VnReview
Hà Nội

Ngạc nhiên chưa: Động vật cũng giãn cách xã hội để ngăn lây lan dịch bệnh

Có. Nhiều loài động vật như tôm hùm, ễnh ương, và thậm chí là những chú kiến nhỏ đều tránh xa những đồng loại bị ốm và cô lập chúng nhằm ngăn bệnh tật lây lan sang những cá thể khác.

Giãn cách xã hội là hành động duy trì khoảng cách an toàn giữa người với người nhằm làm chậm quá trình lây lan của một dịch bệnh. Trước đại dịch virus corona, có lẽ hầu hết chúng ta chưa bao giờ nghe đến khái niệm "giãn cách xã hội", nhưng chỉ trong vòng vài tháng ngắn ngủi, khái niệm này đã trở nên phổ biến trên toàn cầu.

Đọc đến đây, bạn hẳn sẽ nghĩ giãn cách xã hội chỉ áp dụng đối với loài người, nhưng bạn đã lầm. Vương quốc động vật thực ra đã thực hành giãn cách xã hội từ rất lâu trước khi con người đặt tên cho hành động này!

Với hầu hết chúng ta, giãn cách xã hội có vẻ phi tự nhiên và kỳ quặc, nhưng trong vương quốc động vật, đây là hành động khá phổ biến, và trong một số trường hợp là điều hết sức bình thường. Giống như loài người, khi một con vật mắc bệnh trong tự nhiên, các cá thể khác cùng loài sẽ tránh xa cá thể nhiễm bệnh để bảo vệ bản thân và hạn chế sự lây lan của căn bệnh.

Trước đây, không ai biết bằng cách nào mà các loài động vật có thể nhận biết được các cá thể mắc bệnh. Quan trọng hơn, cơ chế chính xác mà các loài động vật sử dụng là khá mơ hồ. Tuy nhiên, trong vài thập kỷ trở lại đây, các nhà khoa học đã hiểu ngày càng rõ ràng hơn về giãn cách xã hội trong thế giới động vật.

Giãn cách xã hội kiểu tôm hùm

Vào đầu những năm 2000, các nhà khoa học đã thử nghiệm để xem loài tôm hùm gai Caribbe (Panulirus argus) phản ứng ra sao đối với các cá thể bị nhiễm virus;Panulirus argus 1. Loại virus này có khả năng lây nhiễm cao (và nguy hiểm), có thể lây nhiễm cho những cá thể tôm hùm gai chưa đến tuổi trưởng thành thông qua tiếp xúc vật lý. Điều này đặc biệt đáng lo ngại bởi tôm hùm gai là loài có thiên hướng xã hội cao. Chúng sống cùng nhau, thường chia sẻ nơi ở cho nhau. Do đó nếu không có cơ chế để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, những chú tôm hùm sẽ gặp rắc rối thực sự.

Qua thử nghiệm, các nhà khoa học phát hiện ra rằng những chú tôm hùm bị nhiễm virus đã tránh ở chung với các cá thể khoẻ mạnh cùng loài, và một số thì thích sống với những cá thể bị lây nhiễm khác. Họ nhận ra rằng có 93% số tôm hùm bị nhiễm bệnh chuyển sang sống đơn độc, phần còn lại tiếp tục sống chung với các cá thể khác.

Nghiên cứu sâu hơn, các nhà khoa học đã thử nghiệm cơ chế này trong phòng thí nghiệm. Cụ thể, những chú tôm mắc bệnh và khoẻ mạnh phải lựa chọn giữa một cái ổ trống hay ổ có một chú tôm bị bệnh/khoẻ mạnh khác. Khá thú vị là thử nghiệm cho thấy những chú tôm hùm khoẻ mạnh tránh vào ổ với những cá thể mắc bệnh, nhưng lại chia sẻ ổ với những cá thể khoẻ mạnh.

