VnReview
Hà Nội

Phát hiện 24 hành tinh có thể sinh sống lý tưởng hơn Trái đất

Các nhà sinh vật học vũ trụ mới đây vừa xác định được 24 ngoại hành tinh không chỉ có tiềm năng phù hợp cho sự sống, mà còn... siêu phù hợp cho sự sống, khi hội tụ hàng loạt những điều kiện trong mơ so với những gì chúng ta vẫn thấy trên hành tinh xanh.

Một nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Dirk Schulze-Makuch từ Đại học Washington đã xác định được 24 ngoại hành tinh với các điều kiện có thể giúp chúng trở thành các "ứng viên" phù hợp cho sự sống hơn cả Trái đất, hay nói cách khác là "siêu phù hợp cho sự sống". Đáng buồn thay, chúng đều cách chúng ta đến hơn 100 năm ánh sáng, nên nếu bạn muốn thoát khỏi hành tinh khốn khổ này, bạn cũng chỉ có thể ngậm ngùi mơ ước mà thôi.

Và để nói cho rõ, thì "siêu phù hợp cho sự sống" không tự động đồng nghĩa sự sống có tồn tại trên những hành tinh đó - nó chỉ có nghĩa là những hành tinh đó có thể sống được, hay trong trường hợp cụ thể ở đây là có thể sống rất tốt.

Rene Heller, một nhà sinh vật học vũ trụ tại Viện Max Planck về Nghiên cứu Thái Dương hệ và là đồng tác giả nghiên cứu nói trên, từng chắp bút cho một tài liệu tương tự vào năm 2014. Heller, với đồng tác giả John Armstrong từ Đại học Weber State, đã khẳng định giả thuyết về sự tồn tại của những hành tinh "siêu phù hợp cho sự sống", và rằng các nhà thiên văn học nên bắt tay vào tìm kiếm chúng ngay. Các tác giả còn liệt kê ra một số yêu cầu mà một hành tinh cần đáp ứng để lọt được vào danh sách, cùng một ứng viên tiềm năng do họ đề xuất. Nghiên cứu mới lần này mở rộng ý tưởng đó, đưa ra một bộ tiêu chí cụ thể hơn, cùng với một danh sách gồm 24 ứng viên tiềm năng.

Để một ngoại hành tinh được xem là "siêu phù hợp cho sự sống", chúng phải lâu đời hơn, lớn hơn, nặng hơn, ấm hơn, và ẩm ướt hơn Trái đất, và vị trí lý tưởng nhất là xung quanh những ngôi sao với tuổi đời dài hơn những ngôi sao của chúng ta. Bạn thấy đấy, Trái đất của chúng ta không chỉ là hàng... kém chất lượng, mà Mặt trời của chúng ta cũng vậy, xét theo nghiên cứu mới.

Thật vậy, chúng ta thường thích xem Mặt trời của mình như một tạo vật hoàn hảo, nhưng nó lại có vòng đời tương đối ngắn, chỉ khoảng 10 tỷ năm. Xét việc sự sống phức tạp phải mất đến 4 tỷ năm mới xuất hiện trên Trái đất, thì có thể tưởng tượng được tình cảnh khi nhiều ngôi sao giống Mặt trời - gọi là sao G - "qua đời" trước cả khi sự sống phức tạp hình thành. Kết quả là, các tác giả nghiên cứu nói rằng chúng ta nên tìm kiếm các ngoại hành tinh nằm trong các vùng phù hợp với sự sống, có nước lỏng tồn tại, thuộc các sao lùn K, vốn nguội hơn, nhỏ hơn, và ít sáng hơn các sao G, trong khi có thể phát sáng từ 20 - 70 tỷ năm. Các sao lùn đỏ không được nhắc đến bởi loại sao này dường như không hề thích hợp cho sự sống khi mà chúng có những đợt bùng phát năng lượng mặt trời quá thường xuyên.

