VnReview
Hà Nội

Bài viết gây xôn xao nước Mỹ: "Tại sao tôi hy vọng sẽ chết ở tuổi 75"

Bài viết là ý kiến cá nhân của tác giả Ezekiel J. Emanuel về lý do vì sao ông lại muốn tạm biệt thế giới này ở tuổi 75. Bài viết được đăng tải trên trang The Atlantic, VnReview xin được biên dịch bài viết và gửi đến quý độc giả.

Ezekiel J.Emanual là nhà ung thư học, nhà đạo đức sinh học và là phó hiệu trưởng của Đại học Pennsylvania. Ông là tác giả hoặc biên tập viên của 10 cuốn sách, bao gồm Brothers Emanuel và Reinventing American Health Care.

Bảy mươi lăm.

Đó là quãng thời gian mà tôi muốn sống: 75 năm.

Ý kiến này đã khiến con gái tôi phát rồ, cả anh em của tôi cũng vậy. Những người bạn thân thì nghĩ tôi bị điên rồi. Họ cho rằng tôi không thực sự nghiêm túc với điều này, hay tôi vẫn chưa suy nghĩ thấu đáo vì có quá nhiều thứ trên thế giới này để ngắm nhìn và quá nhiều điều để thực hiện. Để thuyết phục rằng tôi đã sai, họ đã liệt kê một số người quen của tôi dù đã trên 75 tuổi những vẫn còn sống rất tốt. Họ cho rằng khi tôi đã gần đến tuổi 75 thì tôi sẽ thay đổi độ tuổi mong muốn lên 80, sau đó là 85 hay thậm chí là 90.

Tôi chắc chắn về ý kiến của mình. Cái chết là một sự mất mát lớn, đó là điều không thể bàn cãi. Nó lấy đi những kinh nghiệm sống, những cột mốc đáng nhớ trong đời hay khoảng thời gian dành cho nửa kia cùng con cái của chúng ta. Có thể nói, cái chết lấy đi mọi thứ mà chúng ta xem là giá trị.

Nhưng có một sự thật tuy đơn giản mà nhiều người không thể chấp nhận: sống quá lâu cũng là một sự mất mát. Nó khiến nhiều người trong chúng ta bị ám ảnh, nếu không tàn tật thì cũng không thể đứng vững như trước và cơ thể bắt đầu xuống dốc, giai đoạn này tuy không thể tệ hơn cái chết, nhưng dù sao thì nó cũng sẽ tước đoạt đi nhiều thứ của chúng ta. Nó lấy đi sự sáng tạo, khả năng làm việc, các mối quan hệ xã hội hay là cả thế giới của chúng ta. Nó làm thay đổi cách người khác nhìn nhận, quan hệ và quan trọng nhất là ký ức về chúng ta. Chúng ta không còn được nhớ đến là một người đầy sôi nổi và nhiệt huyết, thay vào đó là một người ủ rũ, yếu ớt, hay thậm chí là thảm hại.

Đến năm tôi 75 tuổi, tôi đã sống một cuộc đời hoàn chỉnh. Tôi đã yêu và được yêu. Con cái cũng đã đủ trưởng thành và sống cuộc sống của chính chúng. Tôi cũng đã được chứng kiến những đứa cháu được sinh ra và bắt đầu sinh mệnh của chúng. Tôi sẽ lên kế hoạch cho cuộc đời của mình và thực hiện chúng dù có quan trọng hay không, tôi sẽ làm điều đó. Và hy vọng rằng, tôi sẽ không gặp phải quá nhiều trở ngại về tâm lý hay thể chất. Ra đi ở tuổi 75 không hẳn là một bi kịch. Tôi dự định sẽ tổ chức một buổi lễ tưởng niệm trước khi mình tạm biệt thế giới này. Và tôi không muốn bất cứ ai phải than khóc. Đó sẽ là một buổi tụ họp ấm áp cùng với những hồi tưởng về những kỷ niệm vui vẻ, những câu chuyện về sự vụng về của tôi và là tiệc chúc mừng tôi đã có một cuộc sống tốt đẹp. Sau khi chết, những người thân của tôi có thể tổ chức một buổi lễ tưởng niệm nếu họ muốn, đó không còn là mối bận tâm của tôi nữa.

Để tôi nói cho bạn rõ hơn về mong muốn của mình. Tôi không yêu cầu kéo dài thêm thời gian sống so với khả năng và cũng không cắt ngắn thời gian mình có. Tôi biết khả năng của cơ thể mình ngày hôm nay, nó vẫn khỏe mạnh và không mắc bệnh mãn tính nào. Tôi vừa đi leo núi Kilimanjaro với hai đứa cháu. Vì vậy, không phải tôi đang cầu xin Chúa để được sống đến năm 75 tuổi vì bệnh nan y. Và tôi cũng không nói rằng vào một buổi sáng 18 năm sau tôi sẽ thức dậy và kết thúc đời mình bằng phương pháp an tử hay tự sát. Tôi là người phản đối các biện pháp an tử và trợ tử bởi bác sĩ từ những năm 1990.

Lý do là vì những người muốn chết theo hai cách trên thường không phải vì chịu đựng nỗi đau khôn xiết, mà là vì trầm cảm, tuyệt vọng và nỗi sợ đánh mất phẩm giá, khả năng kiểm soát của bản thân. Những người ở lại chắc chắn sẽ cảm thấy người ra đi đã thất bại theo cách nào đó. Giải pháp cho những triệu chứng kia không phải là kết thúc sự sống của bản thân, mà là tìm sự giúp đỡ. Từ lâu, tôi luôn cho rằng chúng ta nên tập trung vào việc mang đến một cái chết êm ái, nhẹ nhàng cho những người mắc bệnh nan y, thay vì an tử hay trợ tử cho một nhóm thiểu số.