Một nghiên cứu tiếp nối cũng do nhóm nghiên cứu nói trên thực hiện vào năm 2010 tiết lộ rằng những chú tôm hùm gai khoẻ mạnh sử dụng các dấu hiệu hoá học để xác định những cá thể mắc bệnh và tránh sống chung với chúng. Ngược lại, những chú tôm hùm mắc bệnh không ưu tiên ổ nào và vào sống một cách bình thường, bất kể cá thể bên trong khoẻ mạnh hay mắc bệnh.

Giãn cách xã hội kiểu ễnh ương

Vào cuối thập niên 1990, các nhà khoa học khám phá được rằng loài ễnh ương (Rana catesbeiana) thực hành giãn cách xã hội khi các cá thể cùng loài tiếp xúc với Candida humicola, một loại nấm men thường ảnh hưởng đến đường ruột của nhiều loài lưỡng cư. Ễnh ương đặc biệt dễ mắc C. humicola. Loại nấm này lây lan khi nòng nọc uống nước có chứa phân hoặc các tế bào của mầm bệnh. Bệnh này sẽ làm suy giảm nghiêm trọng tốc độ sinh trưởng của ễnh ương, đồng thời còn gây tử vong.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng các cá thể không bị nhiễm bệnh dành ra đến hơn 75% thời gian để tránh các cá thể đã nhiễm bệnh. Tương tự như tôm hùm gai, ễnh ương cũng dựa vào các dấu hiệu hoá học phát ra từ những cá thể nhiễm bệnh để bảo vệ chính chúng. Mặt khác, các cá thể nhiễm bệnh không thể hiện thái độ ưu tiên sống chung với các cá thể nhiễm bệnh khác hay các cá thể không nhiễm bệnh.

Giãn cách xã hội kiểu kiến

Ai mà nghĩ rằng kể cả những sinh vật nhỏ bé nhất hành tinh cũng thực hành giãn cách xã hội?

Kiến là loài có tổ chức xã hội rất cao, với những mạng lưới xã hội rắc rối vẫn còn ẩn chứa nhiều bí mật. Chúng sống trong những tổ kiến với số lượng cá thể giao động từ chỉ một nhóm nhỏ cho đến những tổ kiến được tổ chức chặt chẽ có hàng triệu cá thể bên trong. Chính vì vậy, giao tiếp là hành động cực kỳ thiết yếu đối với loài kiến, giúp chúng biết khi nào phải đi thu thập tài nguyên, hay khi nào cần ngăn chặn sự lây lan của một dịch bệnh trong tổ của mình. Loài kiến đã phản ứng với dịch bệnh lây lan trong cộng đồng của chúng ra sao?

Vài năm trước, một nhóm các nhà khoa học đã nghiên cứu cách loài kiến (Lasius niger) thay đổi hành vi của chúng khi có sự hiện diện của mầm bệnh. Họ phát hiện ra rằng những chú kiến phải ra ngoài tìm thức ăn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn kiến thợ làm việc trong tổ, bởi chúng dành nhiều thời gian ở bên ngoài tổ hơn. Họ còn tìm thấy một sự chia tách rõ ràng giữa những chú kiến có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao hơn (kiến tìm thức ăn) và những cá thể được xem là có giá trị cao, như kiến y tá và kiến chúa. Sự chia tách này đồng nghĩa mỗi khi một tổ kiến phải đối mặt với tình hình dịch bệnh bùng lên, kiến chúa và kiến y tá sẽ tự cô lập chính chúng khỏi kiến tìm mồi để giảm thiểu khả năng lan truyền bệnh tật.

Không may là, cho đến thời điểm này chỉ có một số rất ít các nghiên cứu ghi lại quá trình giãn cách xã hội trong thế giới hoang dã. Tuy nhiên, từ những nghiên cứu ít ỏi đã được thực hiện, có một điều rất rõ ràng có thể rút ra: động vật đã thực hành giãn cách xã hội từ rất lâu trước khi loài người chúng ta biết đến điều đó, và chúng cũng thực hiện giãn cách tốt hơn hơn nhiều so với loài người!

Minh.T.T theo ScienceABC

Chủ đề khác