩu trang và khoảng cách tối thiểu 2m nhưng việc tuân thủ thường không nghiêm ngặt.

Và dù nhân viên y tế được trang bị găng tay, khẩu trang phẫu thuật, cồn và nước rửa tay đầy đủ, nhưng chỉ khoảng 2 tuần thì xuất hiện nhân viên y tế đầu tiên có triệu chứng bệnh. Chương trình này nhanh chóng bị đình chỉ, mọi nhân viên đều được xét nghiệm. Trong 62 nhân viên đã có khoảng 12 người nhiễm bệnh. Thống kê cho thấy, họ đã đến 5.880 gia đình và tiếp xúc với 222 người có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. May mắn là không có tài xế nào bị nhiễm nhờ vào vách ngăn trên xe.

Khi chương trình này được hoạt động trở lại, một lớp bảo vệ mới đã được bổ sung, đó là một kính chống giọt bắn bằng nhựa. Các nhân viên y tế cũng được trang bị cồn y tế để khử khuẩn tấm kính sau khi đến từng gia đình. Trong giai đoạn mới này, các nhân viên y tế đã đến 18,228 gia đình và tiếp xúc với 2,682 ca dương tính.

Kết quả là không có bất cứ nhân viên y tế nào nhiễm bệnh.

Một phần kết quả trên có thể là nhờ vào việc các nhân viên y tế đã tự nâng cao ý thức phòng chống dịch sau khi chương trình bị đình chỉ. Nhưng dù sao thì thay đổi hành vi cũng không thể giảm thiểu nguy cơ với 18 nghìn lần tiếp xúc với các gia đình có nguy cơ lây nhiễm cao. Vì vậy, có thể khẳng định kính chống giọt bắn đã góp phần lớn vào kết quả này.

Tác giả của bài nghiên cứu chưa thể khẳng định chắc chắn đâu là lý do chính. Kính chống giọt bắn có thể giúp ngăn chặn luồng không khí đi trực tiếp vào mặt, giúp khẩu trang không bị nhiễm virus. Hoặc nó cũng có khả năng bảo vệ mắt người dùng, đây cũng là một trong những con đường lây nhiễm của SARS-CoV-2. Vì vậy, vẫn còn nhiều điều chúng ta cần phải tìm hiểu thêm. Nhưng kết quả nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng kính chống giọt bắn đã giúp hạn chế rõ rệt nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc.

Minh Bảo;theo Arstechnica

Chủ đề khác