Điều tôi muốn truyền đạt là khoảng thời gian mà tôi muốn được sống và số lượng cũng như hình thức chăm sóc sức khỏe mà tôi sẽ sử dụng sau năm 75 tuổi. Người Mỹ dường như bị ám ảnh với tập thể dục, giải các câu đố trí tuệ, uống nhiều loại nước trái cây pha các loại protein, tuân theo một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, bổ sung vitamin và các loại thực phẩm chức năng khác. Tất cả đều nhằm nỗ lực đẩy lùi cái chết và kéo dài tuổi thọ nhất có thể. Nó phổ biến đến mức trở thành một loại hình văn hóa, tôi gọi nó là "người Mỹ bất tử".

Tôi sẽ từ chối những thứ đó. Tôi cho rằng tìm kiếm cách kéo dài sự sống vô tận là một sai lầm tuyệt vọng và thậm chí có thể là sự hủy hoại. Vì nhiều lý do, 75 là một con số phù hợp để được chọn làm cột mốc dừng lại.

Những lý do đó là gì? Hãy bắt đầu với dân số học. Chúng ta đang già đi và chất lượng cuộc sống của những năm già yếu sẽ không còn cao như trước. Kể từ giữa thế kỷ 19, người Mỹ đang dần sống thọ hơn. Năm 1900, tuổi thọ trung bình của người Mỹ là xấp xỉ 47 tuổi, đến năm 1930 là 59,7 tuổi, năm 1960 là 69,7 tuổi; năm 1990 là 75,4 tuổi. Hiện tại, thế hệ trẻ ngày nay được cho là có thể sống đến năm 79 tuổi (tính trung bình thì nữ giới sống thọ hơn nam giới, khoảng chênh lệnh ở Mỹ là khoảng 5 năm).

Trong khoảng thời gian đầu thế kỷ 20, tuổi thọ trung bình của con người tăng lên nhờ có vắc-xin, thuốc kháng sinh và các tiến bộ về y tế giúp cứu sống nhiều trẻ em hơn và khả năng điều trị hiệu quả các bệnh nhiễm trùng. Một khi được chữa trị thì phần lớn người bệnh đều có thể quay lại cuộc sống bình thường, khỏe mạnh mà không mắc phải các bệnh phụ đi kèm. Tuy nhiên, kể từ năm 1960, sự gia tăng tuổi thọ chủ yếu nhờ vào việc kéo dài tuổi thọ cho người trên 60 tuổi. Thay vì cứu sống nhiều người trẻ hơn, chúng ta đang kéo dài sự sống cho người cao tuổi.

"Người Mỹ bất tử" luôn muốn tin vào khả năng "rút ngắn giai đoạn suy kiệt". ;Thuyết "rút ngắn giai đoạn suy kiệt" được phát triển vào năm 1980 bới James F. Fries, hiện là giáo sư y khoa danh dự tại Đại học Stanford. Thuyết này cho rằng nếu chúng ta kéo dài tuổi thọ lên đến khoảng 80 đến 90 thì chúng ta sẽ sống một cuộc sống khỏe mạnh hơn, chúng ta sẽ có nhiều thời gian hơn trước khi bị tàn phế và về tổng thể sẽ có ít khuyết tật hơn. Nói cách khác, với tuổi thọ cao hơn, khoảng thời gian bị suy kiệt trong cuộc sống của chúng ta sẽ giảm đi.

Rút ngắn giai đoạn suy kiệt là một ý tưởng tinh túy của người Mỹ. Nó cho chúng ta biết chính xác thứ chúng ta muốn tin: rằng chúng ta sẽ sống lâu hơn và chết một cách nhanh chóng mà không phải chịu đau đớn hay suy giảm thể chất, thứ luôn đi kèm với sự già đi của chúng ta. Nó hứa hẹn một cuộc sống tràn đầy tuổi trẻ khi thời gian của cái chết không ngừng lùi xa. Đây là một giấc mộng hay một viễn tưởng khiến "người Mỹ bất tử" quan tâm và đầu tư vào các biện pháp y học nhằm tái tạo hay thay thế các cơ qua, bộ phận cơ thể.

Nhưng khi cuộc sống trở nên dài lơn, liệu nó có tốt cho sức khỏe hơn không? Liệu 70 tuổi có được như 50 tuổi?

Tác giả bài viết tại bàn làm việc của mình ở Đại học Pennsylvania (Ảnh: The Atlantic)

Không hẳn là vậy. Đúng là so với những thế hệ 50 năm trước thì người lớn tuổi ngày nay ít bị liệt hơn và cũng linh hoạt hơn. Nhưng trong những năm gần đây, tăng tuổi thọ dường như kèm theo sự gia tăng số người bại liệt, chứ không hề giảm đi. Eileen Crimmins, một nhà nghiên cứu tại Đại học Southern California, và một đồng sự đã đánh giá về khả năng vận động của người lớn. Nhóm nghiên cứu đã phân tích số liệu từ Bảng khảo sát sức khỏe toàn dân (National Health Interview Survey) xem số người có thể đi bộ 400m, leo 10 tầng lầu, đứng hoặc ngồi trong 2 giờ, có thể gập người hoặc quỳ gối mà không cần dụng cụ hỗ trợ. Kết quả được thống kê đã thể hiện sự suy giảm dần về mặt thể chất theo độ tuổi. Quan trọng hơn là Crimmins phát hiện rằng từ năm 1998 đến năm 2006, số người lớn tuổi bị mất khả năng vận động tăng lên đáng kể. Năm 1998, khoảng 28% nam giới tại Mỹ có đội tuổi trên 80 bị hạn chế khả năng vận động; đến năm 2006, con số này là gần 42%. Đối với nữ giới thì con số còn lớn hơn, đạt hơn 50%. Crimmins kết luận rằng: Có sự "gia tăng thời gian sinh sống cùng bệnh tật và giảm thời gian sống không mắc bệnh. Kết quả tương tự cho suy giảm khả năng vận động, số năm sinh sống với khả năng vận động bị hạn chế đang gia tăng".

