VnReview
Hà Nội

1% người giàu nhất thế giới phát thải khí nhà kính nhiều gấp đôi 50% người nghèo

Một nghiên cứu mới đây chỉ ra, khoảng 1% người giàu nhất thế giới là những người sẽ phải chịu trách nhiệm cho lượng phát thải khí nhà kính nhiều hơn gấp đôi so với một nửa dân số nghèo trên thế giới (khoảng 3,1 tỷ người).

Mặc dù lượng khí thải carbon đã giảm mạnh do đại dịch, thế giới vẫn đang trên đà ấm lên vài độ trong thế kỷ này, đe dọa các quốc gia nghèo và đang phát triển khi phải hứng chịu hàng loạt thảm họa thiên nhiên.

Một phân tích do tổ chức phi lợi nhuận Oxfam thực hiện cho thấy, lượng khí thải hàng năm đã tăng lên 60% trong giai đoạn từ năm 1990 đến 2015. Trong đó, các quốc gia giàu có phải chịu trách nhiệm chính vì họ đã làm cạn kiệt gần 1/3 "ngân sách carbon" được phép phát thải của Trái Đất.

Ngân sách carbon được hiểu là giới hạn phát thải khí nhà kính tích lũy của nhân loại trước khi khiến nhiệt độ vượt qua ngưỡng giới hạn và gây ra các thảm họa tàn khốc không thể tránh khỏi.

Người giàu vô tư phát thải và người chịu hậu quả là người nghèo

Nghiên cứu do Viện Môi trường Stockholm, Thụy Điển tiết lộ, 63 triệu người giàu (khoảng 1%) chiếm tới 9% ngân sách carbon kể từ năm 1990 tới nay. Phân tích đặc biệt nhấn mạnh về tình trạng bất bình đẳng về lượng phát thải carbon ngày càng lớn. Cụ thể, lượng phát thải carbon của 1% số người giàu cao hơn gấp 3 lần tỷ lệ phát thải của 50% số người nghèo nhất trên Trái Đất.

Tim Gore, người đứng đầu bộ phận chính sách, vận động và nghiên cứu tại Oxfam International chia sẻ với AFP: "Tình trạng bất bình đẳng kinh tế cực đoan không chỉ gây chia rẽ trong xã hội mà còn làm chậm tốc độ giảm nghèo. Có một cái giá phải trả, đó là nguồn ngân sách carbon đang bị cạn kiệt khoảng 1/3 chỉ vì phục vụ mục đích làm giàu của họ. Và tất nhiên điều đó càng tác động tồi tệ hơn tới những người nghèo và ít phát thải nhất".

Thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015 đưa ra cam kết, yêu cầu các quốc gia hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu "thấp hơn" 2 độ C so với thời tiền công nghiệp.

Nhưng lượng khí thải vẫn tiếp tục tăng kể từ đó tới nay. Một số phân tích đã cảnh báo rằng, nếu nền kinh tế toàn cầu không tái cấu trúc lại, ưu tiên tăng trưởng xanh thì việc đại dịch COVID-19 phần nào giảm lượng phát thải sẽ chỉ như muối bỏ bể.

Dù nhiệt độ trung bình toàn cầu mới chỉ tăng lên 1 độ C cho đến nay nhưng Trái Đất đang phải đối mặt với đủ mọi thiên tai từ cháy rừng, hạn hán đến siêu bão và nguy cơ nước biển dâng.

Ông Gore cho biết, chính phủ các nước phải đặt ra những thách thức kép, bao gồm biến đổi khí hậu và bất bình đẳng vào trọng tâm của bất kỳ kế hoạch phục hồi kinh tế hậu Covid-19 nào.

Gore nhấn mạnh: "Rõ ràng là mô hình tăng trưởng kinh tế thâm dụng carbon và bất bình đẳng trong 20-30 năm qua đã không mang lại lợi ích cho một nửa nhân loại nghèo nhất. Đó là một sự phân chia sai lầm khi cho rằng, chúng ta phải lựa chọn giữa tăng trưởng kinh tế và khắc phục tình trạng khủng hoảng khí hậu".

Trả lời về báo cáo của Oxfam, Hindou Oumarou Ibrahim, một nhà hoạt động môi trường và là chủ tịch của Hiệp hội Phụ nữ và Người bản địa Chad cho rằng, không thể giải quyết biến đổi khí hậu nếu như không ưu tiên giải quyết bất bình đẳng kinh tế trước.

Ibrahim cho rằng, những người dân nghèo từ lâu đã phải gánh chịu tác động của sự tàn phá môi trường. Và bây giờ là lúc thích hợp để thế giới lắng nghe và tìm cách giải quyết vấn đề bất bình đẳng kinh tế.

Tiến Thanh

Chủ đề khác