VnReview
Hà Nội

NASA công bố giá đưa con người đổ bộ Mặt Trăng năm 2024: 28 tỷ USD

NASA đã tiết lộ một số thông tin mới về chương trình hạ cánh xuống Mặt Trăng có tên Artemis. Trong đó bao gồm ngân sách chi tiết, lịch trình và một kế hoạch đầy tham vọng nhằm xây dựng căn cứ lâu dài tại cực Nam Mặt Trăng.

Trong bản báo cáo dài 74 trang được công bố, NASA cho biết để có thể thực hiện chương trình quay trở lại Mặt Trăng vào năm 2024, Mỹ sẽ tiêu tốn khoảng 28 tỉ USD tiền thuế, trong đó có 16 tỉ USD sẽ đi thẳng đến chương trình Human Landing System.

Bản vẽ cơ sở trên Mặt Trăng có thể hoàn thiện sau Artemis III (Ảnh: NASA)

Ngoài ra, tàu vũ trụ Orion cùng hệ thống Space Launch System sẽ nhận 7,6 tỉ USD, 1 tỉ USD đầu tư cho phát triển "công nghệ thăm dò" và 518 triệu USD để phát triển và sản xuất trang phục cho các phi hành gia. Mức ngân sách 28 tỉ USD được chia ra từ năm 2021 đến năm 2025.

Theo SpaceNews, nguồn vốn cho Human Landing System là "nguy cấp nhất" vì Quốc hội Mỹ "đã thông qua một dự luật hồi tháng 7, theo đó chi ngân sách trong năm 2021 cho chương trình này chỉ hơn 600 triệu USD, đây là một con số khá ít so với mức đề nghị 3,2 tỉ USD". Theo AFP, giám đốc NASA Jim Bridenstine cho biết ông hi vọng rằng khoản tiền sẽ được chuyển đến nơi vào khoảng Giáng Sinh để NASA "theo kịp tiến độ của kế hoạch hạ cánh trên Mặt Trăng vào năm 2024".

Mẫu tàu đổ bộ Mặt Trăng Blue Origin (Ảnh: Blue Origin)

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa chắc Hạ Viện có phê duyệt khoản chi này hay không, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh và cuộc bầu cử sắp tới. Thêm vào đó, Tổng thống Donald Trump đẩy nhanh tiến độ dự án này từ năm 2028 về năm 2024 khiến chi phí gia tăng đáng kể.

Hiện đang có ba nhóm đang tiến hành nghiên cứu mẫu cho Human Landing System và vẫn chưa có bản thiết kế nào được NASA phê duyệt. Các công ty tham gia Blue Orgin gồm Lockheed Martin, Northrop Grumman và Draper hiện đang dẫn đầu với một nguyên bản đầy đủ chức năng của bộ phận hạ cánh trên Mặt Trăng đã được chuyển cho NASA từ tháng 8. Ngoài ra, còn có Dynetics và SpaceX là hai công ty tư nhân khác hiện cũng đang phát triển tàu đổ bộ Mặt Trăng.

Tạm bỏ qua vấn đề ngân sách, báo cáo mới của NASA còn tiết lộ những thông tin đáng chú ý khác về nhiệm vụ của Artemis sắp tới.

NASA cho biết cơ quan này muốn hạ cánh gần cực Nam Mặt Trăng, bác bỏ các thông tin trước đó về việc hạ cánh gần nơi thực hiện nhiệm vụ Apollo. Nếu có thể hạ cánh tại cực Nam, các phi hành gia của Artemis sẽ có thể thu thập mẫu băng tại đó, đây là những mẫu vật mà Apollo không thể thu thập được ở vị trí hạ cánh ban đầu.

Nhiệm vụ Artemis I (không phi hành đoàn) sẽ liên quan đến việc khởi động hệ thống Space Launch System mới của NASA, dự kiến diễn ra vào tháng 11/2021. Đồng thời, tàu vũ trụ Orion được thiết kế để đưa phi hành gia vào quỹ đạo Mặt Trăng cũng đã được phê duyệt.

