VnReview
Hà Nội

5 đế chế hùng mạnh nhất trong lịch sử nhân loại

Giữa hàng trăm Đế chế đã từng phát triển mạnh mẽ trên trái đất này, việc chọn ra năm quốc gia hùng cường nhất quả thực là rất khó. Thật vậy, những công thức để tạo ra danh sách "năm đế quốc hùng mạnh nhất" sẽ luôn mang tính chủ quan, bởi mỗi quốc gia đều có nét độc đáo và có tầm ảnh hưởng của riêng mình.

Năm Đế chế hùng mạnh nhất trong lịch sử nhân loại

Nhưng trong đó vẫn có những trường hợp đặc biệt, đủ mạnh, lớn và có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong lát cắt của lịch sử, xứng đáng được liệt vào hàng ngũ vĩ đại nhất. Song trong bài thống kê này sẽ không có những cái tên đến từ Trung Quốc hay Ấn Độ. Dù rằng những Đế chế ở hai khu vực này cũng rất quan trọng và để lại nhiều di sản, nhưng xét về quy mô ảnh hưởng thì những di sản ấy lại thường chỉ tạo ảnh hưởng mang tính khu vực.

Đế chế Ba Tư (thứ nhất)

Năm Đế chế hùng mạnh nhất trong lịch sử nhân loại

Đế chế Ba Tư Achaemenid được sáng lập bởi Cyrus Đại Đế vào khoảng năm 550 trước công nguyên (TCN), ông cũng là người được phong là Vua của những vị Vua (Shahanshah). Mặc dù Đế chế Ba Tư đã sụp đổ dưới tay của Alexander Đại đế vào năm 330 TCN, nhưng nó vẫn để lại một di sản lâu dài về sự phát triển của dân cư và các đế quốc trong tương lai. Thực vậy, Đế chế Ba Tư quan trọng bởi nó đề ra hình mẫu tiêu chuẩn cho các đế quốc của tương lai.

Đế chế Ba Tư tồn tại vào một thời điểm độc nhất trong lịch sử, khi mà phần lớn dân cư đông đúc, ổn định và văn minh của thế giới đều đang sinh sôi ở gần Trung Đông. Nhờ vậy, sau khi xâm chiếm phần lớn khu vực Trung Đông, Đế chế Ba Tư đã nắm trong tay phần nhiều dân cư của thế giới, và lớn hơn bất kì Đế chế nào trong lịch sử. Thực vậy, vào năm 480 TCN, Đế chế này có dân số khoảng 49,4 triệu người, chiếm 44% dân số thế giới vào thời điểm ấy. Đế chế Ba Tư cũng là đế quốc đầu tiên giúp kết nối nhiều khu vực của thế giới, bao gồm Trung Đông, Bắc Phi, Trung Á, Ấn Độ, châu Âu và các quốc gia bên bờ Địa Trung Hải. Nó chính là hình mẫu khởi đầu cho các Đế chế sau đó tại Hy Lạp và Ấn Độ.

Để tạo ra một quốc gia có quy mô lớn đến vậy cần có lực lượng quân đội cũng phải hùng hậu không kém, những thành tựu mà quân đội Đế chế Ba Tư cũng rất đáng kể, dù rằng họ thường xuyên bị đánh giá thấp do cái chết đột ngột dưới tay đội quân của Alexander Đại Đế. Quân đội Ba Tư đã thành công trong nhiều cuộc chiến chinh phục những vùng đất văn minh nhất của thế giới lúc bấy giờ là Babylon, Lydians, Ai Cập và cả vùng Gandhara phía Tây Bắc của người Hindu mà nay chính là Pakistan. Ta cũng không được quên rằng, gạt bỏ những phóng đại và những cách hiểu sai, người Ba Tư đã tin rằng họ đã hoàn thành mục tiêu cai trị Hy Lạp của mình dù rằng không phải là toàn bộ, nhưng ít nhất cũng được một vùng lớn. Đế chế Ba Tư đã mở ra một thời kì hợp tác và hòa bình ở Trung Đông trong hai trăm năm, một kì tích hiếm khi được lặp lại.

Một di sản khác mà Đế chế Ba Tư để lại chính là các sáng kiến như sử dụng mạng lưới đường xá, hệ thống bưu điện, quản lý bằng một ngôn ngữ duy nhất (tiếng Ả Rập), quyền tự trị cho các dân tộc khác nhau và bộ máy hành chính. Tôn giáo của người Ba Tư, Zoroastrianism, cũng đã ảnh hưởng tới sự phát triển của những tư tưởng lớn, thông qua Do Thái giáo, như ý chí tự do, thiên đường và địa ngục trong các tôn giáo dòng Abraham.

