VnReview
Hà Nội

Liên Hợp Quốc: Vứt, tiêu hủy khẩu trang dùng một lần bừa bãi đe dọa khủng khiếp tới môi trường

Tình trạng lạm dụng và tiêu hủy không đúng cách khẩu trang dùng một lần đang gián tiếp phá hoại môi trường tự nhiên, đe dọa sự sống còn của nhiều loài động vật. Và điều đáng buồn hơn khi nó chỉ để "bảo vệ con người".

Việc đeo khẩu trang luôn được chính phủ các nước trên thế giới khuyến cáo là cách hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Tuy nhiên bên cạnh tác dụng bảo vệ sức khỏe con người, nó cũng đang tạo ra một tác dụng phụ vô cùng nguy hiểm đối với môi trường. Đặc biệt, khẩu trang dùng một lần có thể coi như một "mối đe dọa" vì chúng chứa các thành phần làm từ nhựa.

Theo một báo cáo từ Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) ước tính, doanh số bán khẩu trang dùng một lần trên toàn cầu trong năm nay dự kiến đạt tới 166 tỷ USD, tăng mạnh so với con số khoảng 800 triệu USD hồi năm 2019.

Do sự tiện lợi nên khẩu trang dùng một lần được sử dụng khá nhiều trên thế giới. Tuy nhiên ít ai biết rằng, chúng được làm phần lớn từ các lớp nhựa. Do đó việc sử dụng chỉ một lần và vứt bỏ với một số lượng lớn sẽ đe dọa nghiêm trọng tới môi trường sống tự nhiên của nhiều loài động vật hoang dã.

Một nghiên cứu của trường cao đẳng University College London;(UCL) cho biết, chỉ riêng ở Anh nếu mỗi người đeo một chiếc khẩu trang dùng một lần/ngày trong vòng 1 năm có thể tạo ra khoảng 66 ngàn tấn rác thải nhựa ra môi trường.

Nhưng vấn đề không dừng ở nguy cơ rác thải mà còn nằm ở hành vi vô ý hoặc cố ý của nhiều người vứt khẩu trang ra đường. Giờ đây ở nhiều thành phố lớn, nông thôn hoặc thậm chí là bãi biển có thể dễ dàng thấy sự xuất hiện của những chiếc khẩu trang nằm trên đường mà không có ai thu dọn.

Laurent Lombard, một thợ lặn và là người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Operation Mer Propre (Chiến dịch Biển sạch) chia sẻ với CNN: "Sắp tới khẩu trang có khi lại xuất hiện nhiều hơn cả sứa ở Địa Trung Hải".

Mối nguy hiểm do nhựa phế thải gây ra đối với sinh vật biển đã được nhắc đến rất nhiều. Teale Phelps Bondaroff, giám đốc nghiên cứu của tổ chức OceansAsia chia sẻ với tờ Energy Live News: "Các ước tính cho thấy hơn 100 ngàn động vật có vú, rùa biển và hơn 1 triệu loài chim bị giết bởi rác thải nhựa trên biển mỗi năm".

Bondaroff lấy ví dụ về mối đe dọa của khẩu trang với các sinh vật biển: "Ví dụ khẩu trang có thể dễ dàng bị mắc kẹt trong hệ tiêu hóa của một con rùa, cá heo và giết chết nó".

Con người cũng không miễn nhiễm. Bondaroff cho rằng, ngay cả khi khẩu trang được xử lý đúng cách, nó vẫn chứa nhựa và chất đó không biến mất ngay lập tức mà từ từ phân hủy thành vi nhựa, xâm nhập vào chuỗi thức ăn và gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Cần ưu tiên sử dụng khẩu trang vải

Một giải pháp rõ ràng được các nhà vận động môi trường nhắc đến hiện nay đó là sử dụng khẩu trang có thể tái sử dụng và không có thành phần nhựa. Ở nhiều nơi, khẩu trang cotton tái sử dụng đã trở thành một lựa chọn phổ biến hơn cả.

Ngoài ra việc rửa sạch, phơi nắng cũng giúp khẩu trang vải có thể sử dụng được tới cả tháng. Ngay cả những bác sỹ, y tá yêu cầu mức độ bảo vệ cao nhất cũng được khuyến khích sử dụng khẩu trang bằng vải, miễn là nó có nhiều lớp vải kháng khuẩn bên trong.

Nhân viên tại Mayo Clinic, một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ mới đây cũng đã đưa ra lời khuyên: "Việc che mặt bằng vải cũng giúp giảm sự lây lan của virus khi chúng ta đến với nơi công cộng. Các quốc gia yêu cầu che mặt, kiểm tra và cách ly xã hội sớm kể từ khi có dịch đã thành công trong việc giảm sự lây lan của virus"

Mặc dù vậy, chỉ đeo khẩu trang không phải là cách đảm bảo an toàn 100%. Chúng ta vẫn cần lưu ý đến vấn đề giãn cách xã hội và rèn luyện thể chất. Chỉ những nỗ lực kết hợp này mới có thể làm giảm sự lây lan của các giọt dịch chứa virus và bảo vệ chính mình và những người khác.

Mai Huyền

Chủ đề khác