VnReview
Hà Nội

Nghiên cứu: API truy vết tiếp xúc của Apple & Google không hoạt động trên phương tiện công cộng

Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Trinity College Dublin mới công bố gần đây, những ứng dụng truy vết tiếp xúc COVID-19 dựa trên API do Apple và Google phát triển cũng như công nghệ Bluetooth không thể đo chính xác khoảng khách giữa người dùng trên các phương tiện công cộng.

Nghiên cứu: API truy vết tiếp xúc của Apple & Google không hoạt động trên phương tiện công cộng

Các nhà nghiên cứu đã thực hiện thử nghiệm API này trên một nhóm tình nguyện viên chuyển chỗ ngồi sau mỗi 15 phút trong một chuyến xe điện tại Dublin. Sau đó, họ thu thập dữ liệu thông qua các ứng dụng truy vết tiếp xúc của Thụy Sĩ, Đức và Ý nhằm xác định tần suất chúng xác định chính xác tiếp xúc giữa những người dùng. Dựa trên điều này, họ nhận thấy rằng, cơ hội phát hiện chính xác "tương tự như cơ hội kích hoạt thông báo bằng cách chọn ngẫu nhiên từ những người tham gia thử nghiệm của họ, bất kể trạng thái ở gần nào".

Phát hiện này là ví dụ mới nhất về sự hoài nghi của nhiều chuyên gia về tính hiệu quả của công nghệ đằng sau những ứng dụng vốn được phát hành rộng rãi bởi các chính phủ Châu Âu cũng như Mỹ.

Hầu hết các ứng dụng truy vết tiếp xúc ở Châu Âu và Mỹ đều sử dụng API thông báo phơi nhiễm của Google và Apple. Nó dựa vào công nghệ Bluetooth không dây tích hợp nhằm ước tính khoảng cách giữa 2 người dùng và liệu họ có thực sự tiếp xúc hay không. Tuy nhiên, để xác định "tiếp xúc" hay không lại phụ thuộc vào API mà các ứng dụng sử dụng. Nó thường là khoảng cách 2 mét với ít nhất 15 phút. Sau khi người dùng xác nhận kết quả dương dương tính lên ứng dụng truy vết tiếp xúc, nó sẽ thông báo cho tất cả người dùng đã từng tiếp xúc và cho họ biết rằng, họ có thể có nguy cơ bị lây nhiễm.

Dẫu điều đó nghe có vẻ tốt về mặt lý thuyết, thế nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng, thực thế lại phức tạp hơn nhiều.

"Những gì chúng ta thấy: ngay cả những thay đổi nhỏ trong hướng cầm thiết bị cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn", Tiến sĩ Doug Leith – một trong những tác giả của nghiên cứu – cho biết. "Ngay cả những việc đơn giản như úp hoặc lật điện thoại trên bàn cũng có thể gây ra hiệu ứng mạnh mẽ đáng kinh ngạc. Trong những môi trường như xe điện, Bluetooth phục vụ việc truy vết tiếp túc không hoạt động."

Điều này là do tín hiệu Bluetooth phản xạ từ những bức tường kim loại, và các vật thể trong xe điện cũng phản chiếu ánh sáng tương tự từ gương, khiến một số tín hiệu giả tạo tăng lên, trong khi những tín hiệu khác lại bị suy yếu.

Nghiên cứu: API truy vết tiếp xúc của Apple & Google không hoạt động trên phương tiện công cộng

"Với nghiên cứu này (cùng những nghiên cứu khác tương tự), tôi lo ngại việc rất nhiều cơ quan y tế công cộng và trường học đang gấp rút triển khai một công nghệ có nguy cơ bị lạm dụng và thao túng khá đáng kể", Ashkan Soltani, cựu Giám đốc Công nghệ của Thương mại Liên bang Ủy ban, trao đổi với Motherboard. "Tôi nghĩ đó là một ví dụ khác về thuyết quyết định công nghệ - giới thiệu nhiều công nghệ chưa được thử nghiệm với tầm nhìn không tưởng rằng chúng sẽ giải quyết những vấn đề của thế giới, trong khi thực tế là chính những giải pháp đó lại tạo ra nhiều vấn đề mới với các lo ngại lớn hơn (chẳng hạn như thao túng phiếu bầu)."

Với số trường hợp dương tính ngày càng gia tăng tại nhiều quốc gia như Hà Lan, Pháp và Anh, một số chính phủ tin rằng, những ứng dụng truy vết tiếp xúc có thể giúp giảm tải cho các hệ thống truy vết tiếp xúc thủ công vốn đang quá tải. Chúng sẽ xác định những trường hợp đã phơi nhiễm ở các khu vực mà nhiều phương pháp truyền thống gặp khó khăn, chẳng hạn như không gian công cộng đông đúc.

Tuy nhiên, nếu tín hiệu Bluetooth thiếu đi sự chính xác như nghiên cứu này đã gợi ý, rõ ràng, chúng ta có lý do để hoài nghi về các ứng dụng truy vết ứng dụng trong những không gian khác. Leith đưa ra ví dụ, ở những con phố mua sắm đông đúc, cơ thể người có thể hấp thụ tín hiệu Bluetooth, và những biến số khác, chẳng hạn như điện thoại ở trong hay ngoài túi người dùng, có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể.

Anh cũng tỏ ra thất vọng về sự thiếu minh bạch từ các chính phủ khi nói đến độ hiệu quả của những ứng dụng này.

"Do đây là công nghệ chưa được chứng minh, và về cơ bản, chúng tôi đang thực hiện những thí nghiệm ở cấp độ dân số, các chính phủ nên thu thập đủ dữ liệu sau khi triển khai để thực sự biết ‘chúng có hoạt động không'. Điều đáng kinh ngạc là chưa ai làm điều đó. Nhiều nơi đang sử dụng những ứng dụng này chỉ dựa vào niềm tin, và rất có thể, chúng không hề hoạt động."

Minh Hùng theo Vice

Chủ đề khác