VnReview
Hà Nội

Liên tục bị "thêu dệt" bởi những thuyết âm mưu, vậy tóm lại trạm 5G có an toàn?

Có thể bạn đã từng nghe đâu đó từ một người bạn, gia đình hay người quen rằng: 5G - thế hệ thứ năm của mạng di động băng thông rộng có hại và thực sự có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng thật ra đó chỉ là thuyết âm mưu hay đúng hơn câu chuyện về nó nên được dừng lại.

Trạm 5G là cơ sở hạ tầng được sử dụng để chứa thiết bị mạng giúp tăng tốc độ truy cập internet. Mặc dù khác biệt về mặt chức năng so với các trạm viễn thông di động mà chúng ta thường thấy (phát ra sóng vô tuyến với tần số cao hơn và độ dài sóng ngắn hơn) thì về cơ bản chúng hoàn toàn vô hại.

Với sự bùng phát của đại dịch Covid-19, những lời đồn xấu về mạng 5G thậm chí càng được thêu dệt tồi tệ hơn, với những cáo buộc vô căn cứ rằng có mối liên hệ giữa virus corona và việc triển khai lắp đặt các trạm 5G. Nỗi sợ hãi này đã khiến gần 80 trạm điện thoại di động bị đốt cháy tại Vương quốc Anh trong những tháng gần đây.

Tuy nhiên, loạt iPhone mới nhất của Apple lại cho thấy sự hướng đến khả năng truy cập internet nhanh hơn với mạng 5G và theo nhà phân tích hàng đầu của Apple, các model iPhone 12 đã vượt qua model iPhone 11 năm ngoái về số lượng đơn đặt hàng trong 24 giờ đầu.

Vậy tại sao một số người vẫn tuyên bố chống lại 5G trong khi số khác lại vui mừng hưởng ứng công nghệ mới? Các trạm 5G thực sự hoạt động như thế nào và vì sao chúng lại thổi bùng nỗi sợ, sự bất định và nghi ngờ ở một nhóm thiểu số?

5G hoạt động như thế nào?

Một kỹ thuật viên Trung Quốc đeo khẩu trang khi lắp đặt một trạm 5G Huawei mới ở khu thương mại tại Bắc Kinh ngày 23 tháng 4 năm 2020. Ảnh: Kevin Frayer.

Không giống như mạng lưới trạm điện thoại di động hỗ trợ mạng LTE, thường cao từ 61m - 122m, được đặt rải rác hàng cây số, mạng 5G dựa vào các thiết bị nhỏ nhắn, được đặt tên một cách khéo léo là "tế bào nhỏ", thường được gắn liền vào các cột điện đã quy hoạch sẵn trong cấu trúc đô thị.

Để hiểu tại sao lại có sự trái ngược hoàn toàn giữa các loại cơ sở hạ tầng này, trước tiên chúng ta phải đi sâu vào công nghệ nền tảng của 5G: Sóng điện từ.

Quang phổ khả kiến (tất cả quang phổ mà chúng ta có thể nhìn thấy được bằng mắt thường) tồn tại dọc theo quang phổ điện từ lớn hơn, nhưng nó thật ra chỉ là một đốm sáng. Trong biểu đồ bên dưới, chúng ta có thể thấy quang phổ khả kiến nằm giữa tia cực tím và tim hồng ngoại (từ 400 đến 700 nanomet). Các cơ quan thụ cảm nằm trong mắt chúng ta, hay còn gọi là tế bào hình nón và hình que, chỉ phát hiện ánh sáng nằm trong tần số này.

Khi năng lượng tăng dọc theo phổ điện từ thì các sóng dần ngắn đi, chẳng hạn như là các tia gamma mạnh hơn rất nhiều và có mật độ sóng dày đặc hơn so với sóng đài FM. Vì vậy, tần số và bước sóng có mối quan hệ nghịch đảo.

5G hoạt động ở tần số cao hơn những tiêu chuẩn liên lạc khác mà chúng ta đã quen thuộc như là 3G, 4G hay LTE. Các mạng này hoạt động ở tần số từ 1 đến 6 GHz, trong khi theo các chuyên gia thì 5G nằm gần hơn với băng tần từ 24 đến 90 GHz.

