VnReview
Hà Nội

Nghiên cứu cảnh báo biến đổi khí hậu có thể làm tăng tỷ lệ ung thư lên gấp nhiều lần

Ô nhiễm không khí và các vấn đề liên quan đến khí hậu, đất, nước, bức xạ đang đe dọa sẽ làm gia tăng tỷ lệ người mắc ung thư trên toàn cầu lên tới 2 con số trong thời gian tới.

Theo một nghiên cứu mới đây đến từ Đại học California, San Francisco, các nhà khoa học kêu gọi cần có hành động kịp thời để kiềm chế nguy cơ ung thư do biến đổi khí hậu.

Hiện nay một loạt các yếu tố tác động đến các vấn đề sức khỏe do khí hậu thay đổi, bao gồm sự thay đổi về lượng mưa và nhiệt độ cao hơn đã dẫn tới tình trạng lây lan một số bệnh như sốt rét.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, khi nói đến biến đổi khí hậu và ung thư, vấn đề lớn nhất là việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm, chất độc công nghiệp, gián đoạn nguồn cung cấp nước và thực phẩm, bức xạ UV.

Tác giả chính Robert A. Hiatt, giáo sư về dịch tễ học và thống kê sinh học của Đại học California cho biết: "Trong cuộc chiến giảm thiểu biến đổi khí hậu, cộng đồng quốc tế đã không đi đúng hướng trong nỗ lực làm chậm lượng phát thải khí nhà kính. Năm 2015-2019 là giai đoạn 5 năm ấm nhất từng được ghi nhận và năm 2020 đã chứng kiến ​​những tác động to lớn đến khí hậu, từ cháy rừng đến bão".

Tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe là rất lớn và dự kiến ​​sẽ tiếp tục gia tăng nếu không có hành động kịp thời. Nhiệt độ cao, chất lượng không khí kém và cháy rừng khiến tỷ lệ mắc các bệnh về hô hấp và tim mạch cao hơn.

Nhiệt độ ấm hơn và lượng mưa thay đổi làm tăng nguy cơ lây lan các bệnh như sốt rét và sốt xuất huyết. Các tác giả chia sẻ: "Các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra tử vong, thương tích, dịch chuyển và làm gián đoạn hoạt động chăm sóc sức khỏe".

Ung thư được dự đoán là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong thế kỷ 21. Trên toàn thế giới đã ghi nhận 24,5 triệu ca ung thư mới và 9,6 triệu ca tử vong trong năm 2017, tăng đáng kể so với năm 2008 khi chỉ có 12,7 triệu ca mắc và 7,6 triệu ca tử vong.

Ung thư phổi được cho sẽ là nguyên nhân chính gây ra tử vong trên toàn thế giới. Đặc biệt căn bệnh này​​ sẽ tiếp tục gia tăng do tình trạng tiếp xúc với các hạt ô nhiễm trong không khí. Theo ước tính, ô nhiễm không khí có thể làm gia tăng thêm 15% các ca mắc mới.

Các tác giả cho biết, tác động tổng thể của biến đổi khí hậu lên các bệnh ung thư liên quan đến dinh dưỡng rất khó xác định. Trước đó một nghiên cứu mô hình toàn diện đã dự đoán hơn nửa triệu ca tử vong liên quan đến khí hậu trên toàn thế giới, bao gồm tử vong do ung thư, thay đổi nguồn cung cấp thực phẩm vào năm 2050.

Nhưng ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng không hẳn là vấn đề duy nhất.

Nghiên cứu cảnh báo rằng,biến đổi khí hậu sẽ gây ra "sự gián đoạn lớn"đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe và gây khó trong việc kiểm soát ung thư, khám sàng lọc ung thư và làm hạn chế các nguồn lực y tế cần thiết để điều trị ung thư.

Đồng tác giả của nghiên cứu, Naomi Beyeler, MPH, giải thích: "Đại dịch COVID-19 đã cho chúng ta thấy tầm quan trọng của khoa học và sức khỏe cộng đồng. Và chúng ta đã thấy trong nhiều tháng qua, các cộng đồng y tế toàn cầu đã huy động các khoản đầu tư, hoạt động nghiên cứu và hành động tập thể cần thiết để giải quyết các vấn đề sức khỏe trên quy mô toàn cầu. Bây giờ là lúc áp dụng tham vọng này để giải quyết khủng hoảng khí hậu".

Hiatt nhấn mạnh: "Phản ứng sớm trước đại dịch đã giúp giảm ô nhiễm không khí một cách đáng kể. Nó cũng cho thấy tiềm năng của các biện pháp cực đoan có thể dẫn đến sự thay đổi môi trường nhanh chóng".

Biến đổi khí hậu cũng sẽ làm trầm trọng thêm bất bình đẳng xã hội và kinh tế, dẫn đến tỷ lệ di cư và nghèo đói cao hơn. Nhóm tác giả lưu ý, những người nghèo và cộng đồng da màu sẽ có tỷ lệ tử vong do ung thư cao hơn. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, biến đổi khí hậu sẽ đẩy 100 triệu người trên toàn cầu trở lại tình trạng nghèo đói vào năm 2030.

Mặc dù vậy nghiên cứu mới chỉ đề cập đến vấn đề này trong khi đó, các nhà nghiên cứu lưu chỉ ra, sẽ mất nhiều thập kỷ để vẽ nên bức tranh toàn cảnh về biến đổi khí hậu và tác động của nó đến bệnh ung thư trên toàn cầu.

Nhóm nghiên cứu tin rằng, bằng cách giảm thiểu ô nhiễm không khí một cách quyết liệt và khẩn trương, tình trạng tử vong do ung thư phổi có thể giảm mạnh. Nhưng điều này sẽ cần tới những biện pháp và chính sách mạnh mẽ, giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tại các nước.

Mai Huyền theo Eurekalert

Chủ đề khác