Theo như nghiên cứu mới, các hành tinh có tuổi đời già hơn đáng kể so với Trái đất có cơ hội trở thành nơi phù hợp cho sự sống cao hơn. Khi các hành tinh già đi, "tình trạng cạn kiệt nguồn nhiệt sinh ra bên trong hành tinh có thể dẫn đến hiện tượng nguội lạnh, kèm theo đó là nhiều hậu quả đối với nhiệt độ toàn cầu và thành phần khí quyển" - các tác giả viết. Trái đất hiện 4,5 tỷ năm tuổi, nhưng các hành tinh từ 5 - 8 tỷ năm tuổi nhiều khả năng phù hợp cho sự sống hơn, nhưng đó chỉ là xét theo xác suất mà thôi.

Các hành tinh siêu phù hợp cho sự sống sẽ lớn hơn và nặng hơn, khoảng 1,5 lần khối lượng hành tinh của chúng ta và lớn hơn khoảng 10%. Những hành tinh như vậy sẽ có bề mặt địa chất phù hợp hơn cho sự sống, nhưng chỉ khi có sự hiện diện của một tiêu chí quan trọng khác: có đủ các mảng kiến tạo để hình thành nên những vùng đất lớn như các lục địa. Các thế giới siêu phù hợp cho sự sống còn có nhiều nước và quần đảo. Một hành tinh nặng hơn còn có nghĩa nó sẽ có trọng lực mạnh hơn, giúp duy trì bầu khí quyển trong thời gian lâu dài. Quan trọng là, những hành tinh này còn phải có những lá chắn địa từ bảo vệ thật mạnh.

Về khí quyển, các hành tinh siêu phù hợp cho sự sống cần có lượng ẩm cao, nhiều mây, và hơi nước, và lượng oxy từ 25 - 30% (khí quyển Trái đất có 21% oxy). Những hành tinh này còn phải ấm áp, nhiệt độ bề mặt cao hơn Trái đất khoảng 5 độ C. Với lượng hơi nước cao, những hành tinh này sẽ có những khu vực nhiệt đới rộng hớn và ít khu vực lạnh, khô hơn.

Giống Trái đất, các hành tinh siêu phù hợp cho sự sống cũng cần một mặt trăng lớn ở khoảng cách vừa phải. Mặt trăng của chúng ta, ngoài việc tạo ra thuỷ triều đại dương, làm chậm tốc độ xoay của Trái đất (nếu không có nó, ngày sẽ dài hơn đáng kể), và còn giữ cho trục nghiêng của Trái đất ổn định về lâu dài, tạo nên các mùa ổn định.

Với các tiêu chí nói trên, các nhà khoa học đã nghiên cứu 4.500 ngoại hành tinh đã biết để xem có bao nhiêu hành tinh thực sự có tiềm năng trở thành siêu phù hợp cho sự sống. Trong số này, 24 hành tinh nổi trội hơn, nhưng không hành tinh nào đáp ứng mọi tiêu chí được đặt ra về việc siêu phù hợp cho sự sống. Một ngoại hành tinh, được đặt tên là KOI 5715.01, đáp ứng 3 tiêu chí, cao nhất trong số mọi ngoại hành tinh khác. Cần nói rõ là nhiều tiêu chí, như oxy trong khí quyển, mảng kiến tạo, địa từ, và các vệ tinh tự nhiên, hiện nằm ngoài khả năng kiểm tra của chúng ta. Chưa hết, chỉ 2 trong số các hành tinh này, Kepler 1126 b và Kepler-69c, là các hành tinh theo đúng chuẩn khoa học, số còn lại được xếp vào danh sách "Kepler Objects of Interest", tức chưa được xác nhận là một hành tinh thực thụ. Do đó, một số "ngoại hành tinh" được nghiên cứu nhiều khả năng còn chẳng phải là hành tinh nữa!

Nghiên cứu mới "mang đến cái nhìn lý thuyết khá thú vị về một trong nhiều bối cảnh thế giới phù hợp với sự sống tiềm năng, các hành tinh siêu phù hợp cho sự sống" - Abel Mendez, giám đốc phòng thí nghiệm Planetary Habitability tại Đại học Puerto Rico ở Arecibo, viết trong email. "Hiện việc xác định những hành tinh như vậy trong các cơ sở dữ liệu ngoại hành tinh sẵn có là điều chưa thể thực hiện được, bởi chúng ta có quá ít thông tin về chúng. Dẫu vậy, các tác giả đã xác định được một vài trong số đó, với những đặc tính cần thiết" - Mendez nói tiếp.

