VnReview
Hà Nội

Trung Quốc muốn dẫn đầu công nghệ trữ đông xác chờ hồi sinh

Với việc sở hữu 1 trong 4 viện trữ đông thi thể hiếm hoi trên thế giới, Trung Quốc đang nuôi tham vọng dẫn đầu công nghệ cryonics.

Viện Nghiên cứu Khoa học Đời sống Sơn Đông Yinfeng là nơi nghiên cứu công nghệ trữ đông thi thể chờ hồi sinh duy nhất tại Trung Quốc. Các trung tâm trữ xác này được trang bị hệ thống bảo quản thi thể người ở nhiệt độ cực thấp với hy vọng có thể "tái sinh" những cơ thể này trong tương lai.

Tuy nhiên, nghiên cứu của Viện Yinfeng còn hướng tới tầm nhìn xa hơn, được kỳ vọng cách mạng hóa quá trình ghép tạng và nhiều phương pháp điều trị y tế khác.

Công nghệ trữ xác trong nitơ lỏng cực lạnh

Cryonics là công nghệ bảo quản thi thể bằng môi trường nitơ lỏng siêu lạnh chứa trong những thùng thép không gỉ, với mục đích giữ các bộ phận của cơ thể ở nhiệt độ cực thấp và tránh bị phân hủy.

Công nghệ cryonics được bắt đầu nghiên cứu tại Trung Quốc vào năm 2015. Cùng năm đó, nhà văn Du Hong ở Trùng Khánh đã trở thành người Trung Quốc đầu tiên trải qua quá trình đóng băng thi thể sau khi bà qua đời vì ung thư tuyến tụy.

Thi thể của bà Du được bảo quản bởi Alcor Life Extension Foundation (ALEF) - tổ chức cung cấp dịch vụ cryonics có trụ sở tại Phoenix, Arizona, Mỹ.

Cũng trong năm 2015, Viện Nghiên cứu Khoa học Đời sống Sơn Đông Yinfeng được thành lập tại Tế Nam, miền Đông Trung Quốc.

Trung Quốc muốn dẫn đầu công nghệ trữ đông xác chờ hồi sinh

Viện Nghiên cứu Khoa học Đời sống Sơn Đông Yinfeng được thành lập tại Tế Nam, Trung Quốc vào năm 2015. Ảnh: Viện Yinfeng.

ALEF và Viện Yinfeng là 2 trong số 4 cơ sở nghiên cứu công nghệ trữ xác chờ hồi sinh trên thế giới, bên cạnh Viện Cryonics ở bang Michigan, Mỹ và KrioRus ở Nga.

Ngoài tập trung phát triển công nghệ cryonics, Viện Yinfeng còn hợp tác với một số bệnh viện và trường đại học ở Trung Quốc để thực hiện nghiên cứu về ảnh hưởng của nhiệt độ thấp đối với cơ thể sinh vật.

Aaron Drake, cựu giám đốc y tế tại ALEF nhưng đã chuyển sang Viện Yinfeng vào năm 2016, cho biết trung tâm cryonics tại Trung Quốc có nhiều điểm khác biệt với các trụ sở nghiên cứu công nghệ tương tự khác trên thế giới.

"ALEF không hợp tác với các cơ sở y tế khác vì họ chỉ sở hữu giấy phép hoạt động trong ngành tang lễ nên buộc phải tuân theo quy định của ngành này. Hệ thống bảo quản tại ALEF và Viện Cryonics chỉ có chức năng lưu trữ cơ thể người, tương tự với việc chôn cất ở nhiệt độ thấp", ông Drake nói.

"Nhưng giới chức Trung Quốc thì khác. Họ không muốn dự án của Viện Yinfeng chỉ xoay quanh việc đóng băng cơ thể người. Giới chức nước này muốn xem xét tất cả lợi ích tiềm năng mà dự án có thể đem lại cho nhiều lĩnh vực y học khác nhau. Do đó, chúng tôi phối hợp với bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê và bác sĩ truyền dịch lâm sàng", ông Drake cho biết.

Ứng dụng trong việc ghép tạng của công nghệ cryonics

Một trong những trở ngại lớn nhất cản trở việc cấy ghép nội tạng là các mô của cơ quan thường có tuổi thọ rất ngắn sau khi lấy ra khỏi cơ thể người.

"Thời gian cho phép cấy ghép tim là khoảng 6 tiếng đồng hồ, sau thời gian này, các mô sẽ bắt đầu chết", ông Drake cho biết.

Trong 6 giờ ngắn ngủi đó, tạng người phải được lấy ra khỏi cơ thể, làm sạch, chuẩn bị vận chuyển và cấy ghép, đồng thời phải tiến hành xét nghiệm máu trên cả người cho lẫn người nhận tạng để xem có tương thích hay không.

