VnReview
Hà Nội

Âm nhạc tác động đến não bộ chúng ta như thế nào?

Âm nhạc đã hiện hữu trong đời sống thường nhật của hết thảy các dân tộc trên thế giới ngay từ cổ đại xa xưa. Cách đây 40.000 năm, những người cổ đại sống trong hang động châu Âu đã biết chơi sáo làm từ xương động vật. Âm nhạc đã phát triển và truyền cảm hứng theo vô số cách qua nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Liệu âm nhạc có tác động đến não bộ không?

Âm nhạc ảnh hưởng tới trí não

Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng âm nhạc có ảnh hưởng đến các bộ phận khác nhau của não bộ. Vỏ não vận động và tiểu não giúp phối hợp các bước nhảy của bạn theo nhịp điệu. Hơn nữa, hạch hạnh nhân và nhân cạp cũng là "thủ phạm" khiến bạn bật khóc nức nở khi nghe bài hát ‘Perfect' của Ed Sheeran. Tuy nhiên, những ảnh hưởng này chỉ mới là bước đầu.

Âm nhạc và Trí nhớ

Âm nhạc cũng có thể cải thiện trí nhớ! Bạn đã bao giờ phải vật lộn để nhớ bảng cửu chương, nhưng có thể hát ‘Bad Romance' trong giấc ngủ? Nếu có thì bạn không cô đơn đâu. Từ lâu, mối liên hệ giữa âm nhạc và trí nhớ đã là một chủ đề được tranh luận sôi nổi, nhưng các nhà nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng việc xử lý ngôn ngữ và âm nhạc đều dựa trên một đường mòn thần kinh chung.

Bằng chứng khoa học cho thấy rằng việc tiếp xúc với âm nhạc trong độ tuổi thiếu niên có tác động đến cảm xúc nhiều hơn so với khi nghe trong những năm trưởng thành. Phát hiện từ nghiên cứu này được sử dụng như một hình thức trị liệu cho những người mắc bệnh Alzheimer. Cụ thể, âm nhạc và lời bài hát được sử dụng để tìm lại ký ức đã mất của những bệnh nhân này. Điều này là do âm nhạc có thể làm tăng sự sản xuất tế bào thần kinh ở hồi hải mã (trung tâm ghi nhớ của não) từ đó giúp họ cải thiện trí nhớ.

Âm nhạc và IQ

Đã có một số tuyên bố cho rằng nghe nhạc cổ điển có thể tăng cường khả năng nhận thức, nhưng sự thật có đúng như vậy không?

"Hiệu ứng Mozart" vẫn là một trong những hiệu ứng được công bố rộng rãi nhất về sự tác động của âm nhạc đối với tâm trí. Các nhà nghiên cứu từ Đại học California đã tìm hiểu xem liệu việc nghe nhạc có ảnh hưởng đến hoạt động nhận thức, đặc biệt là lý luận không gian-thời gian hay không. Sinh viên đại học được chia thành 3 nhóm và trải qua một bài kiểm tra IQ tiêu chuẩn. Một nhóm được nghe nhạc Mozart, nhóm khác nghe một số giai điệu thư giãn, và nhóm cuối cùng không nghe gì cả. Kết quả, những người nghe nhạc cổ điển thì có điểm kiểm tra cao hơn. Khi so sánh với các thể loại nhạc khác cũng bằng cách này, thì nhạc cổ điển vẫn tạo ra kết quả tốt hơn.

Nhưng điều này xảy ra như thế nào?

Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng âm nhạc tạo điều kiện kích thích các tế bào thần kinh ở bán cầu đại não phải. Phần não này chịu trách nhiệm cho chức năng cao hơn. Do đó, nó "khởi động" các tế bào thần kinh này, giúp chúng hoạt động hiệu quả hơn, cho phép xử lý thông tin nhanh hơn. Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Để có tác động lâu dài hơn, các nghiên cứu chỉ ra rằng chúng ta nên học chơi một nhạc cụ. Nó tăng cường khả năng của não để kiểm soát các hoạt động liên quan đến trí nhớ, sự chú ý và kỹ năng về ngôn ngữ.

