VnReview
Hà Nội

Vì sao hệ thống phòng thủ tên lửa có giá siêu đắt? – Phần 2

Chi phí là một trong những yếu tố chính làm gia tăng tranh cãi. Chi phí thường là cơ sở vững chắc để khẳng định sự thành công hay thất bại của một hệ thống phòng thủ tên lửa (hay bất cứ hệ thống vũ khí nào khác). Chi phí không bao giờ và không nên là lý do khiến một hệ thống được triển khai hay cất tủ. Nhưng nó là một rào cản trên thực tế mà mọi hệ thống đều phải vượt qua để có thể tồn tại.

Vì sao hệ thống phòng thủ tên lửa có giá siêu đắt? – Phần 1

Thách thức về công nghệ

Phát triển tên lửa phòng thủ là một thử thách lớn, cả về kỹ thuật lẫn vận hành. Rất khó để có thể đánh chặn một đầu đạn hạt nhân có phạm vi ảnh hưởng lên đến hàng trăm hay hàng ngàn mét. Để bắn hạ được tên lửa đòi hỏi phải có sự tính toán với độ chính xác tính bằng vài chục centimet và micro-giây. Điều này thực sự là một thách thức cho hệ thống phòng thủ tên lửa vì phải đảm bảo một tỉ lệ rất nhỏ đầu đạn có thể xuyên qua lớp phòng thủ này. Hầu như ai cũng đánh giá thấp những yêu cầu cần có cho một hệ thống phòng thủ tên lửa hiệu quả. Điều này không có nghĩa là những thử thách này không thể vượt qua, mà nó cần được tính toán đầy đủ mọi vấn đề mới có thể thành công (đó là trong trường hợp chương trình đó khả thi về mặt công nghệ). Những thách thức về mặt kỹ thuật còn làm gia tăng ảnh hưởng của chính trị lên quá trình đề xuất khiến thời hạn thực hiện bị co lại.

Để phát triển những thành phần trong hệ thống NMD, như tên lửa đánh chặn hit-to-kill, cảm biến hồng ngoại, ra-da băng tần X với độ phân giải cao, trung tâm chỉ huy và điều khiển, sẽ cần phải thúc đẩy phát triển công nghệ trên nhiều lĩnh vực. Hầu hết các chương trình khác chỉ yêu cầu công nghệ tiên tiến trên một số ít lĩnh vực. Quan trọng nhất là hệ thống hỗ trợ phải được đồng bộ liền mạch ở quy mô lớn và phức tạp chưa từng có với độ tin cậy gần như hoàn hảo. Nó sẽ đòi hỏi những nỗ lực lớn trong việc đồng bộ hệ thống và thử nghiệm cả trong phòng thí nghiệm lẫn trên thực địa.

Mỹ từng tiến hành một chương trình với quy mô lớn vào những năm 1950 khi nước này phát triển toàn bộ hệ thống hạt nhân. Mỹ phải phát triển cùng lúc cả đầu đạn, tên lửa, ra-đa cảnh báo sớm, vệ tinh, trung tâm điều khiển hệ thống phóng, mạng lưới thông tin liên lạc, trung tâm chỉ huy và điều khiển. Ở một vài khía cạnh, NMD còn gặp khó khăn hơn vì các bộ phận phải liên kết với nhau chặt chẽ hơn. Tên lửa đánh chặn phải có khả năng phân biệt giữa đầu đạn và mồi nhử cũng như có sự cơ động để có thể trúng mục tiêu ở vận tốc lên đến 10.000m/s. Chỉ chênh lệch vài centimet hay vài micro-giây cũng đã có thể thay đổi kết quả thành công hay thất bại. Ngược lại, ICBM (tên lửa liên lục địa) chỉ cần bắn từ một vị trí trên mặt đất đến mục tiêu với độ chính xác khoảng vài trăm đến vài nghìn mét.

