VnReview
Hà Nội

Thực vật có thể nhận biết họ hàng, đưa ra quyết định, và cả... đếm nữa

Thái tử Charles từng bị xỉa xói vì nói rằng ông đã nói chuyện với cây cối nhiều năm về trước. Và nay, có vẻ như cây cối còn thông minh hơn cả những gì vị Thân vương xứ Wales vẫn nghĩ.

Thái tử Charles rõ ràng có quyền hất hàm lên và nói to "Tôi đã bảo rồi mà!".

Đã nhiều năm trôi qua kể từ khi ông bị xỉa xói vì nói rằng mình từng nói chuyện với cây cối - và rằng chúng đã "phản hồi" lại ông - bằng chứng cho thấy ông có lẽ không hề nói đùa đang ngày một xuất hiện nhiều hơn.

Và nay, có vẻ như cây cối còn thông minh hơn cả những gì vị Thân vương xứ Wales vẫn nghĩ.

Theo các nhà nghiên cứu, thực vật có thể đếm, đưa ra quyết định, nhận biết họ hàng của chúng, và nhớ cả những sự kiện đã diễn ra. Và dù chúng có thể không có não, chúng có thể học hỏi theo cách tương tự như con người và các loài động vật.

Giáo sư Umberto Castiello cho biết: "Dù ý nghĩ rằng thực vật có thể hành xử theo cách có nhận thức sẽ khiến mọi người cảm thấy kỳ quặc, nhiều người trong số chúng ta hẳn đã từng bị ấn tượng bởi tính phức tạp trong những phản ứng của thực vật".

"Bằng chứng ngày càng củng cố cho ý kiến rằng thực vật có thể giao tiếp, nhớ, quyết định, và thậm chí là đếm - mọi khả năng mà chúng ta thường gọi là ‘nhận thức' nếu được biểu hiện trên các loài động vật"

Giáo sư Castiello nói rằng nhiều nghiên cứu đã cho thấy những khả năng liên quan nhận thức trên các loài thực vật. Một nghiên cứu phát hiện ra rằng cây ăn ruồi Venus có thể "đếm" số bước chân mà con mồi của chúng đã thực hiện. Các nhà khoa học quan sát được rằng loại cây này chỉ bẫy con mồi khi một chú côn trùng xấu số kích thích nó hai lần trong vòng 20 giây. Có nghĩa là thực vậy có thể nhớ tín hiệu đầu tiên trong một thời gian ngắn. Lý do tại sao cây cối cần phải "đếm" số bước chân của con mồi có thể là để tránh lãng phí năng lượng khi phản ứng lại những hạt mưa rơi hay những bụi bẩn ngẫu nhiên trong gió.

Một thí nghiệm khác quan sát được rằng hoa trinh nữ (Mimosa pudica) có thể nhớ việc chúng bị thả rơi. Loại cây này bị thả từ độ cao 0,15 mét liên tục 60 lần, và đến cuối thử nghiệm, nó không còn khép lá lại theo đúng cơ chế phòng vệ nữa, bởi chúng nhận ra việc bị thả từ độ cao đó sẽ chẳng gây nguy hại gì.

"Loại cây này ‘nhận ra' rằng việc bị thả rơi là bình thường" - Giáo sư Castiello, hiện công tác tại Đại học Padua ở Italy, viết. "Ấn tượng hơn nữa, phản xạ này được duy trì suốt một tháng, cho thấy sự thu nạp và biểu hiện của ký ức lâu dài".

Và những loại cây bụi thì có thể nhận biết họ hàng của chúng, bằng chứng là khi được trồng gần nhau, chúng sẽ toả ra nhiều hoá chất hơn nhằm giúp nhau chống đuổi những sinh vật ăn thịt.

Các nhà nghiên cứu thậm chí còn cho rằng thực vật có thể tìm cách báo hiệu cho các đối thủ khi nguồn tài nguyên bị hạn chế. Những loài thực vật gặp tình huống thiếu nước có thể chia sẻ thông tin này với những cây bụi gần đó bằng cách gửi tín hiệu qua bộ rễ của chúng. Tín hiệu này sẽ nhắc nhở một cây gần đó - đối thủ của cây vừa gửi tín hiệu - bắt đầu trữ nước, và hành động này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai.

Giáo sư Castiello kết luận: "Câu hỏi lúc này không còn là ‘liệu thực vật có phải là những sinh vật có nhận thức hay không' nữa, mà là ‘thực vật tận dụng những khả năng nhận thức của chúng như thế nào'".

Minh.T.T (theo DailyMail)

Chủ đề khác