VnReview
Hà Nội

Khi cậu nhỏ không "chào cờ" vào buổi sáng, chuyện gì đang xảy ra?

Thức dậy khi cậu nhỏ ở trong trạng thái cương cứng là rất phổ biến với nam giới mọi lứa tuổi, đặc biệt là các bạn nam trẻ. Thế nhưng bỗng có thời gian nam giới thức dậy mà cậu nhỏ không cương cứng, sẽ là dấu hiệu cho thấy khả năng sinh dục đang trục trặc.

Vì sao cậu nhỏ không "chào cờ"?

"Chào cờ" buổi sáng là cách gọi của tình trạng cương dương vật vào ban đêm. Thực chất, đây là tín hiệu của sự khỏe mạnh, cho thấy lưu thông máu cũng như các tế bào thần kinh trong và xung quanh dương vật đang hoạt động tốt. Nó cũng thể hiện chức năng sinh lý và khả năng duy trì sự cương cứng khi quan hệ tình dục của phái mạnh.

Hầu hết những bạn trai trẻ tuổi sẽ "chào cờ" vào buổi sáng vài lần mỗi tuần. Tình trạng cương dương buổi sáng sẽ giảm bớt trong vòng vài chục phút sau khi nam giới đã thức dậy. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ ít xuất hiện hơn khi các quý ông ngày càng lớn tuổi. Do đó, nếu nam giới không còn cương cứng vào ban đêm hoặc dương vật đã ngừng "chào cờ" vào mỗi sáng thì đây có thể là dấu hiệu sớm cảnh báo vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nào đó.

Trên thực tế, càng lớn tuổi, một số thay đổi về thể chất giai đoạn lão hóa ở đàn ông có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh lý. Ham muốn quan hệ tình dục ở nam giới ít đi, sự cương cứng trở nên khó khăn hơn và không còn mạnh mẽ như thời trai trẻ.

Đàn ông càng lớn tuổi sẽ có nhiều nguy cơ gặp các vấn đề liên quan đến rối loạn cương dương.

Nguyên nhân của tình trạng này là do suy giảm testosterone. Testosterone là hormon cung cấp năng lượng cho phái mạnh. Sau 40 tuổi, nồng độ testosterone của các quý ông bắt đầu giảm dần, kéo theo đó là ham muốn tình dục cũng ít hẳn đi. Nếu nam giới không còn ham muốn tình dục hoặc có vấn đề về khả năng cương cứng, họ có thể gặp một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn là suy giảm testosterone. Có nhiều nguyên nhân khiến nồng độ testosterone trong cơ thể nam giới bị suy giảm, bao gồm: Rối loạn nội tiết tố; Mắc đái tháo đường type 2; Xơ gan; Suy thận; Tổn thương tinh hoàn; Gặp vấn đề về di truyền; Do tác dụng phụ của một số loại thuốc; Thừa cân hoặc uống quá nhiều bia rượu...

Đàn ông càng lớn tuổi sẽ càng có nhiều nguy cơ gặp các vấn đề liên quan đến rối loạn cương dương, triệu chứng này cũng khiến cho tình trạng "chào cờ" buổi sáng hiếm xuất hiện hơn. Lúc này, lưu thông máu trong cơ thể đã bị cản trở khiến dương vật không còn được cung cấp đủ lượng máu cần thiết, từ đó các tế bào thần kinh ở khu vực này cũng không thể thực hiện được chức năng cương dương như thường lệ. Những yếu tố nguy cơ gây rối loạn cương dương ở đàn ông bao gồm: Thừa cân; Tăng huyết áp; Mức cholesterol cao; Mắc đái tháo đường; Trầm cảm; Ngoài ra, một số khuyết tật thể chất, hoặc tuổi tác, cũng như tác động của thuốc giảm đau và thuốc chống trầm cảm cũng có thể cản trở tình trạng cương cứng vào ban đêm và "chào cờ" buổi sáng.

Khi nào nên gặp bác sĩ?

Nhìn chung, cương dương buổi sáng được xem là rất tốt cho sức khỏe và hiếm khi nào khiến nam giới phải gặp bác sĩ. Tuy nhiên, nên đến cơ sở y tế thăm khám nếu rơi vào hai tình huống sau đây:

Đau đớn khi cương dương buổi sáng: Hầu hết tình trạng "chào cờ" vào buổi sáng sẽ giảm dần trong vòng 30 phút sau khi nam giới thức dậy. Nhưng nếu sự cương cứng kéo dài hơn 1 giờ hoặc khiến phái mạnh bị đau thì sắp xếp lịch thăm khám với bác sĩ nam khoa là điều cần thiết nên làm.

Không còn cương dương buổi sáng: Mặc dù các đợt cương cứng khi ngủ ít xảy ra khi đàn ông lớn tuổi, nhưng nếu như tần suất "chào cờ" buổi sáng ở các bạn trẻ giảm đột ngột, hoặc có nghi ngờ về tần suất cương dương buổi sáng của mình là bất thường, thì cần đến bệnh viện và trình bày với bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và có hướng xử trí phù hợp.

Tuy nhiên, tần suất cương cứng vào ban đêm khi ngủ bao nhiêu là bình thường vẫn chưa được xác định. Một số đàn ông sẽ "chào cờ" mỗi buổi sáng thức dậy, số khác lại chỉ xuất hiện ít hơn một lần mỗi tuần. Do đó, nam giới cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ về tần suất cương dương buổi sáng của mình khi thăm khám sức khỏe tổng quát hàng năm.

Theo BS. Đinh Mạnh Trí (Sức Khỏe & Đời Sống)

Chủ đề khác