VnReview
Hà Nội

Những bác sĩ tiên phong trong việc khử trùng bệnh viện

Trước khi dung dịch khử trùng được sáng chế, một lần vào bệnh viện cũng có thể giết chết bạn, thậm chí là sau khi bạn có thể sống sót qua một cuộc phẫu thuật. Một vị bác sĩ đã sớm nhận ra nguyên nhân đằng sau là gì.

Suốt những năm 1860, với kỹ thuật y học hiện đại của các nước phương Tây, có đến 8 trên 10 cuộc phẫu thuật thành công. Tuy nhiên, cơ hội sống sót khi ra khỏi bệnh viện chỉ khoảng 50-50.

Các loại bệnh tật và cả bệnh truyền nhiễm xuất hiện dày đặc trong bệnh viện. Khi các bác sĩ kiểm tra vết mổ và xem xét các mô hoại tử giữa các bệnh nhân, họ không thể hiểu vì sao có quá nhiều bệnh nhân tử vong. Tình trạng này được gọi là hospitalism (bệnh do nằm viện), ngày nay chúng ta gọi là nhiễm trùng máu. Các nhân viên y tế cho rằng bệnh này gây ra bởi mùi hôi hay khí độc có trong không khí.

Ở thế kỷ thứ 19, các bệnh viện rất mất vệ sinh và có thể khiến bệnh nhân tử vong do nhiễm trùng (Ảnh: Science Photo Library)

Ở thế kỷ thứ 19, các bệnh viện rất mất vệ sinh và có thể khiến bệnh nhân tử vong do nhiễm trùng (Ảnh: Science Photo Library)

"Thời đó không có khái niệm về khử trùng hay nguy cơ nhiễm trùng như chúng ta thời nay", Rowan Parks, bác sĩ phẫu thuật và là phó chủ tịch trường Cao đẳng Phẫu thuật Hoàng gia Edinburgh của Anh, cho biết.

"Các bác sĩ phẫu thuật mặc áo khoác ngoài trời thông thường, khăn trải giường không được giặt thường xuyên, dùng cụ phẫu thuật được để trong túi áo – nếu những điều này xuất hiện ở ngày nay thì quả thật rất kinh khủng".

Một số bác sĩ phẫu thuật thậm chí còn sử dụng lại băng gạc giữa các bệnh nhân để tránh lãng phí những nguồn lực quý giá của bệnh viện.

Với sự phát triển của ngành cơ khí và đường sắt, các chấn thương trong quá trình sản xuất công nghiệp xuất hiện thường xuyên hơn. Do đó, hầu hết các ca phẫu thuật là cắt bỏ chi. Nếu một bệnh nhân bị gãy xương phức tạp, xương đâm qua da, vết thương gần như sẽ bị nhiễm trùng. Việc chữa trị chỉ một lựa chọn là phẫu thuật cắt bỏ chi. Mặc dù hiện nay trong các ca phẫu thuật loại này, bệnh nhân đều được gây mê, nhưng kết quả có ra sao thì vẫn là một viễn cảnh tồi tệ.

Trong suốt 4 năm đầu là bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh xá Hoàng gia Glasgow, tỉ lệ bệnh nhân tử vong của Joseph Lister ở mức trung bình. Ông biết rằng một nửa số bệnh nhân của ông có thể không qua khỏi. Tuy nhiên, khác với những đồng nghiệp khác, ông quyết định phải làm gì đó để cải thiện con số này.

"Ông ấy là một người nghiêm túc và táo bạo, tôi không nghĩ ông ấy sẽ vui vẻ khi tham gia các buổi tiệc, nhưng ông luôn muốn cải thiện rất nhiều mặt trong đời sống", Steven Kerr, thủ thư tại Cao đẳng Phẫu thuật Hoàng gia Edinburgh, cho biết. "Động lực của ông là cải thiện tình trạng một nửa số bệnh nhân có thể tử vong do nhiễm trùng sau phẫu thuật".