Tương tự, hệ thống cảnh báo sớm được ra đời phục vụ cho vai trò răn đe hạt nhân với nhiệm vụ phát hiện một vụ phóng tên lửa từ quân địch và cung cấp những thông tin tổng quan về quy mô cũng như thành phần tấn công. Hệ thống chỉ huy và điều khiển phải chuyển những thông tin này đến Cơ quan Chỉ huy Quốc gia và sau đó chuyển lệnh phóng tên lửa đến trung tâm điều khiển ICBM, máy bay ném bom và chỉ huy tàu ngầm. Giải quyết những vấn đề này không hề đơn giản, Mỹ đã mất nhiều thập kỷ mới có thể làm được. Nhưng đối với NMD, hệ thống cảnh báo sớm phải được bổ sung những ra-đa và vệ tinh hồng ngoại cực kỳ chính xác để theo dõi tên lửa, đầu đạn và mồi nhử. Sau đó, hệ thống quản lý, chỉ huy và điều khiển phải chuyển những dữ liệu đó đến trung tâm chỉ huy, kết hợp cùng với vô số cảm biến khác để tạo thành một bức tranh toàn cảnh chính xác, có thể phân biệt giữa đầu đạn và mồi nhử; sau đó gửi chỉ dẫn đến các tên lửa đánh chặn để chúng có thể bay vào đúng vị trí đánh chặn mục tiêu. Các hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường cũng có chung những điểm phức tạp đó.

Ra-đa băng tần X trên biển (Ảnh: missiledefenseadvocacy.org)

Thực tế là chưa có nước nào từng thực hiện tất cả những công việc đó. Một số người còn nghi ngờ rằng tên lửa phòng thủ chẳng bao giờ có thể thực hiện được một màn hit-to-kill, đặc biệt là ở giai đoạn giữa, môi trường chân không giúp các loại mồi nhử rẻ tiền hiệu quả hơn và khiến khả năng phân biệt trở nên cực kỳ khó. Nếu hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo có thể hoàn thành, ba yếu tố chính cho sự thành công sẽ là: tăng cường giảm thiểu rủi ro, đồng bộ hệ thống và tích cực thử nghiệm. Nếu không đủ ngân sách cho bất cứ hạng mục nào cũng sẽ dẫn đến sự gia tăng chi phí và kéo dài lịch trình.

Giảm thiểu rủi ro là thuật ngữ về mặt kỹ thuật nhằm giảm những rủi ro về mặt kỹ thuật kỹ thuật (và nói rộng ra là cả về mặt thời gian) trong chương trình, ví dụ như hệ thống không hoạt động như mong muốn. Tổ chức Phòng thủ Tên lửa Đạn đạo (BMDO) mô tả đề xuất cho hệ thống NMD có mức độ rủi ro rất cao và cả các chương trình phòng thủ chiến trường cũng vậy.

Các đơn vị quản lý chương trình sẽ cố gắng giảm thiểu rủi ro về kỹ thuật và thời gian bằng nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm thử nghiệm nhiều công nghệ và kỹ thuật để tìm ra kết quả tốt nhất. Sau khi chọn được cách tiếp cận, đơn vị quản lý cũng có thể tiếp tục phát triển công nghệ và hệ thống dự phòng trong trường hợp hệ thống chính thất bại. Những cách thử nghiệm bao gồm sử dụng mô phỏng trên máy tính và thử nghiệm các thành phần trong các cơ sở mô phỏng điều kiện chiến đấu trên thực tế. Tất cả những cách trên đều tốn tiền và với ngân sách hạn hẹp do áp lực từ nguồn ngân sách hay vấn đề kỹ thuật, thì thông thường, đơn vị quản lý chương trình buộc phải cắt giảm các biện pháp giảm thiểu rủi ro để đảm bảo chương trình hoàn thành đúng tiến độ. Điều này vẫn thường xuyên diễn ra trên thực tế.

Ví dụ như chương trình SBIRS-low, một nhóm gồm 24 vệ tinh hồng ngoại ngoài không gian (trước đây có tên là Space and Missile Tracking System and Brilliant Eyes) được thiết kế để theo dõi đầu đạn và mồi nhử. Ban đầu, có hai nhóm được chọn để xây dựng các vệ tinh mẫu và đưa chúng vào không gian, nhưng vì lý do ngân sách, sau đó chỉ còn một nhóm thực hiện. Đơn vị trúng thầu được giao nhiệm vụ xây dựng một vệ tinh duy nhất để thử nghiệm hệ thống. Những sau khi chi phí cho chương trình này tăng quá mức thì một nhà thầu thứ hai được thêm vào để phát triển bộ cảm biến thay thế. Cuối cùng, chi phí tăng cao đến mức cả hai chương trình đều bị hủy bỏ. Để giảm chi phí xuống, không quân đã quyết định họ không cần thử nghiệm các công nghệ quan trọng có tính rủi ro cao ngoài không gian trước khi triển khai giai đoạn đầu của hệ thống.