Đế chế Roman (La Mã)

Năm Đế chế hùng mạnh nhất trong lịch sử nhân loại

Không cần phải bàn cãi gì nhiều về khẳng định rằng Đế chế La Mã từ lâu đã là Đế chế xuất sắc nhất của thế giới phương Tây. Nhưng tầm quan trọng của Đế chế này không phải nhờ sự thổi phồng do định kiến thiên vị của phương Tây, mà đây thực sự là một trong những Đế chế vĩ đại nhất của lịch sử nhân loại. Người La Mã đã thể hiện khả năng đáng ngưỡng mộ trong việc chiếm đóng và cai quản những vùng lãnh thổ rộng lớn trong hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn năm, nếu tính cả Đế chế Đông La Mã. Nhưng chất keo để gắn kết các khu vực này không phải là bạo lực, bởi sau khi bị chiếm đóng, người dân nơi ấy khát khao được trở thành một người La Mã, tức là được tham gia vào thứ văn hóa sành điệu, cổ điển và phức tạp.

Một vài đặc tính của thế giới hiện đại ngày nay chính là kết quả để lại của Đế chế La Mã. Người La Mã đã chiếm đóng và mở rộng nền văn hóa Hy Lạp, truyền lại kiến trúc, triết học và khoa học của dân tộc này tới nhiều thế hệ sau đó. Tiếp đó, sự đón nhận Cơ đốc giáo của người La Mã đã giúp nâng cao tôn giáo ấy trở thành một trong những tín ngưỡng lớn của thế giới.

Luật pháp của người Roman cũng ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống lập pháp sau đó ở phương Tây. Thể chế người La Mã cũng là nguồn cảm hứng cho hệ thống chính phủ của các nền dân chủ hiện đại. Dù rằng người Hy Lạp được nhìn nhận là dân tộc đã "khai sinh ra nền dân chủ", nhưng những vị Cha già lập quốc của Hoa Kì đều bị ảnh hưởng chủ yếu bởi người Anh và La Mã. Thực tế là nhiều người trong số họ thường xuyên bày tỏ sự chán ghét của mình đối với thử nghiệm của người Athen về nền dân chủ, cũng như những ngưỡng mộ mà họ dành cho hình thức chính phủ hỗn hợp của La Mã, nơi mà các thành phần quân chủ, quý tộc và dân chủ chia sẻ quyền lực. Hệ thống chính trị của Mỹ, với các nhánh chính phủ riêng biệt, đã mô phỏng gần giống với cách phân chia thể chế của người La mã. Và sau khi nước Cộng hòa La Mã chuyển đổi thành Đế chế La Mã, lý tưởng và uy quyền của vua Caesar đã trở thành nguồn cảm hứng cho giới cầm quyền của tương lai.

La Mã còn là những người rất ngoan cường. Sau nhiều thất bại do yếu tố khách quan, họ vẫn có thể bùng lên và đánh bại kẻ thù của mình. Dù rằng tướng Hannibal của người Carthage đã gần như tiêu diệt quân La Mã sau trận Cannae năm 216 TCN, nhưng chỉ 14 năm sau đó, người La Mã tấn công và tiêu diệt hoàn toàn quân đội của Carthage. Quân đoàn La Mã đã thống trị về mặt quân sự trong nhiều thế kỉ, cho phép Đế chế này cai quản gần như tất cả các dân tộc văn minh khác ở Địa Trung Hải và Cận Đông, ngoại trừ người Ba Tư, trong hàng trăm năm và chỉ phải đối mặt với các cuộc tấn công nhỏ lẻ bởi các bộ lạc vô tổ chức. Nguyên nhân mà Đế chế này sụp đổ chính là việc bị khủng hoảng và nội chiến liên miên chứ không phải vì bị xâm lăng bởi các bộ lạc Germanic. Đế chế Đông La Mã tồn tại tới tận năm 1453, kéo dài lịch sử của nhà nước La Mã trong suốt hai thiên niên kỉ.

Vương triều Khalip (Caliphate)

Năm Đế chế hùng mạnh nhất trong lịch sử nhân loại

Đế chế Ả Rập, thường được gọi với cái tên vương triều Khalip, là một thể chế chính trị được thành lập bởi nhà tiên tri hồi giáo Muhammad, người đã giúp thống nhất hầu hết Ả Rập trước khi mất vào năm 632. Việc gọi là Đế chế Ả Rập sẽ hợp lý hơn cái tên Đế chế Hồi giáo vì dù là Đạo Hồi bắt nguồn và được truyền bá bởi Đế chế này, nhưng có nhiều Đế chế hình thành sau đó được cai trị bởi Hồi giáo chứ không phải là Ả Rập.

