VnReview
Hà Nội

Có thể dựa vào cây cối để phát hiện một tử thi đang phân huỷ gần đó hay không?

Các nhà khoa học đặt ra giả thuyết rằng dưỡng chất từ tử thi người có thể làm thay đổi vẻ ngoài của các loại cây cối, và các cơ quan chức năng có thể dựa vào đó để tìm kiếm những người bị mất tích.

Từ năm 1980, Trung tâm Nhân chủng học Pháp y của Đại học Tennessee đã đào sâu nghiên cứu một trong những lĩnh vực "kinh dị" nhất của khoa học: quá trình phân huỷ của tử thi. Được biết đến như một "trang trại xác" (Body Farm), công việc của các nhà nghiên cứu tại đây là quan sát cách những tử thi được hiến tặng... phân huỷ, ví dụ như quần thể vi khuẩn (microbiome) bên trong cơ thể "nổi điên" ra sao sau khi chúng ta chết đi. Hoạt động của vi khuẩn sẽ khiến tử thi trương lên, và cuối cùng sẽ bục ra. Từ bên trong chảy ra một chất lỏng chứa dưỡng chất, đặc biệt là nitrogen, để các loại cây cối trong trang trại xác hấp thụ.

Và đó là lúc một nhóm các nhà nghiên cứu của Đại học Tennessee nảy ra một câu hỏi: nếu như dòng dưỡng chất này thực sự gây ra sự thay đổi về màu sắc và hệ số phản xạ của lá cây thì sao? Và nếu đúng như vậy, thì liệu các cơ quan chức năng có thể sử dụng các loại thiết bị như drone để quét một khu rừng, tìm kiếm những thay đổi đó để phát hiện ra những người mất tích đã không may qua đời hay không? Cần nói rõ rằng ý tưởng này chỉ là một giả thuyết, các nhà nghiên cứu mới chỉ bắt đầu tìm hiểu về kiểu hình của một loại cây - tức những đặc điểm bên ngoài của nó - có thể thay đổi ra sao nếu có một tử thi đang phân huỷ gần đó. "Điều chúng tôi muốn là sử dụng cây cối như những chỉ báo về sự phân huỷ của tử thi con người, với hi vọng có thể sử dụng cây cối trong rừng để giúp tìm ra nơi người ta đã chết, giúp quá trình tìm kiếm tử thi dễ dàng hơn" - nhà sinh vật học thực vật Neal Stewart, đồng tác giả nghiên cứu, nói.

Khi một loài có vú lớn như con người phân huỷ trong rừng, quá trình phân huỷ sẽ làm biến đổi đất xung quanh theo nhiều cách. Các necrobiome của cơ thể - tất cả những vi khuẩn đã có sẵn trong cơ thể khi con người còn sống - sẽ nhân lên một cách điên rồ vì không còn bị kìm hãm bởi hệ miễn dịch nữa. Necrobiome này sẽ trộn lẫn với các microbe trong bụi đất. "Microbiome trong đất sẽ thay đổi, và tất nhiên rễ cây cũng sẽ cảm nhận được một vài thay đổi" - Stewart nói. Nhưng ông nói thêm rằng, "chúng tôi không biết chắc những thay đổi đó là gì"

Ngoài ra, cũng chưa rõ khí gas toả ra từ một tử thi có thể ảnh hưởng đến cây cối trong khu vực như thế nào. Thêm nữa, một tử thi sẽ thu hút hàng đàn sinh vật cơ hội, khiến quá trình phân huỷ trở nên phức tạp hơn nữa. Những loài ăn xác thối như kền kền có thể mổ xác, trong khi ruồi nhặng có thể đẻ trứng và tạo ra hàng ngàn những con giòi ăn thịt sống. Những ấu trùng này có thể xuất hiện với số lượng lớn, đến mức một nhóm các nhà nghiên cứu khác phát hiện ra chúng làm hình thành những "dòng sông lúc nhúc" quanh những cái xác lợn bị bỏ lại trong rừng. Chưa kể những loài động vật đi ngang qua có thể...tiểu tiện và đại tiện vào đó. Tất cả cho thấy trong khi cộng đồng vi khuẩn trong đất sẽ thay đổi, thì cộng đồng động vật bên trên cũng vậy, và chúng hẳn sẽ gây ra những tác động chưa xác định được đến cây cối trong những khu vực xung quanh.