Chương trình THAAD hiện tại cũng là một ví dụ cho việc đầu tư vào biện pháp giảm thiểu rủi ro giúp tránh được nhiều vấn đề. Ban đầu, THAAD gặp phải nhiều vấn đề đã được công khai rộng rãi, bao gồm bốn lần bay thử nghiệm thất bại. Sau mỗi lần thử nghiệm thất bại, chương trình lại bị trì hoãn và chi phí lại tăng lên. Tuy nhiên, THAAD không bị dừng hoàn toàn vì quân đội xem đây là một chương trình cần thiết để bảo vệ binh lính trên chiến trường khỏi tên lửa đạn đạo tầm xa. Nếu một nhà thầu thứ hai được tài trợ để phát triển một mô hình khác, sẽ có hai điều có thể xảy ra: đầu tiên là nhà thầu thứ nhất sẽ phải làm việc cật lực hơn vì họ có thể thua cuộc cạnh tranh này, hoặc thứ hai là nhà thầu sẽ bị sa thải nếu không thể khắc phục vấn đề. Dù là điều gì xảy ra đi nữa thì quân đội vẫn sẽ có một giải pháp thay thế để giải quyết áp lực từ nhu cầu cấp bách phải bảo vệ lực lượng.

Giảm thiểu rủi ro kỹ thuật là một phần thiết yếu, đặc biệt là đối với các chương trình phòng thủ tên lửa đạn đạo cần những công nghệ tiến tiến trên nhiều lĩnh vực. Khi một chương trình bắt đầu cắt giảm các biện pháp giảm thiểu rủi ro đã được chuẩn bị trước đó, kết quả thường là chi phí sẽ tăng lên, có thể nói đó là đổi một xu lấy một tạ vấn đề.

Hệ thống đồng bộ là đảm bảo từng bộ phận riêng lẻ của hệ thống phòng thủ tên lửa được thiết kế và kiểm tra cẩn thận để có thể hoạt động với nhau, đây có thể xem là phần khó nhất trong một chương trình. Hầu hết vấn đề trong đồng bộ hệ thống phòng thủ tên lửa là đường liên lạc giữa trung tâm quản lý/chỉ huy chiến đấu và hệ thống điều khiển. Những thách thức đã được đề cập trong phần trước. Nhưng để đánh giá các bộ phận được đồng bộ tốt như thế nào, hiệu quả phòng thủ ra sao thì chỉ có thể thực hiện thông qua chiến trận, hoặc trong các thử nghiệm mô phỏng chiến đấu sát với thực tế.

Việc đồng bộ cả một hệ thống phòng thủ tên lửa có thể tốn đến hàng tỉ USD. Ví dụ, Lầu Năm Góc ước tính sẽ cần chi phí khoảng 5,4 tỉ USD chỉ để đồng bộ hệ thống NMD trong giai đoạn đầu, hay nói cách khác là gần 30% chi phí cho toàn bộ hệ thống. Hệ thống càng phức tạp thì giai đoạn thử nghiệm càng phải được tiến hành nghiêm túc để đánh giá tính hiệu quả của cả hệ thống.

Ảnh: missiledefenseadvocacy.org

Thực hiện thử nghiệm phù hợp với mỗi chương trình rất phức tạp, tốn chi phí và đến nay chưa được đưa vào hầu hết các chương trình phòng thủ tên lửa. Sau những chỉ trích trong ba bản báo cáo từ ủy ban của Welch, các chương trình phòng thủ quốc gia và trên chiến trường đã được rót nhiều ngân sách hơn cho quá trình thử nghiệm. Đáng lẽ điều này cần phải được thực hiện ngay từ đầu khi các chương trình được hình thành và thiết kế, cũng như những thách thức về mặt kỹ thuật không nên bị xem thường. Nhưng bất chấp những đánh giá của Welch và phản hồi từ các chương trình, vẫn chưa rõ những vấn đề cơ bản đã được giải quyết hay chưa, do đó tiếp tục dấy lên những dấu hỏi xung quanh vấn đề gia tăng chi phí.

