VnReview
Hà Nội

Lý giải khoa học đằng sau đôi giày chạy mới của adidas giúp xác lập kỷ lục thế giới

Hầu hết các hãng giày chạy bộ đều sử dụng đế bằng sợi carbon trong các sản phẩm cao cấp nhất. Tuy nhiên, adidas đã làm một điều rất khác biệt, họ đã tạo ra chúng bằng những thanh năng lượng.

Trước khi chúng ta kịp hoàn thành bữa sáng thì vận động viên Peres Jepchirchir đã xác lập một kỷ lục thế giới mới. Vào khoảng 7h25 sáng ngày 5/9, vận động viên điền kinh Peres Jepchirchir đã xác lập một kỷ lục thế giới mới ở nội dung half-marathon dành cho nữ với cự ly 21,1km trong vòng 65 phút 34 giây. Kết quả này cách biệt 37 giây so với kỷ lục trước đó với tốc độ trung bình là 3 phút 6 giây mỗi kilomet.

Cũng giống như những kỷ lục thế giới ở nội dung chạy dài được xác lập gần đây, Jepchirchir đã hoàn thành cự ly với một đôi giày mới. Tuy nhiên, đôi giày góp phần tạo nên kỷ lục lần này được sản xuất bởi adidas, thay vì hãng Nike như những kỷ lục trước. Nike đã thống trị các kỷ lục chạy cự ly kể từ năm 2017, khi lần đầu ra mắt mẫu giày chạy sử dụng đế bằng sợi carbon giúp cải thiện thành tích của người dùng.

Đến nay, adidas đã phản công đối thủ của mình với Adizero Adios Pro. Trong hai năm qua, khoảng 50 nhân viên của adidas đã làm việc cật lực để cho ra Adios Pro. Đôi giày này được thiết kế để tăng hiệu năng trong chạy đường trường và thi đấu cự ly dài.

Adizero Adios Pro (Ảnh: adidas)

Đây là cú đánh trả đầu tiên của adidas trước đối thủ truyền kiếp của mình là Nike. Hiện Adizero Adios Pro đã được mở bán với giá là 170 bảng Anh (khoảng 5,1 triệu đồng). Không giống với đại đa số các mẫu giày chạy cao cấp, Adizero Adios Pro không sử dụng đế hoàn toàn bằng sợi carbon. "Chúng tôi đã thấy bộ môn chạy marathon có nhiều thay đổi và rất nhiều sản phẩm được cải tiến theo nó", Sam Handy, phó chủ tịch bộ phận thiết kế giày chạy adidas cho biết. "Nhưng tất nhiên là chúng tôi sẽ không tung ra một sản phẩm mới khi nó chưa sẵn sàng".

Kể từ khi Nike cho ra mắt mẫu giày chạy đầu tiên là Vaporfly 4%, thị trường giày chạy toàn cầu gần như đã chuyển sang sử dụng đế sợi carbon. Các thương hiệu khác như Saucony, On, Brooks, Hoka One One, Asics đều lần lượt cho ra mắt sản phẩm sử dụng đế sợi carbon.

Tuy nhiên, adidas đã tạo ra một sản phẩm hoàn toàn khác biệt với Adios Pro. Xuyên suốt đôi giày này là các thanh cong pha carbon. Các thanh này được nêm giữa hai khối bọt Lightstrike Pro độc quyền của adidas có tác dụng chuyển hồi năng lượng.

"Thiết kế thanh năng lượng dựa trên mô phỏng xương bàn chân", Handy cho biết. Theo hình mô phỏng bên dưới, cách thanh năng lượng chạy dọc theo xương bàn chân và uốn cong theo hình dạng bàn chân. Những thanh này có độ cứng để có thể chuyển hồi lượng năng lượng lớn nhất khi kết hợp với khối bọt xốp và các bộ phận khác. Adidas đã thử nghiệm "hàng trăm" mẫu thiết kế với độ dài, vị trí và cả độ cứng của thanh khác nhau.

Handy cho biết họ cũng đã thử sử dụng đế hoàn toàn bằng cách thanh này như một số mẫu khác, những cuối cùng, các thanh năng lượng của Adios Pro được thiết kế ở nửa trên của phần đế giày. Handy cho biết nơi cần củng cố nhất chính là nơi có xương. "Bạn không thật sự cần những thanh này ở những vị trí khác. Chúng tôi phát hiện rằng thiết kế này tạo ra dáng đi tự nhiên hơn so với sử dụng đế dày hoàn toàn bằng sợi carbon".

Các thanh năng lượng pha carbon mô phỏng lại cấu trúc xương bàn chân (Ảnh: adidas)

Dù đã có những nghiên cứu được tiến hành độc lập xác định dòng sản phẩm Vaporfly của Nike có thể giúp tăng thành tích chạy, nhưng chúng ta vẫn chưa thể biết chính xác lý do là gì. Về tổng thể, sự kết hợp giữa đế sợi carbon và lớp bọt ZoomX giúp làm tăng hiệu năng chung, nhưng nếu chỉ có một trong hai thì không thể. Để tìm ra lý do chính xác phải cần đến một số nghiên cứu khoa học, trong đó, các mẫu giày sẽ được thử nghiệm có và không sử dụng đế sợi carbon (và cả những chất liệu khác) để xác định đâu là lý do giúp tăng thành tích.

