VnReview
Hà Nội

Tại sao chúng ta hay bị viêm họng khi giao mùa? Nguyên nhân và cách phòng tránh

Thay đổi thời tiết cơ bản là một sự thách thức đối với hệ thống miễn dịch và hệ cơ xương của chúng ta.

Cơ thể chúng ta đã quen với một khí hậu nhất định, và khi điều đó thay đổi đột ngột, cơ thể chúng ta phải cố gắng thích nghi. Thật không may, đôi khi cơ thể chúng ta gặp khó khăn trong việc điều chỉnh, có thể dẫn đến phát sinh bệnh tật, trong đó có viêm họng.

Tại sao chúng ta hay bị viêm họng khi giao mùa? Nguyên nhân và cách phòng tránh

Viêm họng là tình trạng viêm nhiễm niêm mạc họng và hầu, chứng bệnh phổ biến ở cả trẻ em và người lớn, thường gặp trong thời điểm giao mùa, nhất khi vào mùa đông có tiết trời hanh khô. Không khí lạnh có thể làm khô các mô trong cổ họng và có thể gây kích ứng nghiêm trọng. Các triệu chứng có thể trở nên tồi tệ hơn khi thở bằng miệng chứ không phải bằng mũi.

Ngoài nhiễm trùng do vi khuẩn, phản ứng dị ứng và nhiễm virus - bao gồm cả cảm lạnh hoặc cúm - đều có thể gây ra đau họng. Một số người gặp phải tình trạng này thường xuyên do dị ứng theo mùa. Viêm họng do virus thường đi kèm với các triệu chứng cảm lạnh khác có thể bao gồm chảy nước mũi, ho, đỏ hoặc chảy nước mắt và hắt hơi. Các nguyên nhân khác gây đau họng bao gồm hút thuốc, ô nhiễm hoặc các chất kích thích trong không khí, dị ứng và không khí khô.

Khi bị bệnh, bạn sẽ cảm thấy đau rát ở cổ họng, đặc biệt là khi nuốt, khiến cơ thể mệt mỏi. Thông thường, bệnh sẽ tự khỏi hẳn sau một tuần, mà không để lại biến chứng gì.

Tuy nhiên, đau họng do thay đổi thời tiết cũng dễ bị nhầm lẫn giữa viêm họng, do cảm lạnh hay viêm amidan. Vậy làm sao để phân biệt được?

Phòng ngừa đau họng do thay đổi thời tiết như thế nào?

Cách phòng ngừa đau họng do thay đổi thời tiết không quá khó, chỉ cần chú ý đến vệ sinh răng miệng, mũi họng thường xuyên và hằng ngày. Nên sử dụng nước muối sinh lý (nước muối pha loãng) ấm để súc miệng, nhỏ mũi trước khi đi ngủ hoặc sáng sớm. Tắm nước ấm, không ngồi trước quạt hoặc trong phòng điều hòa sau khi tắm xong. Lưu ý giữ ấm cơ thể khi thời tiết trở lạnh, nhất là với trẻ em không mặt quá nhiều quần áo hoặc quá ít dẫn đến cơ thể quá nóng đổ mồ hôi hoặc quá lạnh. Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất qua dinh dưỡng với thực đơn cân đối các nhóm dưỡng chất như: Tinh bột, chất béo, chất đạm và rau, củ, quả; để cơ thể tăng sức đề kháng.

Đau họng do thay đổi thời tiết điều trị như thế nào?

Mặc dù không có cách chữa khỏi đau họng do virus cảm lạnh mà nó tự khỏi sau một tuần, nhưng vẫn có những cách giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn. Đó là uống nước ấm, súc miệng bằng nước muối ấm, hoặc dùng thuốc không kê đơn có thể làm giảm các triệu chứng đau hoặc sốt. Khi bạn bị đau họng do cảm lạnh, điều quan trọng là phải nghỉ ngơi đầy đủ, ăn uống lành mạnh và uống nhiều nước.

Kinh nghiệm của người viết bài này rút ra là khi thời tiết giao mùa, súc miệng nước muối pha loãng ấm là một "vũ khí" hiệu quả nhất, không chỉ phòng ngừa đau họng mà còn phòng ngừa được cả bệnh nhiệt miệng rất khó chịu nhưng thường xuyên xảy ra.

Ngọc Giao theo WebMD, Medlatec

Chủ đề khác