Lister cũng là một nhà khoa học nghiệp dư và có thể sử dụng kính hiển vi nhờ sự chỉ dạy từ cha ông. Khi rãnh rỗi, ông nghiên cứu các mô nhiễm trùng trên loài ếch và phát hiện ra rằng hoại tử là một quá trình phân hủy. Sự hoại tử dường như chỉ diễn ra khi phần mô bị thương tiếp xúc với không khí. Nhưng liệu chính không khí gây ra nhiễm trùng hay do thứ gì đó tồn tại trong không khí mới là nguyên nhân?

Joseph Lister nhận ra những tác nhân vô hình tạo ra sự hoại tử đang giết chết bệnh nhân của mình (Ảnh: Science Photo Library)

Joseph Lister nhận ra những tác nhân vô hình tạo ra sự hoại tử đang giết chết bệnh nhân. Ảnh: Science Photo Library

Giáo sư hóa học Thomas Anderson, là đồng nghiệp của Lister, đã giúp ông tìm ra câu trả lời khi ông giới thiệu cho Anderson những thí nghiệm của Louis Pasteur tại Pháp.

Trong thí nghiệm này, Pasteur lấy một bình đựng chất lỏng có thể lên men ở điều kiện thường và khử trùng nó bằng nhiệt độ cao. Bình chứa có hình chữ S cho phép không khi từ bên ngoài vào nhưng sẽ giữ tất cả các hạt khí li ti thoát ra từ bên trong tại đoạn cong. Chất lỏng bên trong bình chứa vẫn không lên men. Pasteur phỏng đoán những hạt khí li ti thoát ra chính là vi khuẩn, một loại vi sinh vật gây thối rữa.

Lister nhận ra chính những sinh vật vô hình này đang giết chết bệnh nhân của mình. Giờ thì ông phải tìm được cách để khử trùng vết thương. Không thể sử dụng nhiệt độ cao, nhưng loại hóa chất dùng để khử mùi các bể nước thải (axit carbolic) lại là ứng cử viên đầy hứa hẹn. Theo cách kinh điển của các bác sĩ phẫu thuật ở thế kỷ thứ 19, ông quyết định thử nghiệm giả thuyết của mình trên một bệnh nhân.

James Greenlees, 11 tuổi, bị một xe hàng cán qua. Bệnh nhân này nhập viện vào ngày 12/8/1865 với một đoạn xương nhô ra từ vết thương dài 3,8cm trên cẳng chân trái. Lister đã sử dụng nẹp để cố định xương, sau đó ông yêu cầu nhân viên của mình băng vết thương lại bằng băng vải nhúng axit carbolic. Sau đó bọc bên ngoài bằng giấy thiếc để ngăn axit bay hơi.

Bốn ngày sau, Lister kiểm tra lại vết thương. Thay vì nhìn thấy vết thương đầy máu me như trước đây, vết thương lần này sạch sẽ, chỉ có vài vết đỏ do axit gây ra. Nếu như trước đây, James chi có cách duy nhất là cắt bỏ chi thì lúc này, chỉ trong 6 tuần, bệnh nhân đã được chữa khỏi hoàn toàn và cho xuất viện.

Một trong những thảm kịch lớn nhất trong lịch sử y khoa là kỹ thuật sát trùng và khử trùng bệnh viện không được áp dụng sớm hơn. Quy trình khử trùng tay và dụng cụ phẫu thuật giữa các ca mổ đã được một bác sĩ người Hungary có tên Ignaz Semmelweis tiên phong sử dụng cách thời điểm đó 20 năm trước tại Viên (Áo).

