VnReview
Hà Nội

10 tác hại khi bạn uống quá nhiều trà

Uống lượng lớn cà phê hoặc đồ uống có đường có thể khiến bạn cảm thấy bứt rứt, khó chịu và uống trà cũng tương tự như vậy.

Trà thường được coi như một phương thuốc chữa bệnh. Đau bụng ư? Hãy uống trà gừng. Mất ngủ? Uống trà hoa cúc. Còn đau họng? Hãy dùng trà đen với một chút mật ong. Với đặc tính chữa bệnh có thể làm dịu hầu hết các bệnh về mặt thể chất và thậm chí hạn chế nguy cơ mắc phải các bệnh mãn tính như là ung thư, viêm nhiễm, tiểu đường và bệnh tim mạch, nên trà đã được con người khai thác công dụng trong hàng thế kỷ.

Nhưng mặc dù chúng ta có xu hướng xem trà như một loại thuốc chữa bệnh, thì vẫn có điều gì đó cần cân nhắc đối với phương châm dinh dưỡng muôn thuở này, đó là "mọi thứ đều cần có chừng mực". Bởi vì ngay cả trà cũng có thể gây ra những tác dụng phụ, đặc biệt nếu bạn là một tín đồ, một người cuồng trà. Sau đây là 10 dấu hiệu chỉ ra bạn đang uống trà quá nhiều.

1. Cảm thấy căng thẳng hoặc bồn chồn

Có thể uống trà là một cách hữu hiệu để chống lại cảm giác căng thẳng, lo lắng hoặc bồn chồn nhưng nếu bạn nhấm nháp quá nhiều, nó sẽ gây ra tác dụng ngược lại, khiến cho những cảm giác này tăng lên.

Có lẽ chúng ta nghĩ rằng trà giống như một loại thức uống phù hợp cho buổi tối hơn là cà phê, nhưng thật ra nó vẫn chứa caffeine bên trong. Như vậy, cũng giống như nạp vào quá nhiều cà phê, uống quá nhiều trà có thể làm trầm trọng thêm cảm giác lo lắng, bồn chồn hoặc căng thẳng.

Vậy bao nhiêu trà là quá nhiều? Có thể là một tách trà hoặc nhiều hơn tùy thuộc vào lượng caffeine trong đó. Miễn là bạn hạn chế lượng caffeine ở mức dưới 200 miligam mỗi ngày, tùy thuộc vào loại trà, mà bạn có thể điều chỉnh không quá ba tách.

2. Ngủ không ngon

Đúng là trà được pha chế để mang lại một giấc ngủ thư thái dễ dàng hơn, nhưng có những loại chẳng hạn như trà đen, thường chứa nhiều caffeine hơn những loại trà khác.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng nạp vào 200 miligam caffein trước khi đi ngủ 6 tiếng trở lên có thể tác động tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ vì caffein ức chế melatonin - hormone hỗ trợ giấc ngủ. Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc vào từng người, cơ chế trao đổi chất và lượng caffeine tiêu thụ thêm từ những nơi khác. Nếu bạn đang uống hơn 3 tách trà mỗi ngày mà vẫn tích thêm caffeine từ những nguồn khác, thì chẳng nghi ngờ gì việc giấc ngủ của bạn sẽ bị ảnh hưởng.

Nếu vẫn muốn giữ sở thích với 3 tách trà mỗi ngày, thì hãy đảm bảo rằng đó là nguồn nạp caffein duy nhất của bạn trong ngày. Nếu không, bạn sẽ cảm thấy cơ thể luôn trằn trọc thậm chí đầu óc quay cuồng.

3. Bị ợ nóng

Nếu bị ợ chua mỗi khi giải tỏa cơn khát bằng trà, thì có thể cốc trà sáng của bạn đã làm trầm trọng thêm tình trạng trào ngược axit đã có từ trước. Nhưng ngay cả khi bạn không bị trào ngược axit, thì caffein có trong trà cũng có thể gây ra các triệu chứng ợ nóng vì nó làm giãn cơ vòng chặn thực quản khỏi dạ dày. Khi cơ vòng giãn ra, axit từ dạ dày có thể trào ngược lên thực quản, gây ra cảm giác nóng, axit kèm theo ợ nóng.

4. Thường xuyên đau bụng

Mẹ của bạn có thể đã khuyên rằng trà gừng có thể giúp giảm các triệu chứng đau bụng và buồn nôn. Điều đó là đúng, tuy nhiên tác dụng thật sự lại đến từ gừng chứ không phải là trà. Thực tế, quá nhiều trà còn có thể gây đau bụng và buồn nôn.

Lá trà có chứa tannin, một loại hợp chất mang lại hương vị khô của trà. Tannin là hợp chất có vị đắng và nạp vào quá nhiều có thể tàn phá các mô trong đường tiêu hóa.

Nếu bị đau bụng sau khi uống trà, bạn có thể nhai một ít bánh mì nướng hoặc phô mai. Tannin liên kết với các protein và carb, vì vậy ăn chúng cùng với trà có thể làm giảm bớt các triệu chứng buồn nôn hoặc đau bụng.

