VnReview
Hà Nội

Nga công bố hình ảnh vụ nổ bom mạnh nhất trong lịch sử nhân loại Tsar Bomba

Nga đã công bố đoạn phim được phân loại tối mật về vụ nổ hạt nhân lớn nhất thế giới, gây ra khi Liên Xô cho nổ bom Tsar Bomba gần 60 năm trước.

Quả bom khinh khí, có sức công phá 50 triệu tấn thuốc nổ thông thường, đã được kích nổ trong một vụ thử vào tháng 10/1961, ở độ cao 4.000 mét trên quần đảo Novaya Zemlya xa xôi phía trên Vòng Bắc Cực.

Đoạn phim cho thấy một quả cầu lửa khổng lồ và một đám mây hình nấm cao 60 km bốc lên sau vụ nổ thắp sáng bầu trời. Quang cảnh được chụp từ nhiều góc độ bằng các camera lắp đặt trên mặt đất và trên hai máy bay Liên Xô.

Nga công bố hình ảnh vụ nổ bom mạnh nhất trong lịch sử nhân loại Tsar Bomba

;"Việc thử nghiệm một tải trọng hydro cực mạnh ... xác nhận rằng Liên Xô đang sở hữu vũ khí nhiệt hạt nhân có sức công phá 50 megaton, 100 megaton và hơn thế nữa," theo lời người dẫn chuyện trong đoạn phim.

Bộ phim tài liệu lần đầu tiên được cơ quan hạt nhân nhà nước Nga Rosatom công bố trực tuyến vào tuần trước là một phần của các sự kiện kỷ niệm 75 năm ngành công nghiệp nguyên tử của Nga.

Được phát triển từ năm 1956 đến năm 1961 khi Liên Xô tham gia cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân với Mỹ, Tsar Bomba - Vua của các loại bom - là quả bom khinh khí lớn nhất từ trước đến nay và được cho là có sức công phá gấp 3.300 lần so với vũ khí đã san bằng Hiroshima.

Nga công bố hình ảnh vụ nổ bom mạnh nhất trong lịch sử nhân loại Tsar Bomba

Bộ phim dài 30 phút, mở đầu với tiêu đề 'Tối mật', kể về tất cả các giai đoạn thử nghiệm - từ vận chuyển vũ khí nặng 26 tấn trong vỏ bom hàng không bằng đường sắt, đến các phép đo sau vụ nổ của bụi phóng xạ.

Tsar Bomba đã vượt xa vụ nổ lớn nhất mà Hoa Kỳ từng tiến hành - một quả bom khinh khí 15 megaton "Castle Bravo" được kích nổ trên đảo san hô Bikini vào năm 1954.

Thành công của dự án chế tạo Tsar Bomba đã vượt quá mong đợi của giới lãnh đạo Liên Xô. Vụ nổ với sức công phá chưa từng thấy từ trước tới thời điểm đó đã gây một ấn tượng cực kỳ mạnh đối với các nhà lãnh đạo Mỹ và phương Tây. Vụ nổ này cũng buộc các nhà lãnh đạo Mỹ và phương Tây phải suy nghĩ nghiêm túc hơn về khả năng của các tổ hợp quân sự - công nghiệp và dĩ nhiên là buộc họ phải xem xét lại các tham vọng quân sự của mình. Nước Mỹ sau đó đã ngừng mở rộng các chương trình nghiên cứu phát triển hạt nhân cỡ megaton (triệu tấn TNT), và đến ngày 5/8/1963, Washington và Matxcơva đã ký kết Hiệp ước ngăn cấm thử nghiệm vũ khí hạt nhân trong khí quyển, trong không gian vũ trụ bên ngoài và dưới nước.

Minh Hương theo Reuters

Chủ đề khác