VnReview
Hà Nội

Trung Quốc sử dụng 600 trạm tuyển dụng khắp thế giới nhằm đánh cắp bí mật công nghệ?

Trung Quốc luôn cố gắng tuyển mộ các nhà khoa học, một phần trong những kế hoạch lấy cắp công nghệ bí mật của họ. Nhưng tại sao lại có nhiều người sẵn lòng hợp tác với Trung Quốc đến như vậy?

Trung Quốc đã đánh cắp các bí mật công nghệ trên thế giới như thế nào?

Trong một báo cáo được công bố vào ngày 20 tháng 8, Viện nghiên cứu của Úc đã tìm cách chứng minh việc Trung Quốc sử dụng các trạm "tuyển dụng nhân tài" ở nước ngoài để tiếp cận công nghệ của nước khác thông qua những hành vi không minh bạch và giấu giếm.

Theo đó, Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) đã công bố bản báo cáo "Hunting the Phoenix" (tạm dịch: Cuộc đi săn phượng hoàng) nhằm củng cố những luận điểm rằng Trung Quốc có ít nhất 600 trạm được đặt trên khắp thế giới nhằm xác định và dẫn dụ những nhà khoa học và công nghệ có giá trị đối với tham vọng thống trị nền công nghệ toàn cầu của nước này.

Theo như Reuters đưa tin, trên truyền hình Trung Quốc, chủ tịch Tập Cận Bình đã đề cập rằng đất nước của ông sẽ mang về "những nhóm nghiên cứu tầm cỡ thế giới" nhằm thúc đẩy sự cách tân, tăng trường kinh tế. Cựu sĩ quan Cục Tình báo Trung ương Mỹ, William Hannas cho biết kể từ khi Kế hoạch Ngàn nhân tài của Trung Quốc được thiết lập vào năm 2008, đã có hơn 10.000 nhà khoa học ở nước ngoài (bao gồm cả những người có gốc gác Trung Quốc) đã được mời về làm việc với những lời cam kết cực kỳ hấp dẫn.

Báo cáo của ASPI, do chuyên gia phân tích Alex Joske thực hiện, đã cho thấy các trạm tuyển lựa nhân tài ở nước ngoài được nhận sự ủy thác rộng hơn so với Kế hoạch Ngàn nhân tài. Các chương trình tuyển lựa nhân tài của Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho "những nỗ lực thiếu minh bạch, có mối liên hệ rộng rãi với những hành vi sai trái, trộm cắp tài sản trí tuệ hoặc gián điệp; đóng góp vào sự hiện đại hóa của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa và tạo điều kiện cho những hành vi vi phạm nhân quyền". Báo cáo chỉ rõ các trạm tuyển dụng nhân tài là "những tổ chức hoặc cá nhân ở nước ngoài được chính phủ Trung Quốc ký hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ chiêu mộ người tài", được giám sát bởi các ban thuộc Mặt trận Thống nhất - các cơ quan có nhiệm vụ mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ra bên ngoài và bảo vệ các lợi ích chính trị của Trung Quốc, thường là thông qua các phương tiện bất hợp pháp.

Báo cáo lập luận rằng các trạm này "có thể nhận được sự chỉ đạo nhắm đến mục tiêu là các cá nhân có quyền tiếp cận vào những công nghệ cụ thể", đây được xem như một hoạt động gián điệp kinh tế. Báo cáo chỉ ra rằng "trong ít nhất hai trường hợp bị phát hiện, các trạm tuyển mộ người tài này đã có liên quan đến cáo buộc gián điệp kinh tế".

Nhà vật lý quá cố Zhang Shoucheng tự tử vào năm 2018. Ảnh: Betsythedevine.

Báo cáo ASPI được công bố vào thời điểm ngày càng có nhiều sự truy xét về sự tham gia của chính phủ Trung Quốc trong việc bồi dưỡng và tuyển dụng các nhà khoa học và công nghệ trên toàn thế giới, thường là thông qua các phương thức bán hợp pháp hoặc thậm chí hoàn toàn bất hợp pháp. Tháng 1 năm nay, cộng đồng khoa học quốc tế được một phen bàng hoàng trước thông tin về vụ bắt giữ nhà hóa học nổi tiếng người Mỹ, trưởng khoa hóa học và sinh hóa của đại học Harvard, Charles Lieber. Ông bị buộc tội vì hành vi khai man các khoản tiền nhận được từ Kế hoạch Ngàn nhân tài. Vào tháng 12 năm 2018, cái chết do tự sát của nhà vật lý lý thuyết, nhà đầu tư mạo hiểm và giáo sư tại đại học Stanford, Zhang Shoucheng đã làm rúng động cả cộng đồng vật lý thế giới cũng như Thung lũng Silicon. Zhang, là một công dân nhập tịch Hoa Kỳ, có mối quan hệ kinh doanh khá sâu kín với các tổ chức có liên hệ với chính phủ Trung Quốc. Diễn ra vài ngày sau khi Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Richard Lighthizer công bố một bản báo cáo về các hành động thương mại phi pháp của Trung Quốc, hoàn cảnh đích xác dẫn đến cái chết của ông vẫn còn là một điều bí ẩn.

Người ta cũng không còn lạ lẫm gì với việc Trung Quốc tài trợ cho các chương trình nghiên cứu và hội nghị ngốn cả núi tiền ngay cả trong lĩnh vực không mang lại ứng dụng thực tế tức thì, chẳng hạn như lý thuyết dây. Thông thường, các chương trình nghị sự nghiên cứu của Trung Quốc trong lĩnh vực này đã sớm được "định hình" trong khuôn viên của các trường đại học Mỹ. Ví dụ, nhà toán học tại đại học Harvard, đạt được giải thưởng Fields là Yau Shing-Tung đã gần như tự tay chịu trách nhiệm phát triển nền toán học Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Yau đã ra sức ủng hộ Bắc Kinh đi đầu trong việc xây dựng máy gia tốc hạt năng lượng cao lớn nhất thế giới, một thứ mà Mỹ đã từ bỏ nhiều thập kỷ trước, nhường vị trí lãnh đạo cho trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) thay vì duy trì Large Hadron Collider, cổ máy gia tốc hạt lớn nhất thế giới hiện nay gần Geneva, Thụy Sĩ.

Giang Vu theo The Diplomat

Chủ đề khác