Nhận định này được xác nhận trong một bài thẩm định gần đây về "tuổi thọ khỏe mạnh" được thực hiện bởi Trường Y tế Công cộng Harvard và Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe thuộc Đại học Washington. Các nhà nghiên cứu không chỉ gồm các chuyên gia về thể chất mà còn có các chuyên gia về bệnh tâm thần như suy giảm trí nhớ hay trầm cảm. Họ phát hiện ra rằng thực trạng hiện nay không phải là giảm thời gian bệnh tật mà là mở rộng nó, "có sự gia tăng thời gian tuyệt đối bị mất khả năng vận động khi tuổi thọ cao hơn".

Vì sao lại vậy? Bố của tôi có thể là một ví dụ. Khoảng một thập kỷ tước, trong lần sinh nhật thứ 77 của mình, ông đã bắt đầu thấy đau ở vùng bụng. Ông cho rằng nó không phải điều gì quan trọng. Nhưng sau ba tuần mà không có tiến triển gì, ông đã phải gặp bác sĩ. Cuối cùng, bác sĩ phát hiện ông bị đau tim và phải đặt ống thông tim. Kể từ đó, ông không còn được như trước nữa. Trước đây ông từng rất hoạt bát thì đột nhiên ông đi đứng, nói năng hay khả năng nhận biết chậm đi. Đến nay thì ông vẫn có thể bơi lội, đọc báo, gọi điện cho cháu và sinh sống cùng mẹ tôi ở quê. Nhưng mọi thứ đều rất chậm rãi. Mặc dù ông sống sót qua cơn đau tim nhưng không ai dám chắc ông vẫn đang có một cuộc sống thú vị. Khi nói chuyện với tôi, bố tôi cho biết mình "đã chậm đi rất nhiều. Đó là sự thật. Bố không còn đi vòng vòng ở bệnh viện hay đi dạy được nữa". Dù vậy, ông bảo rằng mình vẫn vui vẻ.

Như Crimmins nhận định, trong hơn 50 năm qua, chăm sóc y tế không làm chậm sự lão hóa nhiều như cách nó làm chậm cái chết. Và, như bố tối mô tả, quá trình hấp hối dường như đang kéo dài ra. Cái chết thường là do biến chứng của các bệnh mãn tính như bệnh tim, ung thư, đột quỵ, Alzheimer's, tiểu đường…

Lấy đột quỵ làm ví dụ. Tin tốt là chúng ta đã có thể giảm rất nhiều ca tử vong do đột quỵ. Giữa năm 2000 và 2010, số ca tử vong do đột quỵ đã giảm hơn 20%. Và tin xấu là rất nhiều trong số 6,8 triệu người Mỹ sống sót sau khi đột quỵ bị bại liệt hoặc không thể nói chuyện. Và ước tính có hơn 13 triệu người Mỹ sống sót sau cơn đột quỵ "âm thầm" bị rối loạn chức năng não như sai lệch trong suy nghĩ, thay đổi tâm trạng và giảm khả năng nhận thức.

Vì vậy, "người Mỹ bất tử" có thể sống lâu hơn thế hệ trước nhưng dường như tỉ lệ bị mất khả năng vận động và thần kinh cao hơn. Điều này có phải thứ bạn mong muốn? Đối với tôi thì câu trả lời chắc chắn là không.

Thậm chí tình hình sẽ còn đang lo ngại hơn khi chúng ta phải đối mặt với khả năng tồi tệ nhất: sống chung với chứng bại liệt và các chứng rối loạn tâm thần. Hiện có xấp xỉ 5 triệu người Mỹ trên 65 tuổi mắc chứng Alzheimer's; cứ 3 người Mỹ trên 85 tuổi sẽ có 1 người mắc Alzheimer's. Và sẽ không có viễn cảnh nào tốt xảy ra trong vài thập kỷ tới. Gần đây, nhiều thử nghiệm về các loại thuốc phòng ngừa bệnh Alzheimer's đã thất bại thảm hại đến nỗi các nhà nghiên cứu đã phải xem xét lại toàn bộ mô hình bệnh lý đã cũng cấp thông tin cho các nghiên cứu trong nhiều thập kỷ qua. Thay vì dự đoán khả năng chữa trị trong tương lai thì nhiều nghiên cứu đã cảnh báo về một "cơn sóng thần" mất trí nhớ sẽ ập đến, đến năm 2050, số người Mỹ cao tuổi mắc chứng mất trí nhớ sẽ tăng khoảng 300%.

Một nửa số người Mỹ trên 80 tuổi bị hạn chế chức năng cơ thể. Một phần ba số người Mỹ trên 85 tuổi mắc chứng Alzheimer's. Cho nên vẫn còn rất, rất nhiều người lớn tuổi không bị hạn chế chức năng vận động và thần kinh. Nếu chúng ta là người may mắn thì vì sao nên dừng lại ở tuổi 75? Tại sao không sống thọ nhất có thể?