Semmelweis làm việc tại một bệnh viện phụ sản với tỉ lệ tử vong cao đáng kinh ngạc. Ông kết luận rằng nguyên nhân là do các bác sĩ đã làm lây nhiễm "hạt tử thi" cho bệnh nhân sau khi sử dụng chung bộ dụng cụ để khám nghiệm tử thi. Mặc dù Semmelweis vẫn chưa biết những hạt mà ông nói tới thực chất là vi sinh vật, ông vẫn yêu cầu nhân viên của mình rửa tay bằng thuốc tẩy để giảm thiểu tỉ lệ tử vong.

Tuy nhiên, các khuyến cáo của ông không được nhiều bác sĩ biết đến và giả thuyết về "hạt tử thi" bị các cơ quan y tế Áo-Hung ngó lơ. Bất mãn với việc này, Semmelweis đã thể hiện rõ sự tức giận thông qua các tác phẩm văn học của mình. Những tác phẩm đó như một sự châm chiếm đầy cay đắng về cách mà Semmelweis bị đối xử.

Cuối cùng, Semmelweis bị đưa vào bệnh viện tâm thần và qua đời tại đó sau vài ngày. Trớ trêu thay, nguyên nhân cái chết của ông là do nhiễm trùng máu. Không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy Lister đã đọc các nghiên cứu của Semmelweis.

Trong Chiến tranh Krym, nhiều người bị thương trên chiến trường đã chết vì điều kiện bẩn thỉu (Ảnh: Getty Images)

Trong Chiến tranh Krym, nhiều người bị thương trên chiến trường đã chết vì điều kiện bẩn thỉu (Ảnh: Getty Images)

May thay, một người hùng khác trong câu chuyện về cuộc chiến chống lại điều kiện bẩn thỉu trong bệnh viện đã có sức thuyết phục lớn hơn.

"Florence Nightingale là tuyên truyền viên đầu tiên và bà rất xuất sắc", Anne Marie Rafferty, chủ tịch của Trường Cao đẳng Điều dưỡng Hoàng gia, cho biết.

Năm 1854, Nightingale được chính phủ Anh giao nhiệm vụ cải thiện điều kiện cho binh lính bị thương trong Chiến tranh Krym. Khi bà đến bệnh viện tại Scutari, hiện nay là Istanbul, cảnh tượng rất kinh khủng. Hành lang nhớp nháp, thức ăn khan hiếm và có rất ít nhân viên chăm sóc y tế ở đây.

Nightingale không chỉ điều phối nguồn cung nhu yếu phẩm và cải thiện điều kiện của bệnh viện, mà bà còn thu thập, thống kê và truyền đạt thông tin lại cho chính phủ để chứng minh giá trị của những hoạt động do nhóm bà thực hiện.

"Bà ấy đã chỉ ra rằng binh lính đang chết nhiều hơn do bỏ bê nhu cầu chăm sóc căn bản thay vì do chiến trận. Sự mất mát vô nghĩa của những sinh mạng đã khiến bà day dứt", Rafferty cho biết.

Những quy tắc vệ sinh mà bà đã phát triển trong thời kỳ đó tương tự với quy tắc chúng ta vẫn áp dụng hiện nay trong tình hình dịch Covid-19. "Bà đã đặt ra khoảng giãn cách tối thiểu giữa các giường bệnh, khẳng định tầm quan trọng của việc rửa tay, giữ vệ sinh và thông thoáng không khí, cũng như làm sao để bệnh nhân cảm thấy thoải mái và được chăm sóc tận tình".

Sự kiên quyết của Florence Nightingale đối với vấn đề vệ sinh giường bệnh và rửa tay đã giảm đáng kể số ca tử vong tại các bệnh viên quân đội (Ảnh: Getty Images)

Sự kiên quyết của Florence Nightingale đối với vấn đề vệ sinh giường bệnh và rửa tay đã giảm đáng kể số ca tử vong tại các bệnh viên quân đội. Ảnh: Getty Images)

Mặc dù Pasteur và Lister chưa nghiên cứu về bệnh dịch, nhưng Nightingale đã đi trước họ, bà đã mang nước sạch và nước thải đến các thành phố ở Anh để cải thiện tình trạng vệ sinh, một hoạt động thuộc phong trào vệ sinh thời Victoria. Thực tế, sự thay đổi lớn nhất trong bảng thống kê số bệnh nhân tử vong tại bệnh viện của Nightingale chỉ xuất hiện sau khi một đường ống nước thải rò rỉ ở đây được sửa chữa.