Đối với những thách thức kỹ thuật liên quan công nghệ cốt lõi, chương trình NMD hiện nay sử dụng một chương trình thử nghiệm dựa trên một cách thức tương đối mới, nhưng nó lại chưa được thẩm định đầy đủ cho một chương phòng thủ quốc gia phức tạp. Hầu hết các chương trình TMD cũng sử dụng cách thức trên. Theo cách truyền thống, các thử nghiệm bay sẽ được thực hiện với số lượng lớn trong suốt quá trình phát triển và sau khi hệ thống được triển khai. Điều này tạo ra nhiều thời gian và cơ hội để phát hiện và khác phục mọi vấn đề kỹ thuật phát sinh.

Ngược lại, các thử nghiệm mới dựa trên các mô phỏng mở rộng và thử nghiệm mặt đất để bổ sung dữ liệu cho một lượng nhỏ thử nghiệm bay. Thống kê cho thấy có 40 đến 60 thử nghiệm bay được tiến hành trong quá trình nghiên cứu và phát triển chương trình IBCM và SLBM đầu tiên. Con số này giảm xuống còn khoảng 20 lần trong những năm gần đây, một phần là nhờ vào khả năng của phương pháp mô phỏng và thử nghiệm mặt đất tăng lên. Tên lửa đạn đạo tầm xa cũng giống với tên lửa phòng thủ vì chúng đều yêu cầu độ tin cậy và tính hiệu quả cao. Nhưng cách phát triển tên lửa đạn đạo lại khác tên lửa phòng thủ là chúng chỉ cần có thể bay từ điểm này đến điểm khác trên mặt đất. Ngược lại, tên lửa đánh chặn phải bay đến một điểm giao nhau chính xác trên không trung mà mục tiêu có thể đến từ mọi hướng ở mọi góc độ, cùng với đó là hàng loạt biện pháp đối phó với tên lửa đánh chặn. Về mặt này, vấn đề của tên lửa phòng thủ giống với hệ thống phòng không hơn.

Hệ thống phòng không đã trải rất nhiều cuộc thử nghiệm so với tên lửa đạn đạo. Block I và II tên lửa tiêu chuẩn của hải quân có 88 thử nghiệm bay, hệ thống phòng không Patriot nguyên bản có 114 và Hệ thống Tên lửa không đối không tầm trung có 111 lần thử nghiệm. Safeguard là hệ thống NMD duy nhất được Mỹ triển khai có số lần thử nghiệm tương đương với các hệ thống phòng không với 165 lần.

Để so sánh, hệ thống NMD hiện tại được lên kế hoạch với 19 lần thử nghiệm bay, tương đương với THAAD, và 10 lần thử nghiệm với 16 tên lửa PAC-3. Dù vậy, việc phòng thủ tên lửa còn khó khăn hơn nhiều so với phòng không, phần lớn là vì khoảng thời gian triển khai rất ngắn, tốc độ cao và nhiều loại mồi nhử.

Nguyên nhân chính dẫn đến cách thức thử nghiệm mới là vì chi phí. Với hệ thống NMD hiện tại, thử nghiệm bay chỉ với một tên lửa đánh chặn và một tên lửa đạn đạo đã tốn từ 80 đến 100 triệu USD, đã bao gồm chi phí cho tất cả các hoạt động đánh giá, phân tích trước và sau thử nghiệm. Thậm chí, một chương trình thử nghiệm hiện đại nhất được lên kế hoạch cho hệ thống NMD sẽ cần từ 1,5 đên 2 tỉ USD, một con số mà bất kỳ đơn vị quản lý nào cũng khó mà tìm ra cách giái quyết. Mô phỏng máy tính, kiểm tra vòng lặp phần cứng và thử nghiệm mặt đất trong phòng thí nghiệm giúp mô phỏng một vài khía cạnh của môi trường thực tiễn là những giải pháp hợp lý hơn và là cách bổ sung cho các thử nghiệm bay, và BMDO đều sử dụng rộng rãi cả ba cách trên.

