VnReview
Hà Nội

Ai có quyền khai thác tài nguyên vũ trụ?

Bùng nổ dân số và việc khai thác quá mức đang khiến tài nguyên thiên nhiên trên trái đất dần cạn kiệt, buộc chúng ta phải tìm nguồn sống mới trong vũ trụ.

Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, lượng tài nguyên mà nhân loại tiêu thụ sẽ tăng gấp ba lần trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến 2050. Và khi "đất" đã cạn khô, loài người lại hướng mắt lên bầu trời.

NASA tuyển dụng các công ty khai thác tài nguyên trên mặt trăng

Cơ quan Hàng không - Vũ trụ Mỹ (NASA) tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ các công ty tư nhân tận dụng công nghệ, nhân lực và các cơ sở của cơ quan này để thiết kế và chế tạo các robot tự hành hoạt động trên Mặt trăng.

Và bạn biết điều gì không? Những công ty này sẽ thu thập đá và bụi bẩn từ mặt trăng, sau đó họ sẽ bán cho NASA.

Ai có quyền khai thác tài nguyên vũ trụ?

Xe tự hành Curiousity thăm dò bề mặt sao Hỏa

Theo yêu cầu chính thức từ phía NASA, cơ quan này sẵn sàng trả tiền cho các mẫu từ 50 đến 500 gram trọng lượng cân trên Trái đất. Và NASA cho biết các khoản tiền sẽ được thanh toán đầy đủ sau khi các công ty có thể "cung cấp hình ảnh", chứng minh các mẫu đã được thu thập từ mặt trăng chứ không phải "hàng fake", đồng thời công ty cũng phải chứng minh họ có toàn quyền sở hữu các mẫu được chuyển cho NASA.

Cơ quan vũ trụ hy vọng rằng các tài liệu sẽ được thu thập vào năm 2024, và cho biết rằng các hồ sơ dự thầu được các công ty trên toàn thế giới hoan nghênh.

NASA đã lưu ý trong thông báo của mình rằng mục tiêu của chính phủ Mỹ là tạo ra các chính sách nhằm "khuyến khích sự hỗ trợ của quốc tế đối với việc phục hồi và sử dụng tài nguyên ngoài không gian của khu vực công và tư nhân".

Cũng dễ hiểu khi NASA đưa ra chính sách này. Bởi việc đầu tư của khu vực tư nhân vào công nghệ vũ trụ sẽ giúp các nghiên cứu khoa học và khám phá được thực hiện tốt hơn, thay vì chính phủ sử dụng nguồn thuế ít ỏi của người dân.

Đại diện NASA cho biết chính sách hỗ trợ liên quan đến việc khôi phục và sử dụng tài nguyên không gian là rất quan trọng để tạo ra một môi trường đầu tư ổn định và có thể dự đoán được cho các nhà kinh doanh và đổi mới không gian thương mại.

"Để đánh giá và tiếp cận các nguồn tài nguyên này, chúng ta cần tới bề mặt Mặt trăng. Các công ty tư nhân có thể giúp khai thác các nguồn tài nguyên này" - Giám đốc các hệ thống thám hiểm NASA, ông Jason Crusan cho biết.

Vậy có "mỏ vàng" nào trên mặt trăng và các hành tinh khác sao?

Nguồn lợi khổng lồ từ các tiểu hành tinh trong vũ trụ

Không gian chứa các tài nguyên quý giá. Những điều này cung cấp lý do thuyết phục cho các doanh nhân, nhà đầu tư và chính phủ theo đuổi việc khám phá và định cư không gian. Các tiểu hành tinh được biết đến là mỏ tài nguyên các nguyên tố quý giá như neodymium, scandium, yttrium, iridium, platinum và palladium, hầu hết trong số đó rất hiếm trên Trái đất. Do mức lợi nhuận cao mà chúng mang lại, các công ty sẵn sàng đầu tư những "chuyến khai thác" vượt nhiều trăm năm, thậm chí nhiều triệu năm ánh sáng để mang chúng về trái đất. Đây là hy vọng của Planetary Resources, một công ty được thành lập và tài trợ bởi những tên tuổi "quen thuộc" của Google là Larry Page và Eric Schmidt, với mục đích khai thác các tiểu hành tinh.

Tương tự, tỷ phú Naveen Jain của Microsoft đã thành lập công ty Moon Express với kế hoạch sử dụng robot để bắt đầu khai thác Mặt trăng. Trong khi đó, công ty năng lượng Shackleton có trụ sở tại Texas có kế hoạch khai thác băng ở miệng núi lửa Shackleton ở cực nam mặt trăng để cung cấp năng lượng cho các sứ mệnh khám phá hành tinh.

Giám đốc điều hành của Planetary Resources, Chris Lewicki trả lời phỏng vấn với Reuters rằng: "Các công ty khai thác có thể bán, giữ hoặc phân phối tài nguyên không gian một cách hòa bình".

Ví dụ, chỉ riêng một tiểu hành tinh giàu bạch kim có đường kính 500m cũng chứa lượng kim loại quý này nhiều gấp 174 lần sản lượng mỗi năm của toàn thế giới. Hay một nguồn tài nguyên khác như Helium-3 với tiềm năng dùng làm nguyên liệu sạch cho các lò phản ứng hạt nhân, không tạo ra chất phóng xạ nguy hại. Helium-3 không có sẵn trên Trái đất. Chúng được mặt trời tỏa ra và tích lũy trên bề mặt Mặt trăng trong hàng triệu năm.

