VnReview
Hà Nội

Con người vẫn chưa đạt mục tiêu nào trong 20 mục tiêu bảo vệ Trái Đất đặt ra cách đây 1 thập kỷ

Liên hợp quốc (LHQ) cho biết, các quốc gia sẽ bỏ lỡ tất cả các mục tiêu mà họ đặt ra cách đây một thập kỷ để bảo tồn thiên nhiên và cứu đa dạng sinh học quan trọng của Trái Đất.

Theo đánh giá của WWF trong tháng này, tác động của nhân loại đối với thế giới tự nhiên trong 5 thập kỷ qua không kém gì trận đại hồng thủy kể từ năm 1970 khiến gần 70% động vật hoang dã, chim và cá biến mất.

Năm ngoái, ủy ban về đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc (IPBES) đã đưa ra cảnh báo rằng, 1 triệu loài sẽ phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do hoạt động do con người làm suy thoái nghiêm trọng 3/4 diện tích đất trên Trái đất.

Năm 2010, 190 quốc gia thành viên của Công ước về Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc đã cam kết thực hiện kế hoạch chiến đấu nhằm hạn chế thiệt hại gây ra cho thế giới tự nhiên vào năm 2020. Cụ thể 20 mục tiêu bao gồm việc loại bỏ dần trợ cấp nhiên liệu hóa thạch đến hạn chế làm mất đi môi trường sống của nhiều loài và bảo vệ nguồn cá.

Nhưng trong báo cáo Triển vọng Đa dạng sinh học toàn cầu (GBO) công bố hôm thứ Ba (15/9) cho biết, Liên Hợp Quốc khẳng định, các quốc gia trên thế giới không đạt nổi 1 trong số 20 mục tiêu đã đặt ra cách đây một thập kỷ trước.

Anne Larigauderie, thư ký điều hành IPBES chia sẻ với AFP: "Chúng ta hiện đang tiêu diệt tất cả những sinh vật không phải là con người một cách có hệ thống".

Trước thềm Đại hội đồng LHQ và một năm quan trọng đối với tự nhiên và khí hậu, các nhận định cho thấy không có mục tiêu đa dạng sinh học nào kịp hoàn thành và nó càng làm suy yếu thêm các nỗ lực giải quyết biến đổi khí hậu.

Loài người mới chính là loài nguy hiểm nhất hành tinh

Đại dịch Covid-19 đã làm xáo trộn kế hoạch của hai hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học lớn trong năm nay. Các hội nghị như COP 15 và đại hội toàn cầu của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế dự kiến sẽ bị đẩy lùi đến năm 2021.

Và đại dịch Covid-19 là lời cảnh tỉnh cho các nhà lãnh đạo trên thế giới. Larigauderie nhấn mạnh: "Chúng ta hiểu rõ rằng cuộc khủng hoảng này có liên quan đến mọi thứ chúng ta muốn thảo luận tại COP 15 ở Trung Quốc".

Elizabeth Maruma Mrema, thư ký điều hành của Công ước về Đa dạng sinh học cho biết, đã đến lúc xã hội cần thức tỉnh và nhận ra tầm quan trọng của thiên nhiên.

Bà nói: "Đại dịch Covid-19 đã chứng minh rất rõ ràng, nạn phá rừng, sự xâm lấn của con người tới tự nhiên… có ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Công chúng cần nhận ra một điều rằng, loài người mới là nguy hiểm nhất hành tinh và họ cần phải đóng vai trò nào đó, đặc biệt là gây áp lực buộc ngành công nghiệp phải thay đổi".

Để đảo ngược tình thế hiện nay trước năm 2030, thế giới cần những thay đổi sâu rộng đối với hệ thống canh tác, giảm lãng phí thực phẩm và tiêu thụ quá mức.

Một trong những yếu tố quan trọng là phải bảo tồn các quần thể bản địa hiện đang kiểm soát khoảng 80% da dạng sinh học trên toàn thế giới.

Andy White, điều phối viên của Sáng kiến ​​quyền và tài nguyên, một liên minh toàn cầu gồm hơn 150 nhóm thúc đẩy trao quyền cho người bản địa chia sẻ, chúng ta cần đặt trọng tâm vào các sáng kiến bảo tồn bằng cách thúc đẩy quyền đất đai cho người bản địa, từ đó bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng với người dân và hành tinh.

Ánh sáng le lói cuối đường hầm

Trong báo cáo GBO, chúng ta đã thấy những thay đổi đáng hoan nghênh trong việc bảo vệ thiên nhiên suốt thập kỷ qua. Ví dụ tỷ lệ phá rừng đã giảm 1/3 so với thập kỷ trước. Khoảng thời gian 20 năm kể từ năm 2000 đã chứng kiến tốc độ gia tăng các khu bảo tồn trên đất liền từ 10% lên 15%, từ 3% lên tới 7% trong các khu bảo tồn ngoài đại dương.

Nhưng vẫn còn đó những mối nguy cần sớm được giải quyết, đó là tình trạng trợ cấp khai thác nhiên liệu hóa thạch ước tính lên tới khoảng 500 tỷ USD/năm.

Phản ứng trước đánh giá của Liên Hợp Quốc, nhà nghiên cứu Andy Purvis đến từ Bộ phận khoa học đời sống thuộc Bảo tàng lịch sự tự nhiên Anh cho biết, ông cảm thấy sốc khi thế giới đã bỏ lỡ tất cả 20 mục tiêu bảo vệ thiên nhiên của mình.

Andy nhấn mạnh, con người cần phải nhận rằng chúng ta đang trong tình trạng khẩn cấp và cả hành tinh này cũng vậy. Khi đó không chỉ các loài sinh vật chết đi mà cả các hệ sinh thái cũng sẽ bị hủy hoại chỉ vì đáp ứng nhu cầu phát triển của loài người.

Mai Huyền theo AFP

Chủ đề khác