Artemis II sẽ được phóng vào khoảng năm 2023 và đưa phi hành gia lên quỹ đạo của Mặt Trăng, tương tự với các nhiệm vụ "diễn tập" của Apollo 8 và Apollo 10. Nhiệm vụ này cho phép phi hành đoàn có cơ hội được lái Orion và "đánh giá chất lượng các bộ phận cả phần cứng và phần mềm" của tàu vũ trụ, quá trình này "không thể thực hiện trên mặt đất để chuẩn bị cho các hoạt động như đổ bộ, các hoạt động liên quan và hạ cánh, cũng như hoạt động tách tời trên quỹ đạo Mặt Trăng dự kiến diễn ra trong Artemis III".

Trong nhiệm vụ Artemis III, dự kiến diễn ra vào năm 2024, NASA sẽ đưa hai phi hành gia, một nam một nữ, lên Mặt Trăng. Từ năm 1972 đến nay, chưa có bất cứ dấu chân mới nào được in lên bề mặt của Mặt Trăng. Cặp đôi sẽ ở lại Mặt Trăng khoảng 7 ngày. Trong thời gian đó, họ sẽ thu thập các mẫu vật và thực hiện một số thí nghiệm và những công việc khác. Hai phi hành gia khám phá Mặt Trăng sẽ được trang bị một bộ đồ du hành hoàn toàn mới được đặt tên là Exploration Extravehicular Mobility Unit, hay xEMU. Bộ đồ này được thiết kế để có thể linh hoạt hơn và cho phép di chuyển nhiều hơn trang phục được sử dụng cho Apollo.

Bản vẽ Lunar Gateway (Ảnh: NASA)

Ngoài ra, kế hoạch xây dựng tiền đồn cho Mặt Trăng với tên gọi Gateway cũng được đề cập trong báo cáo của NASA. Tuy nhiên, có thể nó sẽ chưa được triển khai vào thời điểm thực hiện Artemis III. Theo báo cáo, các cơ quan hàng không vũ trụ rất mong muốn được sử dụng Gateway trong các nhiệm vụ sau này. Nó là nơi để các phi hành gia lấy thêm vật tư trước khi lên mô-đun cất và hạ cánh. Cũng theo báo cáo, tiền đồn này ngoài việc triển khai đổ bộ lên Mặt Trăng còn "hỗ trợ lâu dài cho các hoạt động thám hiểm Mặt Trăng và có thể thực hiện nhiều chuyến đổ bộ lên bề mặt Mặt Trăng chỉ trong một nhiệm vụ Artemis duy nhất".

Hai bộ phận Power and Propulsion Element (PPE)Habitation and Logistics Outpost (HALO) của Gateway dự kiến sẽ được phóng trong cùng một tên lửa vào năm 2023, đây là bước đầu tiên có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng trạm vũ trụ trên Mặt Trăng.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ Artemis III và Gateway đã được xây dựng xong, NASA sẽ tiếp tục làm việc để đảm bảo cho những hoạt động bền vững trên bề mặt Mặt Trăng, có thể là vào khoảng nửa cuối những năm 2020.

Mẫu xe thám hiểm trên Mặt Trăng của NASA (Ảnh: NASA)

Giai đoạn này của Artemis thật sự mang lại một cảm giác rất viễn tưởng với kế hoạch "tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng trên bề mặt". Khi đó, các cơ quan hàng không vũ trụ sẽ lên kế hoạch triển khai xe tự động, xe thám hiểm điều áp, mô-đun cư trú, hệ thống năng lượng và những hệ thống khai thác tài nguyên tại chỗ. Quan trọng nhất là những nhiệm vụ này có vài trò là bước đệm cho chuyến thám hiển Sao Hỏa có thể sẽ diễn ra vào những năm 2030.

Tất nhiên, để tất cả kế hoạch này thành hiện thực thì NASA cần có khoảng ngân sách 28 tỉ USD nói trên. Và hoàn toàn chưa thể khẳng định NASA sẽ được phê duyệt ngân sách. Giai đoạn kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh lần này có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến dự án và lịch trình dự kiến.

Minh Bảo;theo Gizmodo

Chủ đề khác