Một yếu tố mà nhóm của Stewart đang cân nhắc là vai trò của tử thi trong việc phát tán nitrogen vào đất. Trong quá trình phân huỷ, tử thi "làm ngập" đất đai xung quanh với đủ loại hoá chất - có thể là quá nhiều nitrogen đến nỗi một số loài cây như cỏ dại sẽ không thể chịu được và chết đi quanh tử thi. Về lâu dài, dòng dưỡng chất này sẽ giúp cây cối sinh trưởng, và chúng sẽ mọc lên trở lại. Nhưng chúng sẽ trở lại ra sao - liệu chúng có trông khác đi vì hỗn hợp dưỡng chất này hay không - vẫn chưa rõ. "Đáng ngạc nhiên là, chưa từng có ai thực sự nghiên cứu vấn đề này một cách có hệ thống cả" - Stewart nói.

Do đó, Stewart và các đồng nghiệp quyết định làm điều đó trong tháng 6 vừa qua. "Đối với nghiên cứu của trang trại xác, chúng tôi về cơ bản chỉ chọn những cây côi và bụi rậm đang phát triển tự nhiên trong khu vực của mình, sau đó đặt các tử thi được hiến tặng ở đó và qua sát phản ứng của lá cây, phản ứng của cây, ở những khoảng cách khác nhau". Bởi nghiên cứu mới chỉ bắt đầu vài tháng trước, các nhà nghiên cứu vẫn chưa có dữ liệu nào để chia sẻ. Nhưng trong năm sau, họ dự định sẽ lấy đất đã tiếp xúc với tử thi người đang phân huỷ và đưa nó vào trồng cây trong một nhà kính để xem liệu nó có làm thay đổi vẻ ngoài của lá hay không. "Đó là một nghiên cứu đối chứng, một nghiên cứu lặp lại" - Stewart nói.

Lá cây sẽ có một vài phản ứng biểu hiện ra ngoài. Đầu tiên, lá có thể phản xạ nhiều hoặc ít ánh sáng hơn, hoặc thay đổi màu sắc - xanh hơn, hoặc thậm chí là trở thành đỏ. "Chúng tôi nghĩ là sẽ xanh hơn, nhưng chúng tôi cũng sẽ quan sát mọi bước sóng trong dải ánh sáng thấy được, và sau đó là bên còn lại nữa" - Stewart nói. Ví dụ, chlorophyll trong lá cây có khả năng phát huỳnh quang, toả ra ánh sáng mà các thiết bị quang học đặc biệt có thể nhìn thấy. Đó được gọi là cảm nhận siêu phổ. Những thiết bị này có thể thấy được toàn bộ dải quang phổ điện từ, bao gồm ánh sáng thấy được và ánh sáng hồng ngoại. Huỳnh quang là một chỉ báo cho thấy trong thành tế bào của lá cây đang tồn tại chất gì. Stewart và các đồng nghiệp nhân thấy rằng một amino acid như phenylalanine, vốn phát ra từ một tử thi, có tể khiến lá cây phát huỳnh quang theo một cách đặc biệt.

Bởi các loại cây khác nhau sẽ phát huỳnh quang khác nhau, các cơ quan chức năng đã và đang sử dụng kiến thức này để phát hiện và triệt phá hoạt động trồng cây thuốc phiện và cây anh túc. Nông dân và các nhà khoa học thì sử dụng nó trong nhiều loại hình nôngn ghiệp, bởi huỳnh quang chlorophyll là một dấu hiệu về năng suất. "Dựng ảnh siêu phổ đang được sử dụng để phân loại chất béo thịt heo và các động vật khác, và còn được sử dụng để quản lý các loại đất dinh dưỡng, cụ thể là phát hiện phốt pho và các dưỡng chất khác" - nhà vi sinh vật học môi trường của Đại học bang Mississippi là Heather Jordan cho biết.