Kế nhiệm Muhammad là bốn Khalip được chỉ lối (Khalip có nghĩa là "người kế vị), họ là những người được chọn lựa dựa trên sự đồng thuận và theo phương thức phù hợp với hoàn cảnh (dù là không phải ai cũng đồng tình với kết quả), giai đoạn này kết thúc vào năm 661. Tiếp theo là khoảng thời gian cai trị của Khalip Umayyad theo hình thức cha truyền con nối tới hết năm 750, nối tiếp giai đoạn này là Khalip Abbasid, khi ấy các cuộc chinh phạt cũng không còn diễn ra nữa. Đế chế Ả Rập chính thức chấm dứt vào khoảng năm 900, dù rằng các Abbasid vẫn tiếp tục duy trì vai trò tôn giáo của mình dưới dạng các Khalip bù nhìn tại Baghdad cho tới khi thành phố này bị tàn phá bởi Mông Cổ vào năm 1258. Kể từ sau năm 900, Đế chế này bắt đầu suy yếu về mặt chính trị, cùng với đó là sự hình thành của những vương triều đối lập mới mà nhiều trong số đó có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kì hay Ba Tư, và cả những Khalip thù địch khác ở Tây Ban Nha và Ai Cập.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian tồn tại của mình, Đế chế Ả Rập rất đặc biệt, nhờ vào cả hai yếu tố là quân đội và di sản mà họ để lại. Một điểm ấn tượng chính là việc những người sống theo kiểu tổ chức bộ lạc với tổ chức lỏng lẻo, trên rìa của nền văn minh thế giới lại có thể đánh bại Đế quốc Đông La Mã và lật đổ Vương triều Ba Tư của Sassanid, đây là hai quốc gia đều có dân cư và mỏ tài nguyên ăn sâu vào Hoang mạc Ả Rập. Những cuộc xâm chiếm của Ả Rập chính là một ví dụ tốt về việc ý thức hệ Zeal lại đôi khi có thể bù đắp cho khiếm khuyết về mặt công nghệ và tổ chức. Không chỉ vậy, những tướng lĩnh của Ả Rập giai đoạn này xứng đáng được đưa vào danh sách những thiên tài quân sự của thế giới, đặc biệt là Khalip Omar Đệ Tam, người đã từng thống lĩnh khu vực trải dài từ Ai Cập tới Ba Tư chỉ trong 10 năm. Trong 100 năm, Đế chế Ả Rập đã phát triển thành một quốc gia có quy mô lớn gấp vài lần thời kì đỉnh cao của Đế chế La Mã.

Nhờ vào vị trí địa lý của mình, Đế chế Ả Rập, giống với Đế chế Ba Tư trước kia, cũng đã kết nối được các trung tâm của nền văn minh thế giới tại châu Phi, châu Âu, Trung Á, Ấn Độ và Trung Quốc. Kết quả là hàng hóa và tri thức từ tất cả những khu vực này, lần đầu tiên trong lịch sử, được hòa trộn vào với nhau, tạo ra sự xuất hiện của những khái niệm mới như đại số học.

Di sản cuối cùng của Đế chế Ả Rập, tất nhiên, chính là tôn giáo đang có hơn một tỷ người theo trên toàn thế giới – Đạo Hồi.

Đế chế Mông Cổ

Năm Đế chế hùng mạnh nhất trong lịch sử nhân loại

Đế chế Mông Cổ là một đế quốc khác cũng bắt nguồn từ vùng ngoại vi rồi vượt qua bao khó khăn mà đánh bại được nhiều kẻ thù hùng mạnh và đông đảo hơn mình. Đây là một trong những đế chế có dải đất liền lớn nhất thế giới, là quốc gia mang theo nỗi sợ hãi kinh hoàng tới tất cả kẻ thù của nó. Đế quốc Mông Cổ được thành lập bởi Lãnh chúa Mông Cổ Temujin, hay còn gọi là Thành Cát Tư Hãn, vào năm 1206. Ban đầu, đế quốc này phát triển bằng cách tách khỏi Trung Quốc, giống với cách làm của các bộ lạc thảo nguyên trước đây.

