VnReview
Hà Nội

Làm chủ công nghệ là chiến lược quan trọng giúp Việt Nam kiểm soát dịch Covid-19

Sáng 5/11, Bộ Thông tin Truyền thông phối hợp cùng Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội thảo 'Ứng dụng khoa học công nghệ trong việc phòng, chống và điều trị Covid-19'.

Bluezone xác định hơn 1.900 ca nghi nhiễm Covid-19

Hội thảo có sự góp mặt của Đại sứ quán nhiều nước tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, bác sĩ trực tiếp chữa Covid-19 tại Việt Nam... Tại đây, các công nghệ, kinh nghiệm của Việt Nam được áp dụng trong việc phòng chống, điều trị Covid-19 đã được giới thiệu đến cộng đồng quốc tế.

Phát biểu tại hội thảo, ông Triệu Minh Long - Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Bộ TT&TT) cho biết đến hiện tại Việt Nam có 1.206 ca mắt Covid-19, 35 ca tử vong và 63 ngày liên tiếp không có ca mắc mới tại cộng đồng. Nước ta là một trong những quốc gia được đánh giá chống dịch tốt, duy trì sinh hoạt bình thường của người dân.

Những số liệu kể trên cho thấy Việt Nam hiện đang phòng chống Covid-19 rất tốt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên thế giới đang có những diễn biến vô cùng phức tạp. Hiện tại toàn cầu đã ghi nhận tổng số 48,1 triệu ca nhiễm Covid-19, 1,23 triệu ca tử vong và mỗi ngày vẫn có khoảng 500.000 ca nhiễm mới. Một số quốc gia trên thế giới đã phải tái phong tỏa do tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp trở lại.

Theo các chuyên gia, thành công chống dịch tại Việt Nam ngoài các biện pháp chuyên môn của ngành y tế thì việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng rất quan trọng. Ông Triệu Minh Long cho biết thêm: 'Thực tế tại Việt Nam, bên cạnh các biện pháp chuyên môn của ngành y tế thì chiến lược ứng dụng công nghệ vào việc kiểm soát, phòng chống và điều trị bệnh Covid-19 đã được đẩy mạnh. Trong đó phải kể đến: Bluezone - ứng dụng cảnh báo và truy vết khi có tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19; ứng dụng thiết bị thở Oxy lưu lượng cao HFNC trong điều trị Covid-19...'.

Mục tiêu của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch Covid-19 là giúp ngăn chặn, kiểm soát không để dịch bệnh lan rộng; giảm tối đa ca tử vong do dịch bệnh; không để lây lan chéo trong quá trình điều trị người nhiễm bệnh; không để tâm lý xã hội hoàng loạn hoặc lơ là chủ quan. Tại Việt Nam, ngay từ khi dịch xuất hiện, cơ quan chức năng đã triển khai nhắn tin tuyên truyền người dân. Trong đó, đến hiện tại đã có 11 đợt nhắn tin, 20 nội dung tuyên truyền với hơn 15 tỷ tin nhắn SMS, 5 tỷ bản tin Zalo được gửi đi trong 2 tháng. Tỷ lệ tiếp cận thông tin về phòng chống dịch Covid-19 qua tin nhắn đạt 78%.

Việt Nam cũng có các ứng dụng di động để người dân chủ động trong phòng chống dịch như Ncovi (ứng dụng khai báo y tế tự nguyện); Bluezone (Ứng dụng quản lý tiếp xúc gần); Vietnam Health Declaration (Ứng dụng khai báo y tế nhập cảnh); Sức khỏe Việt Nam (ứng dụng cung cấp thông tin dịch bệnh); Covid-19 (Ứng dụng cung cấp thông tin của Bộ Y tế)...

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng triển khai hệ thống quản lý số liệu phục vụ chỉ đạo điều hành. Điều này giúp tổng hợp dữ liệu về dịch Covid-19 dưới dạng biểu đồ trực quan, cung cấp các mối tương quan dữ liệu theo độ tuổi, giới tính, địa phương và hỗ trợ theo dõi mối liên hệ giữa các bệnh nhân, theo dõi mức độ lây lan...

Tại hội thảo, ông Nguyễn Tử Quảng - CEO của Tập đoàn Bkav (đơn vị phát triển ứng dụng Bluezone) chia sẻ: 'Nhờ Bluezone chúng ta đã truy vết ra được gần 2.000 người thuộc diện F1, F2 và giúp công tác truy vết Covid-19 hiệu quả, đỡ tốn kém hơn rất nhiều. Nếu như chúng ta coi cuộc chiến chống Covid-19 trên toàn thế giới như là cuộc chiến sinh học thì Bluezone như là vũ khí hiệu quả'.

CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng chia sẻ về ứng dụng Bluezone tại hội thảo

Về vấn đề điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa cấp cứu bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương cũng chia sẻ về kinh nghiệm của Việt Nam. Ông cho biết: 'Nhân viên y tế sử dụng mũ bảo hộ trùm đầu thì phát sinh vấn đề là khi họ hít thở 1 lúc sẽ bị mờ kính. Nó cũng khiến nhân viên y tế rất khó thở và bí. Giải pháp được chúng tôi thực hiện để khắc phục vấn đề này là sản xuất một chiếc máy lọc không khí giúp kính không bị mờ, làm thoáng không khí để người dùng có thể làm việc rất lâu. Một trong những khoảng thời gian làm việc lâu nhất với giải pháp này là trong chuyến nhân viên y tế đi đón công dân Việt Nam ở Guinea Xích Đạo trở về. Chuyến bay về kéo dài 15 giờ và nhân viên y tế đã sử dụng thiết bị này trong suốt quãng thời gian đó. Toàn bộ phi hành đoàn, nhân viên y tế của chuyến bay đó ngồi cùng khoảng 110 bệnh nhân dương tính với Covid-19 và khi về Việt Nam không ai bị lây nhiễm'.

Đồng thời, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cũng chia sẻ với bạn bè quốc tế kinh nghiệm điều trị COVID-19 và các bệnh hô hấp khác sử dụng thiết bị thở Oxy lưu lượng cao HFNC. Một trong những thay đổi mang tính "bước ngoặt" trong cuộc chiến chống COVID tại Việt Nam đến từ quyết định chỉ can thiệp hỗ trợ hô hấp không xâm nhập thay vì đặt nội khí quản cho một số trường hợp bệnh nhân nặng. Điều này vừa giúp tiết kiệm nguồn lực vừa mang lại lợi ích cho bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp chia sẻ kinh nghiệm điều trị Covid-19 tại hội thảo

Tại hội thảo, một số sản phẩm khoa học công nghệ được phát triển trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh Covid-19 cũng được giới thiệu đến bạn bè quốc tế.

T.T

Chủ đề khác