Dù chúng ta không phát điên thì chức năng thần kinh của chúng ra vẫn sẽ dần suy thoái khi tuổi càng cao. Tốc độ xử lý của hệ thần kinh, tốc độ làm việc, trí nhớ dài hạn và cả khả năng giải quyết vấn đề đã được chứng minh là sẽ giảm dần theo năm tháng. Chúng ta không thể tập trung và đi theo một dự định nào đó như khi chúng ta còn trẻ. Ngoài việc di chuyển chậm ra thì khi về già, suy nghĩ của chúng ta cũng sẽ chậm đi.

Bộ não của chúng ta không chỉ chậm đi mà chúng ta còn thật sự đánh mất khả năng sáng tạo. Khoảng một thập kỷ trước, tôi bắt đầu làm việc với một nhà kinh tế học sức khỏe nổi tiếng, lúc đó ông đã bước sang tuổi 80. Sự hợp tác của chúng tôi mang lại hiệu quả đáng kinh ngạc. Chúng tôi đã xuất bản nhiều bài viết tác động đến quá trình tranh luận xung quanh việc cải cách chăm sóc sức khỏe. Cộng sự của tôi là một người rất thông minh và ông vẫn đang là một cộng tác viên chính. Năm nay ông sẽ chào đón sinh nhật lần thứ 90. Nhưng đây là một trường hợp ngoại lệ, một trường hợp cực kỳ hiếm có.

Suy nghĩ về "người Mỹ bất tử" được hình thành trên việc họ cho rằng mình sẽ là những trường hợp ngoại lệ như vậy. Nhưng trên thực tế, khi ở tuổi 75, hầu hết chúng ta gần như đều đã mất đi sự sáng tạo, độc đáo và năng suất làm việc. Einstein từng nói "Trước 30 tuổi mà chưa có cống hiến lớn cho khoa học thì sẽ không bao giờ làm được". Đánh giá này khá cực đoan. Và sai. Dean Keith Simonton đến từ Đại học California (Davis) là tác giả của một nghiên cứu điển hình về tuổi tác và độ sáng tạo. Ông đã tổng hợp số liệu từ nhiều nghiên cứu và chứng minh mối liên hệ giữa tuổi và sự sáng tạo là một đường cong: sự sáng tạo gia tăng nhanh khi bắt đầu lập nghiệp, đạt đỉnh vào khoảng 20 năm trong sự nghiệp, xét theo độ tuổi là khoảng 40-45; và sau đó độ sáng tạo sẽ giảm dần khi tuổi tác càng cao. Xét trên từng lĩnh vực sẽ có một số khác biệt, tuy nhiên nó không quá lớn.

Hiện tại, tuổi trung bình khi các nhà vật lý học bắt đầu tiến hành nghiên cứu giúp đạt giải Nobel (không phải thời điểm nhận giải) là 48 tuổi. Các nhà nghiên cứu lý thuyết về vật lý và hóa học sẽ có đóng góp lớn ở độ tuổi trẻ hơn một chút so với các nhà nghiên cứu thực nghiệm. Tương tự, nhà thơ có xu hướng đạt đỉnh sáng tạo sớm hơn tác giả tiểu thuyết. Nghiên cứu của Simonton riêng về nhà soạn nhạc cho thấy một số nhà soạn nhạc kinh điển cho ra tác phẩm nổi tiếng đầu tiên ở độ tuổi 26, đạt đỉnh sự nghiệp ở năm 40 tuổi với những tác phẩm hay nhất và hiệu suất làm việc tối đa. Sau đó, sự nghiệp sẽ dần chậm lại và bản nhạc cuối cùng sẽ được soạn ra ở tuổi 52. (Toàn bộ đối tượng nghiên cứu đều là nam giới).

Đường cong thể hiện quan hệ giữa tuổi tác và sự sáng tạo được tạo ra từ phép thống kê, là sản phẩm của phép tính trung bình; nếu xét trên từng cá nhân sẽ có sự chênh lệch nhất định. Thật vậy, hầu hết ai làm việc trên lĩnh vực sáng tạo cũng đều nghĩ họ sẽ có thể sáng tạo mãi mãi, như người cộng sự của tôi vậy. Cũng có những người phát triển sự sáng tạo muộn hơn. Có những người có thể tiếp tục sáng tạo sau tuổi 75 như viết lách, vẽ, điêu khắc hay viết nhạc. Nhưng nó không làm thay đổi biểu đồ vì theo định nghĩa thì đó chỉ là một số trường hợp ngoại lệ. Hơn nữa, chúng ta cần đặt ra câu hỏi rằng những "nhà sáng tạo già" có bao nhiêu sản phẩm là mới lạ và bao nhiêu là lặp lại cái đã có. Đường cong của sự sáng tạo và tuổi tác, đặc biệt là giai đoạn xuống dốc, đã tồn tại xuyên suốt qua các nền văn hóa và lịch sử, từ đó đưa ra một số thuyết sinh học chuyên sâu có thể liên quan đến độ "mềm dẻo" của não bộ.

Về mặt sinh học, chúng ta chỉ có thể suy đoán. Mối liên kết giữa các nơ-ron thần kinh là kết quả của quá trình chọn lọc tự nhiên đầy khắc nghiệt. Liên kết nơ-ron được sử dụng nhiều hầu hết đều sẽ được gia cố và duy trì. Trong khi đó, các liên kết hiếm khi được sử dụng sẽ dần teo lại và biến mất. Mặc dù sự linh hoạt của não bộ vẫn tồn tại nhưng chúng ta sẽ không thể khôi phục hoàn toàn như trước. Khi già đi, bộ não đã hình thành một mạng lưới kết nối rất lớn được tạo ra từ trải nghiệm, suy nghĩ, cảm xúc, hành động và ký ức. Chúng ta sẽ phụ thuộc vào con người của chúng ta trước đây.

