VnReview
Hà Nội

Suýt chết vì tắm nước nóng xong đi vào phòng lạnh

Một người đàn ông Colorado, Mỹ, suýt chết vì bị dị ứng mạnh với nhiệt độ lạnh khi người này đột ngột bước vào phòng lạnh sau khi vừa tắm nước nóng.

Ảnh minh họa

Theo trang Livescience, người đàn ông 34 tuổi ngã gục xuống sau khi ra khỏi phòng tắm và gia đình phát hiện anh ta nằm trên sàn nhà. Bệnh nhân khó thở và da nổi mề đay. Anh ta đang trải qua một phản ứng dị ứng toàn thân, đe dọa tính mạng được gọi là sốc phản vệ.

Khi nhân viên y tế đến, gia đình nói rằng người đàn ông có tiền sử "dị ứng với thời tiết lạnh". Trước đây anh ta đã từng bị nổi mề đay khi cơ thể phản ứng với cái lạnh, nhưng không phải là sốc phản vệ. Những giai đoạn này bắt đầu sau khi anh ấy chuyển từ Micronesia, nơi có khí hậu nhiệt đới, đến Colorado, nơi có nhiệt độ lạnh hơn.

Các nhân viên y tế đã điều trị cho người đàn ông bằng epinephrine và oxy, và đưa đến phòng cấp cứu. Khi đến bệnh viện, bệnh nhân đổ mồ hôi nhễ nhại và nổi mề đay khắp người.

Theo Mayo Clinic, các bác sĩ chẩn đoán anh bị nổi mề đay do lạnh, một phản ứng dị ứng của da sau khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh, bao gồm cả không khí lạnh hoặc nước lạnh. Các triệu chứng tương tự cũng có thể phát triển sau khi ăn thức ăn hoặc đồ uống lạnh.

Triệu chứng phổ biến nhất là phát ban đỏ, ngứa (phát ban) sau khi tiếp xúc với lạnh; nhưng trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, bệnh nhân có thể bị sốc phản vệ, khiến huyết áp giảm mạnh và đường thở bị thu hẹp, gây khó thở. Các phản ứng nghiêm trọng hơn thường xảy ra khi da toàn thân tiếp xúc với giá lạnh, chẳng hạn như khi mọi người bơi trong nước lạnh. Trong trường hợp của người đàn ông ở Colorado, toàn bộ cơ thể của anh ta đã tiếp xúc với không khí lạnh sau khi bước ra khỏi phòng tắm.

Bác sĩ đã xác nhận chẩn đoán bằng cách sử dụng "xét nghiệm đá viên", bao gồm việc đặt một viên đá lên da trong khoảng 5 phút. Nếu bệnh nhân xuất hiện một vết sưng đỏ, nổi lên trên da nơi đặt viên đá lạnh, họ được chẩn đoán là bị mề đay do lạnh.

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, chưa biết chính xác mức độ phổ biến của tình trạng này song một nghiên cứu ở châu Âu cho thấy tỷ lệ mắc bệnh là 0,05%. Thông thường, phản ứng sốc phản vệ ít xảy ra hơn phản ứng dạng phát ban.

Trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân của tình trạng này không được xác định, nhưng đôi khi nó có thể do di truyền. Ở những người khác, mề đay do lạnh gây ra do một số thứ ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như nhiễm virus hoặc một số bệnh ung thư.

Phản ứng dị ứng xảy ra do tiếp xúc với cái lạnh khiến hệ thống miễn dịch giải phóng các hóa chất gọi là histamine, kích hoạt phản ứng viêm.

Tại bệnh viện, bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng histamine và steroid, tình trạng đã được cải thiện. Trước khi xuất viện, các bác sỹ tư vấn tránh tiếp xúc với nước lạnh hoặc các tình huống khác khiến toàn bộ cơ thể bị lạnh. Bệnh nhân cũng được kê một ống tiêm tự động epinephrine, có thể điều trị sốc phản vệ trong các tình huống khẩn cấp.

Hoàng Lan

Chủ đề khác