Ngoài ra, còn có nhiều hạn chế khác phải cân nhắc. Các tác giả thường thiên vị những điều kiện giống Trái đất, bởi hành tinh của chúng ta là ví dụ duy nhất mà chúng ta biết về điều kiện phù hợp cho sự sống. Sự sống có thể nảy sinh dưới những điều kiện chưa ai hiểu được, và điều quan trọng là phải luôn nhớ điều đó. Các tác giả rõ ràng để xem xét các hành tinh đang quay quanh các sao lùn K, mà những ngôi sao này thì nhìn chung vượt ngoài phạm vi hiểu biết của chúng ta.

Nghiên cứu mới nói rằng các hành tinh siêu phù hợp cho sự sống sẽ lớn hơn và nặng hơn Trái đất, nhưng một nghiên cứu khác đề xuất rằng nhiều trong số các hành tinh đó có thể là những thế giới nước, tức ngoại hành tinh được bao phủ hoàn toàn bởi đại dương. Điều đó hiển nhiên không tốt đối với sự đa dạng sinh thái và là một rào cản nghiêm trọng đến khả năng sinh sống. Dù không phải là vấn đề đáng quan ngại cho lắm, nhưng nó cho thấy các thế giới siêu phù hợp cho sự sống, nếu có tồn tại, là những thế giới cực kỳ hiếm có.

Các tác giả còn liệt kê một tiêu chí khác là nhiệt độ ấm áp hơn Trái đất - một chủ đề khá nhạy cảm, xét hàng tá vấn đề đang xảy ra xuất phát từ tình hình biến đổi khí hậu do con người gây nên trên Trái đất. Nhưng theo Schulze-Makuch giải thích thì chúng ta không nên nhầm lẫn hai thứ rất khác biệt đó.

"Sự ấm lên toàn cầu trên Trái đất hiện nay là một điều thực sự tồi tệ, bởi chúng ta đã có một sinh quyển và hệ thống tuần hoàn khí quyển hoàn chỉnh, và những thay đổi trong nhiệt độ Trái đất có thể dẫn đến tình hình thời tiết cực kỳ gay gắt, gây tác động tiêu cực lên sinh quyển, dẫn đến các sự kiện tuyệt chủng" - ông giải thích. "Bên cạnh đó, nó sẽ làm tăng mực nước biển và làm giảm diện tích đất đai và các khu vực ven biển sẽ đánh mất môi trường sống quý giá, gây áp lực nhiều hơn nữa lên nhiều phần của sinh quyển".

Tuy nhiên, nếu chúng ta buộc phải lựa chọn một hành tinh khác, một hành tinh lớn hơn, "thì nhiệt độ cao hơn kết hợp với lượng hơi nước cao hơn so với Trái đất sẽ mang lại nhiều lợi ích" - Schulze Makuck nói. Ví dụ điển hình là sự đa dạng sinh học trong các rừng mưa nhiệt đới hiện nay, và cả ở kỷ Carbon, khi mà hành tinh chúng ta rất giàu có về mặt sinh khối và đa dạng sinh học, ông nói. Nếu không có lượng hơi nước cần thiết, chúng ta "sẽ chỉ có các sa mạc ấm áp như Atacama chứ không có nhiều sinh vật sống cho lắm".

Chúng ta còn không biết về hiệu ứng dây chuyền của những điều kiện nói trên. Trên lý thuyết, mọi thứ có vẻ tích cực, nhưng thực tế có thể rất khác, bởi những đặc tính môi trường kia khi kết hợp lại với nhau có thể tạo ra những điều kiện hoàn toàn không phù hợp cho sự sống. Dẫu vậy, đây quả là một nghiên cứu thú vị và xen lẫn một chút "cay đắng", bởi nó có hàm ý rằng những điều kiện sống ưu việt cho chúng ta không hề hiện diện trên Trái đất mà ở một nơi nào đó trong vũ trụ.

Với những công cụ sắp đi vào hoạt động như kính viễn vọng không gian James Webb của NASA, đài quan sát vũ trụ LUVIOR, và kính viễn vọng không gian của ESA, chúng ta sẽ có thể kiếm chứng một vài trong số những ý tưởng được nêu ra trong nghiên cứu mới nêu trên sớm thôi.

Minh.T.T (Theo Gizmodo)

Chủ đề khác