VnReview
Hà Nội

Chế độ ăn liệu có ảnh hưởng đến mùi cơ thể?

Có rất nhiều tranh cãi về những nguyên nhân làm cho mùi cơ thể người thơm tho hay ngược lại là cực kỳ khó ngửi.

Thực tế, phần lớn mùi tự nhiên trên cơ thể là do sự hiện diện thường nhật của những vi khuẩn có trong mồ hôi, chúng sẽ chuyển hóa đường và protein có bên trong. Dẫu vậy, một số loại thực phẩm mà chúng ta yêu thích cũng có thể là thủ phạm gây ra mùi cơ thể, vì thế nên mới có quan niệm ăn gì thì sẽ có mùi tương tự như vậy.

Tỏi và hành là những thứ đầu tiên cần bàn đến. Trong tỏi và hành tây có chứa allicin - một hợp chất có chứa lưu huỳnh, nó khiến cho thứ mùi nồng nàn đó nán lại nhiều giờ sau khi ăn. Bạc hà và nghệ cũng chứa các hợp chất dễ bay hơi mà cơ thể người bài tiết thông qua tuyến mồ hôi. Những hợp chất này được hấp thụ vào máu và phổi sau khi tiêu hóa, khiến cho không chỉ mùi cơ thể người mà ngay cả hơi thở cũng có mùi khá tệ. Một số loại thực phẩm khác cũng góp phần mang đến mùi hương "khó quên" có thể kể đến như:

- Phô mai xanh và thực phẩm lên men

- Bắp cải và các loại rau họ cải

- Dấm

Thông thường, nếu bạn nạp vào những thực phẩm có mùi khá hăng, thì các lỗ chân lông trên cơ thể sẽ tiết ra mùi của món đó sau khi bạn ăn.

Một thông tin khá thú vị đó là: thịt đỏ cũng có thể góp phần gây ra mùi cơ thể. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Chemical Senses, những đối tượng ăn chay được cho là có mùi cơ thể dễ chịu hơn, hấp dẫn và ít nồng hơn so với những đối tượng ăn thịt.

Ngoài các hợp chất cụ thể có trong thực phẩm của chúng ta, thì thức ăn cay cũng góp phần gây ra mùi cơ thể. Không hẳn thức ăn cay là nguyên nhân gốc rễ của vấn đề mà thật ra, nó sẽ làm gia tăng nhiệt độ cơ thể, do đó làm tăng lượng mồ hôi được tiết ra. Càng nhiều mồ hôi trên da thì cũng có nghĩa càng nhiều thức ăn cho các vi khuẩn thân thiện sống trên đó. Khi vi khuẩn tiến hành phá vỡ cấu trúc mồ hôi, nó sẽ tạo ra mùi, càng nhiều mồ hôi thì cơ thể càng bốc mùi.

Giang Vu theo HowStuffWorks

Chủ đề khác