Handy cho biết để làm tăng hiệu năng của một đôi giày chạy bộ không nhất thiết cần đến đế sợi carbon. Thay vào đó, nó chịu ảnh hưởng từ tất cả các thành phần của đôi giày. Mỗi bộ phận riêng biệt đều có thể mang lại những lợi ích nhất định cho đôi giày. "Những bài viết khoa học nghiệp dư mà bạn đọc được cho rằng tất cả là nhờ vào phần đế kia, nhưng không phải như vậy", Handy khẳng định.

Điều quan trọng là tốc độ đàn hồi của khối bọt xốp là bao nhiêu, độ dày và độ cứng của đế sẽ tác động đến khối bọt và các thành phần còn lại như thế nào. "Tất cả đều liên kết với nhau", Alberto Uncini Manganelli, giám đốc điều hành adidas, cho biết. "Chúng hoạt động cùng nhau, chúng nên đồng bộ với nhau. Khi bạn điều chỉnh một tham số, bạn cần phải điều chỉnh tất cả các tham số còn lại để đạt hiệu năng cao nhất. Vì vậy, các phép tính sẽ được nghiên cứu kỹ."

Dù các công ty thể thao có thể bơm hàng triệu đô để tạo ra một đôi giày có hiệu năng cao nhất có thể, thì vẫn còn một điều khác cũng quan trọng không kém: chính là người sử dụng. Hiện tại, chỉ có những vận động viên chuyên nghiệp được tài trợ bởi các công ty này mới được tập luyện cùng và hỗ trợ phát triển sản phẩm mới. Với kỷ lục mới của nữ vận động viên Jepchirchir, cuộc thi half-marathon được tổ chức tại Prague (CH Séc), toàn bộ người tham gia là các vận động viên được adidas tài trợ và tất cả đều sử dụng đôi giày vừa ra mắt của hãng. Cũng trong sự kiện này, vận động viên Kenyan Kibiwott Kandie đã hoàn tất cự ly half-marathon dành cho nam với kết quả đứng thứ 5 bảng kỷ lục toàn cầu, đạt 58 phút 38 giây.

Số lượng kỷ lục điền kinh được xác lập có sử dụng giày đế sợi carbon đã khiến Liên đoàn Điền kinh thế giới phải lập ra luật mới về giày chạy vào tháng 1 năm nay. Hiện cơ quan này vẫn đang tiếp tục điều tra tác động của những đôi giày lên môn thể thao này.

Một số người cho rằng những đôi giày giúp tăng hiệu năng là một dạng doping công nghệ và không nên chấp nhận những kỷ lục được xác lập có sử dụng chúng. Ở một số trường hợp, các vận động viên cho kết quả khác biệt rõ khi có sự hỗ trợ từ đôi giày. Sau khi xác lập kỷ lục mới, Jepchirchir thừa nhận công nghệ đã giúp đỡ mình. "Tôi đã kiệt sức ở 5km cuối, nhưng đôi giày này đã giúp tôi xác lập kỷ lục mới", cô cho biết.

Bất kỳ công nghệ nào được tích hợp trong những đôi giày đều phải mang lại sự thoải mái khi sử dụng. Dù một đôi giày đạt kết quả tốt trong phòng thí nghiệm cũng không có nghĩa là nó sẽ được các vận động viên sử dụng trong nhiều giờ liền. "Những điểm lợi về mặt cơ học được tính bằng phần trăm có thể là quá nhiều hoặc quá ít đối với một vận động viên khi họ thực sự trải nghiệm đôi giày", Handy cho biết.

Dù vậy, Adios Pro không phải hoàn toàn không sử dụng đế sợi carbon. Một nửa đế giày ở phần gót sử dụng sợi carbon. Điều này cho thấy tầm quan trọng của khối bọt xốp được sử dụng trong giày chạy. Đặc biệt là cách chúng bảo vệ vận động viên khỏi tác động của lực của mỗi bước chạy.

Phương pháp chạy hiệu quả nhất của các vận động viên là tiếp đất bằng mũi hoặc lòng bàn chân. Trên thực tế, những vận động viên đạt kết quả tốt đều chạy bằng mũi bàn chân. Nhưng động tác có thể thay đổi khi chúng ta kiệt sức, phần gót chân sẽ là nơi tiếp đất. Khi đó, lực tác động lên gót chân sẽ lớn hơn. "Chúng tôi cần đảm bảo rằng đôi giày sẽ không bị biến dạng theo thời gian, đó là lý do chúng tôi sử dụng đế giày sợi carbon ở phần gót", Handy giải thích.

Adidas còn cung cấp những tùy chỉnh khác ở thanh năng lượng. Khác với đế bằng sợi carbon, hình dạng, độ dài và vị trí của các thanh năng lượng có thể dễ dàng điều chỉnh. Chúng có thể di chuyển lên xuống theo chiều dọc đôi giày. Cả độ cứng của thanh cũng có thể điều chỉnh và chúng có thể dãn ra hoặc tinh chỉnh riêng cho người mang để đạt hiệu quả tốt nhất.

Handy từ chối cung cấp thông tin chi tiết về cách chế tạo từng thanh năng lượng hay liệu có khác biệt gì giữa các thanh hay không. Nhưng trong tương lai, có thể thành phần cấu tạo của chúng sẽ có thay đổi. "Chắc chắn rằng chúng tôi muốn chúng xuất hiện trên nhiều sản phẩm hơn, cũng như phát triển hơn nữa", anh cho biết. "Chúng tôi sẽ tiếp tục thử nghiệm với nhiều độ cứng và các vật liệu khác nhau. Chúng rất dễ điều chỉnh. Vì thế chúng tôi vẫn có thể thay đổi nhiều thứ với những thanh này".

Minh Bảo (Tham khảo;Wired)

Chủ đề khác