Âm nhạc và Thể dục

Bạn đã bao giờ tự hỏi rằng liệu việc dành hàng giờ để tạo ra một "workout playlist" cho bản thân có thực sự hữu ích không?

Câu trả lời là có! Âm nhạc sôi động và nhịp nhàng không chỉ làm tăng mức adrenaline trong cơ thể mà còn giải phóng endorphin trong não. Endorphin làm tăng cảm giác phấn khích và giảm căng thẳng. Hơn nữa, nghe nhạc có tác dụng ức chế một phận não có nhiệm vụ ghi nhận sự mệt mỏi. Điều này chỉ có lợi cho các bài tập cường độ thấp đến trung bình. Bởi ngay cả âm nhạc cũng không thể đánh lạc hướng não bộ của chúng ta khỏi sự "tra tấn" của các bài tập cường độ cao.

Âm nhạc và Căng thẳng

Với sự phát triển rõ rệt của các ứng dụng giúp thư giãn bằng âm nhạc thì chắc chắn rằng âm nhạc thực sự làm giảm căng thẳng và lo lắng, ngoài ra nó còn cải thiện chất lượng giấc ngủ. Âm nhạc thư giãn làm giảm mức độ noradrenaline (hormone căng thẳng), giúp bạn chìm vào giấc ngủ bình yên. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng âm nhạc ở khoảng 60 bpm có thể đồng bộ hóa với sóng não alpha, nổi bật khi ta ở trạng thái thoải mái và có ý thức.

Một nghiên cứu với sự tham gia của 80 bệnh nhân phẫu thuật tiết niệu gây tê tủy sống cho thấy rằng âm nhạc có thể làm giảm nhu cầu an thần qua đường tĩnh mạch bổ trợ. Các bệnh nhân trong thử nghiệm này có thể theo dõi lượng thuốc an thần mà họ nhận được trong quá trình phẫu thuật. Những bệnh nhân được chọn ngẫu nhiên để nghe nhạc thì cần ít thuốc an thần hơn những bệnh nhân nghe thấy tiếng ồn trắng hoặc tiếng nói chuyện phiếm, tiếng lách cách của chính phòng mổ. Do đó, âm nhạc đã giúp bệnh nhân đối phó với căng thẳng và lo lắng trong các cuộc phẫu thuật.

Âm nhạc và Trị liệu

Cuối cùng, âm nhạc giúp chữa lành vết thương nhanh hơn. Trong một nghiên cứu được thực hiện tại một bệnh viện ở Áo, người ta quan sát thấy rằng những bệnh nhân hồi phục nhanh hơn và giảm đau sau cuộc phẫu thuật lưng khi quá trình phục hồi chức năng của họ bao gồm liệu pháp âm nhạc. Âm nhạc liên kết hệ thống thần kinh tự chủ, kiểm soát chức năng não và huyết áp, với hệ thống limbic, hệ thống giám sát cảm giác và cảm xúc. Mối liên hệ này có thể hỗ trợ làm giảm các cơn đau do chấn thương.

Phản ứng của cơ thể sẽ phù hợp khi nghe nhạc chậm - nhịp tim chậm lại và huyết áp giảm. Hít thở giúp thư giãn, giảm căng thẳng ở cột sống, cánh tay, lưng và dạ dày. Nghe nhạc chậm hoặc nhẹ nhàng hàng ngày giúp cơ thể chúng ta thư giãn, giảm đau và phục hồi nhanh hơn. Phương pháp này được sử dụng để phục hồi chức năng cho bệnh nhân bị bệnh Parkinson và đột quỵ.

Thật hấp dẫn khi âm nhạc có thể có sức mạnh thay đổi cuộc sống của chúng ta theo đúng nghĩa đen. Theo lời của Friedrich Nietzsche:"Không có âm nhạc, cuộc sống sẽ là một sai lầm".

Zenda theo ScienceABC

Chủ đề khác