VnReview
Hà Nội

Nghiên cứu: Lỗ thủng tầng ôzôn trên khu vực Nam Cực đã mở rộng hơn trong năm 2020

Lỗ thủng trên tầng ôzôn ở Nam Cực đã mở rộng đến kích thước được cho là lớn nhất từng được ghi nhận trong vài năm gần đây.

Vào năm 2019, các nhà khoa học tiết lộ, lỗ thủng tầng ôzôn ở Nam Cực đã thu hẹp xuống mức nhỏ nhất kể từ khi bắt đầu theo dõi vào năm 1982 nhưng số liệu cập nhật tới năm 2020 đã phát hiện thấy sự bất thường.

Diego Loyola, quản lý dự án từ Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức giải thích: "Các quan sát của chúng tôi cho thấy lỗ thủng ôzôn trong năm 2020 đã phát triển nhanh chóng kể từ giữa tháng 8 và bao phủ hầu hết lục địa Nam Cực với kích thước trên mức trung bình".

Các đo đạc mới từ chương trình vệ tinh Copernicus Sentinel-5P của Cơ quan Vũ trụ châu Âu phát hiện thấy, lỗ thủng ôzôn đạt kích thước tối đa khoảng 25 triệu km vuông vào ngày 2/10 vừa qua.

Nhà khoa học khí quyển Vincent-Henri Peuch đến từ Trung tâm Dự báo Thời tiết của Châu Âu cho biết: "Mức độ phát triển của các lỗ thủng tầng ôzôn có sự khác biệt qua từng năm. Lỗ thủng tầng ôzôn trong năm 2020 giống lỗ thủng năm 2018, đó là một lỗ thủng lớn và chắc chắn kéo dài suốt 15 năm qua".

Cũng như biến động từ năm này sang năm khác, lỗ thủng tầng ôzôn trên Nam Cực cũng thu nhỏ và mở rộng hàng năm. Nồng độ ôzôn bên trong lỗ thủng này cũng vì thế suy giảm khi nhiệt độ ở tầng bình lưu trở nên lạnh hơn.

Khi các đám mây ở tầng bình lưu tại các cực hình thành ở nhiệt độ dưới –78 °, các phản ứng hóa học phá hủy các phân tử ôzôn khi có bức xạ Mặt trời sẽ xuất hiện.

Peuch cho biết: "Với việc ánh sáng mặt trời bắt đầu chiếu trở lại Nam Cực trong những tuần qua, chúng ta đang thấy sự suy giảm tầng ôzôn tiếp tục diễn ra tại đây. Sau khi ghi nhận lỗ thủng tầng ôzôn nhỏ lại bất thường nhưng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn vào năm 2019, một lỗ hổng khá lớn do điều kiện khí hậu đặc biệt đã xuất hiện trở lại trong năm nay. Điều này càng thêm minh chứng rằng, chúng ta cần tiếp tục thực thi Nghị định thư Montreal và cấm phát thải các hóa chất làm suy giảm tầng ôzôn".

Nghị định thư Montreal là cột mốc quan trọng trong thành tựu môi trường của nhân loại. Mục tiêu của nó là dần loại bỏ việc sản xuất chlorofluorocarbons (CFC), loại hóa chất trước đây thường được sử dụng trong tủ lạnh, bao bì và bình xịt. Nó đã được chứng minh có thể phá hủy các phân tử ozon dưới tác động của ánh sáng Mặt trời.

Mặc dù hiện tại các nỗ lực của nhân loại đang giúp "vá" lỗ thủng tầng ôzôn ở Nam Cực nhưng những biến động liên tục trong vài năm gần đây cho thấy, quá trình chữa lành sẽ còn lâu dài.

Một đánh giá năm 2018 của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho thấy, nồng độ khí ozon trên Nam Cực sẽ trở lại mức tương đối bình thường từng ghi nhận trước những năm 1980 vào khoảng năm 2060. Để thực hiện mục tiêu này, chúng ta phải tuân thủ nghị định thư một cách tuyệt đối.

Các nhà nghiên cứu cho biết, sự kiện năm 2020 chủ yếu do tác động của một xoáy cực mạnh. Đây là hiện tượng gió khiến nhiệt độ tầng bình lưu trên Nam Cực lạnh bất thường. Ngược lại, nhiệt độ ấm hơn vào năm ngoái là nguyên nhân dẫn đến kích thước lỗ thủng tầng ôzôn thu hẹp kỷ lục vào năm 2019.

Paul Newman, nhà nghiên cứu chuyên về Khoa học Trái đất tại Trung tâm Goddard Space Flight của NASA ở Greenbelt, Maryland cho biết: "Điều quan trọng là phải nhận ra rằng, những gì chúng ta thấy vào năm 2019 là do nhiệt độ tầng bình lưu ấm hơn. Đó không phải là một dấu hiệu cho thấy tầng ozon trong khí quyển đang phục hồi nhanh chóng".

Rõ ràng để tiến tới vá được tầng ozon hoàn toàn, con người sẽ còn một chặng đường dài phía trước và đặc biệt cần sự đồng lòng của tất cả các quốc gia trong việc ngừng phát thải các khí gây hại cho tầng ozon.

Tiến Thanh (Theo Sciencealert)

Chủ đề khác