VnReview
Hà Nội

Vụ nổ ở cảng Beirut, Li Băng được xếp hạng là vụ nổ ngẫu nhiên mạnh nhất lịch sử

Bằng cách phân tích các video được tải lên mạng xã hội, các nhà khoa học đã tính toán được sức mạnh của vụ nổ tàn phá thành phố Beirut - Li Băng hồi tháng 8 và nhận thấy, đây là một trong những vụ nổ phi hạt nhân lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Theo nghiên cứu, khi một nhà kho tại cảng Beirut ở Li Băng phát nổ vào tháng 8 vừa qua, nó đã giải phóng ra năng lượng tương đương sức công phá của 500 tấn thuốc nổ TNT và có thể lên tới 1,12 kiloton TNT.

Con số này bằng khoảng từ 3% - 7% năng lượng được tạo ra từ quả bom nguyên tử phát nổ ở Hiroshima, Nhật Bản có sức nổ tương đương với 15 kiloton TNT. Theo đó, vụ nổ ở Beirut hiện được xếp vào danh sách 10 vụ nổ phi hạt nhân ngẫu nhiên lớn nhất mọi thời đại.

Khoảng 2.750 tấn amoni nitrat được lưu trữ tại cảng Beirut đã phát nổ vào ngày 4/8/2020, dẫn đến 200 người chết và hơn 6.000 người bị thương. Sóng xung kích cũng làm hư hại các tòa nhà và nhà cửa trên diện rộng, khiến gần 300.000 người mất nhà cửa.

Để tính toán sức nổ, một nhóm đến từ Nhóm Nghiên cứu Kỹ thuật Vụ nổ và Tác động tại Đại học Sheffield do nhà khoa học Sam Rigby dẫn đầu đã theo dõi tốc độ của vụ nổ khi nó xé nát thành phố. Họ đã làm như vậy bằng cách phân tích hơn một chục video được tải lên mạng xã hội, để thu được cái nhìn rõ ràng hơn về vụ nổ và các mốc thời gian có thể nhìn thấy được.

Một nghiên cứu sơ bộ khác ước tính sức nổ rơi vào khoảng từ 1,0 đến 1,5 kiloton TNT nhưng nghiên cứu này dựa trên một bộ video hạn chế. Nghiên cứu mới mang tính toàn diện hơn vì nó dùng tới 16 video chất lượng cao, cụ thể là hình ảnh trực tiếp về vụ nổ, các mốc có thể nhận dạng và được đồng bộ hóa âm thanh, video, quang cảnh nhà kho trước khi phát nổ và cảnh quay kết thúc sau khi sóng xung kích lan đến.

Rigby và các đồng nghiệp đã ước tính thời gian đến của sóng xung kích tới 38 địa điểm khác nhau trong thành phố. Sử dụng Google Earth, nhóm đã đo khoảng cách từ nhà kho đến một vị trí nhất định. Các nhà khoa học cũng sử dụng định luật lan truyền vụ nổ để ước tính năng lượng gần đúng của vụ nổ, đưa ra giới hạn dưới là 500 tấn TNT và giới hạn trên hợp lý là 1,12 kiloton TNT. Ước tính này phù hợp với nghiên cứu tương tự, trong đó các nhà khoa học sử dụng dữ liệu thủy âm và địa chấn để đo sức nổ.

Bản đồ hiển thị 16 vị trí dùng để phân tích tác động của vụ nổ

Theo Đại học Sheffield, năng lượng giải phóng trong vụ nổ ở Beirut rơi vào khoảng 1 GWh, đủ để cung cấp năng lượng cho khoảng 100 ngôi nhà trong một năm.

Vụ nổ Beirut được xếp hạng là vụ nổ phi hạt nhân tình cờ mạnh thứ sáu trong lịch sử. Số 1 trong danh sách là một vụ nổ xảy ra ở Halifax, Nova Scotia, Canada vào ngày 6/12/1917.

Quang cảnh sau vụ nổ năm 1917

Vụ nổ kinh hoàng thời chiến này xảy ra khi hai con tàu va vào nhau ở Cảng Halifax, TNT phát nổ cùng với đó là sự kết hợp của axit picric, nhiên liệu benzol, và nhiều chất dễ cháy khác. Sức nổ từ vụ này khiến khoảng 2.000 người thiệt mạng và đương lượng nổ của nó rơi vào khoảng 2,9 kiloton TNT hay bằng 1/5 quả bom nguyên tử rơi xuống Hiroshim. Cho đến năm 1945, vụ nổ Halifax vẫn là vụ nổ nhân tạo lớn nhất trong lịch sử được ghi nhận.

Theo các nhà khoa học, nghiên cứu mới có thể được sử dụng để tham khảo trong tương lai, chẳng hạn như thông báo cho những người đầu tiên có thể bị ảnh hưởng, ví dụ như những người dễ bị thương hoặc bị hư hỏng cấu trúc nhà.

Rigby tuyên bố: "Sau khi chứng kiến ​​các sự kiện diễn ra, chúng tôi muốn sử dụng chuyên môn của mình về kỹ thuật vụ nổ để giúp hiểu những gì đã xảy ra ở Beirut và cung cấp dữ liệu phòng bị và cứu hộ trong những sự kiện như vậy nếu chúng xảy ra lần nữa".;

Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí khoa học Shock Waves mới đây.

Tiến Thanh (Theo Gizmodo)

Chủ đề khác