VnReview
Hà Nội

Phòng bệnh bằng cách ngăn các hợp chất hóa học trong nhựa ngấm vào thức ăn

Các chất hóa học độc hại có trong thành phần của nhựa như BPA, phthalates gần như phổ biến khắp mọi nơi. Chúng có thể ngấm dần vào thức ăn và là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh đáng sợ. Chuyên gia hóa học phân tử Bruce Blumberg sẽ đưa ra một số lời khuyên giúp giám thiểu sự xâm nhập của các chất này vào cơ thể người.
 

 

Hiện nay, rất nhiều nguồn thông tin đề cập đến việc một số loại hóa chất trong môi trường có thể góp phần gây ra những căn bệnh đáng sợ như béo phì, ung thư vú, hoặc các bệnh liên quan đến tuyến giáp. Chúng dường như có mặt ở khắp mọi nơi: trong thuốc trừ sâu, mỹ phẩm, và đặc biệt là các loại vỏ nhựa. Thật đáng sợ!

Nhà sinh học phân tử Bruce Blumberg đã nghiên cứu mối liên quan giữa những hóa chất tổng hợp với căn bệnh béo phì trong suốt 15 năm xác nhận rằng, thật sự con người đang bị bao vây bởi các hóa chất độc hại. Một trong những chất phổ biết nhất là BPA, hay Bisphenol A, xuất hiện trong hầu hết các loại chai đựng nước, lon, hộp sữa…

bpa

Ông cho biết: "Thậm chí bạn có thể bắt gặp những chất độc này trong các tờ biên lai sử dụng giấy in nhiệt. Tất cả những thứ này đều được phủ bằng Bisphenol A và có thể thẩm thấu qua da."

Chất BPA từng một thời gây xôn xao dư luận rằng liệu nó có thật sự gây hại cho con người hay không. Trong khi các nghiên cứu độc lập và các nghiên cứu do Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) tài trợ, đưa ra các kết luận trái chiều, thì vấn đề trọng tâm là: BPA rất khó bị loại bỏ bởi nó là thành phần quan trọng của polycarbonate, một loại nhựa trong và dẻo. Điều các nhà khoa học quan tâm nhất chính là sự gần gũi của các chất học độc hại đó với thức ăn.

;"Bạn sẽ không muốn đựng thực phẩm trong hộp nhựa nếu biết rằng một lượng nhựa nhất định có thể sẽ từ hộp nhựa đó ngấm vào trong đồ ăn của mình đâu.", Blumberg cho hay.

Các phân tử BPA cấu tạo nên nhựa được liên kết với nhau bằng liên kết este, cực nhạy cảm với nhiệt. Vì vậy, khi hâm nóng thực phẩm đựng trong đồ nhựa, nhiệt độ cao sẽ phá vỡ một số liên kết hóa học, làm giải phóng các hóa chất vào thực phẩm. Một cuộc khảo sát của CDC với 2.517 người ước tính rằng hơn 90% người dân Mỹ tìm thấy tỷ lệ BPA nhất định khi xét nghiệm nước tiểu. Ngoài BPA, còn có Phthalates, hợp chất làm nhựa dẻo, cũng có thể thẩm thấu vào thức ăn khi đun nóng.

Đánh giá của hàng trăm nghiên cứu nhận thấy có mối liên kết giữa BPA và phthalates với bệnh tim, bệnh béo phì, và tiểu đường tuýp 2. Chưa kể sự liên quan giữa phthalates với chứng suy giảm phát triển thần kinh ở trẻ em được phát hiện trong một số đánh giá năm 2015 khiến Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (the American Academy of Pediatrics) đã phải khuyến cáo các gia đình hoàn toàn không để thực phẩm tiếp xúc với nhựa vào năm 2018. Nhiều nghiên cứu trên chuột và khỉ chỉ ra rằng những chất hóa học này có thể dẫn tới các bệnh về phổi, não và cơ quan sinh sản.

chai lọ

Hãy thay thế hoàn toàn các hộp đựng nhựa bằng chất liệu an toàn hơn như sứ hoặc thủy tinh

Vẫn có cách để tránh được nguy cơ từ các hợp nhất độc hại từ nhựa nên bạn đừng quá hoảng sợ. Blumberg gợi ý rằng, tốt nhất là không hâm nóng thức ăn khi sử dụng các sản phẩm nhựa. Hộp đựng được làm từ các hợp chất thay thế BPA không có nghĩa là nó an toàn, bởi các chất thay thế thường là BPS hay BPF cũng đều có khả năng tác động tiêu cực đến cơ thể tương tự. Thay vì nhựa, hãy sử dụng sản phẩm làm từ chất liệu sứ hoặc thủy tinh.

"Bạn cần phải cố gắng hết sức, sao cho hiệu quả mang lại cao nhất mà tốn ít công sức nhất.", Blumberg nói.

Tin tốt là, một khi giảm tiếp xúc, những hóa chất động hại này cũng sẽ từ từ rời khỏi cơ thể bởi chúng được lưu trữ trong các tế bào mỡ, thứ sẽ bị đào thải khi chết đi. Do vậy, đừng quá căng thẳng, chỉ cần cố gắng và đưa ra những chọn lựa thông minh để cải thiện tình hình.

Shirley (theo Business Insider)

Chủ đề khác