Bởi vì sóng 5G hoạt động ở tần số cao hơn, nên chúng mạnh hơn nhưng đồng thời cũng có độ dài ngắn hơn. Đây là lý do chính tại sao việc triển khai 5G lại đòi hỏi cơ sở hạ tầng mới vì các sóng đều có đặc điểm khác nhau. Chẳng hạn, các sóng ngắn hơn sẽ dễ bị nhiễu hơn do các vật thể như cây cối, các tòa nhà chọc trời và thậm chí cả những giọt mưa hoặc những mảnh tuyết.

Trên thực tế, đó là lý do tại sao các "tế bào nhỏ" được lắp đặt trên các cột điện. Đặc biệt là ở các khu vực thành phố, 5G nhanh và mạnh mẽ, nhưng không thể truyền tốt qua các bức tường hoặc các vật cản khác. Vì vậy, càng có nhiều điểm tiếp sóng, tín hiệu sẽ càng tốt.

Tại sao mọi người lại hoảng loạn vì trạm 5G?

Thành thật mà nói, phần lớn thông tin nhảm nhí mà các thuyết âm mưu chia sẻ về 5G đều liên quan đến vấn đề bức xạ theo một cách nào đó. Về cốt lõi, bức xạ chính là năng lượng và nó không phải lúc nào cũng là dạng bức xạ gây ung thư như tai nạn hạt nhân, chẳng hạn như tai họa Chernobyl.

Trên thực tế, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), bạn có thể xem xét bức xạ như là "sóng điện từ".

Một khi bạn hiểu được rằng 5G (và các tiền nhiệm của nó như LTE, 4G, 3G…) hoạt động dọc theo phổ điện từ, truyền điện từ xuyên qua khí dưới dạng sóng, bạn có thể bắt đầu nhận thấy mối liên hệ với những mớ lý luận đầy lộn xộn ngoài kia.

Và dưới đây là ba trong số những câu chuyện hoang đường nhất và tại sao chúng lại sai lệch một cách nghiêm trọng như vậy.

Chuyện hoang đường số 1: 5G gây ung thư

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, vẫn chưa có đủ bằng chứng khoa học cho thấy tần số vô tuyến phát ra từ trạm điện thoại di động là có hại, chúng ta cần đào sâu nghiên cứu thêm để xác định được mức độ an toàn tổng thể:

"Tại thời điểm này, không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy việc tiếp xúc với sóng vô tuyến từ trạm điện thoại di động gây ra bất kỳ ảnh hưởng rõ ràng nào đến sức khỏe. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là sóng vô tuyến từ trạm điện thoại di động đã được chứng minh là an toàn tuyệt đối. Hầu hết các tổ chức lớn đều đồng ý rằng cần nghiên cứu thêm để làm rõ điều này, đặc biệt là đối với những ảnh hưởng dài hạn có thể xảy ra".

Các sóng cho phép liên lạc không dây được coi là "bức xạ không ion hóa", có nghĩa là chúng không làm tổn thương trực tiếp đến DNA bên trong tế bào. Đó là cách mà các dạng bức xạ mạnh hơn có thể gây ung thư. Lúc này, chúng ta hãy cùng nhớ lại biểu đồ mô tả phổ điện từ đã được đề cập ở trên: bức xạ ion hóa có hại bao gồm tia X, tia gamma và tia tử ngoại.

Bởi vì 5G sử dụng sóng có tần số cao hơn, mạnh hơn so với 4G hoặc LTE, nên có vẻ chúng ta đã mường tượng được phần nào thuyết âm mưu này bắt nguồn từ đâu. Nhưng hãy nhớ rằng trong hầu hết các trường hợp, tần số 5G không hề vượt quá 100 GHz, khoảng cách khá xa so với bức xạ có hại (được đo bằng Ehz).

