VnReview
Hà Nội

Tại sao dạ dày lại phát ra tiếng kêu khi đói? Nguyên nhân và cách xử lý

Chắc hẳn chúng ta đều đã ở trong tình huống oái ăm như thế này: Bạn đang trong phòng thi với tình trạng sợ hãi và hoang mang như mọi khi, thì đột nhiên, dạ dày của bạn lại phản bội khổ chủ khi phát ra một tiếng "gầm" rõ to, thu hút ánh nhìn của toàn bộ những người xung quanh, thật xấu hổ phải không?

Vậy tại sao điều này lại xảy ra, sau đây, hãy cùng tìm hiểu một chút về hiện tượng này nhé.

Đừng đổ lỗi cho dạ dày

Thông thường, cảm giác cồn cào, sôi sùng sục trong bụng sẽ giúp bạn nhận ra mình đang đói, đó là tác động của dạ dày. Tuy nhiên, thủ phạm đằng sau tiếng "gầm" xấu hổ đó lại chính là ruột.

Hiện tượng này được gọi là Borborygmi, tiếng ồn mà bạn vẫn cho là phát ra từ dạ dày, thực chất lại là do những luồng không khí di chuyển từ dạ dày xuống ruột non tạo ra. Mỗi khi bạn ăn uống, việc dạ dày đẩy thức ăn xuống ruột non vẫn tạo ra âm thanh – lúc này, do thức ăn đóng vai trò là những tấm đệm "cách âm" nên tiếng kêu sẽ rất khó để nghe thấy. Nhưng nó sẽ trở nên to hơn khi dạ dày của bạn trống rỗng, vì khi đó thứ di chuyển từ dạ dày xuống ruột non chỉ có không khí, không có các lớp "cách âm" và rồi tiếng gầm nơi hoang dã cất lên, thu hút sự chú ý của mọi người xung quanh.

Một giả thuyết khác được đưa ra để lý giải vì sao khi no thì việc "gầm gừ" của dạ dày lại không xảy ra là do khi này, các cơ bắp trong cơ quan tiêu hóa phải tập trung co bóp, xử lí thức ăn thay vì đẩy không khí đi xung quanh và tạo ra tiếng ồn.

Vậy làm thế nào để xử lý?

Ruột sẽ bắt đầu tăng cường hoạt động sau 2 tiếng không có thức ăn, vì vậy, việc ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày sẽ giúp bạn khiến hệ thống tiêu hóa xao nhãng khỏi việc làm ồn.

Một điều rõ ràng là thức uống có ga sẽ luôn đưa một lượng khí vào thẳng dạ dày của bạn (đó là lí do chúng ta thường "ợ" sau khi uống), vì vậy, cắt giảm loại nước uống này sẽ giúp bạn ngăn chặn tiếng ồn từ dạ dày.

Ăn một chút gì đó có chứa chất béo hoặc chất xơ không hòa tan (như bỏng ngô hoặc chocolate) có thể giúp hệ tiêu hóa của bạn bận rộng trong khoảng 1 hoặc 2 giờ. Đây là một cách rất hiệu quả, bạn có thể xây dựng nó thành thói quen, trước khi bắt đầu buổi họp hoặc tiết học đầu tiên trong ngày.

Việc dạ dày phát ra những âm thanh lớn có thể là do lượng không khí trong hệ tiêu hóa cao hơn mức bình thường. Vì vậy, hay cố gắng ăn chậm, nhai kĩ, tránh nói chuyện trong lúc ăn và hạn chế nhai kẹo cao su nhé.

Và đó là các cách bạn có thể áp dụng để kiềm hãm tiếng gầm khó ưa kia, nếu bạn có những ý kiến khác, hãy cho chúng tôi biết dưới phần bình luận nhé.

Trần Vũ Đức

Chủ đề khác