Tại Glasgow, sau sự thành công với việc băng bó, Lister chuyển sang quá trình phẫu thuật. Ngoài việc rửa tay và dụng cụ với axit carbolic, ông cũng phát triển một phương pháp để bao phủ giường mổ bằng một màn sương carbolic. Ông cũng giới thiệu chỉ khâu catgut; (làm bằng ruột cừu) có thể tự tan trong cơ thể. Vào thời điểm Lister công bố kết quả nghiên cứu của mình trên tạp chí y khoa Lancet năm 1867, tỉ lệ bệnh nhân tử vong của ông đã giảm từ 45% xuống còn 15%.

Lister sử dụng một thiết bị phun sương carbolic bên cạnh giường mổ (Ảnh: Science Photo Library)

Với sự thành công của những cải cách mà Nightingale đề xuất và kỹ thuật phẫu thuật mới của Lister, mọi bệnh viện và bác sĩ trên thế giới ngay lập tức đón nhận nó. Dù vậy, bạn không thể tưởng tượng nổi sự kiêu ngạo và thiếu kiên nhẫn của các cơ sở y thế ở thế kỷ thứ 19 đâu.

Dù những cải cách của Nightingale đã được ứng dụng rộng rãi trong thiết kế của các bệnh viện mới. Ngược lại, "Listerism" cùng giả thuyết bệnh dịch lây lan bởi vi trùng của Lister bị chế giễu là vô lý và việc sử dụng axit carbolic bị bỏ qua vì gây khó chịu một cách không cần thiết.

"James Spence, người có biệt danh là Dismal Jimmy vì ông luôn cãi lại mọi thứ, không đồng tình với các kỹ thuật của Lister", Kerr cho biết. "Khi một bệnh nhân của ông ta chết, ông cho rằng chỉ khâu catgut của Lister chịu trách nhiệm cho việc này, tuy nhiên trợ tá của ông đã viết thư cho Lancet rằng đó là một ca phẫu thuật lỗi". Người trợ tá này sau đó đã bị sa thải ngay lập tức.

Cuối cùng, Lister phải trình bày kỹ thuật của mình tại London trước khi cả thế giới chấp nhận chúng. Vào giữa những năm 1870, hầu hết các bác sĩ phẫu thuật đã bỏ đi chiếc áo khoác chống máu của mình và bắt đầu quy trình rửa tay trước khi phẫu thuật, cũng như khử trùng dụng cụ.

Việc tiến hành phẫu thuật trong một màn khói carbolic sau đó không còn được sử dụng nữa. Vì các bác sĩ nhận ra việc phẫu thuật trong một phòng mổ sạch sẽ, bàn tay sạch, mang găng tay và đeo khẩu trang mang lại hiệu quả tốt hơn.

"Các nguyên tắc khử trùng có lẽ đã giúp cải thiện các tiêu chuẩn và kết quả phẫu thuật hơn bất cứ thứ gì trong lịch sử phẫu thuật", Parks cho biết, ông hiện đang điều hành Bệnh viện Edinburgh, nơi Lister dành phần lớn thời gian trong sự nghiệp của mình.

"Lister thường được xem là cha đẻ của phẫu thuật hiện đại, vì ông đã đặt ra nền móng cho quá trình phẫu thuật và chăm sóc hậu phẫu cho tương lai. Đó là một bước ngoặc trong lịch sử phẫu thuật và nó xảy ra ngay tại bệnh viện nơi tôi làm việc, thật phi thường".

Minh Bảo theo BBC

Chủ đề khác