Chuyện hoang đường số 2: Các trạm 5G có thể lây nhiễm COVID-19

Nghe có vẻ phi lý nhưng một số người thực sự tin rằng COVID-19 có thể lan truyền thông qua các trạm 5G. Tổ chức Y tế Thế giới WHO thu thập tất cả những câu chuyện hoang đường nhất về virus corona chủng mới và tin đồn này vẫn luôn nằm trong top đầu.

Thật không may, có vẻ như thông tin sai lệch lại đến từ một nghiên cứu tệ hại mà bằng cách nào đó đã được đưa lên PubMed, một tạp chí khoa học nổi tiếng, vào ngày 16 tháng 7 năm nay.

Một nhóm các nhà nghiên cứu chủ yếu gồm các nhà khoa học từ Khoa Da liễu tại Đại học Tổng hợp Y khoa quốc gia đầu tiên Moscow ở Nga và Khoa Vật lý hạt nhân, Tiểu hạt nhân và Bức xạ tại Đại học G. Marconi ở Rome, Ý khẳng định một cách trừu tượng rằng sóng 5G mmWave có thể dẫn đến những ổ virus trong cơ thể người.

Joel Hruska từ trang ExtremeTech cho hay:

"Các virus biến tế bào cơ thể người thành các ‘nhà máy' để tự tái tạo nhiều bản thể hơn. Đây thực sự là cách hoạt động của virus. Nhưng một loại virus yêu cầu tín hiệu vô tuyến làm phương tiện trung gian (đó là điều mà các tác giả tuyên bố, vì họ nhận định 5G ‘đóng vai trò chính') là một loại virus cực kỳ nhảm nhí".

Tập tài liệu được đề cập có tiêu đề "Công nghệ 5G và sự cảm ứng virus corona trong các tế bào da" đã được thu hồi nhưng thiệt hại thì đã xảy ra theo đúng nghĩa đen. Hồi tháng 4, đã có hàng chục sự cố trên khắp châu Âu, khi mà mọi người bắt đầu đốt các trạm 5G và công kích các kỹ sư viễn thông.

Chuyện hoang đường số 3: Trung Quốc sử dụng 5G để theo dõi chúng ta

Thuyết âm mưu này nghe có vẻ hợp lý nhất, nhưng khả năng nó xảy ra vẫn là khá thấp.

Lý thuyết sẽ theo hướng như thế này: Nếu các công ty Trung Quốc với sự liên hệ mật thiết với chính quyền trung ương hoàn thành việc triển khai các trạm 5G truyền thông tin liên lạc không dây 5G, họ sẽ có thể theo dõi chúng ta thông qua các "cửa hậu" trong thiết bị đó.

Và như "đổ thêm dầu vào lửa", những người đứng đầu các công ty viễn thông lại tán thành cho quan điểm này. Trao đổi với tờ Financial Times, Scott Petty, giám đốc công nghệ tại Vodafone UK cho rằng: "Chúng tôi không tin tưởng bất cứ ai, cho dù họ ở Trung Quốc hay Mỹ và không một nhà điều hành nào nên như vậy. Công việc của chúng tôi là bảo vệ khách hàng của mình".

Điều này có thực sự đúng? Khó có thể khẳng định được. Nhưng tại Mỹ, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã cấm cửa Huawei - một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới - khỏi các hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng 5G ở nước này, bao gồm các trạm gốc, ăng-ten và máy chủ máy tính.

Không rõ Huawei liệu có thực sự là mối đe dọa đến an ninh quốc gia hay không hay chỉ là một "con tốt" nữa trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Toàn bộ cuộc tranh luận thậm chí còn gợi nhớ một chút đến lập luận rằng TikTok của ByteDance là một công cụ theo dõi của Trung Quốc. Nhưng dù trong trường hợp nào, rõ ràng là Mỹ đã chủ động trong xử lý với Huawei như thể đó là một mối đe dọa nhất định, khiến giả thuyết cho rằng Trung Quốc có thể thực hiện những hành vi do thám thông qua 5G có vẻ không hề thực tế.

Giang Vu theo Popular Mechanics

Chủ đề khác