Để sáng tạo ra được một suy nghĩ mới là khá khó khăn (nhưng không phải là không thể) vì chúng ta không thể phát triển một mạng liên kết nơ-ron mới để thay thế mạng lưới đã có. Do vậy mà những người lớn tuổi sẽ gặp khó khăn hơn trong việc học một ngôn ngữ mới. Hay tất cả các câu đố suy luận đều là những nỗ lực nhằm làm chậm quá trình suy thoái mạng lưới nơ-ron mà chúng ta đang có. Một khi bạn đã "vắt hết chất xám" từ mạng lưới thần kinh tạo nên bằng cả sự nghiệp của mình, chúng dường như sẽ không còn khả năng phát triển những liên kết mới mạnh mẽ để thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo. Ngoại trừ một số trường hợp thuộc nhóm thiểu số được trời ban cho bộ não vượt trội, như người cộng sự tôi đã kể trên.

Có thể các chức năng thần kinh, như xử lý, ghi nhớ, giải quyết vấn đề… sẽ chậm lại ở tuổi 75. Có thể việc tạo ra một thứ gì đó đột phá ở tầm tuổi đó là rất hiếm có. Nhưng đó phải chăng là một sự ám ảnh kỳ lạ? Liệu có thứ gì quan trọng với cuộc sống hơn là hoàn toàn khỏe mạnh và tiếp tục đóng góp cho di sản sáng tạo của nhân loại?

Một giáo sư đại học kể với tôi rằng ở tuổi của ông (70 tuổi), tần suất xuất bản các bài viết đang thưa dần nhưng ông đang đóng góp theo một cách khác. Ông hướng dẫn sinh viên, giúp chúng chuyển hóa niềm đam mê thành những dự án nghiên cứu và đưa ra lời khuyên giúp cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình. Mọi lĩnh vực đều cần những người như ông, "người dẫn đường" cho thế hệ kế tiếp.

Cố vấn là điều cực kỳ quan trọng. Nó giúp chúng ta chuyển hóa những kiến thức chung thành thực tiễn dựa trên sự uyên bác của người đi trước. Những người có thâm niên cao chưa nghỉ hưu và không còn sáng tạo như trước thường bị đánh giá thấp và cho nghỉ việc để nhường chỗ lại cho người trẻ hơn. Nhưng điều đó cũng làm sáng tỏ một vấn đề chính của tuổi tác: sự suy thoái của tham vọng và kỳ vọng.

Chúng ta thỏa hiệp với những hạn chế về thể chất và tinh thần. Kỳ vọng của chúng ta sẽ giảm đi. Một khi đã nhận thức được khả năng của bản thân đang suy giảm, chúng ta sẽ nhận các hoạt động cũng như dự án giới hạn hơn để có thể đảm bảo khả năng hoàn thành. Quá trình này sẽ diễn ra gần như không thể nhận thấy được. Trải qua thời gian, chúng ta sẽ thay đổi cuộc sống của bản thân mà không có sự lựa chọn lý trí. Chúng ta không nhận thấy mình đang khao khát và đang làm việc ít dần đi.

Vì vậy mà chúng ta vẫn có thể vẽ được một bức tranh mới, nhưng kích thước đang dần bé lại. "Người Mỹ bất tử" thường là một người từng rất nổi tiếng trong nghề nghiệp hay cộng đồng của họ, những người này thường chọn những thú vui như mua sắm, ngắm chim, đạp xe, làm đồ gốm… Và sau đó, khi khả năng đi lại trở nên khó khăn hơn, hay nhưng cơn đau do viêm khớp làm ngón tay kém linh hoạt, cuộc sống của họ sẽ chỉ còn xoay quanh chiếc ghế bành, ngồi đọc hoặc nghe một cuốn sách nào đó và giải đố ô chữ. Có thể sau đó…

Có thể những gì nói trên quá phiến diện. Cuộc sống còn rất nhiều điều hơn là những đam mê của tuổi trẻ được dồn hết vào sự nghiệp và sáng tạo. Về sau, chúng ta còn có con cái, cháu chắt.

Nhưng sống càng lâu sẽ càng có những nhược điểm mà thường thì chúng ta sẽ không thừa nhận chúng. Tôi sẽ tạm bỏ qua thứ rất thực tế là vấn đề tài chính và áp lực nhất là gánh nặng người chăm sóc, là những thừ mà người trưởng thành đang phải trải qua. Họ bị kẹt giữa trách nhiệm chăm sóc giữa con cái và bố mẹ, một thế hệ "bánh mì kẹp thịt". Việc chúng ta sống quá lâu sẽ đặt một khối lượng cảm xúc lớn lên vai con cái của mình.

Trừ khi có vấn đề kinh khủng nào đó thì không một đứa con nào muốn bố mẹ mình ra đi cả. Đó là một sự mất mát to lớn, dù ở bất cứ lứa tuổi nào. Nó sẽ tạo ra một lỗ hổng lớn trong chúng ta mà không thể nào lấp đầy được. Nhưng phụ huynh cũng là một cái bóng lớn đối với hầu hết những đứa trẻ. Dù bị lạnh nhạt, xa cách hay yêu thương sâu sắc, các bậc phụ huynh đều đặt ra kỳ vọng, đưa ra nhận xét, áp đặt ý kiến ​​của mình, can thiệp và nói chung là luôn có một sự hiện diện nào đó trong những đứa trẻ, ngay cả khi đã trưởng thành. Có thể đó là điều tuyệt vời nhưng cũng có thể gây ra phiền phức. Dù những thứ đó có thể tàn phá quan hệ gia đình, nhưng chừng nào bố mẹ chúng ta còn sống thì đó là điều hiển nhiên không thể tránh khỏi. Và con cái sẽ không bao giờ có thể hoàn toàn thoát khỏi những áp lực đó ngay cả khi bố mẹ đã qua đời, chỉ là áp lực đạt được kỳ vọng của phụ huynh sẽ vơi bớt đi mà thôi.

