VnReview
Hà Nội

Trung Quốc đã đánh cắp các bí mật công nghệ trên thế giới như thế nào?

Bằng cách huy động sức mạnh từ mọi nguồn lực xã hội, Trung Quốc đã áp dụng toàn diện nhiều biện pháp để đạt được mục đích thâu tóm công nghệ, theo bản công bố đăng trên website của Đại sứ quán Mỹ tại Georgia.

Các nhà nghiên cứu tại công ty Avago có trụ sở đặt tại Hoa Kỳ và Singapore đã dành ra hơn 20 năm phát triển công nghệ cải thiện giao tiếp không dây nhưng lại bị chính một nhân viên của họ lấy cắp công nghệ để phục vụ cho chính phủ Trung Quốc.

Các quan chức Mỹ đã viện dẫn hành vi đó là một ví dụ về "cách tiếp cận mở rộng" của Trung Quốc nhằm ăn cắp công nghệ và tài sản trí tuệ của các quốc gia khác. Mục đích là gì? Đó chính là để tăng cường sức mạnh kinh tế và quân sự của họ, và để đạt được sự thống trị toàn cầu trên lĩnh vực khoa học.

"Dung hợp quân – dân sự" (military-civil fusion - MCF) là một phần của nỗ lực này. MCF huy động nguồn lực từ toàn xã hội: mọi doanh nghiệp, mọi cá nhân đều được khuyến khích, kết nạp hoặc thậm chí cưỡng ép để tham gia hiện đại hóa quân đội Trung Quốc.

Điều này gây ra những thách thức to lớn đối với bất cứ ai, từ các trường đại học, công ty tư nhân đến các quốc gia khác, những bên sẽ hợp tác với các đối tác Trung Quốc của họ.

Hồi tháng 5, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra tuyên bố hạn chế việc Trung Quốc lợi dụng visa dành cho sinh viên nước ngoài để tìm cách thu thập các công nghệ mới của Mỹ nhằm phục vụ cho chiến lược MCF của họ. Kế đó, cơ quan thực thi pháp luật Mỹ đã khởi động hơn 1.000 cuộc điều tra nhắm vào những mối nguy tiềm tàng đánh cắp công nghệ.

Ảnh chụp màn hình bài đăng của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Trung Quốc đang tìm cách xây dựng quân đội bằng việc khai thác các công ty tư nhân, học viện của Mỹ cho các công nghệ cốt lõi của họ.

Trung Quốc thâu tóm được các nghiên cứu bằng cách tuyển mộ những Hoa kiều sinh sống tại nước ngoài, bí mật trả tiền cho các nhà khoa học tại nước đó để tái tạo nghiên cứu tại Trung Quốc và cử các sĩ quan quân đội thâm nhập vào các quốc gia khác, ngụy trang thành những công dân bình thường để ăn cắp công nghệ và thông tin nhằm nâng cao mục tiêu phát triển công nghệ và kinh tế của quốc gia này.

Vào ngày 7/7 vừa qua, Christopher Wray, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho biết Trung Quốc đang "làm tất cả những gì có thể để lợi dụng sự cởi mở" của các quốc gia khác nhằm đánh cắp kết quả nghiên cứu.

Dưới đây là một vài ví dụ:

Tấn công các công ty nước ngoài

Trong một trường hợp gần đây, các công tố viên Mỹ đã buộc tội hai hacker cộng tác với Bộ Công an Trung Quốc nhắm đến ngành công nghiệp công nghệ cao tại 11 quốc gia. Các mục tiêu bao gồm các công ty phát triển vắc-xin và phương pháp điều trị Covid-19.

Chiến dịch dạng như vậy đã kéo dài hơn một thập kỷ và nhắm đến các ngành sản xuất công nghệ cao, dược phẩm, quốc phòng và các lĩnh vực khác ở một số quốc gia bao gồm Mỹ, Úc, Đức, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Thụy Điển và Vương quốc Anh.

Kết nối với người Trung Quốc sinh sống tại nước ngoài

Trung Quốc tuyển mộ và khích lệ cả công dân nước ngoài và kiều bào Trung Quốc, những người có khả năng tiếp cận với những công nghệ và thông tin nhạy cảm.

Hongjin Tan, một công dân Trung Quốc và là cư dân hợp pháp của Mỹ, đã nộp đơn tham gia chương trình "Kế hoạch ngàn nhân tài" (Thousand Talents Plan) của Trung Quốc và cam kết sẽ "tiêu hóa" và "hấp thụ" công nghệ tại Mỹ, Christopher Wray cho biết.

Khi nghỉ việc tại một công ty xăng dầu có trụ sở tại Oklahoma vào tháng 12/2018, Tan đã mang theo những bí mật thương mại trị giá hơn 1 tỷ USD. Tan sau đó đã nhận tội trộm cắp, tuồn bí mật thương mại và bị kết án 24 tháng tù giam.

Vào tháng 6, Hao Zhang, một công dân Trung Quốc 41 tuổi, bị kết tội gián điệp kinh tế vì âm mưu cấu kết với cựu nhân viên của Avago, Wei Pang để đánh cắp bí mật thương mại.

Thu hút chuyên gia nước ngoài

Trong một số trường hợp, các cơ chế tuyển dụng của Bắc Kinh đã khuyến khích được các nhà khoa học nước ngoài thực hiện nghiên cứu của mình tại Trung Quốc - trong khi vẫn được chính phủ Mỹ tài trợ tương tự cho cùng một công việc.

Giáo sư Đại học Harvard Charles Lieber rời tòa án vào ngày 30/1 ở Boston, Massachusetts. Ảnh: Charles Krupa/AP.

Các công tố viên liên bang cho biết chương trình "Kế hoạch ngàn nhân tài" của Trung Quốc đã đồng ý trả cho Charles Lieber, một nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard, 50.000 USD mỗi tháng và mức thưởng 1,5 triệu USD để ông ta thành lập một phòng nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Vũ Hán. Lieber đã đồng ý thỏa thuận từ chính phủ Trung Quốc và không hề tiết lộ nó cho Đại học Harvard và nhà tài trợ của mình, Bộ Quốc phòng Mỹ, vi phạm cả chính sách và luật pháp Mỹ.

Lieber bị buộc tội đưa ra xác nhận sai sự thật, giả tạo và lừa đảo.

Một cuộc điều tra của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) gần đây tiết lộ 54 nhà khoa học đã bị sa thải hoặc từ chức sau khi không tiết lộ mối quan hệ tài chính với các chính phủ nước ngoài. Trong số 189 nhà khoa học đang bị điều tra tại NIH, 93% có mối liên hệ với Trung Quốc.

Che giấu mối quan hệ quân sự

Yanqing Ye, một trung úy của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đã gửi tài liệu về nước trong khi đang theo học tại khoa vật lý, hóa học và kỹ thuật y sinh của Đại học Boston.

Ye đã khai báo gian dối rằng mình là sinh viên trong quá trình xin visa và giấu việc tham gia quân đội. Cô phải đối mặt với các cáo buộc hoạt động như một điệp viên của chính phủ nước ngoài.

Giang Vu theo U.S Embassy

Chủ đề khác