VnReview
Hà Nội

Vì sao con người chúng ta "mắc" chứng khó đọc?

Dù nguyên nhân và việc chẩn đoán chứng khó đọc vẫn là một vấn đề gây tranh cãi trong y khoa, khuyết tật ngôn ngữ này không phải là một căn bệnh mà bạn có thể nhiễm phải và rồi hết bệnh.

Tất cả chúng ta đều được sinh ra với bộ não của nhà toán học, dù bạn có nhận ra hay không

Nói một cách chính xác thì chúng ta không "mắc" chứng khó đọc vì đây không phải là một căn bệnh truyền nhiễm hay là kết quả của chấn thương não, theo trang tin khoa học Science Focus của BBC. Việc mất khả năng đọc hay viết sau khi bị chấn thương não được gọi là alexia, còn chứng khó đọc (tiếng Anh dyslexia) là một khuyết tật trong đọc, viết và những khả năng khác. Chứng khó đọc thường biểu hiện ra khi trẻ nhỏ phải vật lộn để thành thạo các kỹ năng này ở trường. Nhiều trẻ gặp khó khăn trong việc đọc vì trí tuệ thấp, còn trẻ được chẩn đoán bị chứng khó đọc là khi khả năng đọc kém so với trí tuệ bình thường.

Theo Wikipedia, chứng khó đọc còn gọi là rối loạn đọc (reading disorder), những rắc rối về đọc hiểu dù trí tuệ bình thường. Chứng khó đọc có ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau. Những rắc rối thường gặp khi mắc chứng khó đọc là khó khăn trong việc đánh vần các từ, đọc nhanh, viết từ, "đọc thành tiếng" các từ trong đầu, phát âm từ khi đọc thành tiếng và hiểu những gì người khác đọc.

(Ảnh: hellobacsi)

Thống kê của Science Focus cho thấy có khoảng 5-17% dân số Anh bị chứng khó đọc, dù việc chẩn đoán còn gây tranh cãi.

Khó đọc là do một thành phần di truyền, và có nhiều lý thuyết khác nhau về vai trò của gen trong chứng bệnh này. Một số lý thuyết nói tới các khuyết tật trong tiểu não (cerebellum), nơi kiểm soát các vận động tinh, số khác thì cho rằng đó là do các vấn đề trong hệ thống thị giác, các hệ thống chú ý hay những nơi khác trong não.

Chúng ta nên nhớ rằng, bộ não con người không tiến hóa trong thế giới đầy rẫy các con số, chữ cái và sách. Do đó, không ngạc nhiên khi không phải tất cả chúng ta đều thích ứng tốt để nắm bắt những kỹ năng hiện đại nói trên.

Vận động tinh (fine movements) là khả năng vận động của bàn tay, các ngón tay, cổ tay như cầm muỗng đũa, bút, dao, kéo, nắm, xoay, vặn, siết đồ vật, lắp ghép khối đồ chơi. Kỹ năng vận động tinh (fine motor skills) là cơ sở để trẻ phát triển khả năng viết chữ đẹp, khả năng nghệ thuật của đôi tay như thêu, đan, nặn tượng, vẽ tranh...

Ngược lại với vận động tinh là vận động thô (gross movements), là sự vận động của các nhóm cơ lớn hơn như lật, bò, đứng, đi, lăn, trườn, xoay, chạy, đá chân, ném, vung tay, kéo, đẩy, leo trèo...

Trẻ sẽ phát triển khả năng vận động thô trước vận động tinh, học đi đứng nằm ngồi trước khi học cầm muỗng.

Linh Trần (Theo ScienceFocus)

Chủ đề khác