Bố mẹ khi còn sống cũng sẽ đóng vai trò là người đứng đầu trong gia đình. Điều đó sẽ khiến con cái khi trưởng thành khó có thể thành một người đứng đầu trong gia đình một cách thực thụ. Khi chúng ta sống đến năm 95 tuổi, con cái sẽ phải chăm sóc chúng ta đến khi chúng nghỉ hưu. Điều đó khiến chúng không còn nhiều thời gian cho bản thân và lúc đó thì cả bố mẹ lẫn con cái đều đã già. Khi chúng ta ở tuổi 75, quan hệ giữa con cái – bố mẹ sẽ tràn đầy niềm vui nhất và con cái cũng sẽ có đủ thời gian cho bản thân chúng, thời gian dành cho thế giới bên ngoài cái bóng của phụ huynh.

Nhưng có những thứ thậm chí còn quan trọng hơn cái bóng do phụ huynh tạo ra: ký ức. Chúng ta muốn được con cháu nhớ đến với những ký ức như thế nào? Chúng ta luôn muốn con cháu nhớ đến mình với hình ảnh đẹp nhất. Năng động, hoạt bát, gắn bó, sắc sảo, nhiệt tình, hài hước, ấm áp, tràn đầy yêu thương. Chứ không phải khom lưng, chậm chạp, hay quên và lặp đi lặp lại câu "Con nói gì đấy?". Chúng ta muốn được nhớ đến là một người độc lập, chứ không phải là một gánh nặng.

Ở tuổi 75, dù cách lựa chọn hơi tùy tiện, chúng ta đã đạt những kỷ niệm độc nhất trong một cuộc sống đầy đủ và phong phú; và hy vọng là đã có những ký ức đẹp đẽ với con cái của chúng ta. Sống trong giấc mộng của những "người Mỹ bất tử" sẽ làm gia tăng khả năng chúng ta không đạt được những mong muốn đó. Những ký ức về sự sống tràn đầy sẽ dần thay thế bằng sự đau khổ khi về cuối đời. Đúng vậy, con cái chúng ta sẽ cố gắng nhớ lại những kỷ niệm tuyệt vời như kỳ nghỉ cả gia đình, một kỷ niệm vui trong Lễ Tạ ơn hay một hành động đáng xấu hổ trong đám cưới. Nhưng những năm gần nhất, nhưng năm cơ thể suy kiệt và cần sự chăm sóc, sẽ trở thành những ký ức nổi bật nhất. Những chuyện vui trước kia sẽ cần phải được "đào xới" lên một cách chủ động.

Tất nhiên, là bậc con cái thì sẽ không thừa nhận điều đó. Chúng yêu quý bố mẹ của mình và sợ phải đối mặt với sự mất mát khi bố mẹ ra đi. Sẽ có những mất mát lớn. Chúng không muốn đối mặt với sự ra đi của bố mẹ, cũng không mong muốn bố mẹ phải ra đi. Nhưng thậm chí dù chúng ta không muốn trở thành gánh nặng của con cái, cái bóng chúng ta tạo ra cho đến khi con cái trưởng thành vẫn sẽ là một mất mác lớn. Và để lại cho con cái những ký ức sâu sắc, và cả những đứa cháu, nhưng lại không phải là sự hoạt bát mà là sự yếu đuối, đó sẽ là một bi kịch.

Tác giả bài viết cùng hai cháu ngoại trong chuyến leo núi Kilimanjaro

75. Đó là số năm tôi muốn được sống. Nhưng nếu tôi không an tử hay tự sát ở tuổi đó, và chắc chắn tôi sẽ không làm vậy, thì mọi thứ sẽ chỉ là tán phét ư? Có phải tôi thiếu can đảm với niềm tin của bản thân?

Không. Cách nhìn nhận của tôi có những ý nghĩa thực tiễn quan trọng. Một là ý nghĩa cá nhân và hai là liên quan đến chính sách.

Một khi đã bước qua ngưỡng 75, cách tiếp cận với sự chăm sóc y tế của tôi sẽ hoàn toàn khác. Tôi sẽ không chủ động kết thúc cuộc sống của mình. Nhưng cũng không tìm cách kéo dài nó. Hiện tại, khi bác sĩ khuyến cáo xét nghiệm hay một liệu pháp chữa trị nào đó, đặc biệt là để kéo dài tuổi thọ, chúng ta có trách nhiệm phải đưa ra lý do chính đáng rằng chúng ta không cần nó. Động lực của y học và gia đình là chúng ta gần như luôn đồng ý.

Thái độ của tôi hoàn toàn đi ngược với những gì người khác nhận định về vấn đề này. Tôi đúc kết từ hướng dẫn của William Osler viết trong cuốn sách y khoa nổi tiếng The Principles and Practice of Medicine (Nguyên tắc và thực hành y học): "Viêm phổi có thể xem là người bạn của tuổi già. Khi ra đi bởi những bệnh cấp tính, thời gian ngắn và ít đau đớn, người già sẽ có thể thoát khỏi giai đoạn ‘trì hoãn sự ra đi lạnh lẽo' khiến chính người đó và cả bạn bè đau buồn".