Tuy nhiên, không rõ là các cách khác có thể thay thế hay chỉ bổ trợ cho thử nghiệm bay, đặc biệt là đối với những thách thức của chương trình phòng thủ tên lửa cũng như yêu cầu cao về độ tin cậy lẫn tính hiệu quả. Thứ nhất, chưa rõ là các chương trình này có phòng thí nghiệm mặt đất với khả năng mô phỏng phù hợp hay không. Mặc dù Lầu Năm Góc đã xây dựng một số cơ sở mô phỏng và thí nghiệm mặt đất trong 20 năm nay cho hệ thống NMD và TMD. Báo cáo năm 1998 của Welch cho biết THAAD, Navy Theater Wide, NMD và một số chương trình nâng cấp Patriot không có chương trình thử nghiệm mặt đất phù hợp. Thứ hai, một số ít thử nghiệm bay được lên lịch trình sẵn là không đủ. Hệ thống NMD được thiết kế để chống lại hàng tá đầu đạn bằng cách bắn từ bốn đến năm tên lửa đánh chặn vào mỗi cái. Nhưng không có thử nghiệm nào được thiết kế với khả năng đối mặt cùng lúc nhiều đầu đạn và sử dụng nhiều hơn một tên lửa đánh chặn cho mỗi đầu đạn. Và một vấn đề nữa là mục tiêu trên thực tế và cả những mồi nhử sẽ như thế nào. Trừ khi cả hai vấn đề này được giải quyết thì chi phí nghiên cứu sẽ tiếp tục tăng cao.

Bài học cho tương lai

Những chính quyền và Quốc hội Mỹ trong tương lai có thể rút ra bài học gì từ kinh nghiệm trong nhiều thập kỉ xây dựng hàng rào phòng thủ tên lửa? Đầu tiên và quan trọng nhất là phải nhận diện được ba vấn đề làm gia tăng chi phí sẽ tiếp tục tác động đến các chương trình đang được triển khai, đặc biệt là NMD, trừ khi những chương trình này được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi làm đội vốn. Điều này cũng đúng với những lựa chọn thay thế cho chương trình hiện tại, gồm hệ thống phòng thủ pha đẩy mới trên mặt đất, trên biển và cả ngoài không gian. Vì sự thành công của chương trình phòng thủ tên lửa phụ thuộc một phần vào thiết kế chương trình lẫn chi phí ước tính như thế nào. Những chính quyền và Quốc hội tiếp theo nên giữ những quan điểm sau khi xem xét một chương trình phòng thủ tên lửa đạn đạo mà họ được kế thừa và khi cân nhắc một chương trình mới:

- Hạn chế đấu đá chính trị nhất có thể và tìm kiếm sự đồng thuận. Việc này nghe có thể rất khó nhưng lợi ích từ việc đồng thuận là rất lớn. Các chương trình sẽ được triển khai ổn định với các khoảng ngân sách đã được dự toán trước và khả năng chịu đựng các cuộc thử nghiệm thất bại cao hơn cũng như nhiều vấn đề khác. Từ đó giúp cho việc lên kế hoạch và triển khai chương trình dễ dàng hơn. Thực tế, một chương trình phức tạp như NMD sẽ không thể triển khai nếu không có sự đồng thuận cao.

- Chống lại cám dỗ phải rút ngắn thời hạn. Theo báo cáo của Welch, việc rút ngắn thời gian phát triển và thử nghiệm sẽ khiến cho toàn bộ tiến trình chậm lại thay vì thúc đẩy nó hoàn thiện nhanh hơn. Nếu mối đe dọa quá cấp thiết thì việc triển khai cần được thúc đẩy, các biện pháp giảm thiểu rủi ro cần được áp dụng triệt để đối với các công nghệ và thành phần quan trọng trong hệ thống. Nguồn ngân sách cho những biện pháp này sẽ rất lớn và nó không đảm bảo thành công, nhưng nó sẽ giảm khả năng chương trình bị trì hoãn hay thất bại.

- Đừng bao giờ xem nhẹ những khó khăn của tên lửa phòng thủ. Mặc dù có nhiều tuyên bố trái ngược, nhưng chúng ta chưa thật sự làm chủ những công nghệ dùng cho tên lửa phòng thủ. Hãy luôn chuẩn bị cho những vấn đề có thể xảy ra, sự trì hoãn và quan trọng nhất là những thử nghiệm thất bại. Một chương trình cần được thiết kế để có thể chống lại những yếu tố đó. Nó phải có những biện pháp giảm thiểu rủi ro tốt nhất. Mỗi bộ phận cần cải tiến công nghệ nên có từ một hoặc nhiều sản phẩm dự phòng được phát triển đồng thời. Ngoài ra, không được bỏ qua sự đồng bộ hệ thống. Yêu cầu này có lẽ là yêu cầu khó thực hiện nhất, vì vậy nó cần được thiết kế cẩn thận và hỗ trợ kinh phí đầy đủ.

