VnReview
Hà Nội

Lần đầu tiên đo được bức xạ trên Mặt Trăng, cho thấy sống cùng "chú Cuội" không đơn giản

Nếu muốn sinh sống trên Mặt Trăng, chúng ta sẽ cần phải có một ngôi nhà đủ tốt và các bộ đồ bảo hộ dày để chống chọi với bức xạ từ Mặt Trời và tia vũ trụ.

Bức xạ là một trong những mối nguy hiểm chính của du hành vũ trụ và với trọng tâm mới là đưa con người trở lại Mặt Trăng, điều quan trọng là phải hiểu những rủi ro mà họ phải đối mặt. Giờ đây, các nhà khoa học đã có trong tay những dữ liệu mới và chi tiết nhất về các rủi ro đó nhờ một thiết bị chuyên dụng trên tàu đổ bộ mặt trăng Chang'e-4 của Trung Quốc.

Con người tiến hóa để sống trên Trái Đất. Do đó việc đưa con người ra môi trường không trọng lực là một điều phải tính toán rất kỹ. Trọng lực thấp có thể làm suy yếu cơ và xương. Và khi thoát khỏi lớp từ trường bảo vệ Trái Đất, làm chệch hướng tia bức xạ không gian, chúng ta sẽ phải đối mặt với bức xạ từ mặt trời và các tia vũ trụ. Chúng sẽ làm tăng nguy cơ ung thư, mất trí nhớ và bệnh tim mạch,…

Nhưng chính xác thì con người sẽ phải tiếp xúc với bao nhiêu bức xạ trên Mặt Trăng? Các phi hành gia trong sứ mệnh Apollo đã mang theo dụng cụ gọi là xạ lượng kế để đo lường chỉ số đó. Nhưng mức độ phơi nhiễm của họ chủ yếu chỉ được đo trong toàn bộ chuyến đi. Cho đến nay, chưa có cuộc thám hiểm trực tiếp nào được thực hiện trên Mặt Trăng.

Khi tàu thăm dò Chang'e-4 chạm xuống phía xa của Mặt trăng vào tháng 1/2019, nó đang mang theo thiết bị đo neutron và thiết bị đo lượng tử (LND) của tàu đổ bộ Mặt Trăng. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Kiel, Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức (DLR) và Học viện Khoa học Trung Quốc hiện đã báo cáo kết quả sau hơn 1 năm đo đạc từ thiết bị này.

Nhóm nghiên cứu cho biết xạ lượng kế được bảo vệ với mức độ che chắn tương tự như một bộ quần áo vũ trụ của con người. Vì vậy kết quả sẽ tương đối chính xác.

Thiết bị ghi lại liều lượng bức xạ khoảng 60 micromet mỗi giờ và mức phơi nhiễm bức xạ trên Mặt Trăng là 1369 microsievert/ngày (Sievert: đơn vị đo lượng hấp thụ bức xạ ion hóa có thể gây tổn hại). Con số này cao hơn khoảng 200 lần so với những gì chúng ta tiếp xúc trên mặt đất, từ 5-10 lần so với một chuyến bay đường dài từ New York đến Frankfurt và gấp khoảng 2,6 lần so với trải nghiệm của các phi hành gia trên Trạm vũ trụ quốc tế ISS.

Tất nhiên có nhiều cách để giảm mức độ phơi nhiễm. Các căn cứ trên mặt trăng dự kiến sẽ được chế tạo dưới dạng các ngôi nhà dạng tổ kén và nằm dưới lòng đất, hoặc các hầm trú ẩn được xây dựng bằng bụi mặt trăng để bảo vệ bề mặt.

Robert Wimmer-Schweingruber, tác giả nghiên cứu cho biết: "Con người chúng ta không được tạo ra để chống chọi với bức xạ không gian, vậy nên chúng ta chỉ có bảo vệ bằng cách sống dưới lớp đất dày của Mặt Trăng".

Nhóm nghiên cứu tin rằng, việc biết chính xác liều lượng phóng xạ sẽ giúp ích rất nhiều cho các sứ mệnh lên Mặt trăng trong tương lai và cung cấp chỉ dẫn quan trọng giúp khám phá các hành tinh khác như sao Hỏa trong tương lai. NASA đang có kế hoạch đưa con người lên Mặt Trăng vào năm 2024 với sứ mệnh Artemis và cho biết, họ có kế hoạch đưa các phi hành gia lên đây sống và làm việc lâu dài.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances mới đây.

Tiến Thanh (Theo Newatlas)

Chủ đề khác