VnReview
Hà Nội

Tính năng đo oxy trong máu của Apple Watch có thể kém chính xác, không được FDA cấp phép

Apple Watch Series 6 mới có một cảm biến cho phép đồng hồ đo nồng độ oxy trong máu. Đây là sự bổ sung đã được mong đợi từ lâu cho bộ công cụ sức khỏe của Apple trên Apple Watch. Dẫu vậy, nó chỉ theo dõi ở nồng độ oxy ở cổ tay, mang lại kết quả có thể kém chính xác hơn so với phép đo ở đầu ngón tay thông thường.

Tính năng theo dõi oxy trong máu của Apple chỉ để ‘theo dõi sức khỏe', không phải cho mục đích y tế

Hầu hết các cảm biến oxy, bao gồm của cả Apple, đều đo lượng oxy trong máu bằng cách sử dụng ánh sáng. Những thiết bị này được gọi là máy đo pulse oximeter, và thường kẹp vào ngón tay của bạn. Phiên bản chuẩn thường sẽ phát cả ánh sáng đỏ và hồng ngoại xuyên qua ngón tay – nơi có nhiều máu gần bề mặt da nhất. Một protein trong máu sẽ hấp thụ nhiều ánh sáng hồng ngoại hơn khi có oxy, và nhiều ánh sáng đỏ hơn trong trường hợp không có. Cảm biến nằm ở phía còn lại của ngón tay sẽ tính toán lượng ánh sáng của mỗi loại được truyền qua, và cung cấp kết quả sau khi đo.

Apple Watch Series 6 cũng có các ánh sáng đỏ và hồng ngoại này, nhưng thay vì truyền những ánh sáng đó qua một phần cơ thể, nó lại đo dựa trên cơ chế phản chiếu của chúng. Nó hoàn toàn giống với cơ chế mà Garmin và Fitbit sử dụng để tích hợp tính đăng đo oxy trong máu trên các sản phẩm của mình. Nhưng theo một số nguyên cứu, phương pháp phản xạ này ở cổ tay có thể kém chính xác hơn, đặc biệt là khi nồng độ oxy bắt đầu giảm. Có một số lý do cho điều này: đầu tiên, ánh sáng bên ngoài có thể làm lệnh sáng sáng phản xạ; hơn nữa, bên ngoài cổ tay không có nhiều mạch máu gần bề mặt da so với ngón tay.

Cảm biến oxy trong máu của Apple Watch không phải là một thiết bị y tế và sẽ không thể chẩn đoán hoặc theo dõi bất kỳ tình trạng y tế nào. Táo khuyết cho biết, tính năng này chỉ đơn giản là để giúp người dùng hiểu được thể chất và sức khỏe của họ. Nhưng Apple đã "liên kết" tính năng này với đại dịch COVID-19 trong buổi công bố sản phẩm: "Đo oxy trong máu pulse oximetry là những thuật ngữ mà chúng tôi đã nghe nói nhiều trong suốt đại dịch COVID", Sumbul Ahmad Desai – Giám đốc Y tế của Apple, cho hay.

Trong giai đoạn đàu của đại dịch, nhiều bác sĩ đã phát hiện ra rằng, việc theo dõi bệnh nhân COVID-19 bằng máy đo pulse oximeter có thể giúp phát hiện các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến mức oxy của họ trước khi bắt đầu cảm thấy khó thở. Các thiết bị tiện ích đột nhiên trở thành một thứ phải có và nhanh chóng cháy hàng. Một số người đã phải chuyển sang sử dụng các thiết bị thay thế như đồng hồ Garmin. Những người khác lại kêu gọi Apple kích hoạt các cảm biến được tích hợp bên trong những chiếc smartwatch của họ để mang lại khả năng đo nồng độ oxy trong máu.

Tích hợp khả năng theo dõi oxy trong máu trên các thiết bị đeo không dành cho mục đích y tế như Apple Watch là khá mới, thế nên, chưa có nhiều đánh giá độc lập để xem chúng có mang đến kết quả tương tự với việc theo dõi ở vị trí đầu ngón tay như thông thường hay không. Apple không cho rằng, phương pháp đo oxy trong máu của mình có thể được áp dụng như một thiết bị y tế, thế nên, họ không cần phải xin giấy phép từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), vốn là cơ quan yêu cầu cung cấp một số dữ liệu về độ tin cậy.

Thông thường, một tính năng được tập trung vào "sức khỏe" cung cấp một số thông tin về nồng độ oxy của bạn vẫn có thể là thông tin hữu ích cho chúng ta. Nhưng sẽ có một số rủi ro khi chỉ dựa vào các chỉ số đo oxy trong máu không chính xác này, đặc biệt là trong đại dịch COVID-19. Căn bệnh này rất kỳ lạ. Nó không có triệu chứng cụ thể, khiến việc phát hiện bệnh trở nên khó khăn hơn. Điều đó khí các bệnh nhân, nhân viên y tế cần đến sự trợ giúp từ những thiết bị đáng tin cậy, có thể giúp họ phát hiện chính xác tình trạng.

Apple và các nhà sản xuất smartwatch khác vẫn theo đuổi tính năng này. Rất có thể, họ sẽ công bố một số dữ liệu về các cảm biến oxy trong máu này của mình. Nhiều thông tin cho rằng, Apple đang hợp tác với các nhà nghiên cứu bên ngoài nhằm tìm hiểu cách thức công nghệ của họ có thể ứng dụng để theo dõi tình trạng sức khỏe, từ bệnh hen suyễn cho đến COVID-19, như thế nào. Nhưng cho đến khi điều đó xuất hiện, bạn cũng đừng quá tin tưởng vào những số đo oxy trong máu từ smartwatch.

Minh Hùng theo The Verge

Chủ đề khác