Nhưng thời điểm cái tên đế quốc Mông Cổ được xác định chính là khi đại sứ của họ bị giết bởi thủ lĩnh của đế chế láng giếng là Khwarazmian, quốc gia bao gồm Iran, Afghanistan, và Trung Á. Đây là động thái tương đương với việc làm nhục Đại Hãn, kết quả là quân trả thù của người Mông Cổ đã cày nát khu vực Trung Á, chấm dứt Thời Đại Hoàng Kim của nơi đây. Cùng với sự xuất hiện sau này của các tuyến đường vượt biển tới châu Âu đi qua Con Đường Tơ Lụa, cuộc xâm lược của người Mông Cổ đã gieo rắc cái chết tới khu vực Trung Á như một lẽ tất nhiên.

Dù rằng khi ấy chỉ có khoảng 2 triệu người Mông Cổ trên toàn thế giới, nhưng đế quốc này đã lần lượt xâm lược hầu hết Trung Đông, Nga, và Trung Quốc dưới sự dẫn dắt bởi hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn. Trong thời hoàng kim của mình, họ hiếm khi phải chịu sự thất bại, ngoại trừ cuộc xâm; lược Nhật Bản và trận Ain Jalut chống lại cuộc tấn công của Mamluk Ai Cập. Đâu là lý do giúp những người Mông Cổ có thể đạt được chiến công này? Dù dân số còn thấp, nhưng người Mông Cổ có thể triển khai một đội quân khổng lồ và cơ động để chống lại kẻ thù của mình nhờ vào đàn gia súc họ mang theo và uống máu ngựa. Trong thời đại trước khi kĩ thuật đông lạnh xuất hiện, dù là Trung Quốc thì việc điều động một lực lượng tương tự cũng rất khó khăn vì vấn đề hậu cần.

Các cuộc chinh phạt của người Mông Cổ đã giết hàng triệu người, nhưng sau đó đã tạo nên một kỷ nguyên hòa bình và thịnh vượng nhờ vào việc hoạt động giao thương được mở rộng trên khắp lãnh thổ. Tuy nhiên, về mặt dài hạn, Đế chế Mông Cổ lại cho thấy những điểm yếu về khả năng quản trị quốc gia, hậu quả là đế quốc này bị chia thành bốn hãn quốc, các hãn quốc mới sau đó đều phải chịu kết cục là sụp đổ hoặc tiếp tục bị chia nhỏ ra hơn nữa.

Đế quốc Anh

Năm Đế chế hùng mạnh nhất trong lịch sử nhân loại

Về cơ bản, đế quốc Anh đã tạo nên thế giới hiện đại ngày nay. Thể chế dân chủ đại nghị của Anh đã truyền cảm hứng cho các nhà triết học Khai sáng của Pháp như Montesquieu đưa ra các lý thuyết về chính phủ hiện đại, tạo ảnh hưởng đến các quốc gia châu Âu hiện đại khác. Các đặc điểm chính của Hoa Kì như cam kết tuyệt đối theo chủ nghĩa tự do, pháp quyền, dân quyền và thương mại, đều được kế thừa từ đế quốc Anh và mang đi khắp thế giới. Đa số thuộc tính này được phát triển xuyên suốt trong lịch sử lâu đời của nước Anh, chứ không phải là kết quả của một kế hoạch tổng thể nào đó.

Những đặc điểm này cũng là công cụ giúp Đế chế Anh phát triển, thịnh vượng và nắm giữ bất kì phần lãnh thổ nào mà nó kiểm soát. Không chỉ vậy, đây là ví dụ được sử dụng rộng rãi để biểu thị cho sức mạnh tài chính lẫn sức mạnh hải quân của đế quốc này. Ở thời điểm định cao vào thế kỉ 20, Đế chế Anh trải dài trên gần 1/4 thế giới – xứng đáng với danh xưng đế quốc lớn nhất trong lịch sử. Chiến công này có được là chủ yếu nhờ vào khả năng tổ chức và sức mạnh tài chính chứ không phải sức mạnh quân sự. Ví dụ, cuộc xâm lược Ấn Độ của Anh phần lớn được đảm nhận bởi những người Ấn Độ sẵn sàng phục vụ đế quốc Anh để đổi lấy mức lương và khoản phúc lợi định kì mà họ được nhận. London cũng thể hiện khả năng vượt trội trong việc xử lý nhiều cuộc chiến trong cùng một thời điểm. Và dù là đôi khi họ cũng thua trận đấy nhưng người Anh hiếm khi để mất cả cuộc chiến.

Trung ND theo National Interest

Chủ đề khác