Theo ước tính, hiện có hơn 1,1 triệu tấn Helium-3 nằm trong lớp đất mỏng của Mặt trăng, và chỉ cần khoảng 100 tấn là đủ cung cấp nhiên liệu cho toàn bộ Trái đất trong một năm. Chỉ riêng những tiềm năng này thôi, một số hành tinh trên thực tế đã được định giá hơn 100 tỷ USD.

Ai có quyền sở hữu và khai thác tài nguyên vũ trụ?

Giám đốc điều hành của Planetary Resources, Chris Lewicki trích dẫn luật không gian được thông qua tại Mỹ và Luxembourg, cung cấp một khuôn khổ pháp lý để đảm bảo rằng các nhà khai thác tư nhân có thể tự tin về quyền của họ đối với tài nguyên mà họ khai thác được trong không gian.

"Nếu bạn sở hữu một nguồn tài nguyên và mang nó theo bên mình, nó sẽ trở thành tài sản của bạn" - ông Lewicki nói.

Tuy nhiên, các nhà phân tích khác lại không đồng tình với quan điểm trên.

Ông Jacob Haqq-Misra, Giám đốc Viện Khoa học Không gian Blue Marble, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Seattle, Mỹ cho biết Hiệp ước Không gian vũ trụ năm 1967 là tiêu chuẩn quốc tế chính về những gì các công ty và quốc gia được phép làm khi họ không có mặt trên trái đất.

Hiệp ước nói rằng không gian là "nguồn gốc của tất cả nhân loại". Các quốc gia không thể tuyên bố "chiếm đoạt quốc gia" hoặc chủ quyền đối với Mặt trăng hoặc các thiên thể khác "bằng cách chiếm đóng hoặc bằng các phương tiện khác", trích dẫn hiệp ước.

Điều khoản này có thể đặt ra những rào cản pháp lý đối với các công ty tư nhân muốn khai thác trên tiểu hành tinh hoặc sao Hỏa.

Trong khi hiệp ước năm 1967 được coi là tiêu chuẩn toàn cầu về chia sẻ không gian, các quốc gia gần đây đã thông qua luật cho phép các quyền sở hữu ở những nơi xa hơn.

Kể từ tháng 9/2017, Luxembourg đã thông qua luật cho phép các công ty tư nhân sở hữu các nguồn tài nguyên khai thác từ ngoài không gian trong một động thái được hoan nghênh bởi ngành khai thác vũ trụ non trẻ.

Ví dụ, Planetary Resources duy trì một văn phòng tại một quốc gia châu Âu nhỏ bé nổi tiếng với ngành tài chính hơn là khám phá không gian.

Năm 2015, Mỹ đã ban hành luật tương tự về quyền sở hữu tài nguyên không gian tư nhân nhưng nó chỉ áp dụng cho các công ty do người Mỹ sở hữu đa số.

NASA lại duy trì quan điểm trung lập đối với việc khai thác khoáng sản trên sao Hỏa.

"Nếu các công ty yêu cầu hỗ trợ hoặc muốn có quan hệ đối tác liên quan đến khai thác trên sao Hỏa, chúng tôi sẽ giúp đỡ trong khả năng của mình" - phát ngôn viên của NASA, ông Guy Webster, nói với Thomson Reuters Foundation trong một email. Tuy nhiên, ông không cung cấp cụ thể về quyền sở hữu tài nguyên không gian là gì.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc còn đưa ra ý tưởng táo bạo hơn, khi dự định đưa các tiểu hành tinh này về Trái đất để khai thác tiếp.

Mơ tưởng về chuyến du lịch ngoài không gian

Hồi cuối tháng 6 vừa qua, Tập đoàn Energia của Nga thông báo sẽ thực hiện chuyến du lịch đi bộ ngoài không gian đầu tiên vào năm 2023, theo hợp đồng với đối tác Space Adventures của Mỹ.

Theo hợp đồng ký kết giữa Energia và Space Adventures, hai bên cam kết đưa 2 du khách lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) vào năm 2023. Theo kế hoạch, một trong những người tham gia chuyến du hành sẽ đi bộ ngoài không gian từ khu vực của Nga, cùng với một phi hành gia người Nga.

Energia là một phần của Cơ quan vũ trụ LB Nga Roscosmos. Trong khi đó, Space Adventures từng hợp tác với cơ quan vũ trụ Nga đưa 8 du khách lên ISS trong giai đoạn từ năm 2001 -2009.

Thông báo trên được đưa ra vài ngày sau khi NASA ký thỏa thuận với công ty Virgin Galactic của tỷ phú Richard Branson nhằm thúc đẩy các sứ mệnh tư nhân trên trạm vũ trụ sau chương trình đào tạo đặc biệt tại Mỹ.

Trước đó hồi tháng 5, công ty SpaceX đã lần đầu tiên hoàn thành sứ mệnh đưa các phi hành gia lên trạm vũ trụ bằng tàu Crew Dragon, mở ra một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực du hành không gian thương mại. Tháng 3 vừa qua, SpaceX cũng thông báo sẽ mở tour du hành không gian cho 3 người trong năm tới. Các hành khách dự kiến di chuyển bằng tàu vũ trụ Crew Dragon.

Tất cả những tham vọng trên nhằm khai thác các nguồn tài nguyên vô giá trong vũ trụ đều vô cùng khó khăn phức tạp, đầy rẫy nguy hiểm và tốn kém không tưởng. Nhưng đứng trước tương lai đầy bất ổn, đó lại là lựa chọn khả dĩ nhất của loài người. Để tiếp tục tồn tại và phát triển, con người sẽ phải "căng buồm" tiến thẳng vào không gian vô tận để thực hiện sứ mệnh "khai hoang các vùng đất mới".

Theo VTV

Chủ đề khác