Triết lý mà tôi lấy cảm hứng từ Osler là: Ở tuổi 75 trở lên, tôi sẽ cần một lý do để đến gặp bác sĩ thường xuyên và thực hiện mọi bài kiểm tra sức khỏe hoặc phương pháp điều trị, không cần quan tâm mức độ thường xuyên hay có đau đớn không. Và lý do đó sẽ không phải là "Nó sẽ giúp kéo dài tuổi thọ". Tôi sẽ ngưng thực hiện bất cứ xét nghiệm sàng lọc, tầm soát hay phòng ngừa thông thường. Tôi sẽ chỉ chấp nhận các phương pháp điều trị giảm nhẹ, không phải chữa trị, nếu tôi bị đau hoặc các loại suy giảm khả năng vận động.

Có nghĩa là nội soi đại tràng và các xét nghiệm tầm soát ung thư sẽ hoàn tất trước tuổi 75. Nếu tôi được chẩn đoán mắc ung thư ở thời điểm hiện tại, ở độ tuổi 57, có thể tôi sẽ chữa trị, trừ khi tiên lượng tình trạng của tôi cực kỳ xấu. Lần nội soi đại tràng cuối cùng của tôi sẽ ở tuổi 65. Tôi sẽ không tầm soát ung thư tuyến tiền liệt. (Khi một bác sĩ tiết niệu cho tôi làm xét nghiệm PSA ngay cả khi tôi trả lời là không cần thiết, ông ấy đã gọi và thông báo kết quả, tôi gác máy ngay trước bác sĩ kịp nói kết quả. Tôi trả lời lại với ông ấy rằng người cần kết quả đó là bác sĩ, chứ không phải tôi). Sau tuổi 75, nếu tôi mắc ung thư, tôi sẽ từ chối chữa trị. Tương tự, tôi sẽ không kiểm tra độ căng thẳng tim, sẽ không gắn máy tạo nhịp tim và chắc chắn là không cấy máy khử rung tim. Tôi cũng không phẫu thuật thay thế hay đặt ống thông van tim. Nếu tôi mắc phải chứng khí phế thủng hoặc các các chứng liên quan đến các cơn tức giận thường xuyên khiến phải nhập viện, tôi sẽ chấp nhận điều trị để giảm sự khó chịu do ngạt thở, nhưng tôi sẽ từ chối cắt bỏ.

Còn những bệnh đơn giản thì sao? Tôi sẽ ngừng tiêm phòng cúm. Thông thường, nếu xảy ra một dịch cúm, những người trẻ chưa có một cuộc sống hoàn chỉnh nên được tiêm phòng hoặc sử dụng thuốc khác vi-rút. Một thách thức lớn là kháng sinh cho bệnh viêm phổi hay nhiễm trùng da và tiết niệu. Thuốc kháng sinh khá rẻ và có hiệu quả cao trong việc chữa trị các bệnh nhiễm trùng. Rất khó để chúng ta từ chối sử dụng chúng. Thật vậy, ngay cả những người chắc chắn rằng họ không muốn kéo dài tuổi thọ cũng khó mà từ chối sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, như Osler đã nói, không giống với sự suy kiệt do các bệnh mãn tính, cái chết từ những bệnh này thường nhanh chóng và ít đau đớn. Vì thế, không kháng sinh.

Tôi sẽ viết sẵn và ghi âm lại yêu cầu gồm không hồi sức cấp cứu cùng một văn bản cam kết không dùng máy thở, lọc máu, phẫu thuật, sử dụng kháng sinh hay bất cứ biện pháp y tế nào khác, không sử dụng bất cứ biện pháp nào trừ chăm sóc làm giảm nhẹ triệu chứng, ngay cả khi tôi có ý thức nhưng không đủ năng lực nhận thức. Nói ngắn gọn là không có bất cứ phương pháp cứu lấy sự sống nào được áp dụng. Tôi sẽ tạm biệt thế giới này ngay khi căn bệnh nào đó đến và đưa tôi đi.

Với hàm ý trong hai yêu cầu trên, một cái liên quan đến việc sử dụng tuổi thọ kéo dài như thước đo chất lượng ngành chăm sóc y tế. Nhật Bản là nước có tuổi thọ cao thứ 3 thế giới với 84,4 tuổi (đứng sau Monaco và Ma Cao), xấu hổ thay nước Mỹ chỉ nằm tại vị trí thứ 42 với 79,5 tuổi. Nhưng chúng ta không nên quan trọng hóa vấn đề bắt kịp hay vượt qua Nhật Bản. Nếu một quốc gia có độ tuổi trung bình đều vượt qua mốc 75 tuổi ở cả nam và nữ thì thước đo này không còn quan trọng nữa. (Có một ngoại lệ là việc tăng tuổi thọ của một nhóm cộng đồng, ví dụ với nam giới người da đen, nhóm này có tuổi thọ trung bình chỉ 72,1 tuổi. Chính điều này mới là thứ cần được chú ý.)

Thay vào đó, chúng ta nên quan tâm hơn vào chăm sóc sức khỏe cho trẻ em. Đây là một vấn đề mà nước Mỹ đang tụt hậu và đáng xấu hổ thay: các ca sinh non trước tuần thứ 37 của thai kỳ (tỉ lệ hiện nay ở Mỹ là 1/8) đều dẫn đến một số hệ quả gồm thị lực kém, bại não và một số vấn đề khác liên quan đến khả năng phát triển của não bộ; tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cao (tỉ lệ của Mỹ là 6,17/1.000 trẻ, trong khi Nhật Bản là 2,13 và Na Uy là 2,48); và cả tỉ lệ tử vong ở tuổi vị thành niên cũng tương tự (Mỹ đang giữ một kỷ lục đáng kinh hoàng ở mục này, tỉ lệ cao nhất trong số các nước đang phát triển).

