VnReview
Hà Nội

Nghiên cứu: Khí quyển càng nhiều CO2, cây cối càng “chết yểu”

Tưởng chừng CO2 là nguồn dinh dưỡng nuôi dưỡng "cỗ máy" thải dưỡng khí và hút CO2 cho cả hành tinh. Nhưng hóa ra kết quả hoàn toàn ngược lại khi CO2 khiến cây "chóng lớn" nhưng cũng "chóng chết".

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Leeds, Anh Quốc cảnh báo, nhiều loại cây đang có biểu hiện lớn quá nhanh do hấp thụ quá nhiều CO2 trong khí quyển. Nhưng điều đáng nói là chúng cũng chóng chết hơn vì đi ngược lại với quy luật sinh trưởng. Cây cối chết đi sẽ làm tăng nguy cơ biến bể lưu trữ khí thải của hành tinh thành nguyên nhân chính dẫn tới biến đổi khí hậu.

Từ lâu cây xanh luôn được coi là một nguồn hấp thụ CO2 chủ yếu trên Trái Đất. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng CO2 do con người thải ra từ hoạt động công nghiệp, đồng thời đưa ra các dự báo về biến đổi khí hậu.

Các nhà nghiên cứu môi trường khẳng định, mô hình khí hậu hiện tại vẫn đặt niềm tin rất lớn vào khả năng chứa carbon của các cánh rừng trong suốt thế kỷ này. Họ cho rằng, nhiệt độ và nồng độ CO2 cao trong khí quyển sẽ là điều kiện tốt để kích thích sự phát triển của cây, từ đó giúp chúng sinh trưởng nhanh hơn.

Nhưng các nhà khoa học tại Đại học Leeds cảnh báo, tốc độ tăng trưởng nhanh cũng đem tới tác dụng ngược khi cây xanh phát triển quá nhanh sẽ khiến chúng mau chết hơn. Nói cách khác vai trò lưu trữ carbon của cây xanh chỉ có thể tồn tại trong một thời gian ngắn, khác xa với kỳ vọng của con người.

Sau quá trình kiểm tra hơn 200 ngàn loại cây trên thế giới, nhóm nghiên cứu nhận thấy sự đánh đổi giữa thời gian sinh trưởng và tuổi thọ xảy ra ở hầu hết tất cả các loài này, bao gồm cả các cây nhiệt đới.

Đồng tác giả Steve Voelker đến từ Cao Đẳng Khoa học Môi trường và Lâm nghiệp thuộc Đại học bang New York cho biết, con người được hưởng lợi lớn từ khả năng hấp thụ carbon ngày càng tăng của rừng trong nhiều thập kỷ gần đây. Nhưng tỷ lệ hấp thụ CO2 có thể sẽ giảm dần vì ngày càng có nhiều loại cây sinh trưởng nhanh nhưng tuổi thọ không bền.

Voelker chia sẻ: "Những phát hiện của chúng tôi rất giống câu chuyện về rùa và thỏ. Nó chỉ ra rằng có những đặc điểm bên trong những cây phát triển nhanh nhất khiến chúng dễ bị tổn thương, trong khi những cây phát triển chậm hơn có những đặc điểm cho phép chúng tồn tại lâu dài".

Nghiên cứu khẳng định, những phát hiện này cho thấy nguy cơ chết sẽ tăng lên đáng kể khi cây đạt tới kích thước tiềm năng tối đa. Khi đạt tới chiều cao giới hạn nhưng thân cây chưa đủ chắc sẽ khiến chúng dễ bị bệnh tật, côn trùng tấn công hoặc chết vì gãy đổ, hạn hán hơn.

Con người đang đối xử quá tệ bạc với những cánh rừng

Đánh giá về nghiên cứu, David Lee, giáo sư khoa học khí quyển tại Đại học Manchester Metropolitan của Anh cho biết, các mô hình khí hậu hệ thống của Trái đất hiện dự đoán trữ lượng carbon của rừng sẽ tiếp tục hoặc tăng lên. Nhưng ông nhấn mạnh: "Nghiên cứu này cho thấy điều ngược lại rằng, lượng CO2 tăng lên chỉ đang làm tổn hại đến bể chứa carbon, đó là rừng".

Qua đó có thể khẳng định, suy nghĩ cho rằng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch và hoạt động công nghiệp có thể được bù đắp bằng cách trồng thêm nhiều cây xanh là điều hoàn toàn sai lầm.

Keith Kirby, nhà sinh thái học Đại học Oxford chỉ ra, rừng không nhất thiết phải đóng vai trò đảo ngược tác hại của CO2. Nhưng Kirby tin tưởng, để ngăn rừng không trở thành nguồn phát thải CO2 mới, chúng ta cần ngăn chặn nạn phá rừng, đồng thời tăng cường mở rộng diện tích rừng một cách bền vững. Kết hợp với đó là lộ trình giảm phát thải khí nhà kính.

Hiện tại các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khoảng 25-30% lượng khí thải CO2 mà con người phát thải vào bầu khí quyển.

Theo Global Forest Watch tính toán, cứ 6 giây lại có một diện tích rừng nguyên sinh, già cỗi tương đương một sân bóng đá bị phá hủy. Tổng diện tích bị phá hủy như vậy trên toàn cầu như vậy lên tới 38 ngàn km2 trong năm 2019.

Nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí Nature Communications mới đây.

Tiến Thanh

Chủ đề khác