VnReview
Hà Nội

Hình xăm có ảnh hưởng tới tuyến mồ hôi của con người hay không?

Cho tới nay vẫn có những câu hỏi xoay quanh liệu hình xăm có tác động tới khả năng bài tiết mồ hôi qua da hay không. Và câu trả lời thực tế sẽ khiến nhiều người bất ngờ.

Hình xăm có làm giảm khả năng tiết mồ hôi của da không? Đây là câu hỏi khá phổ biến của nhiều người trước hoặc sau khi xăm. Một nghiên cứu mới đây của các nhà nghiên cứu Mỹ đã chỉ ra, việc dùng mực xăm "có thể" tác động xấu đến tuyến mồ hôi và làm giảm khả năng làm mát của cơ thể.

Hồi năm 2017, nhà khoa học Maurie Luetkemeier đến từ trường Alma College ở Michigan, Mỹ đã thực hiện một nghiên cứu lớn về hình xăm, để xem liệu mực xăm có can thiệp vào chức năng cơ bản của tuyến mồ hôi hay không.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một công cụ có tên là Hệ thống thu gom mồ hôi Macroduct. Nó sử dụng một dòng điện nhỏ để khiến da tiết mồ hôi và thường được sử dụng để kiểm tra mồ hôi ở trẻ sơ sinh nhằm tầm soát sớm bệnh xơ nang.

Nghiên cứu ban đầu của Luetkemeier cho ra kết quả đáng báo động khi làn da có in hình xăm dường như chỉ tiết ra được một nửa lượng mồ hôi so với làn da thông thường không có hình xăm. Ngoài ra, mồ hôi toát ra từ vị trí da có mực xăm cũng có vị mặn hơn so với thông thường.

Điều này gợi mở khả năng, mực xăm có thể đã gây rối loạn chức năng của tuyến mồ hôi.

Nhưng Luetkemeier sau đó cũng nhấn mạnh: "Chúng tôi vẫn có phần thận trọng về kết quả. Quy trình của chúng tôi sử dụng để kích thích tuyến mồ hôi khác với quy trình bình thường, bao gồm việc làm mát cơ thể sau khi làm tăng nhiệt độ cơ thể".

Năm ngoái, một nhóm các nhà nghiên cứu Úc đã theo dõi các thí nghiệm của Luetkemeier, đồng thời kiểm tra phản ứng của làn da có hình xăm với các điều kiện tập luyện trong đời thực. Về cơ bản, họ sẽ đo tỷ lệ mồ hôi trên các vị trí da khác nhau ở 22 đối tượng. Sau 20 phút tập thể dục, các nhà nghiên cứu không thấy sự khác biệt về lượng mồ hôi tiết ra giữa da có mực xăm và không xăm.

Nhà nghiên cứu người Úc, Ben Desbrow cũng đưa ra một kết luận tương tự vào năm 2019: "Nghiên cứu trước đây cho thấy làn da có hình xăm sẽ làm giảm tỷ lệ mồ hôi tiết ra ở một số vị trí và tăng nồng độ natri trong mồ hôi. Tuy nhiên, đó là phản ứng tiết mồ hôi được kích hoạt bằng kỹ thuật kích thích nhân tạo chứ không phải trong điều kiện luyện tập. Dữ liệu của chúng tôi cho thấy rằng hình xăm trên da không làm thay đổi lượng hoặc nồng độ natri của mồ hôi tiết ra khi tập thể dục".

Tuy nhiên câu chuyện vẫn chưa dừng ở đây. Bởi mới đây, Luetkemeier vừa công bố một nghiên cứu mới phản bác lại công trình của các đồng nghiệp ở Úc.

Vùng da có hình xăm tiết ra ít mồ hôi hơn và cũng có vị mặn hơn

Luetkemeier cho biết, nghiên cứu trước không đo nhiệt độ bên trong hoặc trên da. Do đó rất khó để biết liệu hình xăm có làm ảnh hưởng gì đến việc đổ mồ hôi do nhiệt độ hay không. Vì vậy nghiên cứu mới đã áp dụng một cách tiếp cận hoàn toàn khác để điều tra nghi vấn này.

Các nhà nghiên cứu đã tuyển 10 người có hình xăm và cho họ mặc bộ quần áo lót ống được thiết kế để tưới nước ấm lên toàn bộ cơ thể. Cách làm này cho phép các nhà nghiên cứu xác định chính xác lượng mồ hôi tạo ra do nhiệt trên da có hình xăm.

Kết quả cho thấy không có sự khác biệt giữa quá trình kể từ khi đổ mồ hôi giữa da có hình xăm và không hình xăm. Điều này cho thấy, mực xăm không tác động và làm thay đổi tín hiệu thần kinh kích hoạt phản ứng mồ hôi trong cơ thể. Nhưng một điều bất ngờ là vùng da có hình xăm tiết ra ít mồ hôi hơn vùng da không xăm liền kề và mồ hôi ở vùng da săm cũng có vị mặn hơn.

Các nhà khoa học Mỹ nhấn mạnh: "Việc kết hợp với các nghiên cứu trước đây cho thấy những tổn thương tiềm ẩn về mặt chức năng của tuyến mồ hôi. Nó cũng phần nào hé lộ những hậu quả lâu dài của xăm mà chúng ta chưa từng để ý tới".

Trong nghiên cứu hồi năm 2017 của Luetkemeier, vùng da có hình xăm tiết ra mồ hôi ít hơn khoảng 50% so với vùng da không xăm. Còn với nghiên cứu mới này, làn da có hình xăm chỉ tiết ra mồ hôi ít hơn khoảng 15%. Vẫn chưa rõ sự khác biệt giữa hai nghiên cứu nhưng các nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân có thể do sự khác biệt cơ học giữa hai phương pháp thử nghiệm để kích thích phản ứng tiết mồ hôi.

Như vậy tới cuối cùng vẫn chưa có kết luận chính xác liệu xăm mình ảnh hưởng đến tuyến mồ hôi trên da như thế nào. Về phía Luetkemeier và các đồng nghiệp vẫn tin chắc rằng, hình xăm bằng cách nào đó có thể làm tổn thương tuyến mồ hôi của một người, nhất là ở những người có hình xăm lớn, bao phủ các vùng lớn trên cơ thể.

Kết luận nghiên cứu viết: "Những dữ liệu này cho thấy việc xăm mình làm ảnh hưởng đến cơ chế bài tiết, ảnh hưởng đến khả năng phản xạ của tuyến tiết mồ hôi. Nhưng nó không ảnh hưởng đến tín hiệu thần kinh giúp kích thích tiết mồ hôi. Giảm tiết mồ hôi có thể ảnh hưởng đến quá trình tản nhiệt, đặc biệt khi hình xăm chiếm phần lớn bề mặt da. Ngoài ra nó cũng được coi là một tác dụng phụ tiềm ẩn về lâu dài của việc xăm mình."

Nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Sinh lý học Ứng dụng mới đây.

Mai Huyền (Theo Newatlas)

Chủ đề khác