Trung Quốc muốn dẫn đầu công nghệ trữ đông xác chờ hồi sinh

Quỹ thời gian eo hẹp là yếu tố cản trở quá trình cấy ghép tạng ở Trung Quốc. Ảnh: Imaginechina.

Ông Drake cho rằng đây là một thử thách lớn, "đặc biệt là ở Trung Quốc, nơi cơ sở hạ tầng chưa đủ phát triển để tiến hành quy trình phức tạp như vậy trong thời gian ngắn. Lãnh thổ Trung Quốc quá lớn để kết nối người cho và nhận tạng ở những địa phương khác nhau, do đó hoạt động ghép tạng không hiệu quả so với các nước châu Âu".

"Tuy nhiên, công nghệ cryonics mở ra cơ hội kéo dài khoảng thời gian nuôi sống mô từ sáu giờ lên sáu ngày, khi cơ quan cấy ghép được bảo quản trong môi trường cực lạnh và được truyền dịch lâm sàng hòa chung với máu một cách đều đặn. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên nghiên cứu cách tiếp cận này và đang dẫn đầu lĩnh vực ghép tạng sử dụng công nghệ cryonics", ông Drake chia sẻ.

Viện Yinfeng hiện phối hợp với Đại học Khoa học Công nghệ Trung Quốc ở tỉnh An Huy để nghiên cứu cách bảo quản tế bào tuyến tụy, đồng thời làm việc chung với Đại học Sơn Đông trong dự án bảo quản tế bào buồng trứng.

Ông Drake cho biết mỗi loại nội tạng khác nhau yêu cầu những kỹ thuật chuyên biệt để bảo quản bằng phương pháp làm lạnh. "Nội tạng càng lớn thì càng cứng, do đó thiết bị để lưu trữ cũng phải lớn hơn", ông Drake nói.

Trung Quốc muốn dẫn đầu công nghệ trữ đông xác chờ hồi sinh

Công nghệ cryonics mở ra cơ hội kéo dài khoảng thời gian nuôi sống mô, hỗ trợ quá trình cấy ghép tạng. Ảnh: Viện Yinfeng.

Bất chấp những khó khăn trước mắt, người đứng đầu trung tâm phản ứng lâm sàng của Viện Yinfeng cho biết việc khám phá cách thức để bảo quản tất cả cơ quan trong cơthể sẽ mở ra triển vọng hồi sinh toàn bộ cơ thể người từ trạng thái đông lạnh.

"Tương tự với việc giải một bài toán phức tạp, cần phải chia nhỏ vấn đề ra và giải từng phần riêng lẻ, sau đó ghép các phần này lại với nhau và giải quyết đề bài toán được đặt ra", ông Drake mô tả.

Công nghệ triển vọng và đa dụng

10 cơ thể được trữ đông tại Viện Yinfeng hiện nay có thể là con số nhỏ khi so với 181 thi thể được bảo quản ở ALEF. Tuy nhiên, Giám đốc truyền thông Li Qingping của viện cho biết công nghệ cryonics đã thu hút sự quan tâm của người dân Trung Quốc trong vài năm trở lại đây.

"Trung tâm của chúng tôi đón hơn 100 lượt khách viếng thăm vào năm 2019 và 60 người trong số đó đã cam kết rằng họ muốn thực hiện quy trình cryonics", ông Li nói, cho biết thêm rằng những người cam kết cũng đã đóng phí để hỗ trợ quy trình trữ đông xác.

Trung Quốc muốn dẫn đầu công nghệ trữ đông xác chờ hồi sinh

Một cơ quan nội tạng đang được xử lý trước khi làm lạnh. Ảnh: Viện Yinfeng.

Theo ông Drake, văn hóa Trung Quốc là một trong những yếu tố giúp công nghệ cryonics trở nên dễ chấp nhận hơn so với những người sống ở xã hội phương tây.

Cụ thể, niềm tin tôn giáo về hành trình sau khi chết của một kiếp người đã cản trở các nước phương Tây tiến xa hơn trong việc nghiên cứu công nghệ cryonics dù đã bắt đầu sớm hơn Trung Quốc gần 50 năm.

Bên cạnh việc cấy ghép nội tạng, Viện Yinfeng hiện đã triển khai ứng dụng công nghệ cryonics vào điều trị cho bệnh nhân suy tim, đột quỵ và sang chấn lâu dài.

"Những người bị đau tim hoặc đột quỵ có thể được làm mát cơ thể trong môi trường hạ nhiệt để ngăn tổn thương mô xảy ra. Những thương binh mất tay có thể được đưa vào trạng thái hạ thân nhiệt sau đó vận chuyển về cơ sở y tế để gắn lại các chi", trung tâm này cho biết.

Mặc dù ý tưởng về việc hồi sinh cơ thể đã chết nghe có vẻ xa vời, ông Drake cho rằng cryonics là một công nghệ triển vọng, đóng vai trò bước đệm cho quá trình hiện thực hóa giấc mơ tái sinh người chết.

Theo Zing

Chủ đề khác