- Hãy quan tâm đến việc thử nghiệm toàn bộ chương trình. Mô hình thử nghiệm mới được Lầu Năm Góc sử dụng phụ thuộc phần lớn vào mô phỏng trên máy tính, kết hợp với số liệu từ các thử nghiệm mặt đất và một số ít thử nghiệm bay. Dữ liệu từ các thử nghiệm bay sẽ được dùng để xây các mô phỏng và thử nghiệm mặt đất. Đổi lại, các mô phỏng được hình thành và các cơ sở thử nghiệm sẽ ứng dụng nó trong các thử nghiệm bay tiếp theo sau khi hệ thống đã được triển khai. Hãy nhớ rằng cách thức này là để giảm thiểu chi phí và nó đặt ra rất nhiều vấn đề. Liệu có có đủ cân bằng giữa việc thử nghiệm bay và các hạng mục khác? Vì thử nghiệm bay rất quan trọng cho nên chương trình có đủ thời gian để chuẩn bị cho thử nghiệm và ứng dụng kết quả vào chương trình trước khi đến lần thử nghiệm tiếp theo? Liệu tất cả các cơ sở thử nghiệm mặt đất có được xây dựng và khai thác triệt để hay không? Và quan trọng nhất là cách thức thử nghiệm này có hiệu quả không?

- Đừng quên phần sau của chương trình. Phát triển và triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa chưa phải là kết thúc vấn đề, mà nó là sự mở đầu cho một quá trình dài đến hàng thập kỷ. Ngân sách nên bao gồm phần chi phí vận hành hệ thống (bao gồm các thử nghiệm bay sau này để đảm bảo hệ thống vẫn hoạt động tốt và hiệu quả), chi phí cho hệ thống hỗ trợ (đặc biệt là các hệ thống ngoài không gian như các vệ tinh cần thay mới mỗi 5 đến 10 năm) và chi phí cho các nghiên cứu tiếp theo phục vụ phát triển sau này (tên lửa phòng thủ là một quá trình vận động liên tục và các nghiên cứu cần được tiến hành để nắm bắt sớm những nguy cơ mới từ kẻ địch). Những hoạt động này thường chiếm khoảng 50% chi phí hoạt động trong suốt thời hạn sử dụng của một hệ thống.

- Chú ý đến những khoản dự trù kinh phí không đồng nhất. Hãy đảm bảo các khoản dự trù đều phù hợp khi so sánh với khoảng kinh phí đề xuất khi đưa ra bàn luận. Phần kinh phí này có bao gồm cả chi phí phát triển, sản xuất và vận hành? Các khoảng chi phí ước tính sử dụng đơn vị đồng USD có tỉ giá không đổi (được điều chỉnh để loại bỏ sự ảnh hưởng của lạm phát) hay có tỉ giá lớn? Vấn đề này sẽ khiến việc so sánh giá trở nên khó khăn hơn.

Chi phí cho mỗi chương trình thường tăng khoảng 20 đến 30% hoặc hơn. Nhưng nếu một chương trình phòng thủ tên lửa không được tính toán cẩn thận và thiết kế hợp lý; nếu nó không được chuẩn bị các biện pháp giảm thiểu rủi ro cho tất cả các bộ phận quan trọng; nếu làm thay đổi tính đồng bộ của hệ thống; hay nếu nó cắt giảm quá trình mô phỏng, thử nghiệm mặt đất, cơ sở thử nghiệm mặt đất và các thử nghiệm bay thật, thì chi phí sẽ vượt quá dự toán và chương trình sẽ bị trì hoãn trong thời gian dài. Chỉ khi các yếu tố trên được giải quyết thì chương trình phòng thủ tên lửa mới đạt được mức tăng chi phí bình thường và tránh được một số bẫy ngân sách đang chờ sẵn.

Tóm lại, nhắc đến phòng thủ tên lửa thì không có chương trình nào rẻ, trừ những chương trình nói mồm. Không có bất cứ một con đường tắt nào có thể giúp xây dựng một hệ thống phức tạp. Và tên lửa phòng thủ, nhất là đối với hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia có lẽ là hệ thống phức tạp nhất mà Mỹ từng thực hiện. Dựa trên những kinh nghiệm trong nhiều thập kỷ qua, rõ ràng rằng nếu Mỹ triển khai một chương trình phòng thủ tên lửa chưa hoàn thiện, họ sẽ mất nhiều hơn là những gì được cho là sẽ nhận lại.

Minh Bảo;theo RAND

Chủ đề khác