5. Chóng mặt

Trừ khi quá mẫn cảm với caffeine, nếu không thì bạn sẽ khó lòng bị chóng mặt ngay sau khi uống chỉ một hoặc hai tách trà. Tuy nhiên, nếu tiêu thụ quá nhiều caffeine, dù là trà hay cà phê, đều chắc chắn có thể khiến bạn phải lâng lâng và chóng mặt.

Thông thường, mọi người chỉ gặp triệu chứng này nếu họ đã uống quá sáu tách có chứa caffeine. Vì vậy, hãy hạn chế uống không quá ba tách mỗi ngày.

6. Thường xuyên đau đầu

Như với hầu hết các triệu chứng đã gặp, caffeine có; thể là "một con dao hai lưỡi". Trong khi một số loại trà, chẳng hạn như bạc hà, có thể giúp giảm bớt cơn đau đầu hoặc đau nửa đầu, thì không may là uống quá nhiều trà cũng có thể làm điều ngược lại.

Nếu thường xuyên bị đau đầu, hãy thử giảm lượng caffeine tiêu thụ xuống dưới 100 miligam mỗi ngày.

7. Cảm thấy phụ thuộc vào caffeine

Bạn quá yêu thích cảm giác mà caffeine mang lại? Hầu hết chúng ta đều vậy nhưng nếu bắt đầu cảm thấy phụ thuộc hoàn toàn vào caffeine, đó có thể là một dấu hiệu trước mắt cho thấy bản thân đang sử dụng quá nhiều trà, quá thường xuyên và liên tục.

Caffeine, từ trà hoặc cà phê sẽ rất tốt trong thời gian ngắn, nhưng nếu liên tục nuông chiều bản thân có thể gây ra sự phụ thuộc vào caffein, gây ra các triệu chứng bứt rứt khi phải từ bỏ. Như đã đề cập ở trên, một người nào đó trải qua giai đoạn cai caffeine có thể phải đối mặt với đau đầu, mệt mỏi và cáu gắt nói chung.

Để tránh phải trở thành nạn nhân của việc phụ thuộc vào caffeine hoặc phải trải qua giai đoạn cai caffeine, bạn có thể chia nhỏ lịch uống trà để cơ thể được nghỉ ngơi. Cuối cùng, càng phụ thuộc lâu dài vào caffeine thì càng khó để phá vỡ sự phụ thuộc đó. Trên thực tế, các triệu chứng thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn nếu sự phụ thuộc này càng mạnh.

8. Thiếu hụt sắt

Ngoài khả năng liên kết với carb và protein, tannin cũng liên kết với sắt. Nhưng ở trường hợp này thì không thật sự tốt, đặc biệt nếu bạn đang trong tình trạng thiếu sắt. Khi tannin liên kết với sắt trong cơ thể, chúng sẽ ngăn chất sắt đi đến đường tiêu hóa, nơi cơ thể thường hấp thụ. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu sắt hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng hiện tại.

Theo nghiên cứu, chất tannin trong trà dễ liên kết hơn với sắt có trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật, vì thế những người ăn chay và thuần chay dễ bị thiếu sắt, đặc biệt là nếu sử dụng quá nhiều trà.

Nếu bạn là người ăn chay hoặc theo chủ nghĩa thuần chay, thì tốt hơn hết là nên giảm lượng trà tiêu thụ.

9. Đi tiểu nhiều

Giống như bất cứ loại đồ uống nào, chất lỏng sẽ khiến bạn đi tiểu, nhưng cũng như cà phê, thì trà là một loại thức uống lợi tiểu, sẽ khiến cho bạn phải đi vệ sinh nhiều hơn.

Nếu bạn thường thức dậy vào nửa đêm để đi tiểu hoặc số lần bạn đi vệ sinh trong ngày khá nhiều, ảnh hưởng đến lối sống của bản thân, thì nên cân nhắc lượng trà sử dụng trong ngày.

10. Mất nước

Nghe thì có vẻ kỳ lạ khi mà bạn đang đưa chất lỏng vào cơ thể, nhưng đúng là vậy! Trà là thứ nước lợi tiểu, nó khiến bạn phải đi tiểu thường xuyên hơn và nếu không được bù nước kịp thời thì sẽ dẫn đến mất nước. Caffeine trong trà làm tăng lưu lượng máu đến thận, nó sẽ gửi tín hiệu đến thận để yêu cầu thải ra nhiều nước hơn.

Tất nhiên, nó còn phụ thuộc vào loại trà mà bạn uống là gì. Trà đen thường chứa nhiều caffein hơn và một lượng lớn trà xanh hoặc trà ô long cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình cung cấp đủ nước cho cơ thể. Nhưng với các loại trà thảo mộc, thường đã được khử caffein, bạn sẽ ít phải đi tiểu thường xuyên hơn.

Vậy uống bao nhiêu trà sẽ dẫn đến mất nước? Nghiên cứu cho thấy một người sẽ phải uống hơn 500 miligam trà, tức là hơn 6 tách trà mới dẫn đến tình trạng này.

Chung quy lại, những tín đồ của trà cần biết cách tiết chế bản thân, uống không quá ba tách trà mỗi ngày sẽ là sự lựa chọn hợp lý nhất.

Giang Vu theo Eat This, Not That

Chủ đề khác