VnReview
Hà Nội

Ngạc nhiên cảnh rắn mổ bụng ăn nội tạng thay vì ăn trọn vẹn con mồi

Các nhà sinh vật học ở Thái Lan đã ghi lại một hành vi chưa từng thấy trước đây ở loài rắn, đó là rạch bụng và ăn nội tạng của cóc sống.

Rắn theo nguyên tắc chung sẽ nuốt trọn con mồi. Nhưng theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học Herpetozoa chỉ ra, rắn khiếm đuôi vòng ở Thái Lan là một ngoại lệ.

Sử dụng những chiếc răng cửa chuyên biệt của mình, rắn khiếm đuôi vòng (Oligodon fasolatus hoặc Kukri snakes) sẽ xé toạc một lỗ xuyên qua bụng của những con cóc độc. Sau đó chúng nhét toàn bộ đầu của chúng vào trong khoang bụng của cóc, sau đó kéo ra và ăn hết nội tạng trong khi con mồi vẫn còn sống.

Henrik Bringsøe, tác giả nghiên cứu cho biết, rắn khiếm đuôi vòng là loài rắn vừa và nhỏ, vô hại đối với con người. Bởi lẽ răng của chúng được cấu tạo để cắt chứ không phải đâm thủng để tiêm nọc độc. Tuy nhiên chúng hoàn toàn có thể gây ra các vết rách lớn cho động vật và con người.

Bản thân cái tên "kukri" có nguồn gốc từ những con dao kukri cong mà binh lính Gurkhas thường hay sử dụng. Bên cạnh đó, vết cắn của chúng có chứa chất chống đông máu khiến vết thương chảy máu trong nhiều giờ và giúp nó có thể thong thả ăn con mồi.

Nạn nhân trong câu chuyện hi hữu này là loài cóc đốm đen châu Á (Duttaphrynus melanostictus). Những con cóc này có thể dài tới 20cm. Tuy là loài cóc thông thường nhưng da của chúng có thể tiết ra chất độc màu trắng từ các tuyến nằm trên cổ và lưng của chúng. Chất độc này có thể là nguyên nhân hàng đầu khiến loài rắn này phải chọn cách chui vào ăn nội tạng của cóc thay vì ăn cả nguyên con.

Bringsøe và các đồng nghiệp của anh đã chứng kiến ​​ cảnh tượng này trong ba lần khác nhau ở tỉnh Loei, đông bắc Thái Lan. Lần đầu tiên vào tháng 8/2016, sau đó là tháng 4/2020 và tháng 6/2020.

Một con rắn khiếm đuôi vòng trưởng thành nuốt trọn con cóc chưa trưởng thành. Ảnh chụp tại Phitsanulok, ngày 5/6/2020

Một con cóc chết sau khoảng 8 giờ vật lộn và trở thành con mồi của con rắn. Có thể nhìn thấy mô mỡ bao quanh phần dưới khối mô cơ bị lộ ra ngoài. Các mô cơ khác cũng bị lòi ra ngoài

Sau khi rút phần đầu và các cơ quan khác của con cóc, con rắn khiếm đuôi vòng nuốt trọn một đoạn ruột non và dạ dày của con cóc. Ảnh chụp ngày 9/8/2016

Trong một vài trường hợp, những con cóc cố gắng kháng cự để thoát ra nhưng không con nào sống sót sau đó. Bringsøe cho biết, một lần ăn như vậy của con rắn kéo dài tới vài giờ tùy vào cách chúng ăn bộ phận nào của con mồi.

Rắn khiếm đuôi vòng sử dụng những chiếc răng nhọn ở phía trước để rạch phần bụng dưới của con mồi. Đầu nó sẽ xoay từ bên này sang bên kia khi nó cắt được lớp da của con cóc. Con rắn từ từ đưa đầu vào bên trái bụng của con cóc và sau đó kéo các cơ quan như gan, tim, phổi và một phần của đường tiêu hóa ra ngoài.

Khi nó thu người lại, đầu nó di chuyển theo các hướng khác nhau và một phần miệng mở ra, răng của nó sẽ cắt các bộ phận thành nhiều mảnh nhỏ hơn và sau đó nuốt vào bụng.

Trong nhiều trường hợp, loài rắn này chỉ ăn nội tạng của cóc và để lại xác rỗng của chúng. Tuy nhiên có trường hợp những con cóc phản ứng đánh trả lại.

Ngay cả khi con cóc bị thương nặng, nó vẫn cố gắng phun chất độc dưới dạng "một làn sương mịn" và rơi xuống đầu con rắn. Khi tiếp xúc với chất độc này, nó ngay lập tức lui ra xa và dụi mắt vào lá cây và đá để loại bỏ độc tố khỏi mắt và miệng. Điều thú vị là trong hai lần ghi nhận được, con cóc đã có lúc trốn thoát được bằng cách nhảy xuống ao gần đó và trốn dưới khúc gỗ gần 30 phút. Nhưng mọi thứ chưa kết thúc khi con rắn sau khi lau người xong sẽ nhanh chóng truy lùng con mồi để giải quyết tận gốc.

Con rắn khiếm đuôi vòng cố gắng rạch phần bụng bên phải của con cóc. Nhưng con cóc đã chiến đấu quyết liệt khi tiết ra chất độc màu trắng sữa từ các tuyến da phía trên để chống lại con rắn. Ảnh chụp ngày 22/4/2020

Các chuyên gia cho rằng, hành vi kiếm ăn bất thường này là cách loài rắn khiếm đuôi vòng thích nghi với việc phải ăn độc tố của cóc. Nhưng một quan sát khác lại cho thấy, một con rắn kukri trưởng thành tấn công một con cóc non nhỏ hơn cùng loài và ăn trọn toàn bộ cơ thể. Theo suy đoán, có thể những con cóc non ít độc hơn con trưởng thành hoặc rắn kukri miễn dịch với chất độc.

Bringsøe chia sẻ: "Hiện tại, chúng tôi không thể trả lời bất kỳ câu hỏi nào nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục quan sát và báo cáo về hành vi của những con rắn thú vị này với hy vọng sẽ khám phá thêm những khía cạnh sinh học của chúng".

Trong một vài phát hiện thú vị khác, các nhà khoa học từng nhìn thấy một con chim ưng "giam" những con chim nhỏ trong các khe đá nhằm cố giữ chúng được tươi nhất trước khi ăn thịt. Điều này cho thấy còn rất nhiều những hành vi thú vị của các loài động vật mà chúng ta hiếm khi có cơ hội quan sát trực tiếp.

Phát hiện thú vị này đã được đăng tải trên blog Pensoft Publishers mới đây.

Tiến Thanh (Theo Gizmodo)

Chủ đề khác