Nhưng Jordan nói rằng, để sử dụng công nghệ này để tìm ra tử thi những người đang mất tích, "sẽ cần phải phân biệt rõ những hiệu ứng gây ra từ sự phân huỷ tử thi người với tử thi các động vật khác". Xét cho cùng, con người không phải là loài có vú lớn duy nhất. Lợn rừng, hươu, gấu... đều chết trong môi trường hoang dã, và "làm ngập" đất đai với những loại dưỡng chất giống như từ tử thi người vậy.

Tuy nhiên, sẽ có những khác biệt nhỏ trong cách cây côi phản ứng với quá trình phân huỷ của tử thi các loài có vú khác nhau. Ví dụ, con người có những microbiomes đặc trưng, và thành phần chất béo cũng khác so với một con gấu. "Tôi nghĩ một khi chúng ta tìm ra những dấu hiệu phổ đặc trưng của mình, chúng ta có thể làm một nghiên cứu so sánh với các loài có vú lớn khác" - Stewart nói.

Một thách thức khác là tính biến động của quá trình phân huỷ. Dùng máy bay lướt trên một khu rừng và phát hiện ra hoạt động trồng cây thuốc phiện với công nghệ dựng ảnh siêu phổ là một chuyện, tìm kiếm một người chết ở một vị trí ngẫu nhiên đang phân huỷ ở một tốc độ chưa rõ là chuyện hoàn toàn khác - theo lời nhà sinh vật học Brandon Barton của Đại học bang Misissippi, hiện đang cộng tác với Jordan. Mọi biến số có khả năng ảnh hưởng đến cách một tử thi thải ra dưỡng chất và vi khuẩn đều ảnh hưởng đến thực vật xung quanh, như nhiệt độ nóng ra sao và độ ẩm ngoài kia như thế nào. Tất cả những điều đó, theo Barton, khiến thông tin bị nhiễu rất nhiều.

Và trong các thử nghiệm của Barton với xác lợn, tử thi thường không nằm lâu ở một nơi - ít nhất là phần thịt - do đó không phải toàn bộ số nitrogen trữ trong một cơ thể sẽ trở thành phân bón. "Khả năng toàn bộ số nitrogen đó đi vào đất là khá thấp" - ông nói. "Bởi ruồi nhặng sẽ hấp thụ khá nhiều. Nếu một con chó hoang đi qua, nó cũng sẽ ăn một chút. Kền kền, quạ, mọi sinh vật khác, cũng sẽ rỉa tử thi". Nếu lá cây chỉ thay đổi một chút vì tiếp xúc với một lượng nhỏ nitrogen, thay vì hấp thụ toàn bộ trong trường hợp tử thi không bị phá rối, thì việc tìm kiếm một tín hiệu như đã nói ở trên có khả năng rất khó khăn.

Bởi các nhà nghiên cứu mới chỉ bắt đầu thu thập dữ liệu về cách cây cối phản ứng với tử thi người, mọi thứ vẫn chỉ mang tính giả thuyết. Nhưng công nghệ dựng hình sẽ dần trở nên nhạy hơn. Kể cả nếu hệ thống này không thể phân biệt con người với các loài có vú lớn khác, nếu các cơ quan chức năng biết được khu vực có khả năng tìm được một người mất tích, thì diện tích quét sẽ được giảm đi nhiều: họ có thể chỉ cần lùng sục vài kilomet vuông, xác định một vài dấu hiệu cho thấy cây cối đang thay đổi, và điều tra sâu vào từng vị trí đó. Một số vị trí có thể chỉ có xác một loài thú nào đó, nhưng sẽ có một vị trí có tử thi con người. Và nếu phương pháp này hiệu quả, đối với gia đình những người không may mất tích, khoa học có lẽ sẽ giúp họ nguôi ngoai phần nào nỗi đau mất người thân.

Minh.T.T (theo Wired)

Chủ đề khác