Vấn đề thứ hai liên quan đến vấn đề nghiên cứu về y sinh. Chúng ta cần nhiều nghiên cứu hơn về chứng Alzheimer's, sự gia tăng tình trạng suy giảm vận động ở người già và các bệnh mãn tính mà không nằm trong giai đoạn hấp hối kéo dài.

Sẽ có nhiều người phản đối quan điểm của tôi, đặc biệt là những người ủng hộ "người Mỹ bất tử". Họ sẽ đưa ra mọi trường hợp ngoại lệ như thể chúng có thể chứng minh toàn bộ phần lý luận cốt lõi trong quan điểm của tôi là sai. Cũng giống như những người quen của tôi, họ sẽ nghĩ tôi bị điên hay tệ hơn là cố chấp. Họ cũng có thể cho rằng tôi đang chống lại tầng lớp người cao tuổi.

Một lần nữa, tôi xin làm rõ rằng: Tôi không cho rằng những người muốn sống lâu là phi đạo đức hay sai trái. Chắc chắn tôi không khinh miệt hay chối bỏ những người muốn được sống lâu hơn bất chấp những hạn chế về mặt thể chất và tinh thần. Thậm chí, tôi còn chưa từng thuyết phục ai đo rằng tôi đúng. Thay vì vậy, tôi thường khuyên những người cùng độ tuổi lựa chọn các chương trình chăm sóc y tế tốt nhất tại Mỹ phù hợp với tình trạng của họ. Đó là lựa chọn của họ và tôi ủng hộ sự lựa chọn đó.

Và tôi cũng không ấn định con số 75 là con số chuẩn cho một đời người để tiết kiệm nguồn lực chăm sóc sức khỏe hay việc giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách công khi tuổi thọ trung bình tăng lên. Điều tôi đang cố gắng làm là trình bày rõ ràng quan điểm của mình về một cuộc sống tốt đẹp và giúp bạn bè tôi cũng như những người trưởng thành khác nghĩ về cách họ sẽ sống khi về già. Tôi muốn họ nghĩ về những cách để chống chọi với những hạn chế khiến cơ thể chậm chạp đi và khát vọng đang dần cạn kiệt bởi tuổi già. Bạn sẽ chọn quan điểm nào? "Người Mỹ bất tử" hay "sống đến năm 75 là đủ" của tôi?

Tôi nghĩ nếu bạn có phản đối quan điểm của tôi cũng là điều hiển nhiên. Sau cùng thì quá trình tiến hóa đã khắc sâu vào bản năng của chúng ta là sống càng lâu càng tốt. Chúng ta được "lập trình" để sinh tồn. Do vậy, hầu hết mọi người sẽ cảm thấy quan điểm "sống đến năm 75 tuổi là đủ" của tôi hoàn toàn sai trái. Hầu hết người Mỹ đều lạc quan và luôn tìm kiếm giới hạn của bản thân, đặc biệt là những giới hạn áp đặt lên cuộc sống của họ. Ai cũng sẽ chắc chắn mình là một trường hợp ngoại lệ.

Tôi cũng nghĩ rằng một số người có thể sẽ viện dẫn vài lý do tâm linh và hiện sinh để khinh bỉ và phản đối quan điểm của tôi. Nhiều người trong chúng ta ắt hẳn cũng từng nghĩ về Chúa, thiên đường, địa ngục hay liệu chúng ta có đầu thai thành những con sâu. Chúng ta cũng thường tránh những suy nghĩ về mục đích sống hay dấu ấn mà chúng ta để lại cho đời. Kiếm tiền hay theo đuổi đam mê, tất cả những điều ấy có xứng đáng không? Thật vậy, hầu hết chúng ta đã tìm ra cách để sống thoải mái mà không cần thừa nhận, đó là thường xuyên bỏ qua những câu hỏi trên. Chúng ta đã tự tạo nên một thói quen để giúp bản thân bỏ qua chúng một cách hiệu quả. Và tôi cũng không có ý định đi tìm câu trả lời.

Con số 75 giúp xác định mốc thời gian rõ ràng, với tôi là năm 2032. Nó giúp loại bỏ những suy nghĩ mông lung về việc làm sao để sống lâu nhất có thể. Sự cụ thể của nó buộc chúng ta phải suy nghĩ về giai đoạn cuối của cuộc đời mình và đi sâu vào những câu hỏi hiện sinh sâu sắc nhất, và suy nghĩ về những thứ chúng ta muốn để lại cho con cháu, cộng đồng, đồng bào và thế giới này. Đặt ra thời hạn cũng buộc chúng ta phải đặt ra câu hỏi liệu mức tiêu dùng của bản thân đã xứng đáng với những đóng góp cho xã hội hay chưa. Tính cụ thể của con số 75 là chúng ta không thể tiếp tục bỏ qua những câu hỏi đó và duy trì cuộc sống dễ dàng, được xã hội chấp nhận. Với tôi, 18 năm nữa để vượt qua những câu hỏi này tốt hơn so với nhiều năm cố gắng bám víu từng ngày và tìm cách quên đi nỗi đau tinh thần mà khoảng thời gian đo mang lại, cũng như chịu đựng nỗi đau thể xác của giai đoạn hấp hối kéo dài.

75 năm là khoảng thời gian mà tôi muốn sống. Tôi muốn ăn mừng cuộc đời của mình khi tôi vẫn còn khỏe mạnh. Con gái tôi và những người bạn sẽ tiếp tục thuyết phục rằng tôi đã sai và tôi có thể sống một cuộc sống ý nghĩa dài hơn thế. Nếu vậy, có nghĩa là tôi vẫn có thể tiếp tục sáng tạo sau tuổi 75.

Minh Bảo (Nguồn The Atlantic)

Chủ đề khác